Chuyện trò với nhà thơ Xuân Hoàng: tâm sự một đời cầm bút

08:44 22/07/2011
L.T.S: Nhà thơ Xuân Hoàng sinh năm 1925 tại Đồng Hới, Bình Trị Thiên. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Nguyên là quyền Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, thuở nhỏ ông học ở Huế rồi dạy học ở Đồng Hới một thời gian trước khi thoát ly tham gia cách mạng.

Nhà thơ Xuân Hoàng - Ảnh: TL

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 <![endif][if gte mso 9]> <![endif][if !mso]> <![endif][if gte mso 10]> <![endif]

Ông là một trong những nhà thơ đầu tiên ở đây gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu Quốc và tham gia cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám. Ông đã từng được nhiều giải thưởng về thơ của các báo, tạp chí văn nghệ trong các cuộc thi thơ toàn quốc. Tác phẩm chính đã xuất bản:

- Tiếng hát quê hương (tập thơ) 1959
- Du kích sông Loan (trường ca) 1963
- Miền Trung (tập thơ) 1967
- Hương đất biển (tập thơ) 1971
- Biển và bờ (tập thơ) 1975
- Dải đất vùng trời (tuyển thơ) 1976
- Về một mùa gió thổi (tập thơ) 1983
- Từ tiếng võng làng sen (trường ca) 1984
- Quãng cách lặng im (tập thơ) 1984

Bài phỏng vấn dưới đây được thực hiện thay lời chúc mừng của Sông Hương nhân dịp nhà thơ tròn 60 tuổi.




Tôi biết anh có thể nói là gần mười năm. Nhưng vả chăng, biết là một chuyện, còn hiểu, hiểu thật sự, hiểu sâu sắc về một con người, một nhà thơ là một chuyện khác. Huống chi con đường sáng tác của anh đã trải qua cũng khá dài, hơn 40 năm, liên tục, không ngừng, không nghỉ, mỗi chặng đường đều có những thành tựu nhất định. Thời chống Pháp, thời chống Mỹ và trong mười năm lại đây, mỗi thời kỳ thơ của anh đều có đâm bông kết trái, khi ít khi nhiều, khi là những nụ đầu còn tươi mát ngây thơ, hồn nhiên, khi nở rộ rực rỡ ngát hương khi sâu lắng tỏa hương thầm chín tới qua kinh nghiệm của thời gian, tuổi tác tuổi nghề và khát vọng vươn tới gạn lọc. Mà tôi, tôi chỉ hiểu được một vài mảnh rất nhỏ nhoi trong đó. Anh có cái cường tráng, cái hăng, cái bốc của tâm hồn thơ nên viết nhanh, viết khỏe, viết nhiều. Chuyện vơi nguồn cảm hứng, khô cằn sáng tác, dừng bút, nghỉ bút, treo bút, hình như không được đặt ra với anh. Cảm hứng của anh như vô tận, lai láng không bờ không bến. Nhưng thơ anh nói chung là không đều tay, bên cạnh một số bài hay, bài khá, bài được, còn một số khác ở cái dạng: không dở, không kém, mà cũng không hay, có nghĩa là “được được”, “tàm tạm”, “thường thường bậc trung”, mà số này cũng không phải ít, chẳng may ai đọc mãi nhằm loại này trong thơ anh thì dễ hiểu sai lệch, dễ có cái ấn tượng chẳng tốt đối với thơ anh nói chung.

