Chữ “tôi” trong Truyện Kiều

14:29 27/06/2014

MAI VĂN HOAN

Ngôn ngữ nói chung và chữ tôi nói riêng, khi bước vào tác phẩm văn học cũng có số phận thăng trầm liên quan mật thiết đến những thăng trầm của lịch sử nước nhà. Tìm hiểu chữ tôi trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam là một đề tài khá lý thú. Ở bài viết này, tôi chỉ đi sâu khảo sát chữ tôi được thiên tài Nguyễn Du sử dụng trong tác phẩm Truyện Kiều.

Tranh của họa sĩ Ngọc Mai - Ảnh: internet

Người Việt chúng ta từ xưa đến nay thường sử dụng chữ tôi với ba nghĩa khác nhau. Nghĩa thứ nhất: Tôi là đại từ nhân xưng, thường dùng khi xưng hô với những người đồng trang lứa hoặc với mọi người. Khi xưng tôi với những người mà tuổi tác, địa vị cao hơn hoặc thấp hơn thì sắc thái biểu cảm của chữ tôi thay đổi tùy theo từng đối tượng, hoàn cảnh. Nghĩa thứ hai: Tôi là danh từ. Nghĩa này được dùng để chỉ quan hệ vua - tôi (bầy tôi của vua), quan hệ chủ - tớ (tôi tớ, tôi đòi…). Nghĩa thứ ba: Tôi là động từ (tôi luyện, tôi sắt, tôi vôi…). Cũng là đại từ nhân xưng nhưng chữ tôi có khác chữ ta. Ta thường được dùng khi người trên nói với kẻ dưới, mình nói với mình. Cũng có trường hợp ta được dùng để xưng hô với người mình yêu mến (mình - ta).

