PHẠM XUÂN NGUYÊN
“Cái hèn” này, gần đây, đã được một số người nói đến khi nhìn lại một giai đoạn văn học vừa qua. Nhưng tôi có cảm tưởng tác giả đó chỉ mới đủ dũng cảm để dám nói về “cái hèn” của mình so từ bên ngoài mình đưa tới mà thôi.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Ảnh: internet
Nghĩa là hoàn cảnh, không khí của một thời không thuận lợi cho người cầm bút, buộc họ luôn phải sợ hãi, nơm nớp cho số phận mình, phải dè dặt, canh chừng cho ngòi bút mình, từ đó đưa đến “cái hèn” của nhân cách người viết. Người khác làm cho mình sợ mà trở nên hèn! Hoàn cảnh của đời sống văn học trước đây bị phê phán chính từ phía này. Điều đó đúng nhưng không đủ. Và sẽ là thiếu sót, sẽ là không toàn diện, nếu các bài viết đánh giá quá khứ chỉ bằng lòng dừng lại ở mức độ phê phán cái bên ngoài, hoàn cảnh bên ngoài như vậy. Chúng ta là những người theo chủ nghĩa Mác, do đó chúng ta phải có tinh thần biện chứng khách quan và lịch sử. Trong mối quan hệ hoàn cảnh và tính cách, Mác đòi hỏi phải cải tạo hoàn cảnh để có “tính người hơn”, mặt khác Mác cũng nhấn mạnh đến tính tích cực chủ động của tính cách trở lại hoàn cảnh. Và Mác đã dạy: “Căn bản nghĩa là xét sự vật tận gốc rễ của nó. Mà gốc rễ của con người chính là bản thân con người”. Nói đến tình trạng kém phát triển hoặc phát triển không đồng đều của văn học ta giai đoạn trước không thể không đụng chạm đến chính ngay sự kém cỏi của người cầm bút. Sự kém cỏi đây tôi muốn nói là “cái hèn” do chính những người cầm bút gây ra cho mình. Mình tự làm hèn mình!
Văn học cách mạng Việt Nam có một Nguyễn Tuân. Chúng ta có thể tự hào cho Nguyễn Tuân, tự hào về Nguyễn Tuân, tự hào vì Nguyễn Tuân, nhưng chúng ta không thể lấy Nguyễn Tuân để làm niềm tự hào thay cho mình được. Bởi một lẽ: Nguyễn Tuân không muốn và không tự làm hèn mình đi như phần đông chúng ta. Nguyễn Tuân mất, hàng loạt bài viết ca tụng văn tài ông, đặc biệt ca tụng phẩm chất cương trực thẳng thắn của ông, ca tụng cái đức “không chịu hèn” của một người cầm bút trung thành với chính mình. Vẻ vang cho ông và cũng may mắn cho ông biết bao! Ông chết thật hợp thời - cái thời cho phép những đồng nghiệp của ông được nói thoải mái về ông như chính ông vốn có và như điều họ nghĩ về ông. Mừng cho sự ra đi đầy vinh quang của Nguyễn Tuân, có người nhớ lại tiếc cho Xuân Diệu mất sớm hai năm trước không hưởng được đầy đủ những lời ngợi khen mình đích thực… Thế đấy, “Cái hèn” tự cho mình mà ra. Thôi thì thà im lặng, thà chịu mang lỗi với vong linh người đã khuất, chứ ít ai dám vượt lên mình để nêu cao một giá trị, khẳng định một nhân cách. Mặc dù cái gọi là hoàn cảnh bên ngoài ràng buộc ở đây không phải đến mức như tưởng tượng lo sợ.
