Di sản đô thị và cảnh quan cố đô Huế: những thử thách về kinh tế và văn hoá

14:49 17/03/2009
NGUYỄN XUÂN HOATrước khi quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là di sản văn hoá thế giới, thành phố Huế đã được nhiều người nhìn nhận là một mẫu mực về kiến trúc cảnh quan của Việt Nam, và cao hơn nữa - là “một kiệt tác bài thơ kiến trúc đô thị” như nhận định của ông Amadou Mahtar  M”Bow - nguyên Tổng Giám đốc UNESCO trong lời kêu gọi tháng 11-1981.

Có thể nói cố đô Huế là một tổng thể kiến trúc đô thị có tính đặc trưng của phương Đông, mà từ hệ thống kinh thành, hoàng thành, cung điện, dinh phủ, công thự, lăng tẩm, đình chùa, phố chợ... đến những vùng dân cư truyền thống của kinh thành đều không hề phá vỡ cảnh quan thiên nhiên mà ngược lại, ở đó các công trình kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên đã đạt đến tính hoà điệu rất cao, gây được một ấn tượng thẩm mỹ tinh tế. 
Vẻ đẹp hòa điệu giữa kiến trúc đô thị và cảnh quan của Huế, cộng với nếp sống thanh lịch có tính truyền thống của vùng kinh đô cũ đã tạo cho Huế một nét riêng: trầm lắng, đầy chất thơ, có nét quyến rũ mà lại khác xa đồng nội của các vùng quê Việt . Ở đây, sự tinh tế, thanh lịch, chải chuốt dù có bị thời gian làm phai nhạt một phần, nhưng vẫn phảng phất ít nhiều dấu ấn của xứ kinh kỳ một thời.

* Sự tinh tế dễ bị phá vỡ
Điều đáng lưu ý là vẻ đẹp hoà điệu giữa di sản kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên của Huế rất tinh tế nên cũng rất dễ bị phá vỡ. Một sự vô ý, một chút nặng tay với thiên nhiên đều có thể làm thương tổn đến vẻ đẹp mong manh của đô thị Huế.
Không phải từ bây giờ, mà trước đây, ngay khi triều đại quân chủ còn tồn tại, sự lỡ tay xếp đặt chợ Đông Ba và dãy phố Trường Tiền, Hàng Bè, Ngã Giữa đã vô tình làm biến dạng một phần vẻ đẹp của mặt trước kinh thành. Sự xuất hiện của đài nước Dã Viên, nhà máy vôi Long Thọ là một thách thức đe doạ vẻ đẹp đầy chất thơ của dòng sông Hương. Sự có mặt của khu quân sự Mang Cá ở vùng Trấn Bình Đài đã làm một phần kinh thành bị cô lập, tách khỏi tổng thể kiến trúc cảnh quan đô thị. Và sau nầy, trong điều kiện thiếu kiểm soát của thời kỳ có chiến tranh, của sự phát triển đô thị hoá xô bồ, thiếu định hướng quy hoạch, Huế bị tràn ngập bởi các cụm dân cư  “vô tổ chức” công khai chiếm cứ vùng thượng thành, các eo bầu của Thành Nội và khu vực ven sông Ngự Hà, hồ Tịnh Tâm, đàn Xã Tắc, vùng Hộ Thành Hào...  Ngay trong lòng các công trình kiến trúc có giá trị lịch sử và tính thẩm mỹ cao (như Đại Nội, Quốc Tử Giám, Cơ Mật Viện, Tôn Nhân Phủ, Thái Y Viện, Bộ Học, khu Lục Bộ, Xiển Vũ Từ... ) cũng đã bị một số hộ gia đình biến thành nhà ở, một số nơi còn là vùng nhà ổ chuột, tồn tại thách thức với vẻ đẹp hài hoà của đô thị cổ.

