Chiến công đầu tiên của Giải phóng quân Huế

14:42 22/08/2023

DƯƠNG PHƯỚC THU

Bắt sáu tên giặc Pháp nhảy dù xuống huyện Phong Điền.
Ngày 23 tháng 8 năm 1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế thắng lợi, chiều cùng ngày, tại Sân vận động Bảo Long (về sau đổi gọi là Sân vận động Tự Do), trước hàng vạn đồng bào dự mít tinh, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên được thành lập và ra mắt, do nhà giáo Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch.

Nhân dân tuần hành qua cửa Thượng Tứ tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế ngày 23/8/1945. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế

Ngay lập tức, các tổ chức của chính quyền về quân sự, công an, ngoại giao, tuyên truyền, tài chính, y tế… của tỉnh ra đời; 38 học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến - trường đào tạo quân sự của chế độ Nam triều kết thúc vai trò, chuyển hóa thành tổ chức Việt Minh, tự nguyện gia nhập lực lượng Giải phóng quân Thuận Hóa (tên gọi chung ban đầu chỉ cả lực lượng Giải phóng quân của tỉnh Thừa Thiên).

Chỉ hai ngày sau, Giải phóng quân Thuận Hóa đã kịp thời ra thông báo tuyển chiến sĩ. Vừa huấn luyện, vừa bổ sung quân số, tăng cường lực lượng bảo vệ thành quả cách mạng, chuẩn bị một đội vũ trang để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho buổi thoái vị của vua Bảo Đại giao quốc ấn và quốc kiếm cho đại diện của Ủy ban khởi nghĩa Trung ương từ Hà Nội vào tiếp nhận, dự kiến diễn ra vào chiều ngày 30 tháng 8 năm 1945 tại lầu Ngọ Môn, kinh đô cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam.

Trong các hoạt động của chính quyền cách mạng còn quá non trẻ, chiều ngày 29 tháng 8, Giải phóng quân Thuận Hóa nhận được tin “Sáu tên Pháp nhảy dù xuống địa phận làng Hiền Sĩ, huyện Phong Điền. Dân chúng ở Hiền Sĩ sẵn sàng đối phó với bọn chúng nhưng không dám tự tiện hành động mà đợi lệnh của chính quyền. Theo một chính sách hòa hảo, chính quyền đã phái đại diện đến thương thuyết. Nhưng bọn sĩ quan Pháp tỏ vẻ khinh thường và cứ một mực hỏi tin những nhân vật cũ của Nam triều”.

Theo mệnh lệnh của Ủy ban Quốc phòng Thừa Thiên, một đơn vị Giải phóng quân Thuận Hóa, với vũ khí thô sơ, khẩn trương tiến ra Hiền Sĩ bắt toán giặc này.

Để ghi nhận một cách trung thực về thời điểm, lực lượng phối hợp và để có cơ sở nghiên cứu một chiến công đầu tiên của Giải phóng quân Thuận Hóa bắt sáu tên giặc Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ, chúng tôi xin công bố nguyên văn tài liệu đầu tiên của chiến công này được in trên nhật báo Quyết Chiến - Cơ quan Ủng hộ chính quyền nhân dân cách mạng, thực chất là cơ quan ngôn luận của Thị ủy Thuận Hóa và Tỉnh ủy Thừa Thiên, số 7 ra ngày mồng 1 tháng 9 năm 1945:

“Sáu người Pháp nhảy dù xuống địa phận làng Hiền Sĩ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, hôm 28/8/1945 vừa rồi đã bị một đội “Giải phóng quân” (Thanh niên Tiền tuyến cũ) bắt chiều hôm qua và tước lột khí giới cùng máy vô tuyến điện và nhiều đồ đạc rất quan trọng như giấy tờ, địa đồ, máy điện v.v. Trong người họ ai nấy cũng đều có một tờ giấy do De Gaulle cấp. Nguyên văn giấy ấy như sau:

Calcutta, 24.8.1945

ORDRÉ DE MISSION

Le commandant X est chargé de mission en Indochine Française pour le compte du Gouvernement Provisoire de la République Française.

Les autorités civiles et militaires sont priées de lui apporter leur concours le plus total et de faciliter sa mission en tous points.

Tous les éléments de la résistance intérieur qui n’auraient pas encore pris contact avec les services extérieurs clandestins sont priés de se mettre à sa disposition et de solliciter de lui des directives.

Le commandant X assurera le moment venu l’occupation de tout bâtiment administratif civil, militaire ou privé si d’intérêt général. Il représentera le Gouvernement Provisoire de la République Française et aura tous pouvoirs en ce qui a trait aux questions administratives, civiles et militaires dans la région intéressée, étant bien entendu qu'il abandonne ses fonctions dès l'arrivée des représentants oficiels qualifiés.

Pour le Général de Gaulle et par son ordre.

Signé: Illisible

Directeur des Affaires civiles de la Délégation générale.

Trang báo Quyết Chiến và phần trích nguyên văn tài liệu chiến công đầu tiên của Giải phóng quân Thuận Hóa bắt sáu tên giặc Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ


Dưới đây chúng tôi xin dịch bản giấy ấy ra quốc văn.

