Chỗ dành cho sự sống thanh xuân

15:10 03/03/2010
NGUYỄN THANH HÙNGLý do để có thể còn viết được những cái như là hiển nhiên rồi, thật ra có nhiều. Nói về văn thơ tức là nói về cuộc đời, về sự sống dù chỉ nói được một phần rất nhỏ của cả một vũ trụ đang trong cơn say biến đổi, mà đã thấy choáng ngợp lắm rồi.

Ngay tác phẩm văn học cũng vậy nếu căn cứ vào những gì diễn ra bên trong, những gì tạo nên những liên hệ ràng buộc nhau, tung hứng và nạp thêm sức sống cho nhau cũng đã đủ là một vũ trụ nữa rồi. Chức năng dẫn dắt độc giả của thi ca không chỉ đưa họ đi qua những bậc thang nhìn thấy để đến những nấc thang không hề có, không thể thấy, ấy mới đích thực là văn chương.

Sinh thời với lối chiêm nghiệm siêu hình luôn bực bõ với “biển cồn” tư tưởng về thi ca của mình Chế Lan Viên đã từng chân thật :

            “Với sự sống ba chiều, lên trang thơ hai mặt phẳng...
            Phát giác sự việc ở bề chưa thấy
            Ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa”

Trong mọi điều có thể nói về sự kỳ diệu của văn chương mà tôi tin đó chính là sức cám dỗ và tác động đến người đọc, tra vấn và đưa họ vào những thử thách mới lạ về tình người để họ bộc lộ con người mình thật nhất. Trong sâu xa, nhà văn muốn làm bạn với mọi người. Muốn khám phá để hiểu người và cũng khát khao muốn được hiểu mình.

Nhà văn biết dù có nói gì thì cũng không ngoài việc đời, việc người của cái “cõi nhân gian bé tí”. Cái lạ, cái hấp dẫn và làm người đọc phải suy nghĩ là cách nói của nhà văn. Muốn có được cách nói của riêng mình, nhà văn phải có một quan niệm rõ ràng về cuộc sống đời người. Đó là tư tưởng nhân sinh, dù nói về một chiếc lá trong thơ cũng có hương tư tưởng. Cách nói không phải chỉ là hình thức diễn đạt mà còn là sự phát hiện có nội dung cho nội dung toàn vẹn. Cách nói như thế rất giàu trí tuệ. Không giàu suy nghĩ không có văn thơ.

Chế Lan Viên, người cách tân tư tưởng cho thơ đã băn khoăn rất sớm về khả năng viết và cách viết của mình. Năm 1954 Chế Lan Viên hỏi nhà thơ trẻ: “Ông đọc thơ mình xem mình có còn viết được nữa không” Đủ biết để có được cách viết của mình không bao giờ là dễ dãi để có thể chạm khắc vào trí nhớ, vào xúc động rộn ràng dằn vặt ở người nghe và để đem “tất cả cái bên trong tạo hình thức bên ngoài”. Cách viết thực sự là một cách tạo hình trên trang giấy trắng. Lúc ấy nội dung cuộc đời thực đã biến đâu mất cả chỉ còn lại tài năng. “Nhìn trang giấy biết mình hữu hạn”.

Cái khả năng nói hết mọi điều (Le pouvoir de tout dire) của nhà văn thơ là có thể khi so với các loại hình nghệ thuật khác, khi hội đủ tư tưởng và tài năng. Mặt khác cũng là không thể khi nghệ sĩ ngôn từ chỉ có một cái tạng của mình.

Nhiều nhà nghiên cứu tỏ ra nghi ngờ khái niệm tác phẩm và tác giả, muốn thay thế chúng bằng văn bản và người viết. Nói tác phẩm nghe ra đã hoàn thiện và chấm dứt một quá trình sản sinh. Còn nếu dùng khái niệm văn bản thì sẽ gợi đến tính chất chưa hoàn tất và còn phụ thuộc vào tất cả mọi người. Tác phẩm văn học thuộc về một thời đại đang phát triển, nó dành chỗ cho một khoa học thanh xuân đang nẩy sinh. Đó là khoa học về cách viết.

