Điểm tựa trong lòng dân

15:10 18/02/2009
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, lực lượng an ninh huyện Phú Vang đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với 95 thương binh, 135 liệt sĩ và không có một cán bộ, chiến sĩ nào đầu hàng phản bội, lực lượng an ninh huyện Phú Vang và 4 cán bộ an ninh huyện đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Trong mỗi chiến công của an ninh huyện Phú Vang đều bắt nguồn từ sức mạnh lòng dân đối với cách mạng và trước thử thách trong khói lửa chiến trường đã có nhiều tấm gương cao đẹp về nghĩa tình đồng chí, đồng đội của cán bộ, chiến sĩ an ninh.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, từ 15 tuổi, đồng chí La Đình Mão đã tham gia làm cơ sở hoạt động hợp pháp. 17 tuổi thoát ly gia đình tham gia vào đội Trinh sát vũ trang huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Sau đợt tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, trong khi đang làm nhiệm vụ ở hai xã vùng biển Phú Hải và Phú Ngạn thì đồng chí Mão nhận được lệnh phải về ngay xã Phú Phong (nay là xã Vinh Hà) để nhận nhiệm vụ đặc biệt. Nhận được lệnh Mão vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì đã lâu chưa được về quê thăm người mẹ thân yêu của mình, một người mẹ lòng gang dạ sắt đã thắp sáng ngọn lửa cách mạng cho Mão từ thuở ấu thơ. Bà Lê Thị Hạnh (mẹ của Mão), một cán bộ phụ nữ cứu quốc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là cơ sở cách mạng có nhiều công lao làm hầm bí mật, nuôi dưỡng và bảo vệ an toàn nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp qua các giai đoạn cách mạng gặp khó khăn, tổn thất và đen tối nhất.

Trải qua nhiều đợt tố cộng, diệt cộng, các chiến dịch bình định, gom dân lập ấp chiến lược của địch, bà Hạnh đã nổi lên là một đối tượng nguy hiểm có liên quan đến cán bộ “Việt Cộng” nằm vùng. Bọn ngụy quyền, cảnh sát đã nhiều lần thực hiện các thủ đoạn dụ dỗ, tra khảo, đánh đập, khủng bố tinh thần, tư tưởng, thúc ép từ bỏ người chồng là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Phú Vang đã đi tập kết ra miền Bắc, vẫn không lung lạc được ý chí kiên định phục vụ cách mạng, giữ vững niềm tin chờ ngày chồng bà trở về dù đã hơn hai chục năm xa cách (1). Trong hai lần bà Hạnh có tên trong danh sách địch chuẩn bị bắt lên nhà tù “Chín Hầm” và đầy đi “Côn Đảo” nhưng nhờ được huyện có cơ sở nội tuyến báo cho biết, được bố trí cho chuyển vùng và trốn thoát. Năm 1971, phong trào cách mạng ở địa phương gặp khó khăn, hầu hết cán bộ phải rút lên căn cứ, bà làm giao liên bí mật dưới hình thức đi buôn rượu từ quê hương lên vùng căn cứ giáp ranh ở Truồi, giữ vững sự liên lạc chỉ đạo của trên với cán bộ bám trụ địa bàn. Cho đến năm 1972, bà không thoát khỏi sự theo dõi của bọn ngụy quyền,cảnh sát và bị địch bắt đầy ra nhà tù Côn Đảo. Tuy bị địch tra tấn cực hình, bà vẫn một mực giữ trọn lời thề thà hy sinh không chịu khuất phục trước kẻ thù, không khai báo cơ sở, cán bộ nằm vùng và hầm bí mật, bảo vệ an toàn cho cán bộ và phong trào cách mạng ở địa phương. Năm 1973, bà được tha, trở về quê hương, bà lại tiếp tục hoạt động. Công lao hoạt động cách mạng của bà Hạnh được Đảng và Nhà nước khen thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương giải phóng hạng nhì và là thương binh loại 4/4.

