Bìm bịp tiếng kêu thương!

09:35 19/07/2016

TRẦN BẢO ĐỊNH

1. Mấy ai sinh ra và lớn lên mà không có quê hương? Quê hương đó, có thể là phố phường, là nông thôn đồng bái! Mỗi nơi ở mỗi người, đều có một kỷ niệm đầu đời chẳng thể quên.

Ảnh: internet

Thời gian cõng tuổi thơ vào cuộc đời và cuộc đời thì, vốn đã buồn vui trăm mối! Nhà nội nghèo nên má con tôi thối về ngoại. Thức ngủ mười năm theo tiếng bịp...b...ị...p...” kêu con nước lớn trên sông Tiền miền châu thổ Cửu Long.

Tôi nhớ tiếng kêu thương của bìm bịp vì, nó chẳng vô tình bạc nghĩa xứ sở. Nó hoàn toàn đối nghịch với chim cu đất. Bởi, chim cu đất sẵn sàng bỏ ổ, bỏ con, bỏ lãnh địa, một khi nó ngửi mùi bất an đến bản thân!

Hồi nhỏ được ngoại nuông chìu, tôi thường nghịch phá nhất là rình chim bìm bịp tìm ổ để lấy trứng bắt con. Thiệt ra không dễ, bìm bịp tha mồi nuôi con không bao giờ bay thẳng đến ổ. Nó bay lủi vô bụi cây ngụy trang phía trước và nó lặng lẽ bay ngõ sau bụi cây nhằm đánh lừa đối phương. Đôi ba chập bay lủi như vậy, bìm bịp mới về ổ nuôi con.

Bìm bịp màu lông giống nhau ở trống và mái. Màu nâu chấm đen khi còn nhỏ. Lúc đủ lông đủ cánh, rời ổ ra riêng, đôi mắt đỏ au; đầu mỏ, cổ ngực và đuôi có màu đen lợt, thân và đôi cánh lông màu nâu sòng như chiếc áo nhà sư. Có lẽ vì vậy, người đời gọi bìm bịp là chim Thầy Chùa (?). Hình như có một sự tích về màu lông, về thân phận của nó do thiên hạ truyền miệng nhau. Tôi nhớ hoài lời ngoại nói:

- Bìm bịp, một loài chim cam chịu sống bìm, đồng nghĩa với bầm mà, bầm ở quê mình được hiểu ngầm là bầm dập! Dù vậy, nhưng chưa bịp ai, kể cả người bạn đời của nó!

Rồi những trưa hè buồn miệng, ngoại kiến giải:

- Người nhà quê hiểu nôm na, bìm có nghĩa sống “ăn nhờ ở đậu” an phận thủ thường, nhút nhát và không ác với đồng loại, không nham hiểm với láng giềng. Trời cho đôi cánh để bay xa, bay vào trời rộng như muôn loài chim khác, nó ngại ngùng quên sử dụng. Chỉ là, bay ngắn nếu không muốn nói, chuyền cây. Suốt đời sống bụi bờ, làm ổ bằng rơm cỏ trên cao và hỏng mặt đất. Đi đâu cũng có đôi có bạn, không đi lẻ vợ chồng. Nước lớn vợ gọi, chồng kêu!

Con mái lớn hơn trống, đuôi ngắn và lông màu lợt; trống đuôi dài và lông màu đậm. Bàn chân bốn ngón, mỗi ngón có móng và vuốt. Chân cặp ngắn cặp dài và trước sau đối xứng. Dẫu nó thuộc loại bìm bịp lớn hay nhỏ, thảy đều sống thủy chung với bạn tình mà nó đã ăn nằm, sinh con đẻ cái. Mỗi con trống hoặc mái, nó có riêng mùi đặc trưng. Và, mùi đặc trưng đó, giúp nó nhớ thương, ân ái, không phản bội nhau. Mùa xuân, dù bìm bịp sống chốn gò cao hay nơi bưng biền, mương rạch, nó rững mỡ qua tiếng kêu ‘Cu-ra-ua... Cua- ra-ua... vang vọng miền quê, ai nghe mà chẳng động lòng? Đầu hạ, bìm bịp đẻ. Đầu thu, cả vợ lẫn chồng cùng gánh vác việc nuôi con, nó chẳng ly thân ly dị bao giờ. Mái nhường miếng mồi ngon cho chồng cho con, nó nhịn ăn trong niềm vui của sự nhường. Tôi đã rình coi bữa ăn chiều sum hợp của “gia đình bìm bịp” ở đám biền thí thời bom đạn. Tôi nhớ mẹ, nhớ nhà và thèm về, ngay bây giờ nhưng, không thể. Bất chợt, tôi thốt lên câu hò ở quê nhà:

