Con rắn là biểu tượng của linh hồn và nhục dục; con rắn vũ trụ, rắn là vị thần cổ, vị tổ tiên huyền thoại. Ở Việt Nam có rất nhiều loại rắn với các tên gọi khác nhau như rắn hổ mang, rắn hổ lửa, rắn hổ phì, rắn hổ đất, rắn cạp nong, rắn cạp nia, rắn mai gầm vàng, rắn mai gầm bạc, rắn đen vàng, rắn vòng vàng, rắn lồng, rắn học trò, rắn lục, rắn đẻn, rắn nước, rắn roi... Trong văn học dân gian từ truyền thuyết, thần thoại, truyện cổ tích đến thành ngữ, tục ngữ, ca dao cũng lấy hình tượng con rắn để giải thích hiện tượng sự việc, để bày tỏ quan điểm sống của người bình dân xưa.
Nước ta ở vùng nhiệt đới nắng lắm, mưa nhiều cho nên vùng quê nào cũng có rắn sinh sống. Rắn sống quanh bụi bờ, cây cối, hang hốc, sông hồ, khe suối, đầm phá, biển cả. Rắn sống chung với muôn loài cỏ cây, thú vật và với cả con người. Con rắn vừa có ích với người nhất là đối với nhà nông, rắn có tài săn bắt chuột, cóc, nhái, ếch giúp nông dân bảo vệ mùa màng, lúa thóc, tránh được sự phá hoại của loài gặm nhấm. Bên cạnh đó, rắn cũng là vật linh của dân gian, có nhiều câu chuyện ly kỳ xoay quanh loài rắn được truyền từ đời này sang đời khác.
Đối với cư dân Huế, hình tượng con rắn ở ngoài đời và trong tín ngưỡng tâm linh đều có sự sùng bái cũng như thể hiện một nét văn hóa riêng có về loài vật này. Tục thờ rắn là một tín ngưỡng của người Việt cổ. Ở Huế việc thờ rắn có liên quan đến các tích chuyện sau đây:
Trong hệ thống 24 vị thần linh được làng Phù Bài, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy thờ cúng, mà nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh đã nêu cụ thể; có ngài Nguyễn Đương và người con gái của ngài có liên quan đến chuyện tâm linh về con rắn. Theo gia phả lưu giữ tại nhà thờ họ Nguyễn, tiên tổ là ngài Nguyễn Đương vốn từ đất Lạng Sơn vào Hoan Châu trong thời nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê. Việc ra đi của ngài là do mẹ ngài mất sớm, vào cư trú tại Hoan Châu một thời gian. Thời kỳ này loạn lạc cha ngài đã mất tại Nghệ An. Nhân lúc Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, ngài theo phò và đến thẳng đất An Nông cồn Trái xứ, ngài dừng chân ở đây định xây dựng cơ nghiệp lâu dài, ngài đã khai phá được hơn 2.000ha đất ruộng; khi gặp ngài Ngô Thù, hai ngài kết nghĩa thề cùng sống chết. Sau đó, ngài Ngô Thù thấy đất Phù Bài rộng lớn, trù phú hơn nên bàn với ngài Nguyễn Đương về đó cùng xây dựng cơ nghiệp. Sau một thời gian hai ngài đã bao chiếm và canh phá hơn 15.000ha từ đồi núi đến đồng bằng, ruộng nước. Phía bắc giáp làng Lương Văn, phía nam giáp La Sơn, phía tây giáp nguồn Tả Trạch, phía đông giáp sông Đại Giang. Lúc này hai ngài gặp ngài Lê và cùng kết nghĩa tạo thành thế chân vạc để giữ gìn đất đai rộng mở đã khai phá.
Theo hương phổ của làng Phù Bài, “Ông Nguyễn có bách nghệ nên dựng lò nấu sắt và hàng năm phải nạp cho triều đình 2000 khối”. Như vậy, cùng với ngài Ngô Thù, ngài Lê Trại, ngài Nguyễn Đương cũng đã góp sức để phát triển nghề khai quặng nấu sắt ở Phù Bài. Sau khi ngài mất, dân làng lập miếu thờ và phong là “Tùng bổn thổ Thành Hoàng”. Ông được ban sắc phong dưới triều vua Khải Định năm thứ 2 và Khải Định năm thứ 9.
Miếu thờ ngài lúc đầu được xây tại mộ, miếu nhỏ lợp tranh. Năm Nhâm Thân (1932) miếu bị hư hỏng con cháu có trùng tu lại. Năm Đinh Dậu (1957) đưa về nhà thờ và đổi tên là “Điện Tùng bổn thổ Thành Hoàng”. Qua các lần trùng tu, miếu hiện nay là một ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, trước có cổng tam quan, các cách bài trí cũng gần giống như miếu ngài Ngô Thù, ngài Lê Trại.
Sau khi mất, mộ ngài được táng ở cồn đỏ đất kim quy, vị trí đối với đình làng cách 2,5km, hướng Tây Tây Bắc, tại khe Ông Thổ. Dân làng gọi địa danh này là hóc ông Đương hay mộ ông Đương. Năm 1962, con cháu xây lăng cho ngài1.
Người con gái của ông Nguyễn Đương, khi có thai sinh ra 2 trứng nở ra thành 2 con rắn màu vàng, có con cụt đuôi thường nổi gió mưa khi làng cúng tế. Bà được tôn xưng là Tân phi Nguyễn phu nhân, 2 con rắn là Long cung hiển hóa nhị vị oai linh tôn thần2.
Chuyện rắn ở với nhau một cặp là thường gặp và thường nghe thấy, thậm chí còn truyền miệng nhau chuyện cặp rắn nghe kinh Phật ở chùa Trà Am. Còn chuyện rắn cặp ở ngay trung tâm thành phố Huế cũng được nhiều người biết. Ở khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay, trước đây có cây sấu cổ thụ (thuộc loại hiếm trên đất Huế), khi thi công bảo tàng thì phải chặt cây sấu, cán bộ bảo tàng lúc đó là ông Lê Viết Xuân cương quyết giữ lại cho bằng được hai cành bồ đề khẳng khiu vàng úa cao khoảng 1m, gốc tích của hai cành bồ đề chính là phần trên còn lại của một gốc cây bồ đề lớn đã bị triệt hạ và vùi lấp. Dưới gốc cây bồ đề đó có một am thờ thiêng lắm. Cứ mỗi khi lụt ngập, người ta thấy một đôi rắn hổ mang rất to, từ đó rẽ nước bơi ra3.
Trong thập niên 80, ở các di tích bên trong Đại Nội chuyện về rắn được nhiều người lưu truyền. Vì trong khuôn viên Đại Nội thời ấy có nhiều gia đình lưu trú, chính họ đã gặp rắn, rắn vừa nhiều, vừa to và trở thành huyền thoại với cuộc sống của nhiều người dân qua các tình tiết như: “Một con rắn đang từ từ trườn đi, nó trườn đến đâu tranh săn ngã rạ đến đó”. Hoặc, “con rắn rất dài, đường kính cỡ như bánh xe honda đang nằm chắn ngang qua đường, mấy anh lớn tuổi lấy đèn pin hua hua rồi lấy đá ném, con vật hình như không biết sợ, nó ngóc đầu lên cao, phùng mang thở phù phù rồi từ từ trườn vào góc thành gần đó”. Thậm chí “góc phía đông vườn Cơ Hạ gần động Đào Nguyên có 1 con rắn to như lốp xe Huê kỳ, trên đầu có mào màu đỏ, thường cất tiếng gáy như gà vào buổi sáng, đặc biệt con rắn này có thể bay từ bức thành này sang bức thành khác. Và mỗi lần nó di chuyển thì gió bụi và tranh săn xao xác một góc thành”. Người ta thấy trực tiếp, “Một đôi rắn rất to, trên đầu có mào, rẽ nước cùng sóng đôi, phì phò lao đi tạo thành những đợt sóng nhỏ dập dềnh nước vào bờ”4.
