HƯỚNG TỚI 70 NĂM THÀNH LẬP LIÊN HIỆP CÁC HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ
TÔ NHUẬN VỸ
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ hồi ở chiến trường
Tôi muốn nói đến thế hệ của tôi. Và chỉ khoanh vùng ở chiến trường Trị Thiên thời chống Mỹ. Đặc biệt mấy người có “hộ khẩu” trên rừng chiến khu Thừa Thiên.
Sau hơn một tháng đi bộ, trèo dốc lội suối theo đường giao liên vượt Trường Sơn, gần cuối tháng 12 năm 1965 tôi vào đến chiến khu Thừa Thiên, lúc đó ở miệt rừng phía tây huyện Phong Điền. Tôi được phân về làm phóng viên báo Giải phóng, một bộ phận của Ban Tuyên Huấn Tỉnh do tôi học khoa Văn-Sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trước khi đi chiến trường, tôi là giáo viên trường cấp 3 Hậu Lộc - Thanh Hóa. Nói là tờ báo chính thức của tỉnh nhưng toàn bộ lãnh đạo, phóng viên chỉ có 5 - 6 người. Các loại nhân viên như y tế, cấp dưỡng, tạp vụ… thì chung với các bộ phận khác như tiểu ban Giáo dục, Huấn học - Tuyên truyền, văn phòng… Trường Đảng và nhà in có cơ sở riêng. Nhưng tất cả các bộ phận đều có chung lãnh đạo. Phó ban Tuyên - Huấn phụ trách tờ báo. Ít người thế nên về cơ quan chỉ 14 ngày, tôi đã leo dốc trèo đèo đi công tác tận Phú Lộc ở phía Nam ngay, nơi đó ta vừa “đồng khởi” làm chủ được mấy thôn ở xã vùng biển Vinh Lộc.
Lúc đó chẳng hề có ai ở chiến khu này là “văn nghệ sĩ” và dĩ nhiên, từ tỉnh đến các huyện và cả thành phố Huế đều không có bộ phận nào gọi là văn học nghệ thuật cả. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Vàng Sao từ ngày lên rừng cũng “tấp” vô làm cán bộ Ban Tuyên - Huấn thành phố và sau đó là làm báo Cờ Giải phóng. Nguyễn Khoa Điềm, vào sớm hơn tôi 1 năm, về báo Vùng lên và công tác ở bộ phận Học sinh - sinh viên Huế. Nguyễn Quang Hà thì mãi đến sau Tết Mậu Thân mới từ miền Bắc vào. Anh em đô thị như Võ Quê, Thái Ngọc San… thì đang là sinh viên thỉnh thoảng có những bài thơ như tiếng hô tranh đấu của phong trào chống Mỹ. Chưa một ai là “sĩ” cả. Trừ Thanh Hải, thường được gọi là nhà thơ vì có bài thơ nổi tiếng Mồ anh hoa nở từ 1956, nhưng việc chính vẫn là cán bộ tuyên truyền, có lúc phải “ba cùng” với dân để vận động dân theo cách mạng. Chính từ cuộc sống đó, trước thảm cảnh hàng nghìn chiến sĩ cộng sản bị tù đày, sát hại ngay sau hiệp định Gèneve 1954, mà người dân vẫn một lòng theo cách mạng, Thanh Hải đã “đặc tả” trong Mồ anh hoa nở: Đám càng đi càng dài, càng dài càng dài mãi… Sau này, cũng do luôn bám sát nhịp đập của chiến trường trước và sau Mậu Thân 1968, anh mới có những bài thơ, kịch thơ như Bài ca thành Huế, Chiếc võng Trường Sơn, Một đêm với anh Giải phóng quân Huế…
