Cửa sổ phía tây nam đô thị Huế

08:33 08/04/2011
NHỤY NGUYÊN(Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương)

Góc trời An Tây - Ảnh: NN


Có con đường nhiều lần qua, tưởng mòn. Có khoảng trời ngắm nhiều lần tưởng cũ. Một chiều đứng ở công sở cảm nhận về sự đổi thay trong từng sắc độ không gian, chợt dậy lên nỗi xốn xang lạ kỳ. Nó kéo tôi rời mọi toan tính trước dòng đời tràn ngập những con số. Tôi cứ thế hướng về phía tây nam của thành phố, nơi mặt trời đang toả hào quang, tô lên mây ngàn sắc màu mà đến bàn tay hoạ sĩ tài ba cũng khó đạt tới. Những áng mây hồng, xanh sẫm, mơ vàng đang cố vùi mặt trời ủ lại chút hơi ấm; ở đấy ánh sáng xuyên ra như dấu vết gươm khua, bừng nở sức sống của một ngày đầy hào hoa đa cảm. An Tây phía mặt trời thật lộng lẫy. Cũng chính nơi ấy - lối rẽ vào một trong hai con đường dẫn tới Trung tâm văn hoá Huyền Trân và khu di tích Chín Hầm, với tôi đấy là khúc quanh đẹp nhất trên đất An Tây. Cộng với tượng đài Quang Trung tại núi Bân, đây là “tam giác” tâm linh tươi mới. Nói khác đi, với ba điểm di tích văn hóa - du lịch thiện nguyện kể trên, một góc đô thị của Huế đã được quy hoạch hoàn hảo.  

Chín Hầm gắn với tên của “chúa tể” miền Trung Ngô Đình Cẩn. Nơi đây khoảng trời xanh lơ lặng lờ từng đám mây trôi về lãng đãng. Toà khu di tích Chín Hầm nằm trên ngọn đồi thông vi vu gió, cái tĩnh lặng của thiên nhiên hoà cùng nỗi niềm của du khách cảm phục những chiến sĩ từng lăn qua cái chết đã tạo nên không gian tịnh vắng. Mùa xuân, viếng khu di tích Chín Hầm cũng là sự tri ân, một niềm an ủi với mình với mọi người để tiếp tục sống tốt hơn giữa cuộc đời lắm xáo trộn. Tôi đến đây, rẽ vào Chín Hầm thăm người tù, sau mới trở ra ngược lên đảnh lễ trước đền thờ Trần Nhân Tông. Chắc hẳn năm 1306, khi người con gái của Phật hoàng được kiệu hành qua Ô Lý về làm dâu vương quốc Chăm, nàng không nghĩ mình lại được cả một đất nước ghi ơn. Chính bởi đó là chuyến ly hương mà Huyền Trân đã thực sự nở nụ cười mãn nguyện trong ngày cưới trên đất Chàm xa xôi.

Là một phường mới lập, An Tây được tách từ xã Thủy An cũ; là sự cộng sinh của xóm Hành, xóm Gióng, Tứ Tây, Ngũ Tây… Mỗi năm hai lần, các xóm đều thắp nhang chung tại Am Xóm. Riêng xóm Hành đã có được quy hoạch chỗ mới. Đất rộng, nhiều núi đồi, cảnh quan nhờ đó còn giữ được nét hoang sơ, hồn nhiên như một xuân nữ cựa mình trên nệm. Khu tái định cư xóm Hành. Đúng cách 3 năm về trước, đây chỉ là khu mộ đang được di dời nham nhở. Hồi đó tôi đi mua tre tại xóm Hành, chặt rồi mượn “xe kéo Tam Lang” đẩy qua bãi cát thuộc khu tái định cư, chỉ mới có vài ba ngôi nhà xây tạm bợ. Ghé vào quán nước nghỉ ngơi, hỏi han chuyện đất đai, tưởng rẻ ai dè mỗi mét vuông bèo nhất cũng vài triệu, mà đều đã có chủ, tức đắt gấp đôi gấp ba đất thuộc xóm Tứ mà tôi từng hỏi. Còn nay thì những ngôi nhà ba bốn tầng đã mọc lên ngạo nghễ, sơn tường chói lóa. Vòng xe giữa con đường chia năm xẻ bảy nơi đây mỗi sớm nắng lên hay lúc mặt trời bắt đầu vùi vào mây hồng, thật tuyệt diệu lại được thưởng thức một ngụm cà phê phố núi bắt đầu.