Tiếp xúc với anh, người ta thấy mến, thương, có cảm tình, dễ gần gũi hơn là cảm giác nể, phục, sợ, chẳng biết ấn tượng đó có chủ quan không, nhưng quả đúng là như thế. Tác phong của anh là sự trộn lẫn giữa xoàng xoàng, giản dị và sự nguyên tắc, chững chạc. Có một anh chàng nhà giáo, một người làm công tác tuyên truyền trong một tâm hồn lãng mạn, nhạy cảm. Khi thì con người này, khi thì con người khác thắng thế trong thơ anh. Trong đối xử anh là một con người hồn hậu và có thể nói là vô tâm. Không bao giờ anh để bụng thù hằn ai hoặc giận ai quá lâu. Với chiều cao, khoảng một thước sáu lăm, vóc hình anh cân đối, nhờ cái bề ngang đầy đặn vừa phải so với chiều cao. Sáu mươi tuổi, nhưng trông anh có vẻ trẻ hơn tuổi, nhờ anh giữ điều độ, mực thước trong ăn uống, nghỉ ngơi và làm việc. Trưa nào cũng phải ngủ một giấc, tối ngủ sớm, tập thể dục thường xuyên, không thuốc lá, rượu khi vui mới uống và uống ít nhưng cũng hết được một cuộc, chỉ có cái khoản trà và cà phê là thường xuyên. Bản chất anh lạc quan, yêu đời, vô lo, hay đãng trí trong một số việc thường nhật, có khi được anh em văn nghệ trêu chọc như một giai thoại, hay cười khi gặp những điều thích thú, đặc biệt là những kỷ niệm vui về văn nghệ hay khi đọc sáng tác của mình, và đã cười thì rất to, cười ha hả như để cái thích của mình bộc lộ hết, tràn đầy ra ngoài.

Lần nào anh cũng tiếp tôi với thái độ niềm nở, cởi mở và có thể nói là thân tình. Ánh mắt anh, và toàn bộ con người anh toát lên một dáng vẻ mong được cảm thông, được hiểu biết và được đánh giá đúng về mình. Tôi thì tôi trân trọng, quý mến anh và cũng rất mong được hiểu biết anh nhiều hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và cũng có cái háo hức của kẻ thám hiểm mong dò tìm vũ trụ thơ có những phần còn là những dải đất xa lạ mà mình chưa biết tới.

PV: Thơ anh rất nhiều tập, vậy xin anh cho biết những tập thơ nào được anh thích nhất?

XUÂN HOÀNG: Trước hết có thể đọc “Dải đất vùng trời”, đây là tập thơ tuyển ba mươi năm làm thơ của tôi nó khá toàn diện, đọc nó có thể hiểu được cuộc đời thơ ca của tôi một phần lớn. Sau nữa, các bạn có thể đọc hai tập thơ “Biển và bờ” (1976) và “Quãng cách lặng im” (1984), đó là hai tập thơ mà tôi thích nhất, tập đầu có xu hướng sử thi, tráng ca, anh hùng ca, tập sau là xu hướng trữ tình nội tâm, giọng tâm sự. Về trường ca, tập “Từ tiếng võng làng Sen” là tập tiêu biểu của tôi.

PV: Anh vừa nói xu hướng sử thi và xu hướng trữ tình trong thơ anh, vậy thơ anh có quy tụ theo hai hướng ấy không? Nếu có, những tác giả thơ mà anh chịu ảnh hưởng là những người nào?

