Nhà phê bình Đặng Tiến - Ảnh: thotanhinhthuc.org
Đặng Tiến (sinh 1940-), bút danh đôi khi dùng Nam Chi, quê An Trạch, Hòa Vang, nay thuộc Đà Nẵng. Tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1963. Bắt đầu viết phê bình văn học từ 1960. Năm 1968 định cư tại Pháp, dạy tiếng Việt và văn chương Việt Nam tại Đại học Paris VII. Tham gia viết cho nhiều báo, tạp chí như Mai, Văn, Bách khoa (trước 1975) và Hợp lưu, Văn học, Đoàn kết, Thế kỷ 21… (sau 1975). Tác phẩm đã in: Vũ trụ thơ (Giao điểm, 1972), Vũ trụ thơ II (Thư Ấn Quán, Hoa Kỳ, 2008), Thơ: thi pháp và chân dung (NXB Phụ nữ, 2009). Toàn bộ các trích dẫn ở bài viết này đều lấy từ Thơ: thi pháp và chân dung. Tôi vốn là người mê văn phê bình của Đặng Tiến. Và, có lẽ, vì quá mê văn nên nhiều lúc đâm ra ngại gặp người. Và cũng có lẽ, vì quá mê, nên khó nói được điều gì đó về văn anh cho có đầu có đuôi. Hơn nữa, chữ nghĩa mỗi bài viết của anh kết lại như một tòa thành mà tôi lại không tìm ra cửa hoặc người đẹp giữ của. Tôi đã nhiều lần đi quanh ngôi cổ thành ấy để một hôm vỡ ra rằng lối đi vào tòa chữ ấy chỉ bằng cách đánh chiếm nó như một tổng thể, tức tìm hiểu chính cái cách anh đi đến với mỗi nhà thơ bằng khái niệm vũ trụ thơ, thi giới, mà bây giờ người ta thường gọi là thế giới nghệ thuật. Trong văn cảnh lý thuyết hậu cấu trúc và giải kiến tạo hiện nay, thuật ngữ thế giới nghệ thuật lại càng được lưu ý. Thế giới nghệ thuật coi toàn bộ tác phẩm (đã in, chưa in, các dị bản bản thảo của một tác phẩm…) của một nhà văn, thậm chí cả cuộc đời anh ta nữa, là một chỉnh thể, một toàn vẹn. Như vậy, sáng tác của nhà văn là một siêu hệ thống, hay hệ thống vĩ mô, bao gồm các tiểu hệ thống, hay hệ thống vi mô, phù hợp với lý thuyết hệ thống mở của Prigogin(1). Từ đó, khái niệm này cũng rất phù hợp cho cách tiếp cận tổng thể theo “hệ thống văn học” qua quá trình sinh thành (tác giả - tác phẩm) và hoạt động (tác phẩm - người đọc) của tác phẩm. Quan niệm trên về thế giới nghệ thuật được di chuyển vào thơ một lãnh địa đặc biệt, nhiều tính tự trị, thì sẽ có nhiều khác biệt. Hẳn vì thế mà Đặng Tiến đã gọi là vũ trụ thơ hoặc thi giới. “Một trang sách vật lý được xem như điển hình của văn xuôi khi tả ngoại giới. Một trang sách tâm lý được xem như điển hình của văn xuôi khi tả ngoại giới. Trong khi đó, thơ chỉ mượn ngoại giới, hay tâm giới những yếu tố để nhào nặn thành một thế giới mới tạm gọi là thi giới, có lúc tôi gọi là vũ trụ thơ. Nói khác đi, thơ thừa nhận sự vật sẵn có, mà không thừa nhận quan hệ sẵn có giữa sự vật; thơ chỉ gọi tên của sự vật ngoại giới để tạo nên một vũ trụ mới, bằng cách cấu trúc quan hệ mới giữa sự vật đã cũ” (tr.60-61). Đi vào Thi giới Đinh Hùng, Đặng Tiến đã đặt thơ ông vào dòng Thơ Mới để khẳng định sự khác biệt, độc đáo của nó. Nếu thế giới thơ lãng mạn, kể cả hoặc nhất là Xuân Diệu, Huy Cận, là một thế giới thơ mộng, vừa phản ánh vừa tô điểm cho thực tại, thì thế giới thơ Đình Hùng là một sản phẩm thuần túy tưởng tượng, tồn tại song song, nhưng ở một không - thời gian khác, với thực tại. “Thế giới đó là một hư cấu, hoàn