Từ Huế tới An Tây có nhiều đường. Có thể từ con đường nhỏ bên trái khu tượng đài vua Quang Trung chạy một mạch là gặp đường Tự Đức, rất gần ủy ban phường. Hay từ ngoẹo An Cựu đi thẳng, rẽ theo đường Nguyễn Khoa Chiêm. Hoặc từ đường Trần Phú xuống Duy Tân, cứ thế rẽ một chặng nữa về phía phải là tới Ngã tư Bánh Bèo... Tôi thường từ quốc lộ rẽ vào Trường Bia, ngang qua trường Đại học Kinh Tế, theo hướng tay phải vẽ một cung đường tuốt lên tận Nam Giao. Con đường Tự Đức mới thênh thang với hai làn xuôi ngược, phẳng lì, bóng. Tôi vặn tay ga để nhận lấy cái cảm giác vi vu hiếm hoi mỗi khi độc hành trên nhiều tên đường khác của Huế. Ngoài cảnh sắc của mây trời lộng lẫy hoà quyện núi đồi nhấp nhô, vô số ống nước xếp chồng lên nhau, trắng và đỏ rực dãy dài như niềm đam mê dưới nắng, báo hiệu cho một góc đô thị rộn rã không xa.

Dĩ nhiên, nếu chỉ rong ruổi trên đường viền của bản đồ địa chính một địa phận như vậy thì không cảm nhận được chiều sâu của An Tây. Nếu đứng ở đâu trên địa phận thành phố Huế, bạn có thể đến với nốt son văn hoá bằng con đường từ cầu Lim Nam Giao thẳng xuống khu tái định cư xóm Hành, hỏi chùa Trà Am; và người ta sẽ chỉ về phía tay phải, đi vào vài trăm mét là tới. Trà Am là một ngôi chùa cổ. Trà Am (nguyên ủy là Tra Am, vị tổ khai sơn Viên Thành đặt dựa theo tích Trung Hoa) tọa giữa núi Ngự Bình, Thiên Thai và Ngũ Phong; dựng vào năm 1923, ban đầu chỉ là mái tranh vách đất đơn sơ như một câu thơ của Sư tổ: Mao ốc tam giam nhất ổ vân (Mây trắng lều tranh phủ mịt mờ). Trước chùa có một khe nhỏ quanh năm rợp bóng tre, bắc qua bởi hai cây cầu bằng thông xinh xinh, rộng chỉ đủ vài người qua. Viếng chùa, vòng quanh những ngôi tháp mộ, gặp ai trong chùa, bạn cũng sẽ được kể về “hai người khuất mặt”. Trước 1945 có cặp rắn khổng lồ sống chung dưới tháp, thường bò vào chánh điện nghe kinh mỗi sáng sớm. Thượng tọa Viện chủ hồi ấy xem cặp rắn như bao chúng sinh khác tới chùa tu học, gọi chúng bằng “họ” rất trân trọng. Là người theo Phật, tôi cũng nghĩ vậy: Họ là một bộ trong Thiên Long Bát Bộ, vừa là “học viên” vừa là “nhân viên” bảo vệ Phật pháp. Đó là chuyện đã được ghi chép, cũ rồi. Riêng chuyện này mới toanh: Xưa có dòng suối nhỏ chảy thẳng “tim” chùa; chẳng hay có phải nghịch thủy không mà rất nhiều vị tu giữa chừng thì rời chùa lập gia thất. Một dạo những vị sư từ Sài Gòn ghé chơi đã “dẫn” con suối chảy về hướng khác… Bây giờ thì chùa đã thanh tịnh lắm.

Những năm 1961 - 1968, chùa Trà Am là cơ sở cách mạng do sư trụ trì trực tiếp lãnh đạo. Tiêu biểu là sự kiện chùa khánh thành tháp chuông, là “cái cớ” để gom lễ vật cúng dường cung cấp cho cách mạng. (An Tây trước vốn là vùng đất người dân đồng lòng che giấu cán bộ nằm vùng, tìm nhiều cách để tiếp tế lương thực cho cơ sở cách mạng ở các khu vực khác). Khuôn viên chùa Trà Am không còn rộng như xưa. Cổng chùa được dựng hai tượng đá. Lần đầu tiên tôi tới đây vào tháng mười một năm ngoái sau trận lụt nhẹ, cây mai trước chánh điện nhìn ra bung nở hết mình như không còn mùa xuân nào nữa. Cánh mai rụng dày một lớp vàng nhức nhối trên đất, ngỡ như chỉ muốn nói: Tượng đá kia đã đợi chờ trọn mấy nghìn năm và chính lúc này là sự khởi tiếp cho vòng tròn hy vọng khôn nguôi.