Phần thịt thì để cho chồng
Phần xương em gặm, phần lòng cho con
 

2. Nhà ngoại có khu vườn chạy ra bến sông, có cầu ao nằm dưới giàn mướp hoa vàng rực mỗi sớm mai. Chốn ấy là, giang sơn của bìm bịp. Nó yêu giang sơn của nó chẳng khác người yêu đất nước của mình. Mảnh đất nó đang sống là lãnh địa bất khả xâm phạm. Nó trở nên hung tợn và chiến đấu bảo vệ lãnh địa không sợ chết đối với kẻ xâm lấn.

Ngày xưa, ngoại nói đó là tập tính thuộc căn tính bìm bịp; đồng thời với phản xạ có điều kiện. Tôi hỏi, điều kiện gì hở ngoại? Ngoại rằng, sau mỗi lần đánh đuổi và chiến thắng kẻ thù, nó thích khen thưởng bằng thức ăn ngon. Vì vậy, con mái lúc nào cũng trữ mồi ngon tặng trống sau trận chiến.

Bìm bịp khắc tinh lũ rắn, kể cả rắn cực độc. Lãnh địa của bìm bịp, rắn không thể sống, kể cả sống sót! Mùi da thịt, mùi lông và phân của bìm bịp khiến rắn khớp đèn, mất hoàn toàn khả năng chiến đấu... thúc thủ quy hàng, nằm chờ bìm bịp đến gắp mang về ổ làm thức ăn dự trữ nuôi con!

Con tạo lá lay, bày trò: Bìm bịp diệt rắn. Rắn diệt chuột. Thế nên, chuột ngày đêm ngóng đợi bìm bịp lởn vởn gần hang ổ của mình như nắng hạn đợi mưa rào. Có mùi bìm bịp, rắn cụp đuôi không dám ho he, hó hé! Rắn sinh ra và lớn lên lột da sống đời nhưng, không có hang ổ! Hang ổ rắn, chính là hang ổ chuột bị rắn cưỡng chiếm với phương châm: Diệt chuột đoạt hang ổ!

Tôi trở về khu vườn nhà ngoại sau bao năm đi xa. Những đóa mai vàng bung nụ khoe cánh dưới nắng xuân, không gian im ắng như chờ tiếng gọi bạn tình: Cu-ra-ua... C...u...r...a...u...a.. của bìm bịp tự thuở nào. Tôi chỉ nghe tiếng lá rơi trên thềm nhà cũ. Cầu ao, bến nước, bãi biền... còn nằm trơ đó, bìm bịp thì “tuyệt chủng” rồi!

Chỉ một lời đồn thổi bá vơ, người săn đuổi và tận tuyệt giống nòi bìm bịp, ngâm rượu tráng dương bổ thận cho mình. Họ biết đâu rằng, chính họ đã giết chết tiếng kêu thương của một loài chim đáng sống!


T.B.Đ
(SHSDB21/06-2016)




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN VĂN DŨNGTôi không tin rằng một cô gái đẹp thì lúc nào cũng đẹp. Sông Hương cũng thế. Sông Hương là quà tặng ưu ái của Thượng đế dành cho kẻ phàm trần.