Cách viết sinh ra từ cái cách nói của con người là một đặc điểm trong thi pháp sáng tạo của nhà văn. Cách viết một tác phẩm văn học là nơi biểu hiện sinh động giữa sự am hiểu lĩnh vực văn học và việc thể hiện sự hiểu biết ấy. Người viết phải tạo ra khả năng sản sinh văn bản và liên kết chúng lại trên cái trục của cách viết mà người đọc nhiều lứa tuổi, các thời, trăm ngàn tâm trạng với mục đích và trình độ văn hóa khác nhau đã lưu tâm, nhấn mạnh, cô đặc, biến đổi văn bản để có độ sâu sắc khác nhau.

Tư tưởng này đã được Bakhtin chia sẻ với khái niệm liên văn bản (intertextualité) và Kristêva nói thẳng ra “văn bản được xem xét như là sản phẩm của cách viết”.

Cách viết được hiểu theo nghĩa là một khả năng thì đó là sự chuyển hóa và tạo sinh liên tục nghĩa tương đồng, tồn tại ở phía sau sự biến đổi trong khi tiếp nhận tác phẩm.

Sự biến đổi đó biểu hiện thành những võ đoán của người đọc bổ sung cho nhau trong khoảng di động giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Cách viết của nhà văn và sự cảm nhận để biến đổi của người đọc mang tính chất liên tục. Nói một cách ấn tượng thì từ lời nói đến cách viết, đến cách đọc là một dòng chảy kích thích tâm lí con người nghĩ tới những hình ảnh và biểu tượng nào đó. Cách viết tạo ra một thứ ngữ pháp mềm dẻo đầy sức sinh sản. Đó là ngữ pháp nghệ thuật đang biến hóa lời nói trong vùng mờ chạng vạng chuyển dần sang bình minh. Cách viết trong tác phẩm văn học xét trong ý nghĩa bộ phận cũng như trong ý nghĩa tổng thể là cách tìm hiểu con người, và người đọc lại phán xét con người thông qua những gì do con người viết ra. Điều đáng nói nhất trong khi tìm hiểu tác phẩm văn chương chính là chỗ nhà văn có thể viết về con người với nỗi lòng tâm trạng, cảm thông nào đó. Rõ ràng giữa điều có thể viết ra và điều không thể viết ra về con người đã là một sự soi sáng của quan điểm nghệ thuật về con người bị chi phối bởi tư tưởng triết học, đạo đức và thẩm mĩ. Cách viết không còn héo mòn, cũ kĩ trong hình thức biểu hiện nữa mà nó luôn là sự hóa thân đáng trân trọng của sự tham gia lặng lẽ của hình tượng nhà văn. Đó là cách hồi qui trao trả những ám ảnh của cách viết, của hình thức đích thực trong văn chương trở về cho chúng cái chất liệu của chúng để hoàn thiện hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm. Nhờ vậy ta mới nhận ra rằng hình tượng nghệ thuật là một cái cây cần đến nguồn nuôi dưỡng nó, cần đến nội dung và hình thức một cách độc đáo nhất.

Nhà văn dù có tạo ra hình ảnh người đọc giả định trong sáng tạo tác phẩm vẫn không thể quả quyết chỉ có họ mới tiếp nhận tác phẩm của mình. Văn học không thể là sản phẩm ban tặng cho một nhóm bạn đọc. Sự thân thiện giữa nhà văn với một loại độc giả nào cũng chỉ là sự phản quang của tính giới hạn của tác giả. Sự lựa chọn để viết cho ai một cách cụ thể diễn ra trong ý thức trong ý thức chứ không thể đặt hiệu quả biết trước vào đối tượng phục vụ. Cách viết không nên và không bao giờ có giá trị cao nếu chỉ xuất phát từ người đọc mà đó là sự bảo hộ nhân cách và tài năng nhà văn. Cách viết thực chất đối với nhà nghệ sĩ ngôn từ chính là một cách tư duy về văn học.