Trong số loài vật, cư dân Huế có nơi thờ cọp, voi, rắn, chó, cá voi với ý nghĩa khác nhau. Trong đó, rắn là loại thờ hiếm hoi nhất, trường hợp duy nhất được biết là tại làng Phù Bài, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy truyền tụng huyền thoại về hai con rắn một cụt, một dài vốn là con của Thần Gió, từng hiển linh giúp đỡ dân làng, đem lại mưa thuận gió hòa nên được dân làng tưởng nhớ, tôn xưng là Ông Dài, Ông Cụt, lập bài vị thờ ở đình làng.
Trong kho tàng thần thoại Huế đã nhắc đến câu chuyện Hai người cháu của Thần Gió, như để giải thích cho hiện tượng trên ở làng Phù Bài. Chuyện kể rằng: “Ngày xưa, ở vùng đồi núi phía tây, có hai cha con sống trong một túp lều hiu quạnh. Người cha làm vườn, phát rẫy, côi cút nuôi con. Cô gái giúp cha gieo trỉa và lo việc nội trợ. Càng lớn, cô gái càng hay lam hay làm và trở nên xinh đẹp. Rất nhiều thanh niên làng đến dạm hỏi, đều bị cô từ chối. Người cha cũng muốn ép cô để yên bề gia thất, nhưng thấy cô cương quyết không chịu nên phải chiều theo.
Bỗng nhiên cô thấy triệu chứng của người có thai. Những người rắp ranh cưới cô đều lấy làm ghen tức, hùa nhau bêu xấu cô đủ điều. Họ còn gán cho cô tội thông dâm với cha. Cô gái rất khổ tâm vì những lời buộc tội xằng bậy đó.
Hôm nọ, khi cô rửa mặt ở bờ ao thì bỗng nhiên có cặp rắn nhỏ từ người cô bò xuống. Cái bụng sau đó xẹp ngay. Tối hôm ấy, cô nằm mơ thấy một vị tiên đến dặn rằng: “Con vốn là người của nhà trời, vì trước đây vô ý nuốt nhầm hai cái trứng của Thần Rắn là con của Thần Gió, nên phải đày xuống trần gian để sinh ra. Nay đã hết hạn, con được lên trời. Ngày mai con kiếm ba thước lụa điều thắt vào lưng để các thần nhận ra con mà đưa lên”.
Hôm ấy, đúng vào ngày cô gái bị làng mang ra để bắt vạ, trên đường tới sân đình, cô xin ba thước lụa điều và biến mất trước mắt mọi người. Chỗ cô bay lên trời còn in dấu chân lún đất xuống. Dân làng lập đền thờ cô ngay tại đó. Đền thờ ấy đến nay vẫn còn.
Cha cô gái rất buồn. Một hôm ông đang thiu thiu ngủ thì có hai đứa trẻ đến, tự nhận là cháu, xin được cùng ở với ông. Ông cụ ngạc nhiên mở mắt, chẳng thấy hình dáng lũ trẻ đâu, bên cạnh chỉ thấy đôi rắn nhỏ nằm quấn quýt. Ông giật mình nhớ lại chuyện cũ, chăm sóc đôi rắn như cháu mình. Đi đâu hay làm việc gì, ông đều mang rắn theo. Một hôm, đi phạng bờ ruộng chuẩn bị gieo cấy, ông vô ý chém phải vào đuôi một con, làm đứt lìa. Từ đó, con dài, con cụt phân biệt nhau.