Theo Hoài Thanh: “Xã hội Việt Nam từ xưa không có cá nhân. Chỉ có đoàn thể: lớn thì quốc gia, nhỏ thì gia đình” (Thi nhân Việt Nam). Vì thế, trong văn học Trung đại, chữ ta xuất hiện khá phổ biến và Truyện Kiều cũng không là ngoại lệ. Mật độ xuất hiện của chữ ta trong Truyện Kiều khá dày đặc chẳng thua kém gì chữ hoa, chữ xuân, chữ mây, chữ tình, chữ nghĩa… Cõi người cũng được đại thi hào Nguyễn Du gọi là “cõi người ta”. Từ Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải, Hoạn Thư đến bọn “buôn thịt, bán người” như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh đều có ít nhất một lần xưng ta. Ta hãy nghe Sở Khanh huyênh hoang với nàng Kiều: Ta đây nào phải ai đâu mà rằng!/ Nàng đã biết đến ta chăng/ Bể trầm luân, lấp cho bằng mới thôi! Hắn còn bốc phét: Rằng ta có ngựa truy phong/ Có tên dưới trướng, vốn dòng kiện nhi... Còn Hoạn Thư thì đay nghiến: Giấu ta, ta cũng liệu bài giấu cho/ Lo gì việc ấy mà lo/ Kiến trong miệng chén có bò đi đâu… Ngay cả nàng Kiều khi độc thoại nội tâm với bóng hình Kim Trọng cũng có lần xưng ta: ta khăng khít cho người dở dang. Trong văn học Trung đại chữ tôi được dùng với nghĩa danh từ: bầy tôi, tôi tớ, tôi đòi… không hiếm, nhưng chữ tôi dùng với nghĩa đại từ nhân xưng thì vô cùng hiếm hoi. Tác phẩm Tự tình khúc của Cao Bá Nhạ dài ngót nghét 538 câu mà không hề có lấy một chữ tôi nào. Trước khi bắt tay viết bài này, tôi cũng đã cẩn thận rà soát lại Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Lục Vân Tiên, thơ Cao Bá Quát, thơ Nguyễn Công Trứ… thì chỉ bắt gặp rải rác một vài chữ tôi với nghĩa danh từ, còn chữ tôi với nghĩa đại từ nhân xưng hầu như vắng bóng. Điều đó cũng không có gì khó hiểu. Thời phong kiến, bao nhiêu quan lại muốn tâu trình, muốn bày tỏ lòng mình với vua, chúa với những đấng minh quân đều phải xưng là bầy tôi. Đó là cái thời biết bao người phải đi ở đợ, phải đi làm thuê, làm mướn, phải sống kiếp lầm than thì trong văn chương xuất hiện nhiều chữ tôi đòi, tôi tớ là chuyện bình thường. Đó là thời mà “cá nhân, cái bản sắc của cá nhân chìm đắm trong gia đình, trong quốc gia như giọt nước trong biển cả” (Hoài Thanh, sđd). Vì vậy, trong các tác phẩm văn học Trung đại khó lòng tìm thấy chữ tôi theo nghĩa đại từ nhân xưng cũng là điều tất yếu. Chữ tôi với nghĩa đại từ nhân xưng chỉ “sinh sôi, nảy nở” trong các trào lưu văn học thời 30 - 45 (khi mà luồng gió từ phương Tây thổi ào ạt vào nước ta). Hoài Thanh hình dung: “Ngày thứ nhất - ai biết đích ngày nào - chữ tôi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, nó thực bỡ ngỡ. Nó như lạc loài nơi đất khách. Bởi nó mang theo một quan niệm chưa từng thấy ở xứ này: quan niệm cá nhân” (sđd). Cái “ngày thứ nhất” đó, theo tôi là ngày trên thi đàn Việt Nam xuất hiện hai ngôi sao chói sáng: Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương. Trong mấy chục bài thơ tương truyền là của Hồ Xuân Hương, tôi đã may mắn tìm thấy một chữ tôi. Đấy là chữ tôi trong bài Ốc nhồi: Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi/ Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi/ Quân tử có thương thì bóc yếm/ Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi... Ý thức cá nhân ở Hồ Xuân Hương còn bộc lộ khá mạnh mẽ trong các bài thơ: Mời trầu, Tự tình, Quả mít, Hang Cắc Cớ, Đèo Ba Dội… Còn trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, tôi đã thống kê được cả thảy 25 chữ tôi - một con số khá ấn tượng! Trong số 25 chữ tôi đó chỉ có 3 lần nhà thơ dùng với nghĩa danh từ. Một lần chữ tôi được Nguyễn Du dùng khá độc đáo: vừa là danh từ vừa là đại từ. Tất cả các trường hợp còn lại nhà thơ đều dùng với nghĩa đại từ nhân xưng. Có đến 6 nhân vật từng xưng tôi trong Truyện Kiều. Đó là: Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúc Sinh, Hoạn Thư, gia nô của Hoạn Thư và hồn ma Đạm Tiên. Gia nô của Hoạn Thư nói với Kiều về việc Hoạn Thư nghe lén cuộc chuyện trò giữa Thúc Sinh và nàng Kiều ở Quan Âm các: Ngăn tôi đứng lại một bên/ Chán tai rồi mới bước lên trên lầu. Còn hồn ma Đạm Tiên nói với Kiều khi nàng đang “thiêm thiếp giấc vàng” trên chiếc bè của Vãi Giác Duyên: Rằng tôi đã có lòng chờ/ Mất công mười mấy năm thừa ở đây. Cho hồn ma Đạm Tiên và gia nô của Hoạn Thư xưng là điều khác thường trong văn học viết thời đại Nguyễn Du. Tuy nhiên, việc xưng tôi của hai nhân vật trên với sắc thái biểu cảm bình thường, trung tính, không có gì đáng bàn. Riêng cách xưng tôi của Thúc Sinh, Hoạn Thư, Kim Trọng và đặc biệt là Thúy Kiều đều ít nhiều thể hiện bản lĩnh và ý thức cá nhân của các nhân vật ấy.

Tranh của họa sĩ Ngọc Mai - Ảnh: internet


Bây giờ ta thử điểm qua cách xưng tôi của ba nhân vật: Thúc Sinh, Hoạn Thư và Kim Trọng.