Có một hiện tượng phổ biến với những nhà văn lớn là tình trạng dập xóa nhiều lần không thương tiếc bản thảo, ý nghĩa của điều vừa đơn giản vừa khó khăn đó là gì? Phải chăng đó là yêu cầu tối cao của “cách viết” phải đạt tới sự hài lòng trước hết của văn phong tác giả, của đạo đức nhà văn.

Cái mà một số người nào đó không chịu nổi, chính là tài năng trong cách viết, bởi vì “có những cách dùng chữ, viết văn tăng năng xuất cho ý” (Chế Lan Viên)

Sở dĩ tôi đặt vấn đề nghiêm túc trên những câu chữ ròng Việt như cái có, cái còn và cái cãi được trong văn vì tác phẩm văn chương là một “chỉnh thể nghệ thuật”. Nói chỉnh thể nghệ thuật là nói tới cái giới hạn tác phẩm được qui vào hình thức tồn tại của nó. Đấy là cái có của văn. Nhưng chỉnh thể nghệ thuật ngôn từ lại là một chỉnh thể vòng xuyến cứ rộng ra với người đọc, với phong cách nhà văn. Phong cách nào cũng là những ẩn dụ xen vào cấu trúc trần thế của tác giả nên nó có những khía cạnh lặng im của ký ức và nỗi lòng của bản thân nhà văn. Chính những gì không được nói ra rõ ràng vẫn có ý nghĩa biểu cảm của cách viết gợi ra từ độ sâu của ý nghĩa nội dung là cái còn để từng lúc lại được bàn cãi lại.

Nếu xem xét tác phẩm văn học trong mối quan hệ xã hội của nó có thể thấy cái có tồn tại trong văn chính là tài năng tác giả. Cái còn lại của tác phẩm chính là cái giá trị được bảo lưu trong tác phẩm và được người đọc đông đảo đưa ra ánh sáng. Cuối cùng, tác động đa hướng và nông sâu khác nhau của tác phẩm đến người đọc tạo nên sự trao đổi tranh luận không bao giờ kết thúc. Ây là cái cãi được trong văn.

Nhìn tác phẩm văn học theo chức năng có thể thấy cái có trong văn chương là sự thật cuộc đời. Sự thật ấy cần có quá trình nhận thức sâu sắc của nhà văn. Sự thật trong văn chương càng thật hơn nếu nó gắn liền với sự xúc động thật sự của tâm hồn nhà văn. Muốn có sự thật tâm hồn, nhà văn phải thấm nhuần sự cao cả của đạo đức để đứng giữa sự thật cuộc đời không bị lạc lối. Rắc rối nhất, kỳ công nhất vẫn là cách viết của nhà văn. Cái riêng của một người đem ra làm quà cho tất cả.

Tiếng bấc, tiếng chì, vui buồn, khen chê, yêu ghét tùm lum không phải là điều lạ, vì trong sự thưởng thức văn chương ít khi có ngay sự nhất trí, mà cần có sự hiểu biết về nghệ thuật.

Cái có trong văn chương có thể còn được nhìn nhận như là tiềm năng sáng tạo của tác phẩm - mà ngược mấy dòng trên tôi đã đề cập tới từ tài năng.

Cái còn lại trong văn chương chính là chiều sâu của tác phẩm. Chiều sâu ấy có liên quan đến năng lực khám phá sự thật cuộc sống theo một quan điểm tư tưởng nhân sinh và được tái hiện bằng cách viết. Nói cách khác, chiều sâu của tác phẩm văn học là chiều sâu của cách viết, của chiều sâu đạt được qua sáng tạo hình thức độc đáo của tác phẩm.

Cái cãi được trong văn, theo sự diễn đạt khác, chính là sức sống của tác phẩm tác động vô hồi vô hạn vào lịch sử tiếp nhận của độc giả. Có cái gì chung với sự tiếp nhận của nhiều người và cũng có cái gì riêng với từng sự tiếp nhận nên tác phẩm mới là khởi nguyên của sự bàn luận, tranh cãi để tái tạo nhiều lần tác phẩm và để nuôi dưỡng tâm hồn người đọc. Sự bàn cãi thật bổ ích từ văn chương.