toàn độc lập với thực tại, nếu có tương quan thì tương quan đó chỉ là tác giả và người đọc, những nhân sự khởi đi từ Trần lụy để tìm đến một vũ trụ khác” (tr.381). Có lẽ, do tính hư cấu hoặc tưởng tượng thuần túy này, một dấu mốc của sự trưởng thành của tư duy nghệ thuật, mà ở thời Thơ Mới Đinh Hùng không vừa mắt Hoài Thanh để lọt vào tượng đài Thi nhân Việt Nam, còn từ sau 1954 ông vẫn là một hành tinh lẻ loi, bên lề sinh hoạt văn nghệ miền Nam. Thế giới thơ Đinh Hùng, theo Đặng Tiến phân tích là nơi “mọi thành tố đều được hòa giải; khí hậu tình tự giải tỏa những mâu thuẫn biện chứng, không còn sự khác biệt giữa người-nhìn-vũ-trụ và vũ-trụ-được-nhìn, giữa tâm giới và ngoại giới, giữa bản ngã và vô ngã, giữa thực thể và vô thể, giữa tôi và thi nhân, giữa tình yêu và tình nhân; trong thế giới đó, tôi là rừng núi, rừng núi là tình yêu, tình yêu là Em, Em là mùa thu, mùa thu là cơn mưa, cơn mưa là một dòng chữ, dòng chữ là tôi. Chữ tôi đã bao hàm cái không phải là tôi, nhưng chủ thể không mâu thuẫn với khách thể vì tất cả chưa đạt tới những hình thể đủ cứng rắn để va chạm. Trong hư cấu của Đinh Hùng sự vật là những nhu hình tương giao, thu hút vào trong từ trường ngôn ngữ. Một hư cấu nằm ngoài vận chuyển biện chứng” (tr. 382). Với Tản Đà, Đặng Tiến đã chỉ cho người đọc một lối đi vào thi giới của ông: thi sĩ của phôi pha. Đặc tính này của thơ Tản Đà có thể bắt nguồn từ huyền thoại cá nhân của thi sĩ. “Ý thức hương nhạt màu phai do đâu mà có? Vì giấc mộng công danh sớm hão huyền. Vì gia đình ly tán, vì sự nghiệp văn chương ba chìm bảy nổi? Hay vì mối tình đầu với người đẹp Hàng Bồ?” (tr. 135). Rồi huyền thoại cá nhân này lại được/bị cộng hưởng bởi một nền văn hóa đang phôi pha, một thế hệ trí thức cũ đang lụi tàn. Hay rộng ra nữa là “cái nhìn yếm thế tự nhiên của kẻ sống giữa những đổi thay lớn lao của thế cuộc? (tr. 135). Cái giả thiết này được Đặng Tiến nêu ra và được chứng thực qua sự phân tích ngôn ngữ thơ Tản Đà. Bởi lẽ, với thơ, ngôn ngữ không chỉ là ký hiệu mà còn là thực tại, từ và vật là một. Có lần, Lê Đạt nói với tôi, văn chương, và cả cuộc đời cũng vậy, xét cho cùng chỉ là quan hệ giữa chữ và nghĩa, tức giữa chữ và bóng chữ. Hẳn thế mà suốt cả cuộc đời ông nguyện làm phu tra vấn, đục, đẽo, cấy, ghép chữ để phát nhiều nghĩa, và là nghĩa mới. Bởi thế, nhiều người cho thơ Lê Đạt chỉ là kỹ thuật, không có tư tưởng như chiếc bánh bóc hết lớp này chỉ thấy lớp khác không thấy nhân đâu. Đặng Tiến là một trong số ít người không hoàn toàn nghĩ như vậy. Bởi, kỹ thuật thuần túy không bao giờ tạo ra được sự ám ảnh và sức nặng của trải nghiệm. Theo nhà phê bình, ở Lê Đạt đằng sau các thủ pháp là cuộc đời: “Bóng chữ của Lê Đạt ghi lại lịch sử một đời người, qua buồn vui một cá nhân, giữa thăng trầm của dân tộc và trăn trở của một nghệ sĩ thường xuyên tra vấn ngôn ngữ. Ba yếu tố ấy quyện vào nhau làm nền cho tập thơ, nhưng thành phần thứ ba, những thí nghiệm ngôn ngữ có phần khúc mắc, che lấp tình, ý của tác giả, dễ làm người đọc lạc hướng và lạc lõng (tr.288). Có thể, như Đặng Tiến