Trên đường trở về đơn vị nhận nhiệm vụ đặc biệt, đồng chí La Đình Mão (2) cứ mung lung suy đoán không biết nhiệm vụ sẽ được giao là việc gì? Liệu sẽ hoàn thành ra sao? Rồi từ xã Phú Ngạn chiếc thuyền chở Mão về đến thôn Mộc Trụ, xã Phú Gia (nay là xã Vinh phú) gặp đồng chí Hồ Sỹ Ba (3), đội trưởng đội Trinh sát vũ trang huyện. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, đồng chí Mão là người được đồng chí Ba tuyển chọn vào lực lượng trinh sát vũ trang nên đồng chí Ba rất tin cậy và giao nhiệm vụ: “Theo lệnh của đồng chí Trưởng ban An ninh huyện, giao đồng chí phải về ngay gia đình bố trí cơ sở bảo vệ cán bộ lãnh đạo an ninh khu đang bị kẹt ở dưới đó”. Tình hình chiến sự lúc này đã vào giữa tháng 6/1968, hầu hết các xã trong huyện địch mở chiến dịch phản kích, càn quét, đánh phá ác liệt và chiếm lại hầu hết vùng ta đã giải phóng, chỉ còn một mảng cuối huyện thuộc xã Phú Phong địch chưa càn tới, lực lượng vũ trang và cán bộ, đảng viên đại bộ phận phải đưa lên căn cứ để bảo toàn lực lượng. Về tới gia đình vào mùng 4 tháng 5 (âm lịch), mẹ đồng chí Mão vui mừng khôn xiết gặp được con, nước mắt rưng rưng thương nhớ con, trong lòng bà muốn lưu giữ con để hỏi han thêm về công tác và sức khoẻ, nhưng vì nhiệm vụ cách mạng, bà nói ngay với Mão: “Con phải đến ngay nhà o Giáng, có các chú ở trên về đó”. Đồng chí Mão vội vã đến ngay nhà o Giáng lại gặp được đồng chí Mai Xuân Tranh là Chủ tịch uỷ ban nhân dân cách mạng xã cũng đang ở đó, đồng chí Tranh giới thiệu và trao đổi luôn: “Chú Khiêm và chú Thi ở trên huyện đưa về giao cho xã có trách nhiệm bảo vệ các chú, từ hôm nay Mão cùng đi và bố trí hầm bảo vệ chú Thi, còn tui sẽ cùng đi và bố trí hầm bảo vệ chú Khiêm” (4). Cuộc gặp mặt ban đầu thật đậm đà tình đồng chí, đồng đội, không còn sự ngăn cách giữa người chiến sĩ với thủ trưởng, Mão nhào đến ôm hôn chúng tôi với tình cảm thật thân thương, làm cho chúng tôi rất xúc động và gợi lên một niềm tin yêu, quý mến người chiến sĩ của mình.

Từ trước đó một tuần, anh Khiêm và tôi đã được an ninh huyện đưa đến ở nhà bà La Thị Giáng (o Giáng) để chăm nuôi và bảo vệ, Bà Giáng là một cơ sở cách mạng kiên trung, đã được thử thách trong khói lửa của cuộc chiến tranh cách mạng, có nhiều công lao đào hầm bí mật, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, tài liệu cơ quan Tỉnh, Huyện trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong kháng chiến chống Pháp, bà làm Trưởng ban cán sự phụ nữ thôn Nhì và là Uỷ viên Ban Chấp hành phụ nữ xã Phú phong. Chồng bà là liệt sĩ Đặng Phố, đã hy sinh năm 1953 và con gái bà là liệt sĩ Đặng Thị Bay, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mối thù nhà, nợ nước đã khắc sâu trong trái tim, khối óc của bà, dù phải chịu nhiều cực hình trong các đợt tố cộng, diệt cộng, các chiến dịch bình định, Phượng hoàng, gom dân lập ấp chiến lược và hai lần bị địch bắt tù giam ở lao Thừa Phủ, lao Thẩm vấn của cảnh sát ngụy, rồi một lần bị địch bắt đi đầy ở nhà tù Côn Đảo, song kẻ thù không thể nào khuất phục nổi ý chí cách mạng kiên cường của bà, cứ mỗi lần đi tù địch tha về, bà lại tìm bắt liên lạc với cán bộ để hoạt động.