* Những thử thách ngặt nghèo
Có một nguy cơ không nhỏ đang từng ngày đặt Huế trước những thử thách ngặt nghèo. Vốn dĩ di sản kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên Huế là sản phẩm của một thời kỳ công nghiệp chưa phát triển. Nó có mặt trước khi sức ép đô thị hoá hiện đại xuất hiện. Và hiện nay, cố đô cổ kính nầy vẫn phải sống chung với xu thế phát triển của thời đại, vẫn phải chịu sức ép của sự phát triển về kỹ thuật đô thị, về xu hướng thương mại hoá tập trung, về nhu cầu phát triển sản xuất và dịch vụ. Những nhu cầu phát sinh của thời đại mới đặt trong mối quan hệ với di sản đô thị và cảnh quan truyền thống đòi hỏi phải có một quy hoạch nghiêm ngặt, hợp lý và thông minh, sắc sảo, đi liền với một hành lang pháp lý được hướng dẫn rõ ràng, có sự quản lý thực sự hiệu lực.
Một chút buông lỏng về quy hoạch và quản lý sẽ làm xuất hiện một bến xe xô bồ bên cạnh một vùng cảnh quan yên tĩnh. Một quyết định thiếu cân nhắc sẽ buộc các nhà quản lý phải đối đầu với dư luận, phải quyết định cho làm rồi quyết định tháo dỡ như đã từng xẩy ra với một số công trình dọc hai bờ sông Hương v.v...

Nhưng ngược lại, một sự e ngại quá đáng cũng sẽ kìm hãm đà phát triển của xã hội, không bắt kịp với nhịp độ phát triển chung mà Huế buộc phải theo.
Thách thức đối với di sản đô thị và cảnh quan thiên nhiên Huế còn là vấn đề văn hoá. Bao lâu những giá trị văn hoá truyền thống chưa thấm sâu trong nhận thức của các nhà quản lý và thấm đến tận người dân, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, chưa trở thành một nguồn mạch gây được cảm xúc thẩm mỹ, tạo ra cảm hứng thưởng ngoạn và sáng tạo mới cho người dân xứ Huế thì bấy giờ những di sản kiến trúc đô thị và cảnh quan còn bị vi phạm.
Việc nâng cao dân trí, phổ cập những kiến thức về địa chí lịch sử, địa chí văn hoá Huế, tổ chức các sinh hoạt lễ hội truyền thống, các hoạt động giao lưu văn hoá, phổ cập rộng rãi các hoạt động văn hoá truyền thống, đi liền với khơi dậy đời sống văn hoá lành mạnh, hướng đến những giá trị cao đẹp là việc làm cần thiết để tạo ra sức mạnh văn hoá nội sinh, để người Huế làm chủ lấy thành phố của mình, biết giữ gìn di sản kiến trúc đô thị và cảnh quan truyền thống, biết cách tiếp tục phát huy những giá trị vốn có, sáng tạo thêm những giá trị mới bổ sung cho di sản, vì văn hoá bao giờ cũng phát triển, mọi sự ngưng đọng đều là ao tù kìm hãm con người.

* Những vấn đề cần đặt ra để giải quyết
Trước những thách thức về kinh tế và văn hoá đối với di sản đô thị và văn hoá Huế, chúng tôi nghĩ cần phải lưu tâm giải quyết cho được một số vấn đề cơ bản:
- Phải sớm hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết về bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hoá và môi trường cảnh quan thành phố. Ngoài các dự án quy hoạch chi tiết khu kinh thành và khu lăng tẩm đã được Trung ương xét duyệt cần tiếp tục xây dựng các đề án quy hoạch còn lại của thành phố.
Đi liền với quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, cần quy hoạch chi tiết về hệ thống cảnh quan đô thị, quy hoạch chỉnh trang các công viên, cây xanh đường phố, các vùng dân cư truyền thống, các làng vườn, xóm vườn tiêu biểu. Đặc biệt chú ý xây dựng các đề án trọng điểm về cảnh quan sông Hương, núi Ngự, vùng đồi núi gắn liền với lăng tẩm, chùa chiền (đồi Vọng Cảnh, Thiên Thai, Tam Thai,... ).

- Gắn việc tu bổ di tích với giải toả dân cư, chuyển đổi chức năng, điều chỉnh lại một số vùng dân cư chưa phù hợp nhằm khai thác tốt các dịch vụ phục vụ du lịch, hướng người dân đi vào các hoạt động sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, các hoạt động dịch vụ du lịch có chất lượng cao, từng bước hình thành các cụm đường phố dịch vụ hấp dẫn của Huế, các trung tâm sản xuất và giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ, các xóm nhà vườn du lịch...
- Có chính sách định rõ những việc khuyến khích nên làm, những việc ngăn không cho làm, có những khuyến cáo để các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân hiểu rõ định hướng quy hoạch phát triển của thành phố để bản thân những tổ chức và từng người dân tự giác thực hiện, xử lý ngay từ đầu đối với những trường hợp vi phạm.