Sự tranh cãi trong văn chương phải dựa vào chân lí nghệ thuật không cắt lìa với chân lý đời sống. Có rất nhiều cái khó khi tranh luận văn học để tìm ra chân lý trong văn .

Trong lĩnh vực văn chương, nghệ thuật, nếu ai dám đấu tranh với sự giả dối và xuyên tạc chân lý để khẳng định cái chân, thiện, mỹ của văn chương thì phải biết và vượt qua những khó khăn này: Một là phải dũng cảm viết về chân lý mặc dù chân lý đã được nói tới một nửa, hoặc đang bị số đông áp đặt. Đó là đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp. Hai là phải có đủ sự thông minh tài trí để nhận ra chân lý vì chân lý nghệ thuật đâu có dễ dàng phát hiện. Muốn tìm kiếm chân lý phải có phương pháp tốt như một điều kiện tiên quyết để khám phá chân lý nghệ thuật. Ba là phải có hiểu biết chắc chắn về nghệ thuật và kỹ xảo nắm vững chân lý văn học. Bốn là sự đánh giá chân lý nghệ thuật phải được suy nghĩ và lựa chọn chu đáo để có tác dụng tích cực tới quá trình văn học cho cả người sáng tác và người thưởng thức tác phẩm. Năm là phải có kế hoạch và cách thức làm sáng tỏ chân lý dưới nhiều bình diện và nhiều cách diễn đạt khác nhau.

Mấy điểm trên mới chỉ là điều kiện và yêu cầu để đi tìm chân lý văn chương. Còn xác định tiêu chuẩn của chân lý văn chương thế nào thì vượt quá sức một người trong một bài viết ngắn.

Tháng VI 1999
N.T.H
(132/02-2000)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • (Cuộc trưng cầu ý kiến các giảng viên dạy lý luận và lịch sử văn học ở các trường ĐHTH ở Liên Xô)

  • ĐỖ LAI THÚY

    Ngồi buồn lại trách ông xanh
    Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười
    Kiếp sau xin chớ làm người
    Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

                             (Nguyễn Công Trứ)

  • NGUYỄN KHẮC THẠCH

    Không biết ngẫu nhiên hay cố ý mà tập thơ sẽ in riêng của nhà thơ Trần Lan Vinh lại mang tên với chữ đầu là Lục (sáu) – Lục bát đồng dao? Thôi thì cứ nói theo khẩu ngữ nhà Phật là tùy duyên nhưng điều quan trọng lại không phải ở phần cứng đó mà ở phần mềm hoặc không ở chỗ thể mà ở chỗ dụng của danh xưng.

  • LTS: Thời gian qua, thơ Tân hình thức Việt đã bắt đầu được nhiều bạn đọc, bạn thơ quan tâm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn về việc làm sao để đọc một bài thơ Tân hình thức? Làm sao để giữ nhịp điệu của thơ?... Bài viết dưới đây của Biển Bắc, nhằm giới thiệu cách đọc-diễn một bài thơ Tân hình thức Việt. Vì muốn làm sáng ý nguyện ngôn ngữ đời thường nên bài viết sử dụng ngôn ngữ rất THT Việt. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

  • ĐẶNG TIẾN

    Xuân đã đem mong nhớ trở về
    Lòng cô gái ở bến sông kia
    Cô hồi tưởng lại ba xuân trước
    Trên bến cùng ai đã nặng thề…

                          (Nguyễn Bính)

  • DÂN TRÍ

    Không học chữ Nho, nghe qua hai câu thơ Hán Việt vừa dẫn thì cũng có thể hiểu được nghĩa lý một cách mang mang hồn sử thi.

  • HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

    Khi mới học cấp 2, tôi đã thấy trong tủ sách nhà tôi có hai cuốn Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan và Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân do một người dượng mua về từ Sài Gòn.