viết, Lê Đạt chỉ tạo rung cảm bằng một vài thủ pháp, chỉ khai thác kinh nghiệm những người đi trước, không có gì mới với thế giới, nhưng, tôi nghĩ, nhà thơ đã phần nào vượt qua trò chơi chữ truyền thống để đến với trò chơi ngôn ngữ nhằm tạo ra một thực tại ảo làm nên vũ trụ thơ Lê Đạt. Như vậy, qua tìm hiểu, như là ví dụ, những vũ trụ thơ Tản Đà, Đinh Hùng, Lê Đạt của Đặng Tiến, tôi, một lần nữa, càng thấm thía một điều là thi giới là một thực tại khách quan của văn bản do nhà thơ tạo dựng nên. Và “kích thước của một nhà thơ là kích thước thi giới do người ấy sáng tác” (tr.401). Tuy nhiên, thực tại ấy chỉ tồn tại dưới dạng khả năng, tiền/tiềm sinh. Để vô thể ấy thành hữu thể nhất thiết phải có sự tham dự của nhà phê bình. Bằng những mơ mộng nghệ thuật và phân tích khoa học, siêu người đọc ấy đã hiện thực hóa nó, trao cho nó một cuộc sống. Vì vậy, phê bình không chỉ là một hành động phát hiện mà, phần nào, còn là hành động phát minh. “Nhận diện được thi giới đó, là hội ý với thơ mà không nhất thiết phải đồng ý với thi nhân” (tr. 61). Sự “hội ý với thơ” đó, nói theo thuật ngữ thông diễn học của Gadamer(2), gần như là “vòng tròn diễn giải”. Đặng Tiến là người đọc rộng, có trình độ văn hóa chung và văn hóa thơ cao nên sự diễn giải thơ, từ cấp độ vĩ mô toàn bộ sáng tác đến cấp độ vi mô một câu một chữ, của anh là chính xác và tinh tế. Bởi vậy, chân dung các nhà thơ được anh dựng đều có một cái gì đó “rất Đặng Tiến”. Có một Nguyễn Du, một Bà Huyện Thanh Quan, một Nguyễn Trãi, một Hàn Mặc Tử… của Đặng Tiến. Các chân dung ấy được tạo thành bởi cách diễn giải tài hoa của chính anh. Xin hãy đọc một trích đoạn, (dù có dài như một lạm dụng), Đặng Tiến phân tích hai câu thơ Nguyễn Trãi: Hé cửa đêm chờ hương quế lọt/ Quét hiên ngày lệ bóng hoa tan. Lệ chữ cổ nghĩa là e ngại, lo sợ. Nội dung câu thơ nói lên tình cảm tế nhị, sâu lắng của Nguyễn Trãi với thiên nhiên, với cuộc sống. Những hình ảnh trong câu thơ giao thoa với nhau tạo một nguồn sáng kỳ diệu. Hương quế, bóng hoa là những thực thể hữu hình đang biến vào cõi vô hình, đang tan ra thành một mùi hương, nhòe thành một cái bóng. […] Bóng hoa, hương quế là môi giới giữa cõi thực và cõi mộng, và cũng là môi giới giữa không gian và thời gian. Cũng như cửa và hiên là không gian môi giới giữa cái trong và cái ngoài, giữa cái riêng và cái chung, giữa con người và vũ trụ, cũng như chữ thềm, chữ ngõ mà thi nhân thời xưa thường chuộng. Hai câu thất ngôn rất cân đối nhờ vị trí của các động từ hé, chờ, lọt, quét, lệ, tan ở đầu, giữa và cuối câu. Hai động từ chờ và lệ gợi ra được những rung động mỏng manh trong thời gian. Chủ từ ẩn là ta: ta chờ, ta lệ, theo nghĩa câu thơ; nhưng cấu trúc văn phạm tạo cảm giác chủ từ là đêm, ngày: đêm chơ, ngày lệ. Nguyễn Trãi, một cách tinh vi đã lồng tình cảm vào thời gian, và vào cả bóng hoa, hương quế. Về âm thanh, một số nguyên âm và phụ âm láy lại tạo thành một nhạc tính ý vị cho câu thơ. Ta khó có thể tưởng tượng là ở lúc tranh tối tranh sáng của thời hừng đông của thi ca Việt Nam mà Nguyễn Trãi đã làm được một câu thơ tân kỳ, nhuần nhuyễn như thế” (tr. 115). Tuy nhiên, mặt trái của sự biết nhiều hiểu rộng đôi khi đã lôi kéo Đặng Tiến đi khá xa, sự diễn giải lúc này đã trở thành suy diễn, nhất là trong trường hợp diễn giải thơ Lê Đạt. Ví như câu: “Một đàn ngày trắng phau phau/ Bì bạch bờ xoan nước mát/ Mộng hoa dâu lum túm má sông đào” (Thủy Lợi) được Đặng Tiến luận: “Một đàn ngày trắng” là một hình ảnh táo bạo nhắc đến đàn “cò trắng tung bay” trong dân ca. Hai chữ phau phau nhắc đến bài Dệt cửa của Hồ Xuân Hương: “Thắp ngọn đèn lầu thấy trắng phau”, từ đó mới nảy chữ bì bạch tả những bàn chân lội nước, nhưng lại gợi ý “da trắng vỗ bì bạch” trong giai thoại về văn chương nữ giới. Câu cuối, nhất là chữ “dâu” bất ngờ và bất thường nhắc đến thơ Hàn Mặc Tử: “Mát tê đi như da thịt nàng dâu”, và cả một đoạn thơ dài “vô tình để gió hôn lên má”, có lẽ Hàn Mặc Tử đã dựa vào câu thơ của Tản Đà, mà nhiều người xem như là ca dao: “Đêm khuya gió lọt song đào/ Chồng ta đi vắng gió vào làm chi”. Thực ra, mấy câu thơ trên của Lê Đạt dựa vào câu đố: “Một đàn cò trắng phau phau/ Ăn no tắm mắt rủ nhau đi nằm” (Chồng bát vừa rửa xong) và hoa dâu ở đây là bèo hoa dâu. Còn câu: “Con mái vào ra một mình/ Ấp lạnh bóng trăng rồi chết” (xem thêm sự diễn giải của Đặng Tiến, tr.301) chỉ là đảo tự của chữ ấp bóng, gà ấp bóng (ấp mà không có trứng). Tuy nhiên, một đôi chỗ quá đà như vậy không tổn hại gì, ngược lại còn tôn lên bút pháp đặc sắc, rất Đặng Tiến, của Đặng Tiến. Cuối cùng, không phải nhà thơ nào cũng có vũ trụ thơ riêng của mình và cũng không phải nhà phê bình nào cũng có khả năng phát hiện ra vũ trụ ấy. Sự gặp gỡ của một nhà thơ đạt tới thi giới và một nhà phê bình trình hiện được thi giới đó tôi gọi là hạnh ngộ. Ở Vũ trụ thơ (I) tôi bắt gặp sự hạnh ngộ giữa nhà phê bình Đặng Tiến với Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng. Còn ở Vũ trụ thơ II, tôi chỉ thấy những hạnh ngộ đó ít nhiều ở Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Quang Dũng, Lê Đạt, còn lại chỉ là sự gặp gỡ thân mật, ân tình với Vũ Hữu Định, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Bắc Sơn, Từ Thế Mộng, Thái Tuấn, Nguyễn Xuân Thiêm, Vũ Hoàng Chương. Đây cũng là điều dễ hiểu với Đặng Tiến. Anh là một nhà phê bình tài tử, theo nghĩa phê bình vị phê bình, phê bình vì yêu văn chương nghệ thuật chứ không vì một cái gì khác ngoài văn chương, kể cả cái danh vọng, nếu có, của một nhà phê bình. Và, biết đâu chẳng vì thế mà Đặng Tiến thành tựu nhiều trong văn chương. Và không chỉ trong văn chương. Đ.L.T (263/01-11) ---------------------- (1) Prigogin (1917-), triết gia khoa học luận, giải thưởng Nobel năm 1977 về nhiệt động học, người xây dựng nên lý thuyết hệ thống mở từ chuyên ngành riêng của ông là nhiệt động học. (2) Gadamer H.G. (1900-2002), nhà triết học Đức, sáng lập ra thông diễn học triết học, tác phẩm nổi tiếng Chân lý và phương pháp (1960). |
LÝ HẠNHAi trong đời chẳng đã một lần làm thơ. Dù làm thơ để giải trí hay sẻ chia thì những trang thơ ấy cũng là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tâm hồn.