Gần cây xăng Quân Đội, tôi rẽ vào đường Nguyễn Khoa Chiêm. Con đường xuất phát từ Ngã tư Bánh Bèo (nối với đường Duy Tân cắt ngang Ngự Bình); chạy thẳng sẽ thấy ngay trường Đại học Ngoại Ngữ bên trái, và bên phải là một phần núi Ngự thông reo giữa sự bâng khuâng của vô vàn mộ. Nằm trong lòng An Tây, đây là con đường huyết mạch của phường. Không những thế, khi Huế là đô thị cấp trung ương, với những di tích lịch sử giá trị như khu mộ dòng họ Nguyễn Khoa, lăng Cụ Kinh Tế, miếu Âm hồn... thì đường Nguyễn Khoa Chiêm cũng rất quan trọng với thành phố Huế. Tiếc rằng từ mấy năm nay, con đường xuống cấp tệ hại. Ổ gà ổ voi nối tiếp. Ngay sau lưng lăng Cụ Kinh Tế là nhà máy trộn bê tông, nên hàng ngày xe tải qua lại không ngớt. Mùa mưa đã cực, mùa hè nếu đi sau những chuyến xe mù trời bụi bặm ấy thì tốt nhất là tắt máy chờ khi nó mất dạng. Tin nóng nhất, nghe đâu lãnh đạo tỉnh đã hứa với Bộ trưởng Bộ Giáo dục sẽ nâng cấp con đường này. Không biết bao giờ sẽ được thi công?

Từ khu mộ dòng họ Nguyễn Khoa, chạy thêm đoạn nữa là tới kho xăng dầu Ngự Bình; tiếp ngay đó là tới chỗ cần ghé thăm: lăng Cụ Kinh Tế. Cụ Kinh Tế tên là Nguyễn Khoa Kỳ, Thượng thư bộ Kinh tế dưới triều Nguyễn. Bây giờ hồ sen đầy chất thơ phía trước của một dạng lăng vua đã bị vùi lấp, khô cạn cả đến nhánh sông nhỏ phía trước nữa. Trong khuôn viên, nhiều cây thuộc hàng cổ thụ đã bị đốn. Các cụ cao niên bây giờ mỗi lần ghé là tiếc ngơ ngẩn những vị quan đứng chầu, tiếc ngơ ngẩn hai dãy gạch vồ sắp thành hàng từ ngoài cổng vào chân lăng, nay chỉ còn vài ba viên vỡ. Một con hạc không còn an nhiên rỉa cánh vì đã... gãy đầu. Riêng chú rùa đứng gần đó thì nghệt mặt ra khi chẳng hay vắng bạn tự bao giờ! Lăng Cụ Kinh Tế vẫn mang vẻ quyến rũ riêng, an nhiên giữa một khu vườn theo phong thái Huế xưa. Nơi đây trong thời gian tới, sẽ là điểm đến của không chỉ những vị khách thường dân như tôi mà trước hết là tầng lớp sinh viên của nhiều trường đại học đang dần được “bê” về đặt trên đất An Tây. Tôi ngồi bên hòn non bộ trước lăng Cụ Kinh Tế. Cây bồ đề bám chặt lấy khối đá bằng uy lực của rễ. Nước đã gần cạn. Chú cá chép từ trong hốc non bộ nhảy phốc lên đớp hụt giọt nắng cuối chiều... Cụ Kinh Tế hẳn đã rất mãn nguyện. Âu sống cũng là quá trình chuẩn bị cho sự chết. Mỗi ngày được sống, chính ngày đó đã chết [mất một ngày]. Tất cả nhân sinh rồi sẽ thành những mộ. Những nấm mộ lại như một ngôi nhà được xây lên để chở che cho linh hồn. Những nấm mộ sẽ là chốn yêu thương ai đó quay về thắp nén nhang gục xuống để báo công, hoặc ăn năn xưng tội… 