Vì là cháu của Thần Gió nên đôi rắn thường dùng phép làm thay đổi hướng gió, giúp đỡ bà con đi lại dễ dàng trên vùng sông nước và tạo những cơn mưa cần thiết cho mùa màng. Nhờ đó, vùng quê này nhiều năm liên tiếp được mùa, đời sống nông dân khấm khá. Đôi rắn cũng thay nhau làm việc, có khi tự biến mình thành người để đỡ đần cho ông cụ.
Ông lão già yếu rồi mất. Nhiều người đi tìm kiếm khắp nơi đôi rắn lạ nhưng chẳng thấy đâu. Từ khi đôi rắn biến mất, thiên tai dồn dập xảy ra, dân làng lâm vào cảnh đói kém, lầm than. Bấy giờ, họ nhớ lại chuyện cũ, tôn đôi rắn chức “Ông”, Ông Dài, Ông Cụt và lập bài vị thờ ở làng.
Thời gian khá lâu về sau, một ngư dân đi đánh cá ở khúc sông xa, gặp gió ngược thổi mạnh không về được. Trời sập tối, đang lúng túng lo sợ thì bỗng có hai thanh niên tìm đến ngỏ ý muốn đi nhờ. Người dân chài than thở chuyện gió chướng. Hai chàng trai làm phép quay ngược chiều gió khiến thuyền di chuyển lẹ làng.
Đến nơi, người đánh cá nhìn kỹ hai người khách thấy mặt mũi giống hệt nhau, đều khôi ngô tuấn tú nhưng có người bị cụt một chân. Hai thanh niên đến nhà ông lão đã mất, rồi ra đền thờ cô gái bị hàm oan. Sau đó, cả hai đều biến mất.
Thì ra, hai người thanh niên ấy chính là Ông Dài và Ông Cụt, là hai người cháu của Thần Gió hóa thành. Họ về thăm lại người thân nơi trần thế”5.
Từ một con vật phổ biến ngoài đời với đời sống sinh cảnh ruộng đồng, sông nước, núi đồi… đã đi vào nghệ thuật đúc đồng trên Huyền đỉnh của bộ Cửu đỉnh, hình ảnh con rắn được chạm khắc với nét uốn lượn vừa dài, vừa mềm mại giữa thiên nhiên. “Với tên gọi Mãng xà, tức con rắn to. Nhiều sách chép loài Mãng vương xà (vua của loài rắn). Theo quan niệm dân gian, rắn là vị thần (thần Lốt) ở miền sông nước. Mãng xà lớn nhất trong loài rắn nên gọi là xà vương, mắt nó tròn, mùa xuân và mùa đông ở trên cạn, mùa hạ và mùa thu ngâm mình dưới nước. Ở Việt Nam, những tỉnh có vùng bán sơn địa, nhiều sình lầy, đầm hồ, mãng xà thường ẩn cư.”6
Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ và ca dao Huế, hình tượng con rắn được nhắc đến với nhiều ý nghĩa khác nhau:
- Rắn đói lại chê nhái què: Câu này với nghĩa đen, nhái là thức ăn mà rắn rất yêu thích. Nghĩa bóng là đã đói khổ lại còn làm cao cách.
- Rắn già, rắn lột vỏ. Người già, người bỏ vô “săng”: Câu này mang nghĩa đen là rắn già rắn lột vỏ tiếp tục sống, còn người già chết thì phải bỏ vào quan tài (không sống được nữa). Nghĩa bóng là tuy cùng chịu quy luật sinh diệt như nhau, nhưng quá trình biến thái, phát triển sự sống của mỗi sinh vật trong đó có con người lại không giống nhau.
- Rắn mai tại chỗ, rắn hổ về nhà: Câu này có ý nghĩa là rắn mai gấm có nọc cực độc, người bị cắn có thể chết ngay tại chỗ, rắn hổ mang cũng có nọc rất độc, người bị cắn có thể sẽ chết sau đó vài ba giờ (về tới nhà)7.
Thành ngữ Huế có câu Rắn bò ra miệng giếng nghĩa là lông mũi thò ra bên ngoài (ví như con rắn hoặc con vật tương tự, bò qua miệng giếng) chỉ một tuần quên để ý, là rắn bò ra miệng giếng rồi8.