Vừa qua, chúng tôi có dịp về thăm, bà đã trên 80 tuổi, lưng còng, sức yếu do bị địch tra tấn nhiều lần trong lao tù, nhưng vẫn minh mẫn với giọng nói sôi nổi kể lại từng chi tiết về các sự kiện đấu tranh với địch và nuôi dưỡng bảo vệ cán bộ. Bà tâm sự: “Không biết sao ngày đó tui lại thương anh em cán bộ, bộ đội, du kích đến thế! nhất là khi thấy anh em ta chiến đấu hy sinh tui lại càng căm thù thằng giặc, càng tưởng nhớ đến chồng, con tui đã hy sinh, càng nhớ đến công ơn của cách mạng, gia đình tui nghèo lắm, thế là tui lao vào hoạt động cách mạng chẳng sợ gì nguy hiểm, chẳng ngán gì đòn roi của kẻ thù. Từ sau lần ta đánh vào Huế năm 1968, địch quay lại trả thù, nhiều anh em ta hy sinh, số còn lại bạt hết lên rừng, tui phải tìm đường đóng vai đi buôn, từ Hà Thanh qua Lộc An lên vùng giáp ranh Phú Lộc bắt được liên lạc với người của mình, mừng quá, tui dụ luôn anh em mình về lại quê hương hoạt động phục hồi cơ sở”. Có những chuyện tưởng chừng đã bị lãng quên trong quá khứ, vậy mà bà vẫn nhớ rất kỹ và nhắc lại: “Hai chú còn nhớ không? Hôm đó mới ăn sáng xong, địch bắn pháo cấp tập, rồi đổ quân càn về đây, các chú đang phơi tập tài liệu và một xếp tiền ngụy bị ướt ở chỗ gốc chuối trước sân kia kìa, tui phải chạy vội ra gói lại cho các chú mới kịp đi với hai đứa Tranh và Mão”, rồi bà lại dắt chúng tôi ra vườn thăm lại chỗ hầm bí mật đã được bà nuôi giấu. Với công lao cống hiến cho cách mạng, bà La Thị Giáng đã được Đảng và Nhà nước khen thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất và Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, thương binh loại 4/4.

Sáng mồng 5 tháng 5 (âm lịch), bà Hạnh mời chúng tôi đến gia đình hưởng tết Đoan Ngọ, với hương vị của một miền quê kháng chiến, chỉ có xôi, chè và nải chuối, song tình cảm thật ấm áp, chân quê và sâu nặng. Sáng hôm sau, chúng tôi vừa ăn sáng xong ở nhà bà Giáng, như mọi ngày, ba lô, tài liệu đã gọn gàng, bỗng pháo ở căn cứ Phú Bài bắn dữ dội về thôn Hà Trữ, xã phú Cường (nay là xã Vinh Thái), theo quy luật địch sẽ càn về vùng này, Tranh và Mão quyết định đưa chúng tôi đến hầm bí mật ở Rú Hà Thượng, xã Phú Cường, phải vượt qua một cánh đồng cát, vừa vào đến Rú thì gặp kỵ binh bay của Mỹ cùng nhiều phi đội máy bay HUIA chở lính đổ quân và bắn xối xả xuống vùng Rú, trúng đội hình chúng tôi đang đi, làm đồng chí Mão bị thương ở chân và tay do mảnh đạn M79. Vào đến địa điểm vùng hầm thì phát hiện không thấy anh Khiêm, do khi bị máy bay bắn cấp tập, lớn tuổi, anh đã không theo kịp, chúng tôi vô cùng lo lắng và dừng lại bàn bạc: “Phải bằng mọi giá tìm cho được anh Khiêm, đặt giả thuyết nếu anh bị thương, chúng ta phải cùng nhau đưa anh ra khỏi vòng vây của địch”.