Chàng Thúc xưng tôi với viên quan xử vụ Thúc Ông kiện nàng Kiều:

Tại tôi hứng lấy một tay,
Để nàng cho đến nỗi này vì tôi.


Người đời chỉ thấy cái tính nhát gan của Thúc Sinh nhưng đã mấy ai đứng trước công đường dám nhận tội thay cho bị can như chàng? Cách xưng tôi với viên quan xử kiện, chứng tỏ chàng Thúc cũng chẳng phải tay vừa!

Vợ Thúc Sinh là Hoạn Thư còn ghê gớm hơn. Bị giải ra trước vành móng ngựa, mặc dù đã “hồn lạc phách xiêu”, Hoạn Thư vẫn đủ khôn ngoan để “lựa lời kêu ca”:

Rằng: tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình


Hoạn Thư xưng tôi với Thúy Kiều - người đang ngồi uy nghi trên ghế chánh án. Đúng là “đàn bà dễ có mấy tay” như Hoạn Thư.

Chàng Kim Trọng, khi nghe Vương Ông kể lại việc Kiều phải bán mình chuộc cha đã vô cùng ân hận:

Rằng: Tôi trót quá chân ra,
Để cho đến nỗi trôi hoa dạt bèo.


Và chàng quyết tâm tìm bằng được người yêu:

Bao nhiêu của mấy ngày đàng,
Còn tôi, tôi một gặp nàng mới thôi!


Cách nói của chàng cũng phần nào thể hiện ý thức trách nhiệm của một đấng nam nhi trước số phận bất hạnh của Thúy Kiều.

Trong các nhân vật xưng tôi thì cái cách xưng tôi của nhân vật Thúy Kiều là đáng bàn hơn cả.

Chữ tôi xuất hiện lần thứ nhất trong Truyện Kiều nằm ở câu 704 (lúc nàng Kiều ngồi dưới ngọn đèn khuya, thổn thức nghĩ đến chàng Kim):

Phận dầu, dầu vậy cũng dầu,
Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời!
Công trình kể biết mấy mươi.
Vì ta khăng khít, cho người dở dang.
Thề hoa chưa ráo chén vàng,
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa.
Trời Liêu non nước bao xa.
Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi.


Câu Vì ta khăng khít, cho người dở dang là Kiều nói với chính mình, còn câu: Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi là nàng đang nói với bóng hình Kim Trọng. Nếu Truyện Kiều được viết trước bài thơ Ốc nhồi thì chữ tôi này có thể là chữ tôi theo nghĩa đại từ nhân xưng xuất hiện lần đầu tiên trên thi đàn Việt Nam. Mặc dù mới xuất hiện nhưng nó không hề “bỡ ngỡ” chút nào, bởi Nguyễn Du đã đưa nó vào tác phẩm văn chương một cách hết sức tự nhiên, như lời ăn tiếng nói thường ngày. Với việc lựa chọn xưng tôi, nàng Kiều đã trở thành nàng Kiều của Nguyễn Du, nàng Kiều của Việt Nam chứ không còn là nàng Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc nữa. Nhà thơ đã để cho Thúy Kiều ý thức một cách sâu sắc về trách nhiệm cá nhân của mình đối với người yêu.

Khi Kiều sập bẫy, mụ Tú Bà đã đánh Kiều đến mức “uốn lưng thịt đổ, cất đầu máu sa”, nàng phải đau đớn xin mụ từ bỏ “chút lòng trinh bạch” của mình:

Rằng: Tôi chút phận đàn bà,
Nước non lìa cửa, lìa nhà, đến đây.
Bây giờ sống chết ở tay,
Thân này đã đến thế này thì thôi!
Nhưng tôi có sá chi tôi,
Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu?
Thân lươn bao quản lấm đầu,
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa!