XUÂN HOÀNG: Đúng, thơ tôi có hai hướng quy tụ chính nói trên. Thuở đi học, tôi thường chịu ảnh hưởng của Vich-to Huy-gô. Thơ ông vừa có cả hai hướng trên và hướng nào cũng có sự thành tựu. Còn ở Việt Nam, thơ trữ tình của Huy Cận, thơ sử thi của Huy Thông là những ví dụ tiêu biểu vạch hướng cho sự chọn lựa của tôi. Loại sử thi (épique) chủ yếu là thơ hát ca về cái hùng tráng của lịch sử và những con người anh hùng, cá nhân hay tập thể làm nên lịch sử. Mấy mươi năm qua, lịch sử đã xâm nhập thẩm thấu, quy định toàn bộ số phận dân tộc ta và cũng là số phận các cá nhân, không ai đi ra ngoài được quỹ đạo đó. Và lịch sử đó là lịch sử của một dân tộc anh hùng đã anh dũng chiến đấu với kẻ thù có sức mạnh vật chất gấp trăm lần mình mà đã chiến thắng. Thơ không thể không ngợi ca cái đó. Vả lại sứ mệnh của thơ ca và nhà thơ trong hoàn cảnh của một đất nước đang trải qua hai cuộc kháng chiến ác liệt, gian khó như vậy, không thể đứng ngoài cuộc, nhà thơ là tham dự, là chiến sĩ là người đứng đầu sóng ngọn gió, mô tả, hát ca về cuộc chiến đấu kiên cường; anh dũng của nhân dân mình, cổ vũ khích lệ nhiệt tình, đốt cháy ngọn lửa thiêng là lòng yêu nước nơi mỗi công dân. Và nhà thơ trong hoàn cảnh đó phải là một công dân, mà vũ khí cầm chặt trong tay là ngòi bút, tâm hồn, trí tuệ, lòng căm thù và tình yêu và hẳn là niềm tin vững chắc nữa. Nhà thơ đánh địch bằng vũ khí tinh thần. Nhưng nhà thơ còn là một con người - hiểu theo nghĩa con người nhân loại - nhà thơ phải cố gắng và nỗ lực trở nên nhân loại nhất và không cái gì thuộc về con người mà có thể xa lạ đối với nhà thơ”. “Cái tôi” phải có của nhà thơ và “cái ta” của dân tộc, của nhân loại phải cố gắng hòa nhập vào làm một, đó là cái bản lĩnh sống của người làm thơ và bản lĩnh của sự khái quát của anh ta và đó là cái gốc rễ của thơ trữ tình. Thơ trữ chính vốn xuất phát từ chủ thể cảm xúc, cái tôi riêng của nhà thơ trong các mối quan hệ với thế giới bên ngoài: thiên nhiên, xã hội lớn (đất nước, dân tộc, nhân loại), xã hội nhỏ (gia đình, tình yêu, bạn bè, thân thuộc) và đôi khi với cả chính mình, giữa những mâu thuẫn trong lòng không thể không biểu lộ, không thể không giải quyết sự xung đột một cách nào đó trong cảm xúc thơ để tiến tới sự hài hòa, bình ổn trong nội tâm. Thơ trữ tình là tiếng nói con tim, là lời biểu lộ tâm sự, là sự bộc bạch tâm hồn khi có tác động của thế giới bên ngoài hoặc là sự nhìn lại cái thế giới bên trong khi khối lòng có điều ngổn ngang muốn được cảm thông trong sự bày tỏ. Thơ trữ tình của tôi bao giờ cũng mong đạt tới sự hòa nhập hữu cơ giữa “trữ tình cá thể” và “trữ tình công dân”. Ngay cả trong chiến tranh tôi có tìm được cái vẻ đẹp bình thường của cuộc sống để tạo cho được sự quân bình, trong cái dữ dằn, khốc liệt của chiến tranh mà trong đó cảm xúc với thiên nhiên chiếm vị trí chủ đạo: một đêm trăng Trường Sơn bình yên và thanh thản, một vầng trăng ảo mộng đẹp như xứ sở của huyền thoại mà con đường uốn lượn theo những dốc đèo cheo leo, những thác sâu, vực thẳm, khuất, ẩn hiện vẻ đẹp của thiên nhiên đem lại sự bình ổn cho tâm hồn thơ và dĩ nhiên là cả cho độc giả, nó đem lại những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi để tái tạo lại sức mạnh mà tiếp tục chiến đấu giữa cuộc chiến tranh đang gào thét với những âm thanh cuồng nộ.