LTS: Có một chuyện ít người biết là các nhà văn Tô Hoài, Xuân Diệu, Huy Cận không nhớ ngày sinh của mình. Xuân Diệu, con nhà Nho, thì biết mình sinh giờ Thìn, ngày Thìn, tháng Thìn, năm Thìn, nhưng không biết dương lịch ngày nào. Nhà văn Tô Hoài cũng vậy, nhưng nhớ Bà Cụ cho biết sinh ông đêm rằm Trung Thu. Sau này, sang Nga, bạn người Nga hỏi, mới tra ra ngày Tây là 27-9-1920. Do đó trên các tư liệu, thường thấy ghi ngày sinh: 07-9-1920, và nhà văn cũng không buồn đính chính. Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài, Sông Hương nhận được bài viết của nhà văn Đặng Tiến cùng thông tin về ngày sinh Tô Hoài nói trên. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
HOÀNG DŨNGKhông phải ngẫu nhiên khi ta nói vũ trụ, thế giới thì vũ, giới là không gian, mà trụ, thế là thời gian. Ngay trong những khái niệm tưởng chỉ là không gian, cũng đã có thời gian quấn quýt ở đấy.
LTS: Trong các ngày 7-9/9/2010 sắp đến, Ủy ban Văn hóa Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tòa Tổng Giám mục Giáo phận Huế sẽ tổ chức Hội thảo về thân thế và sự nghiệp của Léopold Cadière (1869-1955), Nhà nghiên cứu về Huế và Việt Nam học, chủ bút của tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H), một trong số các tờ báo hay nhất ở Đông Dương thuở trước. Hội thảo sẽ có một số nội dung liên quan đến văn hóa Huế như Văn hóa Huế, Mỹ thuật Huế, Cổ vật Huế dưới con mắt của L. Cadière... Nhân dịp này, Tạp chí Sông Hương đăng bài viết của nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, chuyển tải vài nét về hoạt động văn hóa của Léopold Cadière. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.S.H
NGUYỄN THỊ HÒA Không cần phải bàn cãi, Từ điển tiếng Huế của Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Minh Đức là một tác phẩm Từ điển. Một quyển từ điển về phương ngữ địa phương Huế mà dày dặn, công phu, với 2050 trang, thể hiện công sức nghiên cứu miệt mài của một vị bác sĩ - nghiệp dư với nghề ngôn ngữ, nhưng đầy nhiệt tình và khá chuyên nghiệp trong nghiên cứu.
Sinh ngày 6-2-41 tại Huế. Hy sinh ngày 11-10-68 tại vùng biên giới tỉnh Tây Ninh, nguyên quán làng Bát Tràng tỉnh Bắc Ninh. Học sinh cũ Trường Quốc Học, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ban Việt văn. Tên thật và bút hiệu công khai, chính thức: Trần Quang Long. Các bút hiệu khác: Thảo Nguyên, Chánh Sử, Trần Hoàng Phong.