Việc Kiều xưng tôi với mụ Tú Bà là hết sức bất ngờ. Xét về tuổi tác, địa vị mụ Tú là kẻ bề trên. Thông thường vào hoàn cảnh của Kiều, nàng phải xưng “con” mới đúng (như trong Kim Vân Kiều truyện). Với việc xứng tôi, Kiều đã đặt mình ngang hàng với mụ. Mặc dù nàng đang quằn quại bởi trận đòn hết sức tàn nhẫn nhưng trong cách xưng tôi, chứng tỏ nàng không hề che giấu thái độ coi thường đối với mụ. Đó là cái tôi đầy bản lĩnh của Kiều. Chữ tôi trong câu: Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu? vừa là đại từ vừa là danh từ (có thể hiểu phận của tôi hay phận tôi đòi đều được).

Kiều xưng tôi với Thúc Sinh, khi chàng Thúc cố thuyết phục nàng làm vợ lẽ:

Bấy lâu khăng khít dải đồng,
Thêm người người cũng chia lòng riêng tây.
Vẻ chi chút phận bèo mây,
Làm cho bể ái khi đầy khi vơi.
Trăm điều ngang ngửa vì tôi,
Thân sau ai chịu tội trời ấy cho?


Bình thường, khi chuyện trò với Thúc Sinh, Kiều vẫn xưng thiếp: Đành thân phận thiếp ngại danh giá chàng… nhưng sao trong trường hợp này nàng lại xưng tôi? Phải chăng lúc này, tuy đang nói với Thúc Sinh nhưng Kiều lại nghĩ nhiều đến Hoạn Thư. Nàng sợ mình phá mất cái tổ ấm của người đàn bà đầy quyền lực ấy? Cách xưng hô tôi một lần nữa thể hiện ý thức cá nhân của Kiều trong việc tôn trọng hạnh phúc của người khác.

Còn đây là lời Thúy Kiều thuyết phục Thúc Sinh trở lại quê nhà thú thật với Hoạn Thư để tránh hậu họa về sau:

Đôi ta chút nghĩa đèo bòng,
Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh.
Dù khi sóng gió bất bình,
Lớn ra uy lớn tôi đành phận tôi.


Câu: Lớn ra uy lớn tôi đành phận tôi, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau mà cách nào nghe cũng hợp tình, hợp lý. Nếu “lớn” là bà chủ (Hoạn Thư) thì phận tôi đòi đành thủ phận tôi đòi (Kiều). Nếu “lớn” là vợ cả (Hoạn Thư) thì tôi (Kiều) là vợ bé đành thủ phận vợ bé. Nếu xem chữ tôi đứng trước là đại từ nhân xưng, chữ tôi đứng sau là danh từ thì câu này còn có nghĩa: Hoạn Thư là vợ cả, tôi (Kiều) đành thủ phận làm kiếp tôi đòi. Thế mới biết cách chơi chữ “đồng âm, dị nghĩa” của Nguyễn Du tài tình đến mức nào!

Chỉ xét riêng về việc sử dụng chữ tôi theo nghĩa đại từ nhân xưng với tần số xuất hiện ấn tượng như thế, với ý thức cá nhân mạnh mẽ như thế, với cách chơi chữ biến hóa như thế (trong khi chữ tôi hầu như vắng bóng trong văn học Trung đại nước nhà), Truyện Kiều có thể được xem là một “ngoại lệ”. Và Nguyễn Du đúng là một “bậc kỳ tài”, một đại thi hào đi trước thời đại.

M.V.H  
(SH304/06-14)


 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHẠM PHÚ PHONG"Tôi ngồi nhớ lại tất cả nỗi trầm tư dài bên cạnh mớ hài cốt khô khốc của anh Hoàng. Trước mắt tôi, tất cả cuộc sống đầy những hùng tráng và bi thương vốn đã từng tồn tại trên mảnh đất rừng này, giờ đã bị xoá sạch dấu tích trong sự câm nín của lau lách. Như thế đấy có những con đường không còn ai đi nữa, những năm tháng không còn ai biết nữa, và những con người chết không còn hắt bóng vào đâu nữa...

  • LÊ THỊ HƯỜNG1. Yêu con người Hoàng Phủ Ngọc Tường trong thơ, quý con người Hoàng Phủ trong văn, tôi đã nhiều lần trăn trở tìm một từ, một khái niệm thật chính xác để đặt tên cho phong cách Hoàng Phủ Ngọc Tường.