- Sớm đưa vào chương trình giảng dạy bậc tiểu học, trung học phần lịch sử Huế và văn hoá Huế,
khuyến khích học sinh học âm nhạc, hội hoạ truyền thống, thường xuyên tổ chức các hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hoá cộng đồng hướng đến phổ cập văn hoá nghệ thuật du lịch có tính đặc trưng của cố đô.
- Bao trùm lên trên hết là cần có một chiến lược về bảo tồn đô thị cho thành phố di sản thế giới, gắn với mở rộng không gian đô thị Huế ra các vùng ven hướng về Thuận An, Phú Bài, Tứ Hạ... để giải toả áp lực và đáp ứng nhu cầu đô thị hoá trong thời kỳ hiện đại, xây dựng Huế thực sự là  một vùng kinh tế trọng điểm đồng thời là một trung tâm văn hoá du lịch quan trọng của Việt Nam , một thành phố văn hoá lễ hội quốc tế mà bước khởi đầu của các kỳ Festival Huế vừa qua là khúc dạo đầu có tính khả thi. Để đạt được yêu cầu nầy Huế và Thừa Thiên Huế phải nhất thiết gắn kết nỗ lực có tính nội sinh của vùng đất nầy với sức mạnh tổng hợp của các bộ ngành Trung ương, các tỉnh và thành phố bạn, với bạn bè quốc tế bằng một kế hoạch hoạt động dài hơi, phác thảo cho được một lộ trình xây dựng và phát triển đô thị Huế theo hướng vừa bảo tồn vừa phát triển bền vững.

- Đồng thời cần sớm hình thành cho được các quỹ văn hoá cơ bản: Quỹ hỗ trợ bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc và cảnh quan Huế, Quỹ phát triển văn hoá nghệ thuật cố đô Huế.
Những thử thách về kinh tế và văn hoá đối với một thành phố có di sản thế giới rất đa dạng. Vấn đề cần được đào sâu bằng nỗ lực đóng góp trí tuệ của nhiều người, từ nhiều phía.
N.X.H
(197/07-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • CAO CHÍ HẢI  

    Nghệ thuật sân khấu, âm nhạc vô cùng phong phú và đặc sắc, nhiều lễ hội cổ truyền và thuần phong mỹ tục tiêu biểu của người Việt được lưu truyền đến Nghệ thuật múa của dân tộc Việt xuất hiện cách đây khoảng 4000 năm.

  • MAI VĂN HOAN

    Một số bài viết đề cập đến nơi an táng Đại thi hào Nguyễn Du gần đây chủ yếu dựa vào Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền. Gia phả ghi: “Năm Canh Thìn (1820) Gia Long qua đời, Minh Mạng nối ngôi.

  • TRẦN ĐÌNH BA

    1. Lược sử, ý nghĩa lệ cày ruộng tịch điền
    Trước hết, chúng ta phải khẳng định một sự thật hiển nhiên rằng, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp lúa nước, hay nói như lời nhà Nho Phan Kế Bính (1875 - 1921) có đề cập trong Việt Nam phong tục, thì đó là một “Nông quốc”1, quốc gia lấy nông nghiệp làm gốc.

  • CAO THỊ HOÀNG  

    1.
    Mùi bùn non từ cửa sông theo gió chướng lộng về, tôi ngây ngây mùi nhớ! Cái mùi nhớ đôi lúc bâng khuâng và cũng lắm khi, rịt chặt tâm hồn kẻ hậu sinh với tiền nhân thuở trước. Tôi quay lại Huế.

  • ĐỖ MINH ĐIỀN

    Trong số những đối tượng được thờ cúng và được xem là phúc thần của nhiều làng xã vùng Huế, thì Khai canh, Khai khẩn là một thần hiệu ra đời khá muộn. 

  • VĨNH AN

    Sự nhẹ nhàng của tính cách sẽ khiến doanh nghiệp (DN) Huế dễ gần gũi với khách hàng hơn; sự chu đáo trong cuộc sống khiến khách hàng có cảm giác được DN Huế quan tâm hơn; lòng yêu thiên nhiên và nếp sống hòa hợp với thiên nhiên sẽ khiến khách hàng yên tâm về sự phát triển xanh và bền vững hơn của DN Huế… Và đó chính là lợi thế của DN Huế, là đặc tính văn hóa nổi bật của DN Huế.