Calcutta, 24.8.1945

Lệnh phái đi công cán.

Thiếu tá X (Xin được giấu tên) được Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp quốc phái đi công cán ở Đông Pháp.

Các nhà chức trách văn võ hãy hết sức giúp đỡ thiếu tá và làm đủ cách để cho công cán của thiếu tá được dễ dàng.

Tất cả các phần tử nội kháng mà chưa liên lạc được với các cơ quan ngoại công bí mật hãy tự đặt dưới quyền thiếu tá và phục tòng huấn luyện của thiếu tá. Lâm thời, thiếu tá X sẽ lo liệu việc chiếm đóng các công sở hành chính và binh bị hay tư sở có tính cách công ích.

Thiếu tá sẽ đại diện cho Chính phủ lâm thời nước Pháp và có toàn quyền về các vấn đề hành chánh hay quân sự trong vòng sở quan. Cố nhiên lúc có đại biểu chính thức đến thì nhiệm vụ của thiếu tá sẽ hết.

Tha lệnh tướng De Gaulle Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp quốc.

Ký tên: không rõ.

Giám đốc Văn phòng tại tòa Tổng đại lý.

Vụ bắt sáu phi công nhảy dù ấy đã thi hành một cách chớp nhoáng và thần diệu. Chính các phi công quân Pháp không ngờ đến chiến thuật lạ lùng của “Giải phóng quân Huế” và bọn người bị bắt không thể chống cự một tí nào cả. Họ phải giơ tay đầu hàng và đứng yên trong nửa giờ để cho “Giải phóng quân” ta lục soát.

Thái độ ương gàn của bọn chúng hai hôm trước đã mất hẳn. “Giải phóng quân” đối đãi với họ rất tử tế nhưng rất cương quyết nên bọn này đã mất hết nhuệ khí.

Cái dã tâm của De Gaulle đã rõ rệt. Quốc dân đồng bào ta hãy sẵn sàng phá tan tất cả các mưu mô xâm lược của chúng, bằng đủ mọi cách”.

Về chiến công bắt sáu tên giặc Pháp nhảy dù xuống làng Hiền Sĩ, ngày 28 tháng 8 năm 1945, báo Chiến sĩ, Cơ quan của Vệ Quốc đoàn, số ra tháng 8 năm 1946, xuất bản tại Huế, trên mục Chuyện bắt giặc đã viết: “Chính quyền Nhân dân mới thành lập thì những tin không lành đã đến làm dân chúng sục sôi: Nhật không có ý tốt với cách mạng và muốn làm trở ngại, Pháp lăm le khôi phục địa vị cũ. Ở khắp nơi, đồng bào vũ trang sắp đặt sẵn sàng. Trong chốn thôn quê khẩu hiệu đánh Nhật chưa kịp thay đổi và người ta kể chuyện một tốp lính Nhật chở khí giới bằng thuyền trên một đoạn sông, họ đã bị tự vệ tay không bơi ra cướp giật hết. Một em bé đã có gan vác rựa chặn đánh một tên Nhật vác súng chạy thoát thân và đã bị tên này dùng lưỡi lê đâm chết tại trận.

Nhưng những chuyện làm dư luận hồi hộp nhất là những chuyện bắt Tây nhảy dù đổ bộ xuống Hiền Sĩ: “Sáu tên Pháp nhảy dù xuống với một số quân nhu khí giới mà những kẻ nghèo thiếu như chúng ta cho là đồ sộ. Dân chúng sẵn sàng đối phó nhưng không dám tự tiện hành động phải đợi lệnh Chính phủ. Theo một chính sách hòa hảo, Chính phủ phái đại biểu đến thương thuyết. Bọn sĩ quan Pháp tỏ vẻ khinh khỉnh và cứ một mực hỏi tin những nhân vật cũ của Nam triều. Đoàn Giải phóng quân đầu tiên (Thanh niên Tiền tuyến cũ) nghe được tin ấy, giận lắm, liền kéo cả đội ra Hiền Sĩ. Bọn sĩ quan Pháp đang ngồi hóng mát… Một Giải phóng quân đến giao thiệp còn bao nhiêu vây xung quanh. Thấy mấy tên Pháp không bỏ thái độ ương ngạnh, anh em mới đổi mềm ra cứng, bắt giơ tay cả lên và tước hết khí giới. Lúc bấy giờ chúng mới tỉnh ngộ. Đấy là những phần tử của đội quân viễn chinh của Pháp định đổ bộ lên Đông Dương với Đồng minh nhưng vì Nhật đầu hàng sớm nên chương trình hành động của chúng bị sai lạc. Được đối đãi tử tế, chúng không có phàn nàn gì khác hơn là tự nghĩ tủi cho thân mình cũng là Đồng minh như ai mà không được tự do đi lại để ăn mừng thắng trận và hòa bình dân chủ.

Về việc này, công chúng hồi ấy chỉ nghe máy truyền thanh báo tin vắn tắt và thấy trên người phần đông binh sĩ có nhiều sợi dây trắng mướt rất đẹp, và bên hông một đôi anh Giải phóng quân một vài khẩu súng tối tân treo lủng lẳng… Dây dù, áo bằng vải dù, súng Canada là tất cả bề ngoài đẹp mắt của cuộc bắt giặc này”.