Nguyễn Khoa Điềm có cuộc sống ở chiến trường phong phú và “trần ai” hơn. Tốt nghiệp khoa Văn- Sử Đại học Sư phạm Hà Nội cùng khóa với tôi và Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Vương Trí Nhàn, Nghiêm Đa Văn…, Điềm vào chiến trường Huế từ cuối năm 1964, cứ tưởng với học thức và phong cách nho nhã vốn có, Điềm sẽ được phân về bộ phận Giáo dục, nhưng anh lại được phân về bộ phận công tác học sinh, sinh viên thành phố. Trước Tết Mậu Thân, Điềm về vùng sâu Phong Điền, Quảng Điền, chỉ đạo một hướng của hoạt động này. Tại đây Điềm đã bị bắt trong một trận đột kích bất ngờ của địch. Trong tù, Điềm đã khôn khéo khai và chứng minh mình chỉ là học sinh tham gia dạy bình dân học vụ. Điềm đã được Đảng ủy nhà tù công nhận là Đảng viên chính thức ngay trong thời gian ở tù. Khi chiến dịch Mậu Thân diễn ra, một mũi tiến công của Trung đoàn Thân Trọng Một giải phóng lao Thừa Phủ. Nguyễn Khoa Điềm và nhiều cựu tù ngay sau phút được tự do đã cầm ngay khẩu k44 tham gia chiến đấu. Các cuộc chiến cực kỳ quyết liệt, từ các điểm ác chiến trong nội thành ra ngoại thành và kéo lên tận đường 12. Điềm không hề bị thương và không hề… chết (!), là một điều kỳ lạ. Lúc Điềm cầm súng khi vừa ra khỏi lao Thừa Phủ là lúc tôi vào thăm nhà Điềm ở Vỹ Dạ, gần nhà tôi, đúng lúc cả nhà đang lo lắng sau khi có lệnh của Ủy ban nhân dân cách mạng khu phố 5 (vùng Vỹ Dạ và lân cận) yêu cầu tất cả các gia đình đem các loại sách vở ra chỗ tập trung để… tiêu hủy vì cho tất cả sách vở ở “vùng địch” đều là sách… đồi trụy, phản động! Thật may, lúc đó tôi có “chức” phóng viên mặt trận của báo Cờ giải phóng thành phố và phụ trách tuyến cơ sở nội thành của Tuyên huấn Thành ủy (nhà tôi là Phạm Thị Cúc, với mật danh Thu Tím là một trong những cơ sở này). Tôi gặp ngay Ủy ban khu phố 5 đề nghị dừng việc hủy sách nhà Điềm vì phần lớn sách đều là sách quý nguyên của nữ sử Đạm Phương, bà nội Điềm. Và tôi cũng đề nghị những loại sách báo “đừng động tới”. Tôi không đủ “ký lô” để có đề nghị mạnh và rộng hơn (khoảng từ tháng 7/1967 - sau Mậu Thân, để phục vụ cho ý đồ chiến lược, thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên, trừ Phú Lộc, nhập làm một, gọi là thành phố Huế).
Sau này, trong Đất Ngoại ô, Điềm có viết về chuyện này: …Bạn con đến thắp nén nhang thơm ngát, mắt cha vui phấp phới bóng trăm cờ…
Và chính được chìm đắm, lăn lộn trong cuộc chiến gay go, khốc liệt ấy, Nguyễn Khoa Điềm mới có được ký sự dài Cửa thép (viết về cuộc chiến giành giật cửa Đông Ba) và trường ca nổi tiếng Mặt đường khát vọng.