  • TRẦN THÙY MAICó lần anh Hoàng Phủ Ngọc Tường nói: tính chất của người quân tử là phải "văn chất bân bân". Văn là vẻ đẹp phát tiết ra bên ngoài, chất là sức mạnh tiềm tàng từ bên trong. Khi đọc lại những bài nghiên cứu về văn hóa – lịch sử của anh Tường, tôi lại nhớ đến ý nghĩ ấy. Nếu "văn" ở đây là nét tài hoa duyên dáng trong từng câu từng chữ đem lại cho người đọc sự hứng thú và rung cảm, thì "chất" chính là sức mạnh của vốn sống, vốn kiến thức rất quảng bác, làm giàu thêm rất nhiều cho sự hiểu biết của người đọc.

  • TRƯƠNG THỊ CÚCXuất thân từ một gia đình hoàng tộc, cử nhân Hán học, giỏi chữ Hán, thông thạo chữ  Pháp, từng làm quan dưới thời Nam triều, nhưng Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một nhân cách độc đáo.

  • HỮU VINH Chúng ta đã thưởng thức thơ, ca Huế, ca trù, hò, tuồng của thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị, một nhà thơ lừng lẫy của miền sông Hương núi Ngự. Nhưng nói đến sự nghiệp văn chương của thi ông mà không nói đến thơ chữ Hán của thi ông là một điều thiếu sót lớn.

  • ĐỖ LAI THÚYQuang Dũng nói nhiều đến mây, đặc biệt là mây trời Sơn Tây, Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm! Mây là biểu tượng của tự do, của lãng du. Mây trắng là xứ sở của tiêu dao trường cửu. Chất mây lãng tử ở Quang Dũng, một phần do thổ ngơi xứ Đoài, phần kia do văn học lãng mạn.

  • CAO XUÂN HẠOĐọc bài Nỗi đau của tiếng Việt của Hữu Đạt (H.Đ) trong tuần báo Văn nghệ số 9 (2-3-2002), tôi kinh ngạc đến nỗi không còn hiểu tại sao lại có người thấy mình có thể ngồi viết ra một bài như thế. Tôi cố sức bới óc ra nghĩ cho ra người viết là ai, tại sao mà viết, và viết để làm gì. Rõ ràng đây không phải là một người hoàn toàn không biết gì về giới ngôn ngữ học Việt . Nhưng hầu hết những điều người ấy viết ra lại hoàn toàn ngược với sự thật.

  • MAI VĂN HOAN.Tôi biết Nguyễn Duy qua bài thơ “Tre Việt ” in trên báo Văn Nghệ. Từ đó, tôi luôn theo sát thơ anh. Mở trang báo mới thấy tên anh là tôi đọc đầu tiên. Với tôi, anh là một trong những người hiếm hoi giữ được độ bền của tài năng.

  • THỦY TRIỀU SUNG HUYỀN"Đây thôn Vĩ Dạ" là một bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử đã từng có nhiều cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau. Đành rằng ngôn ngữ thơ ca thường hàm súc, cô đọng, đa nghĩa do đó có thể có nhiều cách tiếp cận tác phẩm.

  • NGUYỄN DƯƠNG CÔNMỗi loại hình nghệ thuật ngôn từ đều có phong cách riêng trong cư xử với đối tượng mà nó phản ánh. Chính vì thế, đề tài tiểu thuyết trong khi mang những tính chất chung có của mọi thể loại văn học, nó đồng thời mang những tính chất riêng chỉ có của thể loại tiểu thuyết.

  • VĂN TÂMNhà thơ Bằng Việt (tên thật Nguyễn Việt Bằng) tuổi Tỵ (1941) quê "xứ Đoài mây trắng lắm", là một trong những thi sĩ bẩm sinh của thơ ca Việt hiện đại.

  • THANH THẢOHoàng Phủ Ngọc Tường có tập thơ "Người hái phù dung". Hoa phù dung sớm nở tối tàn, vẫn là loài hoa hiện hữu trong một ngày.