Nhiều người đã nói đến cấm đoán, bắt bẻ, kiểm soát từ trên xuống đối với những trang viết. Nhưng có phải vì thế mà người cầm bút tự cho mình “được hèn” để viết xuôi chiều, dễ dãi không? Vấn đề ở đây không nên hoàn toàn đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho lãnh đạo. Nguyên nhân chính phải tìm ở trong mình. Nguyễn Tuân không chiều ai, không lụy ai, ông lừng lững đi tới trong cuộc đời và trong văn học, ông chỉ tôn thờ một sức mạnh duy nhất: sức mạnh của cái thật và cái đẹp. Xuân Diệu có nơi phải rào đón, phải né tránh, nhưng cái gì ông có, cái gì là của ông thì không giấu được, bằng cách này hay cách khác ông phải nói ra, phải lộ ra cho mọi người nghe và thấy. Nói thực ra hai ông cũng đã có một lúc, như nhiều người cầm bút khác, muốn chối bỏ mình, cắt đứt mình giữa cái hôm qua và cái hôm nay, giữa thời “tiền chiến” và thời cách mạng. Nhưng bằng chính bản chất con người và bản lĩnh nghệ sĩ của mình, hai ông đã hiểu cách mạng, chấp nhận đi với cách mạng đến tận cùng cá tính sáng tạo đích thực của tài năng mình. Cho nên giả dụ Nguyễn Tuân, Xuân Diệu khi nằm xuống chưa được đánh giá đúng, chưa được hiểu kỹ hiểu sâu thì thời gian và công chúng sẽ trả lại chân giá trị cho các ông dựa trên những trang sách thật mình của các ông để lại. Còn những người cầm bút khác thì không được như thế. Họ cam chịu hèn nên họ đánh mất mình. Tôi cứ có cảm giác tiếc. Giá như bây giờ bên cạnh những lời chỉ trích, phê phán lớn tiếng đối với quá khứ, có được một số tác phẩm viết ngay từ hồi ấy đem in ra. Buồn thay có rất ít những tác phẩm như thế hoặc hầu như không có chúng. Những người cầm bút chúng ta tính hiền quá, bản lĩnh thường quá, nên không phải là không thấy không nghĩ trước thực tế cuộc sống, nhưng hoặc là im lặng không dám viết, hoặc là viết không đúng với điều mình tâm niệm. Những ngày này chúng ta hay nhắc đến Nam Cao. Bài học đời văn của Nam Cao, theo tôi, trước hết là sự trung thực của ngòi bút đối với mình, với sự thật Nam Cao, cũng như Lỗ Tấn, từng đã bị chửi mắng, bị dọa đánh khi những hình tượng văn học do ông xây dựng nên mang những nét bản chất, điển hình của nhiều trường hợp xã hội. Nếu sợ, ông có thể viết khác đi, quay tráo ngòi bút lại. Nếu hèn ông có thể thôi viết, giữ lấy cái sự yên thân. Nhưng không, thiên chức và trách nhiệm của một người cầm bút chân chính đã buộc ông phải tiếp tục viết cái cần viết, dù có vì thế mà ông chuốc thêm nhiều sự khó khăn, phiền toái. Ngẫm cho kỹ, toàn bộ các tác phẩm Nam Cao viết về người trí thức cũng chỉ xoay quanh một chủ đề duy nhất là căn bệnh “mình tự làm hèn mình” của tầng lớp này. Vì cái hèn tự thân đó, nên những Điền, Hộ, Thừa, Thứ… suốt đời chỉ biết cam chịu số phận, nhẫn nhục với hoàn cảnh, tự ru ngủ với những ảo tưởng, mơ ước suông mà không đạt đến một cái gì cụ thể, có thực. Nam Cao ý thức rất rõ căn bệnh này của tầng lớp mình và cũng rất có ý thức ông cố gắng vượt lên mình, chiến thắng bản thân mình để tác phẩm viết ra trung thành với hiện thực cuộc sống. Nhà văn đứng cao hơn các nhân vật của mình và những trang viết của ông là một bằng chứng sinh động về sự dũng cảm của người cầm bút trước thực tại xã hội. Nam Cao còn lại cho chúng ta suy tôn hôm nay phần lớn là ở chỗ đó. Ca ngợi ông, đồng thời chúng ta thấy xấu hổ trước ông vì không nhận được như ông dám công khai thừa nhận cái hèn, cái yếu của mình.