  • THÁI KIM LAN

    Bài viết này chỉ là một phác thảo gợi ý về sự nghiệp và ảnh hưởng của hai nhà nữ trí thức miền Nam trong những thập niên 60, 70. Phùng Thăng tạ thế cuối thập niên 70. Phùng Khánh đã là Ni sư giữa thập niên 60 và trở nên một Ni sư Trưởng lỗi lạc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước và sau 1975, liễu sinh 2003.

  • YẾN THANH

    “Vĩnh biệt mày, cái thằng không biết tưởng tượng. Mày tự mà đốt đuốc cho cuộc hành trình thăm thẳm của mày đi”

  • ĐỖ LAI THÚY

    Trong một vài năm gần đây, nhiều nhà phê bình và nghiên cứu văn học đã có những cố gắng đáng kể để thoát ra khỏi tình trạng tiếp cận văn học một cách xã hội học có phần dung tục, hướng đến cách tiếp cận mới xuất phát từ đặc trưng của chính bản thân văn học. Một trong nhiều đường hướng nghiên cứu có triển vọng đó là phong cách học.

  • Cần phải nói ngay, Tưởng tượng & Dấu vết là cuốn tiểu thuyết khó đọc. Nó khó đọc vì hai lẽ: thứ nhất, nền tảng logic văn bản không nằm trong phương pháp tạo dựng hay trong tri thức thực hành của tác giả, mà nó nằm sâu trong yếu tính[2] thời gian.

  • ĐINH VĂN TUẤN

    Thi hào Nguyễn Du khi sáng tác “Truyện Kiều” đã đặt tên cho tác phẩm nổi tiếng này là gì? Cho đến nay, giới nghiên cứu Kiều vẫn còn phân vân, chưa dứt khoát hẳn một nhan đề nào là khởi đầu do cụ Nguyễn Du đặt.

  • KHẾ IÊM
    Tặng nhà thơ Biển Bắc và Hồ Đăng Thanh Ngọc

    Nhà thơ và nhà nghiên cứu Mỹ Timothy Steele, trong bài viết “Phép làm thơ cho những nhà thơ thế kỷ 21”, nhấn mạnh, cách làm thơ trong thế kỷ tới sẽ là tuôn nhịp điệu ngôn ngữ nói vào thể luật, để hình thành nhịp điệu thơ.

  • HOÀNG DŨNG, BỬU NAM

    (Phỏng vấn nhà sử học Nguyễn Hồng Phong, nhà văn Huy Phương và nhà phê bình văn học Phương Lựu)

  • HỒ TIỂU NGỌC

    Thế kỷ XXI là thế kỷ của internet và truyền thông, nơi mọi chân lý và định luật đều gói gọn ở trong hai con số 0 và 1 của ngôn ngữ lập trình mạng.

  • VŨ THỊ THƯỜNG

    Gần đây, nhân công việc tìm nhặt tư liệu xung quanh vụ án Lệ Chi viên để viết một cái gì đó bằng văn xuôi, tôi có đọc một số sách viết về Nguyễn Trãi. Trong số sách tôi đã đọc ấy, có hai cuốn: Văn chương Nguyễn Trãi Chủ nghĩa yêu nước trong văn học thời khởi nghĩa Lam Sơn của tác giả Bùi Văn Nguyên.

  • VŨ TRỌNG QUANG

    I. HÀNH TRÌNH TẤT YẾU
    Bước chân bắt đầu từ khởi điểm Octavio Paz “Giữa im lặng và tiếng nói, đó là thơ”. Vậy thì im lặng hay lên tiếng, có người nói thơ là tiếng nói, và có người cho vô ngôn là một giá trị.

  • ROLAND BARTHES

    Trong cuộc chiến giữa bạn với thế giới, hãy đặt thế giới ở hàng thứ cấp (Franz Kafka)

  • LÊ QUANG THÁI 

    Việt Nam đã có thơ mới sánh cùng với thơ mới của các nước Nhật Bản, Trung Hoa, Indonesia; khác nhau ở chỗ phong trào thơ mới dậy lên sớm hơn hoặc muộn hơn ba năm mà thôi. Còn các nước Thái Lan, Lào và Campuchia không có chuyện thơ mới bởi lẽ tình hình văn nghệ thiếu điều kiện phát triển.