Sau cuộc đấu tranh ly khai của Vùng 11 chiến thuật (phía cách mạng gọi là Khu Trị-Thiên) bị chính quyền Sài Gòn đàn áp khốc liệt, tháng 7 năm 1966 Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng Phủ Ngọc Phan lên chiến khu (sau Mậu Thân, Hoàng Phủ Ngọc Phan trong bối cảnh bị địch bắt rồi tìm cách cải dạng trốn thoát đã dần đưa đẩy vô tận chiến khu miền Đông Nam bộ). Tường và Xuân là hai tính cách gần như trái ngược nhau nhưng luôn gần nhau, cùng đi suốt cuộc chiến. Tường là giáo sư triết học đầy hấp lực của bao học trò Đồng Khánh - Quốc Học, luôn điềm đạm, sống trong suy tư và… lãng mạn. Xuân vốn là một Phật tử, cho tới tận bây giờ đã là một ông già gần tám mươi vẫn luôn luôn sôi sùng sục như vẫn là một chỉ huy Sinh viên Quyết tử của những ngày đấu tranh ly khai chống Thiệu- Kỳ. Cho dù Nguyễn Đắc Xuân đã có làm một số bài thơ, có bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ, nhưng nhìn chung, anh em trên rừng vẫn xem Tường, Xuân là hai nhân sĩ trí thức dưới phố lên “tập tành” làm… cán bộ. Mà tập thiệt: tập cách ăn cách nói theo kiểu… Việt cộng, tập tuyên truyền, tập làm báo có sự… chỉ huy, tập kiếm củi, tập đốn cây làm nhà, tập đào hầm tránh bom… Tường còn hay được “đóng vai” ôn này ôn tê long trọng trong Mặt trận, trong Liên minh… Còn Xuân thì may mắn hơn: hay được đi về đồng bằng, gần Huế để móc nối công việc trong thành phố. Và chính cuộc sống “cày cuốc”, tập tành đó đã là chất xúc tác khiến các anh cầm bút. Đặc biệt xuất sắc là Hoàng Phủ Ngọc Tường. Cuộc chiến kỳ vĩ như mạch nguồn vô tận để anh viết nên những vần thơ, trang văn đầy ắp tình yêu đất nước và khát vọng hòa bình của con người Việt Nam. Được sự giúp đỡ nhiệt tâm của Nguyễn Đắc Xuân là tặng khối tư liệu những ngày lăn lộn trong Đội công tác Thành nội, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết nên thiên bút ký dài nổi tiếng Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu. Nhưng chính thiên bút ký này đã khiến không ít người lầm tưởng Tường đã về Huế trong Tết và là lý do “xác đáng” để không ít kẻ ghét Tường, chống Tường vì “đã bỏ Huế mà theo Cộng sản” dựng lên chuyện Tường đã ngồi ghế chánh án tuyên xử… tử hình hàng trăm trí thức, dân lành vô tội của Huế, cho dù Tường không hề một phút đặt chân đến vùng ven Huế nữa! Tôi có hỏi Nguyễn Đắc Xuân sao anh không công khai chuyện anh “tặng tư liệu” cho Tường để Tường bị “oan Thị Kính” vậy, Xuân chua chát: tôi viết chỗ ni chỗ kia rồi mà sao họ cố tình không biết, cứ đổ riệt cho Tường và tôi là “đồ tể Mậu-Thân”! Đúng là kêu trời không thấu!
Về viết lách, Nguyễn Đắc Xuân lại bộc lộ một khả năng khác hẳn, cho dù anh cũng có viết một số bài thơ và truyện ngắn: anh nhận ra rằng, lịch sử của vùng đất này thật bi hùng, kỳ lạ. Và anh chìm đắm vào đó, với sự sục sôi của những ngày kháng chiến và đấu tranh. Anh thành một nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Huế số Một, đã có hàng trăm công trình về Bác Hồ, về Quang Trung và các nhân vật văn hóa nổi tiếng của Huế và Việt Nam.
Nguyễn Quang Hà thì mãi sau Mậu Thân mới vào, cùng đại đội Ngô Gia Tự của quê hương Bắc Ninh. Từ một giáo viên, Hà thành một người lính thực sự, vào chiến trường Thừa Thiên đúng lúc “tan nát” nhất nên có lúc đơn vị phải chia lẻ để chiến sĩ đi làm công tác vận động quần chúng, xây dựng lại phong trào. Mà anh em ngoài Bắc vô không quen thung quen thổ, thường “đi ngày thì nạc (lạc), đi đêm thì nộ (lộ)”! Nhưng anh em vẫn kiên trì bám trụ, móc nối… dần thành những thổ địa, góp phần hồi sinh phong trào ở các thôn xã. Nguyễn Quang Hà dần thành người dân - chiến sĩ thực sự của Thừa Thiên. Và từ cuộc sống thực sự chia xẻ ngọt bùi cay đắng với người dân, anh trở thành nhà văn viết được nhiều tiểu thuyết nhất phản ánh cuộc chiến đấu chống Mỹ của quân dân Thừa Thiên Huế.