Tuy nhiên, theo tôi có lúc hai loại này - sử thi và trữ tình có sự giao tiếp và sự giao tiếp càng lớn và càng nhuần nhuyễn một cách vô hình bao nhiêu thì sự thành công của một bài thơ càng dễ đạt tới bấy nhiêu, đặc biệt là thơ về đề tài chiến tranh: Bởi thơ về chiến tranh của ta là thơ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nó thiên về ngợi ca, nhưng nó phải bộc lộ qua cái riêng của chủ thể trữ tình của người làm thơ, có thể nó mới không chung chung, sơ lược, hời hợt. Thơ chiến tranh của tôi đi theo hướng đó và phần lớn các tập thơ trước 76. Nhưng nói nó có được, có khá chưa, thì cái đó vẫn còn tùy độ chính xác của cảm xúc, của tứ thơ, của nghệ thuật âm thanh, hình ảnh, chữ nghĩa… Phải thú thật rằng thơ trữ tình đích thật và sâu xa của tôi trước năm 75 còn bị giới hạn do hoàn cảnh, tâm lý của thời đại, mà chính tôi và nhiều người làm thơ khác bị ràng buộc, trong đó, đôi khi còn cái cảm giác “sợ trật” làm thơ có phần nào thiếu bề sâu. Chính những tập thơ sau 75 của tôi, nhất là tập “Quãng cách lặng im” theo tôi, đó là một tập thơ trữ tình thật sự, cũng là do hoàn cảnh xã hội khác, thuận lợi hơn, quan điểm chỉ đạo văn nghệ rộng mở hơn, quần chúng cũng có nhu cầu khác, tinh thần khác trước và có thể nói tôi đã có phần chính trong kinh nghiệm bên trong mà cũng có thể là tâm hồn trữ tình của tôi được giải phóng do đó mà tập thơ này được dư luận chú ý và tác phẩm này là niềm vui của tôi, nó là bước tìm đường mới, cái mới lớn trong đời thơ tôi, và cũng từ nó tôi rút nhiều ưu khuyết điểm, sở trường, sở đoản trong nghề thơ.

PV: Xin anh cho biết hai bài thơ mà anh đắc ý nhất?

XUÂN HOÀNG: Đó là hai bài tiêu biểu trong hai tập thơ mà tôi yêu thích, bài Phu-la-nhích trong tập “Biển và bờ” có âm hưởng sử thi, có cái giọng điệu hùng tráng. Còn bài thứ hai là bài “về với biển” trong tập “Quãng cách lặng im” đó là giọng trữ tình sâu lắng, mượn hình ảnh của biển để nói những khát vọng của tâm hồn của đời thơ ký thác tâm sự với đời, với những người trẻ và bài đó kết tinh cả cuộc đời bên trong của tôi. (Rồi anh đọc cho tôi nghe hai bài đó, tôi nhận thấy đúng là hai bài thơ loại hay)

PV: Anh sở trường thể thơ nào?

XUÂN HOÀNG: Một anh bạn thân có ý kiến cho rằng tôi sở trường về loại thể thơ 5 chữ, 7 chữ, và lục bát. Tôi thấy ý kiến đó cũng có phần đúng, nhưng tôi nghĩ rằng mỗi thể thơ như một khí cụ âm nhạc thường phù hợp với loại nhạc riêng, và mỗi loại có một cái hay riêng, vĩ cầm, dương cầm, ghi-ta đều có cái âm sắc độc đáo của nó. Mỗi thể thơ cũng vậy, nó phù hợp với loại cảm xúc, một loại tâm trạng, như hai bài thơ tâm đắc mà tôi mới nói trên đều viết theo thể tự do. Và tôi nghĩ đã đi hẳn với nghề thơ nên cố gắng thạo mọi thể thơ, như thể thơ sẽ đa dạng hơn về mặt hình thức và nghệ thuật. Đôi khi một cảm hứng bất chợt nào đó hiện lên nó đã sẵn có cái áo khoác thể thơ này hay thể thơ kia rồi.

PV: Anh có lần nào suy ngẫm lại sở trường và sở đoản của mình chưa? Và cả việc lắng nghe ý kiến dư luận nữa?