Nhân đây tối muốn nhắc đến một tình hình ở Liên Xô để chúng ta cùng suy nghĩ. Cải tổ trong văn học Liên Xô hiện nay có một mặt là cho công bố một loạt những tác phẩm được viết ra trong các giai đoạn trước đây mà không được in. Các nhà văn Xô viết sống trong những hoàn cảnh hết sức phức tạp, khó khăn của những năm 30, những năm 50 – 60 vẫn trung thực tận cùng với chính mình, với bổn phận cao quý của người cầm bút để dám viết nên những tác phẩm xuất sắc, phản ánh chân thực cuộc sống và con người những thời kỳ lịch sử ấy, bất chấp mọi sự đàn áp, đe dọa, thậm chí cả lao tù, khổ nhục. Trường hợp B. Pasternak và tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago ai cũng đã rõ. Hay lấy ví dụ nhà thơ đương đại đang rất nổi tiếng là Evgeni Evtusenco. Báo Tuần lễ, số ra tháng 11-1987 vừa đăng bài thơ của ông nhan đề Những kẻ thừa kế Xtalin viết từ năm 1962. Một phần tư thế kỷ đã trôi qua giữa thời điểm bài thơ viết ra và thời điểm nó được đăng lên. Nhưng điều quan trọng và có ý nghĩa là E. Evtusenco đã viết bài thơ này vào chính hồi đó. Khi ấy E. Evtusenco chưa phải đã có tiếng tăm, chỉ mới nổi lên trong làn sóng thơ “tạp ký” nhưng bằng sự nhạy cảm của một nhà thơ và tinh thần dũng cảm của mình một công dân ông đã dám viết điều mình thấy, mình nghĩ. Nhân việc quan tài của Xtalin bị đưa ra khỏi Lăng, nhà thơ nêu lên một vấn đề mang tính tư tưởng, chính trị lớn: làm sao mang được Xtalin ra khỏi những kẻ thừa kế Xtalin? Bởi vì những kẻ này:
Một số về hưu trồng hoa chơi cảnh
Nhưng vẫn cho rằng hưu chỉ tạm thôi
Số khác lên diễn đàn chửi Xtalin hết lời
Nhưng đêm đêm vẫn nhớ về thời cũ
Bài thơ kết thúc bằng một nỗi lo của tác giả.
Chừng nào những kẻ thừa kế Xtalin còn đó
Thì tôi cho rằng Xtalin vẫn còn ở trong Lăng.
Thật mạnh bạo, quyết liệt ở tính cách của người cầm bút này? Dù bài thơ không được in ngay khi đó, bây giờ in ra giá trị thời sự và giá trị nhân văn của nó vẫn lớn, nó càng làm vẻ vang thêm cho tài năng nhà thơ. Còn ở nước ta – xin hãy nghe một lời tâm sự: “Tôi bèn đem những bài thơ riêng chưa in của mình trước đây ra đọc. Những bài thơ trước đây tưởng như sâu sắc lắm, hóa ra lại không đạt tới những điều hôm nay có thể in, có thể nói” (Vân Long, báo Văn nghệ, số 47 & 48, 21-11-1987). Vấn đề ở đây là bản lĩnh và tầm vóc của người cầm bút, tức là nội lực chủ động của anh, chứ không phải cứ thụ động ngồi chờ cái “hích” từ bên ngoài rồi khi được thì hoan hỷ tâng bốc, khi không được thì trách móc đổ lỗi.
Trong bài nói chuyện với các văn nghệ sĩ gần đây, đồng chí Tổng Bí thư nói: “Tôi có cảm giác trong hơn 10 năm qua (từ khi nước nhà thống nhất, cả nước đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội), so với hai cuộc kháng chiến trước đó thành tựu của văn học nghệ thuật của chúng ta còn nghèo. Trong hai cuộc kháng chiến, các đồng chí đã đóng góp sức nhiều, có công rất nhiều, có tài rất nhiều. Nhưng 10 năm qua thì không được như thế. Tôi nói nghèo là ý như vậy”. Bài tường thuật còn ghi thêm ý đồng chí Tổng Bí thư nói là nếu không đúng thế thì tôi mừng, còn nếu đúng thế thì tại sao? Thật rõ ràng. Đây là một cuộc đối thoại dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, trong đó đồng chí Tổng Bí thư chỉ nêu lên một cảm giác (Tôi nhấn mạnh – PXN) của mình và chờ nghe