Trần Vàng Sao lại “một mình một cõi” không giống ai, từ tính cách đến cuộc sống văn chương. Đính ở cạnh nhà tôi và nhà Nguyễn Khoa Điềm, cùng học với tôi ở tiểu học Vỹ Dạ, vốn có biệt danh là cu Nứt vì gần huyệt nhân-trung có một cái sẹo nhỏ. Hắn là người duy nhất trên đời tôi xưng mi-tau, bởi phải đối thoại rứa mới… hợp cái tánh đất cát của hắn. Ngay từ lúc còn là sinh viên những năm sáu mươi, Nguyễn Đính (tên khai sinh của Trần Vàng Sao) đã có tiếng là sinh viên thiên tả. Mặc dầu cha là liệt sĩ thời chống Pháp, nghĩa là gia đình bị ghi sổ đen của cảnh sát, Đính vẫn đập bàn đập ghế tranh cãi, khen cuốn Tư bản của Marx ở quán cà fê Lạc Sơn đông đúc. Khi tham gia phong trào tranh đấu, Đính làm thơ, viết bài cho báo Nhận thức, lấy bút danh Trần Vàng Sao khiến ban biên tập quá… ớn, nhưng Đính cương quyết không đổi, báo phải… thua! Khi lên rừng, Đính làm việc chép tin đọc chậm từ Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam để lấy tin cho việc in báo và tài liệu tuyên truyền. Năm 1971 Trần Vàng Sao cho ra mắt Bài thơ của một người yêu đất nước mình trên tạp chí Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam. Bằng ngôn ngữ và hơi thở dân giã, như từ đất cát, rau rìu rau éo mồng tơi… từ hồn vía vàng sao bất diệt, bài thơ đã lập một kỷ lục được đón nhận, hoan nghênh, chia xẻ vô vàn của mọi tầng lớp người đọc cả ở hai miền Bắc Nam, trong suốt cuộc chiến chống Mỹ và cho tới ngày nay. Có thể nói, Trần Vàng Sao, chỉ với một bài thơ đã khắc tên mình vào trái tim hàng triệu người đọc Việt Nam yêu nước!
Những năm tháng ở chiến trường, tôi lại có ít thời gian sống trên rừng chung với anh chị em trong cùng cơ quan. Cũng vì một nguyên tắc bảo mật: ai đã về nằm vùng (hoạt động lâu dài) ở vùng sâu, vùng sát Huế thì khi có việc phải lên chiến khu đều phải ở xa khu của lãnh đạo mặt trận, đề phòng vạn nhất bị bắt không chịu nổi đòn khảo đả của địch mà khai ra cơ quan đầu não thì đó là một tai họa khôn lường. Mà cơ quan tuyên huấn luôn ở gần cơ quan đầu não. Vì vậy khi bị thương ngay tháng 3/1968 vì bị máy bay trực thăng vũ trang UH1A của Mỹ bắn bị thương nặng ở ngoại ô Huế, sau mấy tháng nằm kẹt ở Viễn Trình - Phú Vang, tôi được gánh lên rừng. Sau đó mới được về cơ quan, cũng là lúc cơ quan đang “chạy giặc”, liên tục di chuyển cơ quan theo hướng dần lên phía biên giới Việt - Lào. Sau đó tôi được đưa ra Bắc và qua Trung Quốc chữa bệnh và vết thương, mãi tới đầu năm 1973 mới trở lại chiến trường, lần này lại cùng Thanh Hải và Võ Mạnh Lập làm tạp chí Văn nghệ Trị Thiên Huế, trực thuộc Ban Tuyên Huấn khu ủy Trị Thiên do anh Trần Hoàn làm phó ban thường trực, chứ không về lại vùng sâu phía Nam Huế như trước được nữa. Đó là lý do những anh từ ngoài Bắc vào một thời gian như Học Phi (Vĩnh Hà), Xuân Thiều… tôi không được gặp. Trần Nguyên Vấn (Trần Phương Trà) tôi cũng không gặp lúc vào chiến khu, chỉ gặp chuyến anh về