TRẦN HỮU LỤCỞ tuổi 20, hành trình sáng tác của Nhóm Việt gắn liền với những biến cố lịch sử ở miền Nam (1965-1975). Những cây bút trẻ của Nhóm Việt đã bày tỏ một thái độ dấn thân ngày càng sâu sắc, vừa trên bình diện ý thức công dân, vừa trên bình diện ý thức nghệ sĩ.
PHONG LÊ(Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Tuân 10-7-1910 – 28-7-1987)
NGUYÊN QUÂN Phía đằng sau những con chữ bình dị như một chốn quê nhà chưa bị ô nhiễm cơn đau phố bụi, một ngôi làng yên bình vẫn luôn hằng hiện trong mỗi hơi thở, mỗi bước gian truân của tác giả là sự chân thật đến nao lòng.
LÝ HOÀI THU Những câu thơ đầu tay của Hữu Thỉnh cất lên từ những cánh rừng Trường Sơn được anh gọi là “Tiếng hát trong rừng”. Anh viết về đồng đội, về cơn sốt rét rừng, về những trận bom và vết hằn xe xích, về mây, suối, dốc, thác Trường Sơn.
THÁI DOÃN HIỂU…Khi sự vong ân bội nghĩa của người đời đang diễn ra ở khắp đó đây thì Hoàng Trần Cương là người sống bằng ân sâu nghĩa cả. Với anh, ân nghĩa là một gánh nặng phải gánh. Anh nói về ân nghĩa như là một thứ trí nhớ của lương tri, một món nợ không bao giờ trả xong…
VŨ DUY THÔNG (Thơ - Nghiêm Huyền Vũ, Nxb Trẻ 2000)Khác với bên ngoài, Nghiêm Huyền Vũ trong thơ là người trầm tư, cái trầm tư nhuốm vị triết học.Vây bọc quanh anh là không gian, thứ không gian cô liêu.
TRẦN QUỐC THỰCÍt người chịu đi tìm tiếng nói riêng khi đọc một tập thơ, một chặng thơ của một người. Qua từng chặng thơ, tiếng nói riêng ấy sẽ trở thành một cách thơ riêng biệt. Và đó là điều đáng mừng cho đội ngũ sáng tác.
NGUYỄN THANH TÚ (Phác thảo chân dung nhà văn Nguyễn Bảo)
LGT: Cuốn tiển thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường” của nhà văn Nguyễn Khắc Phê vừa xuất bản được xem là tác phẩm thành công nhất của ông, cũng là cuốn tiểu thuyết viết kỹ lưỡng nhất, lâu nhất. Cuốn tiểu thuyết này hiện nay nằm trong danh sách những cuốn vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Sông Hương xin giới thiệu những ý kiến nhận định rất chân thành của Giáo sư Trần Đình Sử, nhà văn Ma Văn Kháng và nhà nghiên cứu phê bình Từ Sơn.
FAN ANHCon người khác con vật không chỉ ở đặc điểm con người có một bản ngã, một cái tôi luôn biến động, mấu chốt nằm ở chỗ, con người có thể có nhiều bản ngã khác nhau, tồn tại một cách âm thầm trong những thế giới mà nhiều khi ngay bản thân mỗi cá nhân chúng ta cũng không thể am tường hết.
VĂN CẦM HẢI(Nhân đọc “Giọng nói mơ hồ” - Nguyễn Hữu Hồng Minh. Nxb trẻ 1999)
ĐỖ NGỌC YÊNHồ Quý Ly là một nhân vật lịch sử có thật. Hơn nữa ông đã từng làm đến chức quan Thái sư dưới thời nhà Trần khoảng từ năm 1370 - 1400, và lập nên nhà Hồ từ năm 1400 - 1407.
Phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Việt - chuyên viên Hiệp hội CLB UNESCO Việt Nam – nhân cuộc triển lãm thư pháp thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế 8-2000
LÊ HUY QUANGVào ngày 19/5/2010 này, cả nước ta sẽ tưng bừng Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới, nhà thơ Hồ Chí Minh, một người Việt Nam đẹp nhất.