Ca dao Huế có những câu nói về con rắn hoặc mượn hình ảnh con rắn để thể hiện nỗi lòng của mình như:
- Rắn liu điu có phước cũng hóa rồng,
Phượng hoàng chớp cánh, rụng lông như cò9.
Hoặc trong hò đối đáp, hình ảnh con rắn cũng được nhắc đến:
- Rắn hổ leo cây thục địa,
Ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên,
Chữ rằng cầm sắt nhân duyên,
Trai bên chàng đối đặng, em xin kết nguyền trăm năm.
Thầy phù thủy đi trên mặt nước,
Thợ Thanh Long chạm cái đầu rồng,
Phu thê giữ vẹn chữ đồng,
Trai nam nhơn đà đối đặng, hỏi thiếp có xứng nghĩa vợ chồng hay không?10
- Rắn không chân, rắn đi năm rừng bảy rú,
Gà không vú nuôi đặng chín mười con,
Tưởng em má phấn môi son,
Ai hay má mỏng môi mòn thế ni.
- Rắn không chân rắn đi khắp rú,
Gà không vú nuôi đặng chín mười con,
Nam nhơn đối đặng thiếp kết nghĩa hầu non già đời11.
Với những câu chuyện về rắn trong tâm thức dân gian Huế cho thấy người Huế cũng sáng tạo ra nhiều câu chuyện về rắn trong văn học dân gian để xua đi nỗi sợ hãi về rắn trong đời sống thường ngày. Đồng thời cũng như lưu truyền tục thờ rắn trong đời sống tâm linh mà cho đến hôm nay cư dân làng Phù Bài vẫn luôn hương khói cho miếu bà họ Nguyễn, miếu Ông Dài, Ông Cụt, bài vị thần rắn ở đình làng. Hình tượng rắn cũng từ dân gian được đưa vào nghệ thuật chạm khắc cung đình như hình khắc trên Cửu đỉnh. Chính vì lẽ đó mà người xưa đã chọn con rắn là biểu tượng trong lịch pháp với cái tên gọi rất dân dã: Tỵ.
T.N.K.P
(TCSH432/02-2024)
------------------------
1 Phan Cảnh Anh Vinh: "Làng Phù Bài kiến trúc đình miếu và nghề khai thác quặng". Trong sách: Trần Đại Vinh (Chủ biên): Làng văn vật Thừa Thiên Huế. Tập 4. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2021, tr.319, 320.
2 Trần Đại Vinh (Chủ biên): Làng Văn vật Thừa Thiên Huế. Sđd, tr.184.
3 Lê Viết Xuân: Quá trình xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (1998 - 2000), cơ duyên kiến tạo thành công. Bảo tàng Hồ Chí Minh 30 năm xây dựng và trưởng thành. Huế, tháng 9/2010, tr.41.
4 Trọng Bình (2013). “Rắn Đại Nội, sự thật và huyền thoại”. Tạp chí Sông Hương, số 288/2013, tr.114.
5 Triều Nguyên (biên soạn), Tổng tập Văn học dân gian xứ Huế. Tập 1: Thần thoại, Truyền thuyết, Truyện cổ tích, Truyện ngụ ngôn, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2012, tr.97, 98.
6 Dương Phước Thu (2011), Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế (Biên khảo về Cửu đỉnh - Báu vật bằng đồng vô giá của Việt Nam). Nxb. Tri Thức, Hà Nội, tr.272.
7 Triều Nguyên (2006), Tục ngữ Thừa Thiên Huế. Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 356, 357.
8 Triều Nguyên (2017), Từ điển giải thích Thành ngữ tiếng Việt địa phương vùng Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 181.