*

An Tây có thể xem là vùng của văn-hoá-mộ. Chính lăng mộ là nét riêng của An Tây, cũng là mấu chốt của vấn đề quy hoạch với khá nhiều dự án lớn đang và sắp được thi công. Đụng tới đâu cũng gặp mộ. Ngoài lăng Cụ Kinh Tế ra, đây còn rất nhiều lăng quan lại dưới triều chúa và vua Nguyễn. Đáng tiếc là nhiều trong số đó qua năm tháng “vô chủ” đã bị thời gian (dưới tác động của thiên nhiên và con người) san phẳng. Số ít còn lại có chủ hay thất chủ đều nằm trong nguy cơ bị bào mòn nghiêm trọng.

Góc tù khép về hướng đông của phường cũng dày đặc mộ. Chỉ riêng đoạn đường đi qua cổng trường Đại học Ngoại Ngữ nhìn qua phía đối diện, chi chít mộ phần lấp ló dưới gầm trời mờ ảo. Mỗi đêm trăng, lũ trẻ choai trong xóm chơi trò trốn tìm khắp những khuôn mộ. Chúng hét lên vui sướng khi bắt được kẻ nấp bên mộ, khiến cả linh hồn cũng thất kinh lánh đi nhường chỗ cho chúng thỏa thuê tới lúc cha mẹ gọi về học và ngủ. Với chúng mộ là một phần tuổi thơ, chúng đùa nghịch, chơi đủ trò như hất bài, bắn bi, nhảy lò cò trên mộ. Ở đây nhiều ngôi mộ to đùng, mặt bằng thoáng rộng đủ để quây tròn cả chục đứa. Mộ ở đây trở nên gần gũi, mật thiết, đến nỗi bị lợi dụng “lòng tốt”. Tôi nghe được nhiều chuyện về những đôi tình nhân đùm gói lên chọn một ngôi mộ có mái che ăn nằm với nhau đến… to bụng. Mộ xen lẫn nhà dân, người sống hòa đồng với linh hồn. Đa phần trong nhà ai cũng có mộ, mộ tên tuổi và mộ vô danh, mộ hiện hữu và mộ… khuất lấp. Có cặp vợ chồng đến nay đã ngoài thất thập, vậy mà năm ngoái “nhiều chuyện” quá; thuê thầy về coi, thầy chỉ, đào lên đến 18 di cốt, trong đó 3 nằm ngay trong nền nhà. Gia chủ phải dỡ nền lát gạch hoa - thứ gạch mà nay đã không còn được sản xuất nữa, cũng không còn tìm đâu ra một viên trên thị trường. Còn ngoài vườn thì hiện hữu 7 nấm Hời, tháng vài ba lần ông bà đều thắp hương khấn nguyện. Nhiều khu vườn chỉ chứa vài ngôi mộ đã hết đất cho cây cỏ ngụ. Có ngôi nhà chỉ mươi mét vuông mà trước án ngữ ngôi mộ chình ình như một vị hộ pháp. Nhà gối đầu lên mộ. Tôi từng dạo vòng quanh xóm mộ, nhìn ra những khu mộ nhá nhem, trắng sẫm, nhấp nhô dưới ánh trăng bàng bạc. Trong số họ tôi biết vẫn còn có “người” ở đó, đang nhìn tôi, tỏ tường suy nghĩ của tôi về họ. Tôi nhìn họ qua trực cảm tâm linh. Tôi thấy họ trong tâm thức của mình, trong dự báo về một cõi khác tôi sẽ đặt chân đến sau ngõ cụt nẻo trần.

Con dân của phường mới đông lên độ mươi mười lăm năm lại đây, tôi chắc không thể nhiều mộ đến thế. Vùng này ở phía núi đồi và nương rẫy, trước đây chắc hẳn là “nghĩa địa” tự do của người khắp tỉnh về an táng. Đi sâu vào phía sau lưng của ủy ban Phường sẽ chứng minh được điều đó. Mộ vô chi xứ. Vùng đất dân ở, trước là cây cối bạt ngàn, chỉ vài lối nhỏ vừa đủ đàn trâu xếp hàng đi về. Chỗ nào cũng có mộ. Hoàn cảnh loạn lạc, phiêu tán, người đi ngược kẻ về xuôi, mộ không ai “nhìn mặt” đã bị mưa lũ khoả mất dấu vết. Và mặt bằng mới xuất hiện, người người tới dựng nhà... Nhiều khu đất rộng hàng ngàn mét vuông là nghĩa địa gia đình, tộc họ. Ngồi trước hiên nhà dân uống trà, chỉ thấy mộ và mộ. Quen rồi, mộ nối mộ cũng cho tôi cảm giác dịu nhẹ, như một chút từ bi được vén lộ.