Trong lúc đang bị thương, Mão xin được quay lại tìm và rất may đã gặp được anh Khiêm đang bị lạc trong Rú, mọi người hết sức mừng rỡ. Vết thương của Mão đã chảy nhiều máu, trong khi địch đã tiến đến gần, tôi xé áo băng lại vết thương cho Mão, nhờ Mão thông thạo địa hình và phán đoán chính xác hướng lên xã Phú Cường địch đang sơ hở, lại có vùng Rú nhiều cây cối che khuất, chúng tôi len lỏi vượt qua được vòng vây của địch về đến cơ sở ở thôn Dưỡng Mong B, xã Phú Cường. Vừa xuống hầm bí mật của gia đình ông Hoàng Sa, thì quân địch càn đến, suốt 5 ngày đêm nằm dưới hầm bí mật, được sự tiếp tế, che chở của gia đình ông Sa, chúng tôi vô cùng cảm phục tấm lòng yêu nước cao cả và khí tiết cách mạng kiên cường trước kẻ thù của người dân thật bình dị. Nằm dưới hầm, anh Khiêm và tôi đã nghe rành rọt tiếng kêu thóc thảm thiết của gia đình ông Sa do bị địch tra khảo, đánh đập dã man, hăm dọa đốt nhà nếu không chịu khai hầm bí mật nuôi giấu cán bộ “Việt Cộng”. Trước ngưỡng cửa của sự sống hay chết, nhà tan cửa nát phải lựa chọn! Vợ chồng, con cái ông Sa vẫn một mực chịu đựng cực hình, không hề nao núng và kiên quyết trả lời kẻ thù: “Gia đình tui không có hầm bí mật và không nuôi “Việt cộng” trong nhà!”.

Đã 37 năm trôi qua, nhớ lại những ngày sống và chiến đấu trong dân, chúng tôi càng thấy sâu sắc một chân lý là chỉ khi nào Đảng, cách mạng và cán bộ có trong lòng dân, thì dân sẽ vĩnh viễn tồn tại trong lòng Đảng, cách mạng và cán bộ. Đó là bài học điểm tựa trong lòng dân đã dạy chúng tôi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
vĩ đại của dân tộc.
PHAN VĂN LAI*

(nguồn: TCSH số 193 - 03 - 2005)

 


-------------------
* Thiếu tướng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
(1) Chồng bà Lê Thị Hạnh là ông La Mạnh Hà (Hoàng Mạnh Lương). Năm 1972 vào lại chiến trường, nguyên Chánh văn phòng UBND cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế.
(2) Đồng chí La Đình Mão, hiện là Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế.
(3) Đồng chí Hồ Sỹ Ba, được Đảng và Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
(4) Đồng chí Nguyễn Thành Khiêm (Nguyễn Đình Bảy), nguyên Phó Ban An ninh khu và đồng chí Nguyễn Thi (Phan Văn Lai), nguyên Chánh Văn phòng Ban An ninh khu Trị Thiên Huế.

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Nhà văn Bùi Anh Tấn nổi tiếng hiền lành, ai nói gì ông thường cười cho qua. Thế nhưng mới đây, tác giả Một thế giới không có đàn bà đã tỏ rõ sự bực bội vì chuyện nhuận bút.

  • Thuở hàn vi, nhà sử học, nhà văn Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) “túi rỗng bếp lạnh”, “một đồng tiền cũng chẳng dính tay” có viết Bài văn trách ma nghèo tuyệt hay.

  • Được mệnh danh là nhà thờ lớn và đẹp nhất vùng Đông Bắc Việt Nam, nhà thờ Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đã bị phá bỏ ngày 9/3/2017 để xây mới.

  • Thời gian qua, vấn đề dạy chữ Hán (tức mảng từ Việt Hán) trong nhà trường được báo chí đề cập nhiều lần và dư luận quan tâm.