  • NGUYỄN HỮU THÔNGĐêm thêm như một dòng sữa.Lũ chúng em, âm thầm rủ nhau ra trước nhà.Đêm thơm, không phải từ hoa,Mà bởi lòng ta thiết tha tình yêu thái hòa.Đời vui như men sayNgọt lên cây trái..

  • NGUYỄN XUÂN TÙNGSống lạc quan yêu đời, luôn luôn làm chủ được những suy nghĩ, tình cảm và hành động để tự thắng mình trong mọi hoàn cảnh là một phẩm chất cao đẹp của Bác Hồ.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGỞ Huế hình như không có mùa thu, mùa thu chỉ ghé lại thành phố giữa một mùa nào đó, mùa hè chói chang hay mùa đông rét mướt. Vì thế, bao giờ người ta cũng đón chào mùa thu bằng nỗi vui mừng đến với một người thân đi xa mới về để lại vội vã ra đi, bằng một cái mà nhạc sĩ tiền chiến Đặng Thế Phong gọi là “Con thuyền không bến”. Trên sông Hương, hình như thường có nỗi bơ vơ chờ sẵn những tâm hồn lãng tử quen xa nhà từ vạn cổ.

  • TRẦN THÙY MAI“Khuôn mặt em đâu phải chữ điền, Trúc không che ngang mà che nghiêng”

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNGCái tin anh Phương mất đột ngột đến với tôi lúc 11 giờ đêm, qua giọng rã rời nghẹn ngào của nhà thơ Lương Ngọc An báo Văn nghệ, lúc tôi đang “dùi mài kinh sử” ở khu ký túc xá trường Đại học Y Hà Nội để lấy cho xong cái bằng Thạc sỹ.

  • Hành trìnhĐã từ lâu tôi cứ muốn đi núi Tuý Vân để tìm hiểu xem sao nó được vua Thiệu Trị liệt vào hàng thứ 9 trong “Thần kinh nhị thập cảnh”.

  • Trước năm 1945, mỗi lần đi qua Ái Tử, tôi không khỏi lo sợ… Một sự lo sợ mơ hồ. Còn vì sao mà sợ thì cũng chẳng biết.

  • Ngay lần đầu tiên gặp ông đã đầy kỷ niệm. Đại đội tôi giao quân bên bờ một con suối đẹp cách sông Hương không bao xa. Anh Nguyễn Châu trưởng ban quân lực Thành đội nhận quân xong, ông đến bắt tay từng người.

  • Tôi vừa đến vùng Bắc Tây Nguyên được mấy hôm thì gặp địch càn quét. Hôm đó tôi định vào cơ quan xã Đaktô để làm việc không ngờ gặp địch dọc đường, tôi tạt vào rừng và nhắm hướng trở lại đơn vị, nhưng càng đi càng lạc sâu vào rừng thẳm.

  • Rời Bắc Hải chúng tôi bảo nhau từ giờ trở đi sẽ chỉ ở khách sạn chứ ở nhà người quen có cái vui nhưng cũng gây phiền toái cho bạn bởi chúng tôi đi chơi bất tử chẳng có giờ giấc nhất định nào.

  • Có một lão ngư kiêm lão nông suốt mấy chục năm trời vắt mồ hôi thành muối, tưới mồ hôi thành sông hồ mà mảnh vườn nhà vẫn cằn khô, chiếc thuyền nhà vẫn không tanh mùi cá biển. Quang cảnh vườn nhà cứ một mùa xanh lại ba mùa rụng lá, khô cành. Vợ chồng con cái chỉ thấy mắt chẳng thấy mồm. Xung quanh hàng xóm cũng chung hoàn cảnh.

  • Đấy là vào khoảng cuối chiến dịch Điện Biên Phủ – 1954. Đơn vị chúng tôi (đại đội 410 – đội 40 – TNXP Trung ương) được điều đi nhận nhiệm vụ mới.

  • 1. Cô bạn cùng cơ quan nghe nói tôi “có tay nuôi người”, lại quen biết giao du rộng rãi nên có ý nhờ tìm một người giúp việc nhà cho vợ chồng cô em gái.