XUÂN HOÀNG: (Nét mặt anh đăm chiêu và có vẻ hơi ưu tư): Có người nói một số bài thơ tôi trước kia có vẻ tản mạn, loãng. Có người cho rằng một số bài khác có chữ nghĩa sáo, đôi người khắt khe hơn còn cho rằng có một số bài hời hợt. Tôi cho rằng tất cả cái đó đều có phần đúng. Đó là những người đọc gặp loại thơ trung bình hoặc trung bình kém của tôi. Âu đó là sở đoản đôi khi không tránh khỏi một người làm thơ nhiều và khá mạnh như tôi. Nay qua kinh nghiệm của mấy tập thơ gần đây, tôi đã “chín” hơn và bài nào tôi mới viết khoảng thời gian lại đây cũng “cô đọng” hơn, tập trung hơn, và có chiều sâu hơn. Và sự trăn trở viết cho hay hơn, là ước vọng của mỗi người làm thơ, nhất là đối với tôi, mỗi nhà thơ nếu muốn tồn tại đều phải bắt đầu lại, tuy nhiên sự bắt đầu này hẳn khác chặng đầu tiên, nó là sự bắt đầu của một biện chứng, một tổng hợp mới do bản thân, sự phát triển của cuộc sống và đời sống thơ ca quy định, đó là ý nghĩa của mọi tìm tòi, đổi mới mà tôi đang cố gắng vươn tới.

PV: Và đó cũng là cách trả lời của anh cho những cuộc thảo luận về thơ, hướng đi, chất lượng của thơ đang sôi nổi hiện nay?

XUÂN HOÀNG: Vâng, có lẽ thế một phần. Người ta nói thơ cần cách tân cả nội dung lẫn hình thức cho phù hợp với nhu cầu của giai đoạn mới, nhất là nhu cầu của độc giả. Có xu hướng đòi nội dung phải mạnh mẽ hơn như một số vấn đề mà các tác phẩm văn xuôi hiện nay đang đề cập, có xu hướng thì đã đổi mới hình thức như kiểu thơ trí tuệ, thơ văn xuôi… Riêng tôi cho rằng bản lĩnh của mỗi nhà thơ là tìm cách biểu lộ phù hợp nhất với cái tạng của mình và cách nhìn nhận của mình đối với những biến đổi của cuộc sống. Tôi cũng đang thử nghiệm cả thơ trí tuệ, lẫn thơ văn xuôi, nhưng tôi cho rằng thơ gì đi nữa “cái chất thơ” của tâm hồn người viết và của bài thơ là điều chủ yếu. Riêng tôi, tôi khẳng định cái xu hướng thơ “trữ tình cá thể” gắn chặt với “trữ tình công dân”. Nhà lý luận nói rằng ngôn ngữ khoa học, nhà thơ phải nói bằng ngôn ngữ thơ và cái chính là bằng tác phẩm. Tập thơ “Quãng cách lặng im” của tôi là một sự đổi mới của phong cách thơ và nó đã có một tiếng vang, một thành công nhất định nào đó.

PV: Anh có đọc thơ của những người viết trẻ không? Cảm tưởng của anh ra sao?

XUÂN HOÀNG: (Anh ngần ngừ một lúc, đắn đo, rồi trả lời). Mỗi thế hệ đều có quyền có tiếng nói của mình, có cách nhìn nhận và đánh giá cuộc sống của mình, đó là điều cần phải tôn trọng. Anh em làm thơ trẻ, có nhiều tìm tòi, nhiều suy nghĩ cả về mặt hình thức, lẫn nội dung. Tôi đang cố đọc và cố tiếp xúc thật nhiều và đang xem xét. Có cái tôi chịu được, có cái không hợp tạng, thế thôi.

PV: Dự định sáng tác sắp tới của anh ra sao? Nếu có thể xin anh cho biết anh có định ra mắt tập thơ nào mới?