  • Khi nhắc đến tranh chép hay công việc chép tranh, nhiều ý kiến khắt khe cho rằng, chính những bức tranh chép đã làm lũng đoạn thị trường hội họa và ảnh hưởng xấu đến nền mỹ thuật nước nhà.

  • Nhờ facebook, tôi mới biết ngày hôm qua là Ngày Hạnh phúc. Chợt bần thần nhớ lại những kỷ niệm về hạnh phúc, vào cái thời ở ta chưa có ngày nào được gọi là Ngày Hạnh phúc...

  • Chúng ta không im lặng, chúng ta phải lên tiếng trước những điều tồi tệ, vô nhân đạo, nhất là khi chúng liên quan đến những đứa trẻ ngây thơ chưa đủ nhận thức để tự bảo vệ mình. Nhưng...

  • Mạng xã hội đang ngày càng phổ biến trong đời sống và không chỉ là kênh kết nối chia sẻ, giao lưu giữa các cá nhân. Trên thực tế, mạng xã hội đang có những tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

  • Sức hút của “lễ hội hoa hồng” đang diễn ra ở Hà Nội có lẽ không ảnh hưởng đến những người làm văn nghệ. Họ đang quan tâm tới những thông tin xung quanh việc xét giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Hình như chưa đợt xét giải thưởng nào lại náo động như lần này.

  • Đó là những trăn trở của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại buổi làm việc với Sở Văn hóa Thể thao, Sở Du lịch cùng giám đốc các bảo tàng trên địa bàn TP hôm 2.3.

  • Nhiều bức tường xám xịt, loang lổ nắng mưa trên các con hẻm, con đường Sài Gòn đang được các “họa sĩ đường phố” khoác lên những sắc màu mới.

  • Trong dịp tết vừa qua, tại TPHCM, sàn diễn cải lương khá heo hút. Ngoại trừ chương trình nghệ thuật Ba thế hệ về lại cội nguồn do NSƯT Kim Tử Long đứng ra thực hiện, có bán vé tại rạp Công Nhân vào ngày 6-2, cùng với vài buổi diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ở cơ sở thì không còn nơi nào tổ chức.

  • Nhiều tác giả cám cảnh người đọc đìu hiu ở các khu trưng bày tác phẩm trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 tại TP HCM.

  • GS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo - UBTƯMTTQ Việt Nam và TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đều cho rằng: "Lễ hội không có tội mà một bộ phận con người đã lợi dụng và làm hỏng nó đến mức này như một căn bệnh trầm kha khó chữa đã 15 năm nay".

  • Nhiều người trẻ cả tin, mê tín “cúng” tiền cho thầy bói để rồi lo âu, thấp thỏm...

  • VĨNH AN

    Trong bài viết trên báo Nhân dân số 2082, ngày 28/11/1959, ký tên Trần Lực, Bác Hồ đã phát động “Tết trồng cây”: “Chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này ít tốn kém mà lợi ích rất nhiều”.

  • Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày này gây sốt bởi di tích rêu phong được thay bằng màu xám trắng mới tinh. Mặc lời trấn an của những người có trách nhiệm, công chúng vẫn có quyền đặt câu hỏi.

  • “Tại sao trong lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển đô thị thì phần thua thiệt thường rơi về phía bảo tồn?”, TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu đặt câu hỏi trong Hội thảo quốc tế Việt Nam học ngày 15 - 16.12 tại Hà Nội.

  • Thiết chế văn hóa đang hàng ngày, hàng giờ đồng hành với đời sống nhân dân và là một phần không thể thiếu của xã hội. Có thể kể đến một số thiết chế văn hóa phổ biến ở đô thị nước ta như bảo tàng, thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim…

  • Sự biến mất của Hanoi Cinémathèque, một địa chỉ xem phim nghệ thuật đã có lịch sử gần 15 năm giữa lòng thành phố, đặt ra câu hỏi về sự thân thiện và nhạy cảm với văn hóa của các chính sách phát triển đô thị.