đồng bằng Phú Vang trước Mậu - Thân và để lại bài Vè Đặng Lế viết về liệt sĩ Đặng Lế khi bị địch bắt đã dẫn cả đơn vị địch vào ngay bãi mìn của du kích gài sẵn và hy sinh anh dũng nhưng gần trọn đơn vị địch cũng đã bị tan xác. Đặng Lế là một Nguyễn Văn Bé của Thừa Thiên lúc đó. Bài vè mà đến giờ ngay cả Trần Nguyên Vấn cũng không nhớ hết nhưng nhiều người dân ở Phú Đa, Vinh Hà… vẫn còn nhớ mà sau giải phóng Trần Nguyên Vấn phải về “nhờ” bà con đọc lại cho để ghi lại… tác phẩm của mình! Trường hợp Võ Quê với tôi, biết thì đã lâu nhưng mãi sau này khi Quê phải thoát ly lên rừng tôi mới gặp ở tận Ban Tuyên Huấn khu ủy. Khi hoạt động nội thành, Quê đã bị địch bắt nhốt vô lao Thừa Phủ, bị đày ra Côn Đảo và từ những ngục tù khét tiếng này, những bài thơ ca ngợi lòng son sắt thủy chung với đất nước, với cách mạng nổi tiếng đã ra đời. Tập truyện ngắn đầu tiên của tôi mà nhà xuất bản giải phóng in năm 1970, tập Người sông Hương, chính tay Quê đã chuyền cho bác sĩ Phạm Xuân Quế, một người phụ trách phong trào tranh đấu của Huế lúc đó ngay tại bệnh viện bài lao.
Khi vào chiến trường tôi không bao giờ nghĩ là mình sẽ viết văn. Làm phóng viên, tôi không bao giờ ngần ngại đi tới những chỗ nguy hiểm, tới vùng địch kiểm soát để biết “nóng lạnh” của tình hình và cơ sở. Tôi hơi “ham” nguy hiểm nữa, nên không ít lần lãnh đạo tòa báo nhắc nhở hạn chế những lần đi với bộ đội công đồn bởi phóng viên nằm vùng và phụ trách cả tuyến cơ sở nội thành chỉ có một mình tôi (đánh Nha Phú Thứ, tiêu diệt trung tâm mã thám, đánh các đoàn bình định số 7 và 8 ở Dưỡng Mong Thượng…). Các bài báo tôi viết dễ gần hai trăm bài, từ chuyện con chó Mỹ mang lon thượng sĩ cho đến khảo sát Người Huế với luật 43/67… và các bài tường thuật cuộc sống và chiến đấu từ các vùng giải phóng đến vùng tranh chấp. Nhưng càng viết, tôi càng thấy không đủ thiếu gì hết, kể cả khi viết cả truyện ngắn, so với những gì kỳ vĩ, khốc liệt của cuộc chiến tranh nhân dân. Tôi quyết định viết… tiểu thuyết! Đó là một quyết định cả gan, coi trời bằng vung. Một kẻ mới tập cầm bút, mới chỉ 26, 27 tuổi mà bắt tay viết bộ tiểu thuyết 3 tập, dài gần cả 2000 trang, viết suốt gần 10 năm! Tôi muốn kể tới bộ tiểu thuyết Dòng sông phẳng lặng, đến nay đã tái bản 7 lần, đã được tặng Giải thưởng Nhà nước. Tôi không phải loại tự khen, mèo khen mèo dài đuôi. Tiểu thuyết này còn đầy nhược điểm, nhất là bên cạnh chiến công lẫy lừng giáng đòn trí mạng vào ý chí xâm lược của giặc Mỹ là nỗi đau của một bộ phận nhân dân Huế trong chiến dịch Mậu Thân mà mãi sau này tôi mới có điều kiện hiểu sâu hơn. Nhưng, tôi đã viết bằng cả tâm hồn và cả máu của mình về chính nhân dân tôi, chính những bà mẹ, các chị các em và các chiến sĩ đã nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ tôi trong những tháng ngày gian nan khốc liệt nhất. Họ đã sống đầy kiêu hãnh và hiên ngang cho đất nước ngẩng cao đầu.