  • JOSH GREENFELDNgười Nhật vốn nổi tiếng vì tính bài ngoại của họ, thể hiện qua nghệ thuật cắm hoa và trà lễ. Tuy nhiên cũng từ rất lâu rồi nhiều nhà văn Nhật Bản vẫn quyết liệt phấn đấu mong tìm kiếm một chỗ đứng đáng kể trên các kệ sách của các thư viện nước ngoài. Họ làm thế không chỉ vì có nhiều tiền hơn, danh tiếng hơn mà còn vì một điều rằng những ai có tác phẩm được dịch nhiều ở nước ngoài thì sẽ được trân trọng, chờ đón ở trong nước!

  • BỬU NAM            Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của văn hào Victor Hugo (1802 - 2002)1. Người ta thường gọi Hugo là “con người đại dương”. Bởi sự vĩ đại của tư tưởng và sự mệnh mông của tình cảm của ông đối với nhân dân và nhân loại, bởi sự nghiệp đồ sộ của ông bao hàm mọi thể loại văn học và phi văn học; bởi sự đa dạng của những tài năng của ông in dấu ấn trong mọi lĩnh vực hơn hai thế kỷ qua trong nền văn học và văn hóa Pháp. Đến độ có nhà nghiên cứu cho rằng: Tất cả những vấn đề lớn của nhân loại đều hàm chứa trong các tác phẩm của Hugo như “tất cả được lồng vào tất cả”.

  • LẠI MAI HƯƠNGTiểu thuyết Những người khốn khổ có một số lượng nhân vật nữ rất đông đảo, nhưng mỗi nhân vật mang một sức sống riêng, một sinh lực riêng bởi nghệ thuật xây dựng các nhân vật này không hoàn toàn đồng nhất. Bài viết sẽ đi vào khảo sát một số nữ nhân vật tiêu biểu, bước đầu thử tìm hiểu thủ pháp xây dựng và cái nhìn của Hugo đối với loại nhân vật này.

  • PHẠM THỊ LYTôi viết những dòng này vì biết rằng giáo sư Cao Xuân Hạo sẽ không bao giờ trả lời bài viết của một tác giả như anh Phạm Quang Trung và những gì mà anh đã nêu ra trong bài "Thư ngỏ gửi Giáo sư Cao Xuân Hạo đăng trên Tạp chí Sông Hương số 155, tháng 1-2002.

  • LÝ HOÀI THU“Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương” ( *) (nguyên bản: Hoàng Hà luyến, Hồng Hà tình) là tác phẩm hồi ký của bà Trần Kiếm Qua viết về lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn và đại gia đình Trung Việt của ông. Bằng sức cảm hoá của những dòng hồi ức chân thực, tác phẩm của phu nhân tướng quân đã thực sự gây xúc động mạnh mẽ trong lòng bạn đọc Việt .

  • NGUYỄN BÙI VỢICách mạng tháng Tám thành công, Phùng Quán mới 13 tuổi. Mồ côi cha từ năm 2 tuổi, cậu bé sinh ra ở làng Thuỷ Dương xứ Huế chỉ được học hết tiểu học, sáng đi học, chiều giúp mẹ chăn trâu, có năm đi ở chăn trâu cho một ông bác họ.

  • TRẦN HUYỀN SÂM Người tình là một cuốn tiểu thuyết hiện đại nổi tiếng của M.Duras. Tác phẩm đoạt giải Goncourt 1984, và đã từng gây một làn sóng xôn xao trong dư luận. Người tình được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Tác phẩm cũng đã được chuyển thành kịch bản phim 1992 (qua đạo diễn Jean-Jacques Annaud).

  • ĐÀO NGỌC CHƯƠNGCho đến nay những ý kiến về phương diện thể loại của tác phẩm Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử vẫn chưa thống nhất. Theo Trần Thanh Mại, đó là bài văn xuôi: “Nay xin đơn cử ra đây một vài đoạn của một bài văn xuôi của Hàn để chứng tỏ thêm cái sức cảm thụ vô cùng mãnh liệt ở nơi nhà thơ lạ lùng ấy.