ý kiến bàn bạc, trao đổi của các văn nghệ sĩ chứ không hề là một nhận định có tính áp đặt, bắt buộc phải tuân theo. Một số người đã trả lời thẳng câu hỏi đó của đồng chí Tổng Bí thư: Văn học nghệ thuật của ta từ hơn 10 năm nay nghèo thật. Hãy để sang một bên việc đánh giá tình hình văn học như thế nào, tôi chỉ muốn nói đến thái độ của người cầm bút trong trường hợp này. Anh nói “nghèo” và trước đồng chí giữ vị trí cao nhất của Đảng anh đã dám nêu ra nguyên nhân của nó là hệ thống quan niệm và lãnh đạo văn nghệ chưa phù hợp, chưa đặc trưng. Và nên nhớ đây là chỉ nói khoanh lại trong khoảng thời gian hơn 10 năm kể từ ngày giải phóng đất nước. Như thế mặc nhiên có thể hiểu là anh đặt văn học nghệ thuật trong hai cuộc kháng chiến trước đây vào phạm trù “giàu” và tìm ra nguyên nhân của nó khác với trên. Nhưng đọc một số bài viết gần đây của những người có tham gia cuộc gặp tôi thấy người viết có ý như phủ nhận gần hết thành quả của văn học hai cuộc kháng chiến, cho nó gần như là không có gì vì nào là minh họa, nào là sơ lược, nào là một chiều và quy tất cả nguyên nhân lại vẫn là do bị lãnh đạo không đúng. Có một cái gì không logic ở chỗ này. Và cái không logic đó, tôi nghĩ, vẫn là từ “cái hèn” tự thân cố hữu của người cầm bút mà ra. Rồi đây việc đánh giá lại các giai đoạn phát triển văn học nghệ thuật sẽ phải được làm với một tinh thần khách quan, lịch sử và khoa học. Nhưng dù thế nào, người cầm bút cũng phải xác định được rõ cho mình chỗ đứng của người trong cuộc và trách nhiệm bản thân về chỗ đứng ấy, chứ không nên đổ cho người khác là thủ phạm chính, còn anh vốn mạnh nhưng vì cùng đường bí lối nên hóa hèn. Anh tuyên bố dõng dạc, hùng hồn: Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa! Được thôi, nhưng cái giai đoạn ấy do đâu mà có? Do lãnh đạo, do từ trên ấn xuống, do một cái hành lang thấp và hẹp được vạch sẵn, do các sự quy chụp v.v… đồng ý, nhưng tập hợp nhiều cái “do” ấy đều là ở ngoài anh, chúng có thể gây trở ngại và kìm hãm rất lớn, tuy nhiên tác hại của những cái đó tăng lên chính là do anh không dám là chính anh, do anh không tự trở thành là mình. Cervantes tạo ra Don Quichotte, Lỗ Tấn tạo ra A.Q. được nổi danh không ở chỗ nói cái xấu hay không nói cái xấu của dân tộc mình, mà ở chỗ họ thấy được sự thật đó và đã nói được nó lên. Cố nhiên cần phải mở không gian rộng rãi tạo điều kiện thuận lợi cho các tài năng cầm bút tự do phát triển. Nhưng xưa nay những tài năng chân chính, đích thực không bao giờ tự bó hẹp mình, tự chôn vùi mình dù trong hoàn cảnh nào. Không một quyền uy nào, một áp lực nào của bất kỳ ai có thể buộc được người cầm bút xã hội chủ nghĩa phải bẻ cong ngòi bút của mình, nếu chính người cầm bút không tự bắt mình bẻ cong ngòi bút.
12-1987
P.X.N
(SH31/06-88)
NGUYỄN TÚ
Nhân đọc bài "Sứ mệnh kẻ sĩ trước nghĩa Cần Vương'' đăng trong Tạp chí Sông Hương số 4, tháng bảy - tám 92, tôi xin có một ý kiến nhỏ gọi là góp phần tìm hiểu.
PHAN NGỌC
Nói đến văn hóa ở thời đại kỹ thuật là nói đến biện pháp kinh doanh văn hóa, đổi mới văn hóa để làm đất nước giàu có, phát triển.
DÃ LAN NGUYỄN ĐỨC DỤ
Câu hỏi trên đây, từ trước đến nay đã làm bận tâm không ít những người hằng quan tâm đến tương lai tiếng Việt, và mối bận tâm ấy đã được vài ba tác giả đề cập trên báo.