Chiến trường đã cho chúng tôi những trang viết.
Huế, 15 tháng 12 năm 2014
T.N.V
(SDB16/03-15)
HỒ DZẾNH
Hồi ký
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này
NGUYỄN DU
LÝ HOÀI THU
Tôi nhớ… một chiều cuối hạ năm 1972, trên con đường làng lát gạch tại nơi sơ tán Ứng Hòa - Hà Tây cũ, lần đầu tiên tôi nhìn thấy thầy. Lúc đó lớp Văn K16 của chúng tôi đang bước vào những tuần cuối của học kỳ II năm thứ nhất.
PHẠM THỊ CÚC
(Tặng bạn bè Cầu Ngói Thanh Toàn nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ)
Người ta vẫn nói Tô Hoài là “nhà văn của thiếu nhi”. Hình như chưa ai gọi ông là “nhà văn của tuổi già”. Cho dù giai đoạn cuối trong sự nghiệp của ông – cũng là giai đoạn khiến Tô Hoài trở thành “sự kiện” của đời sống văn học đương đại chứ không chỉ là sự nối dài những gì đã định hình tên tuổi ông từ quá khứ - sáng tác của ông thường xoay quanh một hình tượng người kể chuyện từng trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhiều thăng trầm của đời sống, giờ đây ngồi nhớ lại, ngẫm lại, viết lại quá khứ, không phải nhằm dạy dỗ, khuyên nhủ gì ai, mà chỉ vì muốn lưu giữ và thú nhận.
CAO THỊ QUẾ HƯƠNG
Tôi được gặp và quen nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào những ngày đầu mùa hè năm 1966 khi anh cùng anh Trần Viết Ngạc đến trụ sở Tổng hội Sinh viên, số 4 Duy Tân, Sài Gòn trình diễn các bài hát trong tập “Ca khúc da vàng”.
THÁI KIM LAN
Lớp đệ nhất C2 của chúng tôi ở trường Quốc Học thập niên 60, niên khóa 59/60 gồm những nữ sinh (không kể đám nam sinh học trường Quốc Học và những trường khác đến) từ trường Đồng Khánh lên, những đứa đã qua phần tú tài 1.
Nhung nhăng, tần suất ấy dường như khá dày, là ngôn từ của nhà văn Tô Hoài để vận vào những trường hợp, lắm khi chả phải đi đứng thế này thế nọ mà đương bập vào việc chi đó?
Tôi được quen biết GS. Nguyễn Khắc Phi khá muộn. Đó là vào khoảng đầu những năm 80 của thế kỉ trước, khi anh được chuyển công tác từ trường ĐHSP Vinh ra khoa Văn ĐHSPHN.
Năm 1960, tôi học lớp cuối cấp 3. Một hôm, ở khu tập thể trường cấp 2 tranh nứa của tôi ở tỉnh, vợ một thầy giáo dạy Văn, cùng nhà, mang về cho chồng một cuốn sách mới. Chị là người bán sách.