9 Triều Nguyên (2005), Ca dao Thừa Thiên Huế. Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, trang 705.
10 Triều Nguyên, Ca dao Thừa Thiên Huế. Sđd, tr. 325.
11 Triều Nguyên, Ca dao Thừa Thiên Huế. Sđd, tr. 226.
TRỊNH SÂM
Trải qua biết bao thời đại, mèo đã trở thành con vật quen thuộc trong mỗi gia đình Việt Nam.
NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG
Làm thế nào để biết một biểu thức ngôn từ [BTNT] do dân gian sáng tác ra là một đơn vị tục ngữ? Chứ không phải là thành ngữ hay ca dao? Mục đích chính của bài này là đi tìm một câu trả lời thỏa đáng cho mấy câu hỏi vừa nêu.
NGUYỄN ĐỨC DÂN Có một giai thoại về Nguyễn Khuyến như sau: Làng Cổ Ngựa có ngôi đền thờ thánh mẫu thu hút khá nhiều người đến lễ bái. Nhằm kiếm chác đám người mê tín, hào lý trong làng xuất quỹ xây lại đền to hơn, đẹp hơn.
Mai Văn Tấn tên thật là Mai Văn Kế. Sinh ngày 12-9-1931 tại Lệ Ninh Bình Trị Thiên. Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
THANH TRẮC NGUYỄN VĂN1. Tiểu Hổ gặp họa
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONGTừ trước đến nay, không có lễ tục nào được nhắc đến nhiều trong truyện cổ của người Pacô bằng tục Pộôc xu (Đi sim), đây là một nét văn hóa truyền thống từ xưa của người Pacô. Mặc dầu đến nay do lối sống hiện đại nên nhiều nét văn hóa truyền thống mất đi, song không vì thế mà chúng ta quên nó. Đâu đó trong cuộc sống cộng đồng của người Pacô ngày nay vẫn còn nhiều câu chuyện kể về tục này. Nhân dịp xuân về xin được nêu ra đây nét đẹp trong lễ tục quan trọng đó.
L.T.S: Dân tộc Kơ-tu là một trong bốn dân tộc sống ở tỉnh Bình Trị Thiên, tập trung ở vùng Nam Đông, huyện Phú Lộc. Trước đây dân tộc Kơ-tu đã sát cánh cùng các lực lượng giải phóng tiến hành cuộc đấu tranh anh dũng chống lại bè lũ Mỹ ngụy. Ngày nay, dân tộc Kơ-tu đang vững bước đi lên trong công cuộc lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Cũng như các dân tộc khác, người Kơ-tu không chỉ anh dũng trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất mà còn có một nền văn nghệ dân gian rất phong phú và độc đáo. Bài viết sau đây là một nét phác họa trong chương trình giới thiệu nền văn học dân gian các dân tộc ít người ở tỉnh Bình Trị Thiên của chúng tôi.
VĨNH QUYỀNTừ lâu điều kiện thiên nhiên cũng như điều kiện xã hội đều thuận lợi cho mối quan hệ giữa hai dòng thơ ca dân gian Bình Trị Thiên và Quảng Nam.
NGUYỄN TIẾN VĂNMột trong những câu ca dao rất thông dụng phổ biến nhưng không phải là đơn giản và dễ nắm bắt nội dung: “Không chồng mà chửa mới ngoan/ Có chồng mà chửa thế gian sự thường”. Ở đây mắt của câu này là chữ ngoan. Vậy ngoan là gì?
VĨNH QUYỀNMười hai con giáp, chuột đứng hàng đầu. Kể cũng lạ?Hình dạng bé nhỏ xấu xí, phẩm cách hèn hạ đáng khinh, thế mà chuột được người xưa xếp trước cả những con vật uy mãnh như hổ, linh hiển như rồng. Đã thế, năm Tý – với biểu tượng con chuột, còn là năm đầu của một kỷ, chu kỳ 60 năm.