  • TRUNG SƠN

    I - Lời nhắc nhở của nhà văn Nguyễn Tuân.
    Nhà Văn Nguyễn Tuân là người cẩn thận và độc đáo trong việc dùng chữ nghĩa. Vậy nên nhắc đến "cụ", trước hết phải có đôi lời về cái đầu bài.

  • TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

    Trong quan niệm của người Việt xưa, chó là con vật trung thành và mang lại nhiều may mắn. Tục thờ chó được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Có nơi thờ chó đá trước cổng như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh.

  • NGUYÊN HƯƠNG

    Từ trung tâm thành phố, chạy thêm 25km về hướng Đông Nam sẽ gặp xã Phú Hải (thuộc huyện Phú Vang) gồm 4 ngôi làng tên Cự Lại: Cự Lại Đông, Cự Lại Bắc, Cự Lại Trung và Cự Lại Nam (dân làng thường gọi chung là Cự Lại). Những ngôi làng này nằm kề sát nhau, có chiều dài khoảng 2km, trải dọc ven biển và phá Tam Giang.

  • TRƯỜNG AN     

    “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
    Mà mưa trắng đất trắng trời…”

  • PHƯỚC VĨNH

    Du lịch dịch vụ đang được xác định là mũi tàu xanh của con thuyền rẽ sóng ra biển lớn của Thừa Thiên Huế. Làm sao để mỗi công dân đang sống ở miền sông Hương núi Ngự, ngay từ nhỏ đã được khơi gợi ý thức về việc tạo nên sản phẩm du lịch và triển khai ý tưởng đó, với một ý thức văn hóa Huế đã ăn sâu trong tiềm thức… 

  • VÕ VINH QUANG

    Tộc Nguyễn Cửu và những dấu ấn quan trọng trong lịch sử văn hóa xứ Thần Kinh

  • NGUYỄN THƯỢNG HIỀN

    Sau đêm binh biến Thất thủ Kinh đô, kinh thành Huế ngập chìm trong máu lửa, tiếng khóc than. Những dãy nhà gỗ, mái tranh chạy dọc hai bên đường Đông Ba đến giáp hoàng cung ngập chìm trong biển lửa. Bọn Tây tay súng, lưỡi lê hàng ngang tha hồ tàn sát quân dân ta.

  • NGUYỄN CAO THÁI

    “Gió đưa cành trúc la đà
    Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”

  • TRIỀU NGUYÊN

    1. Đặt vấn đề
    Có lẽ không ít lần chúng ta đã nghe nói đến hai dạng thơ Song điệpSong thanh điệp vận của thể thơ Thất ngôn luật Đường, trên thi đàn Việt. Vậy chúng là những kiểu, dạng thơ như thế nào, và quan hệ giữa chúng ra sao?

  • HOÀI VŨ

    * Vài nét về việc du nhập điện ảnh vào Huế
    Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (129) năm 2016 có đăng bài “Vài nét về lịch sử nhiếp ảnh và điện ảnh ở Thừa Thiên Huế” của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cung cấp nhiều tư liệu rất quý.

  • THẢO QUỲNH

    Quyết Chiến là tờ nhật báo đầu tiên của cách mạng xuất bản ở Huế sau Cách mạng Tháng Tám, là cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân cách mạng, tiếng nói của Đảng bộ Việt Minh Thuận Hóa và của tỉnh Nguyễn Tri Phương (bí danh của tỉnh Thừa Thiên). Mới đây, đọc lại một số báo Quyết Chiến, chúng tôi tìm thấy một số thông tin liên quan đến Ngày Khỏe vì nước đầu tiên của Huế vào giữa năm 1946. Xin trích dẫn lại để bạn đọc tham khảo:

  • Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh các chương trình trọng điểm để tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh mọi mặt kinh tế - xã hội. Mỗi chương trình trong chuỗi các chương trình lớn, như là một căn nền tạo lực nâng cho tương lai.

  • Kỉ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

    THANH BIÊN (*)

  • NGUYỄN THÀNH

    Kỷ niệm 60 năm khoa Ngữ Văn Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế (1957 - 2017)