DƯƠNG PHƯỚC THU
LTS: Trên số báo 5965 ra ngày 07/02/2014, báo Thừa Thiên Huế có bài “Vài điều trong các bài viết về Cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, của tác giả Phạm Xuân Phụng, trong đó có nhắc nhiều đến các bài viết về Đại tướng đã đăng trên Sông Hương số đặc biệt tháng 12/2013 (số ĐB thứ 11), và cho rằng có nhiều sai sót trong các bài viết đó.
NGUYỄN THỊ PHƯỚC LIÊN
(Thương nhớ Cẩm Nhung của Hương, Lại, Nguyệt, Liên)
BÙI KIM CHI
Trời cuối thu. Rất đẹp. Lá phượng vàng bay đầy đường. Tôi đang trong tâm trạng náo nức của một thoáng hương xưa với con đường Bộ Học (nay là Hàn Thuyên) của một thời mà thời gian này thuở ấy tôi đã cắp sách đến trường. Thời con gái của tôi thênh thang trở về với “cặp sách, nón lá, tóc xõa ngang vai, đạp xe đạp…”. Mắt rưng rưng… để rồi…
LÊ MINH
Nguyên Tư lệnh chiến dịch Bí thư Thành ủy Huế (*)
… Chỉ còn hai ngày nữa là chiến dịch mở; tôi xin bàn giao lại cho Quân khu chức vụ "chính ủy Ban chuẩn bị chiến trường" để quay về lo việc của Thành ủy mà lúc đó tôi vẫn là Bí thư.
NGUYỄN KHOA BỘI LAN
Cách đây mấy chục năm ở thôn Gia Lạc (hiện nay là thôn Tây Thượng) xã Phú Thượng có hai nhà thơ khá quen thuộc của bà con yêu thơ xứ Huế. Đó là bác Thúc Giạ (Ưng Bình) chủ soái của Hương Bình thi xã và cha tôi, Thảo Am (Nguyễn Khoa Vi) phó soái.
(SHO). Nhân dân Việt Nam khắc sâu và nhớ mãi cuộc chiến đấu can trường bảo vệ biên giới tổ quốc thân yêu tháng 2/1979. Điều đó đã thêm vào trang sử hào hùng về tinh thần bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc.
NGUYỄN CƯƠNG
Có nhiều yếu tố để Cố đô Huế là một trung tâm văn hóa du lịch, trong đó có những con đường rợp bóng cây xanh làm cho Huế thơ mộng hơn, như đường Lê Lợi chạy dọc bên bờ sông Hương, đường 23/8 đi qua trước Đại Nội, rồi những con đường với những hàng cây phượng vỹ, xà cừ, bằng lăng, me xanh... điểm tô cho Huế.
HOÀNG HƯƠNG TRANG
Cách nay hơn một thế kỷ, người Huế, kể cả lớp lao động, nông dân, buôn bán cho đến các cậu mợ, các thầy các cô, các ông già bà lão, kể cả giới quý tộc, đều ghiền một lại thuốc lá gọi là thuốc Cẩm Lệ.
PHẠM HỮU THU
Với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy lâm thời và Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đầu năm 1942, sau khi vượt ngục trở về, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có quãng thời gian gắn bó với vùng đầm Cầu Hai, nơi có cồn Rau Câu, được Tỉnh ủy lâm thời chọn làm địa điểm huấn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Để đảm bảo bí mật và an toàn, Tỉnh ủy đã chọn một số cơ sở là cư dân thủy diện đảm trách việc bảo vệ và đưa đón cán bộ.
Số cơ sở này chủ yếu là dân vạn đò của làng chài Nghi Xuân.
TRẦN NGUYÊN
Thăm Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, như được trở về mái nhà thân thương nơi làng quê yêu dấu. Những ngôi nhà bình dị nối nhau với liếp cửa mở rộng đón ánh nắng rọi vào góc sâu nhất.
PHẠM HỮU THU
Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 - 12
“Có những sự thật quá lớn lao của một thời, đến nỗi hậu thế nhìn qua lớp sương mù của thời gian, không thể nào tin nổi” (Nhà văn Phùng Quán).