*

Người dân An Tây chủ yếu dựa vào lao động thủ công và làm nông. Tại khu vực 3 bây giờ trước người dân đi trầm lũ lượt. So với thời đói khổ, đi tìm trầm khiến đời sống khấm khá nhất. Gọi xóm Hành bởi vùng này trước chuyên trồng hành và rau màu. Nơi bây giờ là con sông đã khô nước, trước là cánh đồng hành trải dài xanh ngắt. Con sông được đào bằng cuốc xẻng thuần chân tay, dẫn nước qua xóm Hành, vòng vèo dưới chân núi Ngự Bình xuống xóm Gióng; ở xóm Gióng xưa người dân thường lên núi Kim Phụng từ gà gáy chặt mây song về sắt gióng. Hiện nay thì xóm Gióng không còn làm gióng và xóm Hành cũng không còn trồng hành làm hàng hóa nữa. Cũng không phải chuyển qua một nghề nào rõ rệt. Xóm Hành vẫn chủ yếu làm ruộng, trồng sắn trỉa bắp như một phần dân cư ở Ngũ Tây, nhiều gia đình thì làm hàng mã; nghề này chỉ bó hẹp cho con cháu, sợ “trộm nghề” hiếm ai nhận thợ người ngoài. Xóm Gióng giờ số lớn là thợ, buôn bán, làm nông. Ở khu vực 4, 5 thì nhiều “đại gia” chuyên nhận lăng mộ, tập trung ở khu vực chùa Trà Am đi lên; thợ làm lăng (thợ kép) sinh ra nhiều và thợ hồ cũng không ít. Làm lăng là nghề mang đến sự giàu sang mau chóng. Giữa năm nay có ba lăng mộ to mới được xây mới hoàn toàn. Tính ra tốn mấy trăm triệu? Tôi hỏi: đã nằm trong quy hoạch sao họ vẫn làm? Có ai đó nói qua tai: tiền Việt kiều tiếc chi... Có nhiều chủ thầu nhận vài cái lăng, ký hợp đồng hôm nay, chưa cần tính lãi bao nhiêu, chạy ngay ra mua con xe tay ga mấy chục triệu, rồi nâng ly đã đời mới kéo thợ bắt tay vào việc. Xóm Tứ cũng có một số người nhận làm lăng mộ, thợ hồ, thợ kép, thợ mộc, phụ hồ... đủ cả. Tổ 3 là bãi bờ lô lớn nhất Phường. Những bãi gần đường Nguyễn Khoa Chiêm và kiệt vào nhà máy thì tận dụng mua rẻ lại chỗ bê tông thừa mỗi khi xe chở đi đổ về, thêm cát sạn là đúc được ngay. Nhiều bãi phía trong khu vực thì tự mua cát sạn, thuê thợ tự trộn và đúc. Mỗi bãi cũng giải quyết việc làm đáng kể cho người dân xóm. Bờ lô thường được đúc từ ba bốn giờ sáng, đúc cả vào ban đêm, nhưng tình trạng thiếu cát sạn như thời gian từ trước tết đến nay, cung đã không còn đủ cầu.

Nhiều lần dạo qua tất cả các xóm trong phường, tôi vẫn muốn trở lại như chính được trở về quê nhà nơi chôn nhau cắt rốn mình. Vẫn còn đó nét trầm tĩnh xanh mát của làng quê Việt. Vẫn còn đó những khu vườn với đủ loại rau cỏ từ cây ớt cho tới đám lá lốt theo truyền thống tự cung tự cấp nông thôn. Vẫn còn đó những người làm vườn nhiều lúc chống cuốc đứng ngẩn ra giữa vườn tính tuổi...