XUÂN HOÀNG: Tôi đang định viết một trường ca dài gồm nhiều chương về vùng đất Bình Trị Thiên này trong một thời gian mấy trăm năm, cả huyền thoại lẫn lịch sử và đã lên đề cương và đã bắt đầu viết xong chương thứ nhất. Còn cho ra mắt tập mới ư? Tập thơ “Quãng cách lặng im” của tôi vừa rồi người ta cho biết là bán rất chạy và đã hết sạch, nhà xuất bản rất tiếc là đã in ít và do đó tôi hy vọng họ sẽ dễ dàng với tập thơ mới của tôi. Tôi đang tập hợp khoảng 70, 80 bài thơ viết về Huế và trên một trăm mấy chục bài viết về đề tài Đồng Hới, hai quê hương của tôi và sẽ gởi cho nhà xuất bản tập này. Tôi còn khoảng hơn 200 bài xon-nê mà tôi định lọc lại để chọn thành một tập khác. Hiện nay tôi cũng đang viết một vài truyện ngắn theo lối tôi cho phù hợp với tôi, truyện ngắn pha với tùy bút, truyện có chất thơ.

PV: Xin cảm ơn anh và chúc anh có nhiều thành tựu mới trong sự nghiệp văn chương.

Anh xiết chặt tay tôi. Chia tay với anh, tôi hiểu thêm nhiều về một trong những gương mặt tiêu biểu của nền thơ ca Bình Trị Thiên, một con người có năng lực sáng tạo rất dồi dào, sung sức và đang đi tới những thành tựu mới và một con người có tính tình hồn hậu, đầy nhân tính và đang mong ước được đổi mới như dòng đời, như thơ, vốn luôn trẻ mãi mà già dặn bên trong.

Huế, tháng 9-10/1983
BỬU NAM thực hiện
(16/12-85)






Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHẠM PHÚ PHONG

    Trước khi đưa in, tôi có được đọc bản thảo tiểu thuyết Phía ấy là chân trời (1), và trong bài viết Đóng góp của văn xuôi Tô Nhuận Vỹ (tạp chí Văn Học số 2.1988) tôi có nói khá kỹ về tiểu thuyết nầy - coi đây là một thành công mới, một bước tiến trên chặng đường sáng tác của nhà văn, cần được khẳng định.

  • NGUYỄN THỊ NGỌC ÁNH

    Đọc truyện ngắn Hồng Nhu, tôi có cảm tưởng như mình đang lạc vào trong một thế giới huyền thoại, thế giới của những lễ hội, phong tục, tập quán xưa huyền bí mà có thật của người dân đầm phá Tam Giang.

  • Bằng sự tinh tế và thâm trầm của người từng trải, Nguyễn Đình Tú đưa tới góc nhìn đa dạng về người trẻ trong tập truyện ngắn "Thế gian màu gì".

  • Qua đi, với những hoa tàn tạ
    Hoa trong hồn ta, ai hái được bao giờ
                                         Victor Hugo*

  • Nhà báo Phan Quang nghiên cứu, phân tích truyện dân gian để mang tới bức tranh văn hóa xứ Trung Đông trong cuốn "Nghìn lẻ một đêm và văn minh A Rập".

  • Những độc giả từng yêu thích Nắng và hoa, Thấy Phật, Khi tựa gối khi cúi đầu, Chuyện trò... - những tập sách đã có một góc riêng sang trọng trên kệ sách tản văn Việt bởi góc nhìn uyên thâm, giọng văn ảo diệu của GS Cao Huy Thuần - nay vừa có thêm một tặng phẩm mới: Sợi tơ nhện.