HUỲNH THẠCH HÀ
Mau lẹ, hung hãn, đáng sợ, quyến rũ, có lẽ là những từ thường dùng khi nói về loài hổ. Hổ còn có nhiều tên gọi khác như cọp, ông Ba mươi, ông vằn, chúa sơn lâm…
VŨ NHƯ QUỲNH
Tác phong, đạo đức, nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức cảm hóa, lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân. Tầm nhìn chiến lược của Người vô cùng to lớn, đặc biệt đối với ngành Y tế trong giai đoạn hiện nay, là tuyến đầu đang trực tiếp chiến đấu với đại dịch Covid-19.
(Phỏng vấn nhà nghiên cứu phê bình văn học HOÀNG NGỌC HIẾN)
PHẠM PHÚ PHONG
Thi pháp là mỹ học của nghệ thuật ngôn từ, hay nói đúng hơn là cái đẹp của nghệ thuật văn chương. Nghĩa là toàn bộ những yếu tố cấu thành hệ thống nghệ thuật của một hiện tượng văn học.
PHẠM PHÚ UYÊN CHÂU
Giai đoạn 1900 - 1945 là giai đoạn có “một thời đại mới trong thi ca” xuất hiện. Cùng với Sài Gòn và Hà Nội, xứ Huế ở thời điểm này trở thành một trong ba trung tâm báo chí, xuất bản của cả nước, nên không thể đứng ngoài hoặc không chịu tác động chi phối bởi những âm vang thời đại.
LÊ QUANG THÁI
Không hẳn nghĩa Cần Vương phát sinh từ khi kinh thành Huế thất thủ sau ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (5-7-1885). Sở dĩ người ta thường quen gọi phong trào chống Pháp từ khi vua Hàm Nghi xuất bôn và xuống chiếu kêu gọi toàn dân chiến đấu chống thực dân xâm lược từ năm 1885 - 1888 là phong trào Cần Vương, bởi lẽ vua Hàm Nghi là linh hồn của cuộc kháng chiến trong thời cao điểm chống Pháp.
PHAN HỨA THỤY
Sau Đào Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh là một tác giả lớn của xứ Đàng Trong vào thế kỷ XVIII, không những thế, Nguyễn Cư Trinh còn là một nhà hoạt động chính trị, quân sự có tài đã có những đóng góp cho lịch sử dân tộc.
NGUYỄN KHOA ĐIỀM
(Giới thiệu, dịch thơ)
Miên Triện có tự là Quân Công, hiệu Ước Đình, là nhà thơ, nhà soạn tuồng tên tuổi của nước ta vào cuối thế kỷ XIX.
PHẠM PHÚ PHONG
(Nhân đọc “Thơ vua & Suy ngẫm” của Nguyễn Phước Hải Trung)
Một bộ óc thông minh có giá trị hơn một bộ óc chứa đầy chữ
(Montaigne)
VÕ XUÂN TRANG
Dạy tiếng Việt cho học sinh bản ngữ nên dạy cái gì? Câu hỏi này đặt ra tưởng như thừa lại hết sức cần thiết và cho đến nay các nhà ngôn ngữ học cũng như các nhà giáo dục học văn chưa trả lời được một cách rõ ràng và dứt khoát.
MAURICE BLANCHOT
Những Nhân ngư: dường như họ thực sự hát, nhưng theo một cách dang dở, cái cách mà chỉ cho một dấu hiệu về nơi những nguồn gốc thực sự và hạnh phúc thực sự của bài ca mở ra.
ANDREW HAAS
Khi virus corona mới xuất hiện, tôi bắt đầu dạy tác phẩm Phaedo của Plato [đối thoại nổi tiếng của ông bàn về sự bất tử của linh hồn - ND].
PHÙNG TẤN ĐÔNG
Nhà báo, học giả Lê Dư, còn có tên Lê Đăng Dư, Lê Kính (1884 - 1967)(1), hiệu Sở Cuồng (người Cuồng nước Sở), sinh quán tại làng Nông Sơn (nay thuộc xã Điện Thọ) huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
TRẦN ĐÌNH HƯỢU
Chúng ta đều đã biết sự thay đổi đột ngột trong cách đánh giá Tự Lực văn đoàn.
YẾN THANH
Dân tộc học (Ethnologie) là một địa hạt kén người nghiên cứu, bởi bước chân vào đó nếu muốn có kết quả đáng tin cậy, đôi khi phải đánh đổi cả đời người, cả nghiệp bút, chứ không thể “ăn xổi ở thì” với những dự án ngắn hạn.