Đất ở An Tây đã “thu hẹp” dần, đúng hơn đang dần bị chia tách, manh mún. Cách đây dăm năm đất chỉ vài ba trăm ngàn/ mét vuông, nay thì tăng lên gấp năm gấp mười. Người về mua đất an cư một số là cán bộ. Là nơi tập trung nhiều trường đại học, lượng sinh viên đông, cư xá không lo đủ, hơn nữa sinh viên đa số thích được tự do nên đều muốn thuê phòng trọ riêng. Nhu cầu chỗ ở cho sinh viên ở An Tây là bức thiết. Chỉ trong năm 2010, có hàng chục chủ nhân thành phố về đây mua đất chỉ để xây phòng trọ, và một công ty nhà ở xây hẳn mấy chục phòng trọ cao cấp cho thuê. Hiện đã có khoảng 150 phòng, và sẽ còn tăng lên. Sinh viên ở bất cứ nơi đâu luôn là đối tượng để nâng cao đời sống của người dân nơi đó. Ngoài lợi tức thu từ việc thuê phòng trọ, thực phẩm và sinh hoạt cũng là nguồn cung dồi dào. Nhưng lối sống và tình cảnh sinh hoạt của sinh viên thời @ khá phức tạp; một mặt sẽ nâng cao mức nhận thức của người dân cũng như con em học sinh trong phường, mặt khác sẽ có nhiều tác động xấu đến lớp trẻ…

*

Tôi đặt tay lên bàn phím viết về An Tây vào đầu năm mới, khi hoa mai đã rụng dày xuống đất trong nhiều khu vườn cũ, có thêm mít, ổi, xoài, dứa, những đám rau không hàng lối, và một vài bụi trầu. Mỗi sáng ngày nghỉ, tôi thường tới ngồi uống trà với ông Tá. Ông có ngôi nhà “5 - 7” từ trước giải phóng, hiện mối mọt đã gặm hết các đường xà. Sau nhà là khoảnh đất đủ một giàn trầu rộng rinh. Vườn trước chia đôi bởi con ngõ với hai dãy cau; toàn mai. Tôi thích ngồi với ông trên bộ ghế bàn đóng bằng gỗ mít, cổ lắm, uống trà, nhìn ra khu vườn với mấy chục cây mai được trồng tự nhiên chẳng uốn éo. Sáng nào ông Tá cũng quét vườn sạch tưng trong lúc chờ ấm nước sôi. Đầu năm nay tôi tới chúc thọ, thấy mai rụng ố vàng trên đất. Ông tiếc, run tay chưa muốn cầm cây chổi quét. Tôi nhìn lại ngôi nhà ông, bệ rạc quá rồi. Năm sau, liệu tôi có còn được ngồi bên mái hiên kia uống trà nhìn ra vườn mai nguyên vẹn. Ông cũng đã bán bớt đi một ít đất, giờ là dãy phòng sinh viên; già rồi không làm nên nổi, số tiền đó gửi vào ngân hàng lấy lãi, tạm đủ ông tiêu.

Lặng lẽ dắt xe, tôi ước định lần tới lại An Tây. Một con đường hẹp, vòng vèo qua những phần mộ hàng mấy trăm tuổi dẫn tôi tới cánh đồng mà một phần đã được quy hoạch cho Nhà Đèn. Ngày bắt đầu tàn. Nối vào đêm là nền trời ửng đỏ với vệt mây xám lặng đi như cơn đau nhẹ, một sự kết thúc viên mãn của ngày. Ngồi lại giữa cánh đồng hoang liêu nhìn đàn trâu nối nhau trở về thôn xóm, tôi bồi hồi khi vài ngọn đèn chớm nở. Và đêm sẽ đánh dấu bằng sự bùng dậy của vùng sáng như một niềm kiêu hãnh. Nhớ lần nào đó đang giữa lòng Huế tôi chợt thấy vừng mặt trời tròn vạnh, đỏ ọng. Nó sẽ rớt xuống đâu? Tôi chợt liên tưởng ngay đến khu vực Nhà Đèn An Tây, nơi ánh điện sẽ bừng lên... Chộp lấy máy ảnh, tôi vặn tay ga chạy theo ánh tà dương như ma đuổi. Tới nơi, mặt trời đã tụt “huyết áp” một cách thảm hại. Tôi vội trèo lên đứng chới với trên thành cầu (mà phía dưới là vực thẳm) chỉ chụp được duy nhất một pô trước lúc mặt trời... tắt thở! Đấy là “bức tranh” mà bầu trời và con đường tương phản với hai cấp độ chiều - tối chợt bừng lên một nguồn sống lặng lẽ đến sững sờ.