  • Y PHƯƠNG

    Trong một lần đoàn nhà văn Việt Nam đi thực tế sáng tác ở Bình Liêu, Móng Cái (Quảng Ninh), tôi nghe mấy nữ nhà văn lao xao hỏi tiến sĩ - nhà văn Lê Thị Bích Hồng: “Đêm qua em viết à?” Bích Hồng ngạc nhiên: “Không đâu. Hôm qua đi đường mệt, em ngủ sớm đấy chứ”.

  • HOÀNG THỤY ANH

    Mùa hè treo rũ
    Trong cái hộp hai mươi mét vuông
    Ngổn ngang màu
    Ký tự chen chúc như bầy ngỗng mùa đông
    Ngày lên dây hết cỡ
                                Chật
    Dâng đầy lên ngực
    Chuông nhà thờ chặt khúc thời gian

     

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO

    Lâu nay, đọc thơ của trẻ em, tôi thường có cảm giác, hình như các em làm thơ dưới ngọn roi giáo huấn mà người lớn thường giơ lên đe nẹt trẻ con. Cho nên khi cầm trong tay tập thơ Cái chuông vú của bé Hoàng Dạ Thi “làm” từ 3 đến 5 tuổi, tôi không khỏi ngạc nhiên.

  • NGHIÊM LƯƠNG THÀNH

    Đọc xong Những đứa con rải rác trên đường, cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Hồ Anh Thái (Nxb. Trẻ 2014), thoạt đầu tôi có cảm giác trống vắng.

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG

    Anh Cao Việt Dũng hỏi: anh có biết Lưu Quang Vũ không? Anh nghĩ gì về thơ Lưu Quang Vũ?

  • CHÂU THU HÀ

    Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tinh hoa và cốt cách của Người là nguồn cảm hứng vô tận cho văn nghệ sĩ, nhà báo.

  • DÃ LAN - NGUYỄN ĐỨC DỤ

    Cách đây mấy năm, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội có cho phát hành cuốn TỪ ĐIỂN VĂN HỌC (1983 - 1984). Sách gồm hai tập: tập I và tập II đầy cả ngàn trang, với sự cộng tác của nhiều tác giả.

  • MAI VĂN HOAN

    "Dư âm của biển" - theo tôi là cách gọi hợp nhất cho tập thơ mới này của Hải Bằng. Đặt "Trăng đợi trước thềm" chắc tác giả gửi gắm một điều gì đó mà tôi chưa hiểu được. Song với tôi "Trăng đợi trước thềm" có vẻ mơ mộng quá, tên gọi ấy chưa thể hiện được giai điệu cuộc đời của thơ anh.

  • PHẠM PHÚ PHONG

    Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984), hiệu là Lộc Đình, người làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, thị xã Sơn Tây, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc thủ đô Hà Nội, là nhà văn, nhà nghiên cứu, biên soạn, khảo cứu, về nhiều lĩnh vực như văn học, triết học, sử học, ngôn ngữ học, đạo đức học, chính trị học, kinh tế học, giáo dục học, gương danh nhân…

  • Chuyện gì xảy ra trong ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn? Nhiều người đã viết về sự kiện này. Một lần nữa, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái - nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đã lên tiếng, cùng với sự trợ giúp của vợ và hai con - Nguyễn Hữu Thiên Nga và Nguyễn Hữu Thái Hòa.

  • Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật cho ra mắt bạn đọc một số đầu sách về sự kiện lịch sử này, về lịch sử kháng chiến Nam Bộ và về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của toàn dân Việt Nam.

  • LÊ HUỲNH LÂM

    Không khỏi bất ngờ khi cầm trên tay tập “Hôm qua hôm nay & hôm sau” của Vũ Trọng Quang do Nxb Đà Nẵng ấn hành vào tháng 1 năm 2006. Vậy là đã 9 năm.

  • PHẠM XUÂN DŨNG

    Tôi và nhiều bạn bè sinh viên còn nhớ nguyên vẹn cảm giác lần đầu nghe bài thơ “Đêm qua” của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đêm cư xá Huế lạnh và buồn đến nao lòng tê tái.