Đây là chiến công đầu tiên của quân và dân Thừa Thiên Huế sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khi vừa giành chính quyền về tay Nhân dân.

D.P.T
(TCSH414/08-2023)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGÔ THỊ Ý NHI

    Ở Huế, có những buổi sáng cứ thích nằm nghe tiếng con nít rủ nhau đến trường ríu rít như chim. Bình yên đến lạ! Thành phố nhỏ bé, nhịp sống không vội vàng, những con đường hiền lành, êm ả trẻ con dễ dàng đi bộ.

  • Kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019)

    PHẠM THUẬN THÀNH

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂN

    Năm Nhâm Tý (1672), chúa Trịnh xua 180 ngàn quân vào Nam, có ý vượt sông Gianh đánh chúa Nguyễn. Trấn thủ Bố Chính là Nguyễn Triều Văn hoảng sợ chạy vô Kim Long cấp báo với Hiền Vương (tức chúa Nguyễn Phúc Tần).

  • BÙI KIM CHI   

    Ngày xưa, cách đây 60 năm, ở đường Duy Tân Huế từ cầu Trường Tiền đi xuống, qua khỏi Morin (cũ), đi một đoạn, có một địa điểm mang cái tên nghe là lạ Ngọ Phạn Điếm. Càng lạ và đặc biệt hơn nữa, Ngọ Phạn Điếm chỉ đón khách vào ăn một bữa trưa (demi-pension) trong ngày là học sinh của Trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế mà thôi.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG 
                       Bút ký 

    KỶ NIỆM 20 NĂM CƠN LŨ LỊCH SỬ 1999

  • NGUYỄN DƯ  

    Ngày xưa thi đỗ tiến sĩ… sướng lắm!
    Nghe đồn như vậy. Ít ra cũng được vua biết mặt chúa biết tên. Được cả làng, cả tổng đón rước về tận nhà. Chữ nghĩa gọi là rước tiến sĩ vinh quy bái tổ.

  • PHI TÂN  

    Hồi trước, khi làng xã tôi còn đoàn đội tập thể hay hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thì đàn trâu ở làng cũng của hợp tác luôn. Trâu được các hộ xã viên nhận về nuôi để ăn chia công điểm. Nhà mô có nuôi trâu thì con cháu trong nhà phải nghỉ học sớm để chăn trâu hàng ngày.

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUY   

    Ngày thơ ấu tôi đã bao lần ngủ ngon giấc trong lời ầu ơ của mẹ:

  • Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 50 năm Ngày mất của Người (02/09)

    HỒ NGỌC DIỆP

  • Kỷ Niệm 72 Năm Ngày Thương Binh - Liệt Sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019) 

    PHẠM HỮU THU

  • DƯƠNG PHƯỚC THU    

    Nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920 tại làng Hội An, nơi xưa kia thường gọi là Faifô (vì làng này ở gần cửa Đại An nên quen gọi Hải Phố mà ra thế) nay Hội An đã lên cấp là thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam; quê nội Nguyễn Kim Thành ở làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

  • NGUYỄN THƯỢNG HIỀN

    Dáng thế của đồi Hà Khê như một con linh thú vừa tách khỏi đất mẹ, rời tổ uống mấy ngụm nước bên bờ dòng Linh Giang. Quay đầu hướng về quê mẹ, đất tổ Trường Sơn như một lời từ biệt, lòng rộn buồn vui. Một nhát gươm chí mạng của thuật sĩ Cao Biền, thân thú mang nặng vết thương vẫn còn hằn sâu ở chân đồi.


  • ELENA PUCILLO TRUONG  

    (Viết cho những người bạn cầm phấn)

  • Kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6  

    NGUYỄN XUÂN HẢI

  • ĐÔNG HÀ

    33 năm đổi mới trong Văn học Thừa Thiên Huế

  • NGUYỄN ĐỨC HÙNG   

    Một chiều cuối năm 2018, tôi nhận được tấm thiệp mời nhân dịp Lễ mừng tuổi chín mươi của nhà giáo Trần Thân Mỹ và kỷ niệm 65 năm ngày cưới của ông bà Trần Thân Mỹ và Dương Thị Kim Lan. Nếu tính từ mốc tôi được ông đặt bút ký vào hồ sơ chuyển ngành từ Quân đội về làm việc tại Phòng Văn hóa Thông tin (VHTT) thành phố Huế là tròn 35 năm, trong đó có 7 năm (1983 - 1990) tôi được làm việc trực tiếp với ông trước khi ông nghỉ hưu. Ông là vị thủ trưởng khả kính đầu tiên của tôi, là người đã giáo dục, đào tạo và có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi.

  • VŨ SỰ

    Ngày xưa, chuyện “chồng già vợ trẻ” cũng là chuyện thường tình. Xứ Huế đầu thế kỷ 20, cũng có những chuyện thường tình như thế. Nhưng trong những chuyện  thường  tình ấy, cũng có vài chuyện “không thường tình”, ngẫm lại cũng vui.