Thành phố Huế có 27 phường; trong số 7 chủ tịch ủy ban nữ thì chị Nguyễn Thị Phương Mai là người đầu tiên tôi tiếp chuyện. Chị có nụ cười khá duyên. Là vị chủ tịch thứ 2 của Phường và cũng chỉ mới giữ chức vụ được một năm, tôi nghĩ công việc mà chị cần phải làm không ít. Phường An Tây với nhiều dự án quy hoạch đang thực thi và một số đang nằm trong kế hoạch của tỉnh, đang là bài toán cần có lời giải không chỉ những con số. Hai vế đối nghịch giữa di tích lịch sử văn hóa, văn hóa tâm linh và phát triển đô thị luôn có nhiều mâu thuẫn. Đây cũng đòi hỏi năng lực và tầm nhìn của lãnh đạo Phường nói riêng. Chẳng lâu nữa, khi khu tái định cư hình thành, khi khu biệt thự phố núi vén mặt, khi làng đại học được xúc tiến đến công đoạn cuối, hoà chung nhịp sống thường hằng của tri thức nhân loại, khi một bộ phận lớn cán bộ và nhân dân đổ về cư trú, nơi đây sẽ là hướng phát triển cả về văn hoá và kinh tế quan trọng của thành phố Huế. An Tây sẽ là góc đô thị đầy xúc cảm.

N.N
(265/3-11)







Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Tuy chỉ là món ăn dân dã và phổ biến ở Huế, nhưng để chế biến được một tô bánh canh cá tràu ngon đúng vị… món ăn này cũng đòi hỏi người chế biến phải tỉ mẩn và khéo léo. Ở Huế, bánh canh có nhiều cách chế biến khác nhau, như bánh canh nấu tôm, chả cua, bò viên, da heo... Tuy nhiên, đặc sắc và thu hút nhất vẫn là bánh canh cá tràu (người Bắc gọi là cá quả, miền Nam gọi đó là cá lóc).

  • Huế những ngày này mưa dài lê thê. Từ sáng đến tối hầu như mưa không lúc nào ngớt. Đi kèm mưa là cái lạnh rét luồn vào da thịt, làm tím tái những khuôn mặt, bàn tay, đôi chân trần đang tất tả mưu sinh trên đường phố.

  • BẠCH LÊ QUANG

    Nghệ thuật và âm nhạc nói riêng, khi vượt qua lằn ranh của hữu hạn sẽ trở thành những sấm truyền vĩnh hằng, một thứ Kinh mà con người sẽ truyền rao trong cõi nhân sinh đầy biến động.

  • HỒ THỊ HỒNG

    Vua Thiệu Trị từng nói với bề tôi rằng: “Việc dạy học là chính sự trọng đại của triều đình”(1). Nhưng với truyền thống hiếu học của nhân dân ta, từ lâu vấn đề giáo dục đã được xã hội hóa một cách sâu rộng từ trong từng gia đình, dòng họ và toàn xã hội Việt Nam.

  • (SHO). “Đã mê ớt đỏ cay nồng
    Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh
    Ruốc thơm, cơm nguội, rau lành
          Mời nhau buổi sáng chân thành món quê”

  • PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO

    Trong chuyến đi Huế dự lễ kỷ niệm ba mươi năm Tạp Chí Sông Hương vừa rồi, tôi được Tổng Biên Tập Hồ Đăng Thanh Ngọc ghé tai thông báo: “Chị cứ đi chơi Sông Hương và thăm quan quanh cố đô Huế những chỗ chưa biết, nhưng đừng nên khám phá hết để còn có cái thôi thúc mình lần sau vô  Huế mà khám phá tiếp  nữa. Nhưng dù đi đâu các anh chị cũng đừng quên đến thăm Gác Trịnh mới khánh thành nhé, hay lắm đấy, dù bận mấy  cũng nên tranh thủ ghé thăm Gác Trịnh dù là vài phút ”.

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

    Buổi sáng, tôi ngồi trong Gác Trịnh nhìn ra ngoài cửa sổ. Bên ngoài trời đang se sắt chuẩn bị mưa, sự se sắt nằng nặng.

  • PHẠM HUY THÔNG

    Đầu năm 1986, nghĩ rằng năm nay là một năm có nhiều sự kiện trọng đại diễn ra trong nước ngoài nước, tôi e rằng kỷ niệm mùa hè 200 năm trước của Phú Xuân và của dân tộc, dù không phải là không có tầm vóc, có thể chỉ được chú ý có mức độ, - nếu có được nhắc đến.