LƯƠNG ANCũng như nhiều vùng khác trên đất nước Việt Nam, ở Bình Trị Thiên chúng ta, các danh lam hoặc các ngọn núi cao, các dòng sông lớn thường có một truyền thuyết dân gian dính với nguồn gốc của nó. Sông Thạch Hãn, con sông lớn nhất vùng Quảng Trị cũ, cũng vậy.
TRIỀU NGUYÊN1. Khái quátSở dĩ người nghe (đọc) truyện cười phát ra được tiếng cười, bởi vì lí trí, tình cảm của họ gặp phải điều không bình thường: thay vì họ tưởng cuối cùng nhân vật sẽ nói, sẽ làm điều “A”, thì hoá ra nhân vật đã nói, làm điều “B”, thậm chí “không A”. Tức trí tuệ, cảm xúc đã không lường trước, đã bị đánh lạc hướng trước đối tượng đang quan tâm. Và thông thường, càng lạ lẫm, bất ngờ, tiếng cười càng sảng khoái, thú vị.
VĂN NHĨĐường Trường Sơn huyền thoại đã đi vào sử thi như một bản anh hùng ca của thời đại Hồ Chí Minh. Nhiều bài thơ, bài hát viết về Trường Sơn đã vượt qua biên độ của thời gian mãi mãi rung động lòng người.
LAN PHƯƠNGKho tàng âm nhạc dân gian của dân tộc Thái vùng Tây Bắc rất phong phú và đa dạng. Bất cứ nơi đâu trong bản làng của người Thái đều có thể thấy có các làn điệu dân ca thể hiện rõ phong cách riêng của mỗi vùng mà nguyên nhân do sự truyền lại cho các thế hệ theo cách cảm thụ và rung động riêng của mỗi nghệ nhân. Trong đó không thể thiếu tiếng cây đàn tính tẩu.
TRIỀU NGUYÊN1. Chơi chữ là gì?
TRIỀU NGUYÊN1. Một bộ phận truyện cổ tích sinh hoạt có yếu tố tạo ra tiếng cười đã bị nhầm lẫn là truyện cười. Sự nhầm lẫn này đã xảy ra ngay cả với những sách sưu tập được cho là nghiêm túc.
TRIỀU NGUYÊN Trong những dịp cúng lễ, lễ lạt, hiếu hỉ, và đặc biệt là vào dịp Tết, rượu thường được nhắc đến, và có khi trở thành quan trọng hàng đầu: "Vô tửu bất thành lễ".
TRIỀU NGUYÊNCó một số bài ca dao dùng hình ảnh "đèn hạnh", xin dẫn ra dưới đây ít bài:(1) Đêm khuya đèn hạnh thắp lên, Vì chưng thương nhớ cho nên đi tìm.
PHAN XUÂN QUANGĐồng Tranh là một làng nổi tiếng trù phú một thời ở Quảng Nam. Làng này hiện còn lưu truyền một câu đối cổ có liên quan đến làng Gia Hội, Huế:Văn Đồng Tranh, võ Đồng Tranh, văn võ Đồng Tranh long hổ bảngQuân Gia Hội, thần Gia Hội, quân thần Gia Hội phụng hoàng trì.Câu đối này còn một số dị Bản, có khác một đôi chữ nhưng câu trên đây theo nhiều người là chính nhất và phổ biến hơn cả.
TRIỀU NGUYÊN Từ ngữ cùng nghĩa là những từ ngữ gần nhau về ý nghĩa, nhưng khác nhau về âm thanh. Có ba kiểu cùng nghĩa trong tiếng Việt, là cùng nghĩa giữa từ ngữ thuần Việt (TV) với từ ngữ thuần Việt, cùng nghĩa giữa từ ngữ thuần Việt với từ ngữ Hán Việt (HV), và cùng nghĩa giữa từ ngữ Hán Việt với từ ngữ Hán Việt. Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa, có hai hình thức: tạo các từ ngữ cùng nghĩa xuất hiện trên cùng một văn bản ngắn; và cách cùng nghĩa có kết hợp với các hình thức chơi chữ khác.