  • LÊ HUY ĐOÀN

    Những cửa thành của Kinh thành Huế ghi dấu những sự kiện từ kinh đô thất thủ ngày (23/5 năm Ất Dậu, 1885) sau cuộc chiến không cân sức giữa phe chủ chiến của triều đình Huế với giặc Pháp rồi đến sự tàn phá của thiên tai qua trận lụt 1953 làm 4 cửa thành đổ sập, rồi lại trải mình qua chiến sự Tết Mậu Thân (1968) với bao nhiêu vết hằn của bom đạn.

  • VÕ NGỌC LAN

    Như một mặc định của thời gian khi Huế là kinh đô của cả nước và nơi đây cũng là kinh đô của những chiếc áo dài. Vì vậy con gái Huế được làm quen với tà áo dài rất sớm. Bởi khi mới sinh ra đã thấy mẹ, thấy bà, thấy những người phụ nữ chung quanh khoác trên mình chiếc áo dài.

  • LÊ PHƯƠNG LIÊN 

    …Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
    Những buổi ngày xưa vọng nói về…

                       (Đất nước - Nguyễn Đình Thi)

  • G.S. TRẦN QUỐC VƯỢNG

    Thế kỷ XVI chứng kiến sự vỡ ra của nền quân chủ quan liêu Nho giáo Việt Nam.

  • THANH TÙNG

    Tháng 10/2012, tại khách sạn Rex - thành phố Hồ Chí Minh, chiếc bánh đậu xanh Phượng hoàng vũ khổng lồ của nghệ nhân ẩm thực Tôn Nữ Thị Hà và ái nữ Phan Tôn Tịnh Hải được vinh danh Kỷ lục châu Á - do Hội Kỷ lục châu Á công nhận.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN

    Ở Huế có nhiều món ngon nổi tiếng như bún bò, cơm hến, dấm nuốt, bánh khoái, bèo, nậm, lọc… điều này đã được nói nhiều. Nhưng còn nhiều chuyện có thể bạn không để ý lắm.

  • NGUYỄN HUY KHUYẾN

    Vườn Thiệu Phương là một trong những Ngự uyển tiêu biểu của thời Nguyễn, từng được vua Thiệu Trị xếp là thắng cảnh thứ 2 trong 20 cảnh của đất Thần Kinh. Khu vườn này đã được đi vào thơ ca của các vua nhà Nguyễn như là một đề tài không thể thiếu.

  • VÕ NGỌC LAN 

    Đã từ lâu danh xưng mai Huế như một mặc định cho loài hoa mai có năm cánh với sắc vàng rực rỡ. Loài hoa mai ấy chỉ sinh trưởng trên đất Cố đô và cũng là đặc sản của vùng sông Hương núi Ngự.

  • LÊ VĂN LÂN

    Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968 với việc chiếm giữ Huế 26 ngày đêm đã tạo nên bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm sụp đổ chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ - Ngụy, làm lung lay ý chí xâm lược của kẻ thù, buộc địch phải ngồi vào bàn đàm phán Paris.

  • NGUYỄN HỒNG TRÂN

    Câu chuyện này do nhà thơ Bích Hoàng (tức Hoàng Thị Bích Dư - cựu nữ sinh trườngĐồng Khánh - Huế) kể lại cho tôi nghe trực tiếp vào đầu năm 2012 tại nhà riêng của cô ở 170 phố Cầu Giấy, Hà Nội.

  • TRẦN BẠCH ĐẰNG

    Mỗi địa danh của đất nước ta chứa mãnh lực riêng rung động lòng người, từ những khía cạnh rất khác nhau. Có lẽ lịch sử và thiên nhiên vốn ghét bệnh "cào bằng", bệnh "tôn ti đẳng cấp" cho nên lưu dấu vết không theo một công thức nào cả. Quy luật khách quan ấy làm phong phú thêm đời sống nội tâm của dân tộc ta.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂN

    Đề cập đến sự nghiệp cầm bút của Thượng Chi Phạm Quỳnh cần phải có một cái viện nghiên cứu làm việc trong nhiều năm mới hiểu hết được. Do hoàn cảnh lịch sử, tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến mình có thể tìm hiểu một khía cạnh nào đó trong sự nghiệp to lớn của ông.