Biển Đông: Sợ hãi không đẩy lùi hiểm họa

14:08 09/06/2011
Có những tình huống mà im lặng không giúp ta tránh né được hiểm nguy, ngược lại chỉ làm tăng mối họa vì khiến người khác lầm tưởng im lặng là bạc nhược.

LTS: André Menras, một người Pháp đã có hộ chiếu và chứng minh thư Việt Nam với cái tên Hồ Cương Quyết. Hơn 40 năm trước, ông là một trong hai người Pháp đã dũng cảm phất cao cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trước toà nhà Quốc hội của chính quyền Sài Gòn và rải truyền đơn đòi độc lập, hoà bình cho VN vào năm 1970. Hành động này khiến ông bị bắt giam rồi bị trục xuất về nước. Trong tù với những người Cộng sản kiên trung, ông được đặt tên là Hồ Cương Quyết. Sau khi ra tù, ông đi khắp thế giới để tuyên truyền về cuộc chiến tranh mà Mỹ dính líu và sa lầy ở Việt Nam. Từ năm 2002 đến nay, ông sống ở Việt Nam và tham gia vận động quyên góp cho các chương trình hỗ trợ biển đảo Việt Nam.

Ông đã gửi tới Tuần Việt Nam bài viết bày tỏ góc nhìn riêng trước sự kiện tàu Bình Minh 02.

Thông tin trung thực cho dân

Có những tình huống mà im lặng không giúp ta tránh né được hiểm nguy, ngược lại chỉ làm tăng mối họa vì khiến người khác lầm tưởng im lặng là bạc nhược.

Phản ứng ngoại giao tất nhiên là cần thiết, nhưng không đủ để tranh thủ được sự đoàn kết quốc tế mà Việt Nam rất cần trong lúc này. Hơn ai hết, những người đã từng dựa vào sức mạnh của nhân dân để giải phóng và thống nhất đất nước hiểu giá trị của quyền tiếp cận thông tin và quyền được hành động của nhân dân.

Trung Quốc đã quyết đẩy mạnh cuộc tiến công ở Biển Đông. Đó là điều là nhãn tiền đối với cộng đồng quốc tế: Chúng ta hãy lên tiếng mạnh mẽ!

Trung Quốc đã vi phạm mọi thỏa thuận mà họ đã ký kết: Chúng ta hãy lên tiếng mạnh mẽ!

Hải quân Trung Quốc sách nhiễu, khủng bố ngư dân Trung Bộ trên những vùng biển mà họ đã đánh bắt từ đời cha ông họ: Chúng ta hãy lên tiếng mạnh mẽ!

Hãy thông báo về số phận những đồng bào bị sách nhiễu, bắt giam, cướp bóc và phá sản trên Biển Đông, phổ biến thông tin trên khắp đất nước, đến mọi vùng sâu vùng xa.

Nói một cách ngắn gọn: Hãy thông tin trung thực cho dân!

Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam! Chúng ta không nên tự bằng lòng với những cuộc họp của các chuyên gia Việt Nam với các chuyên gia quốc tế để khẳng định điều ấy một cách âm thầm. Các hội nghị ấy đều quan trọng, nhưng chúng ta cần khẳng định chủ quyền ấy trong các trường học, trong các chương trình sử địa được dạy trên toàn quốc.

Tôi rất sửng sốt và nhói đau khi thấy trên đảo Lý Sơn, nơi xuất phát của những ngư dân vẫn kiên trì đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa và là hòn đảo đứng đầu sóng ngọn gió trong cuộc tranh đấu để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, con em của họ không biết gì về địa lý của những hải đảo, nơi mà cha anh của các em đã bị hải quân Trung Quốc bắt giữ...

Biết bao tấm bản đồ hành chính Việt Nam còn thiếu vắng đảo Hữu Nhật và đảo Quang Ánh, những địa danh mang nặng nghĩa tình, vì tại đó tổ tiên của họ trong hải đội Hoàng Sa đã hy sinh!

Sợ hãi không đẩy lùi được hiểm họa

Tôi rất hiểu vị thế cực kỳ khó khăn và tế nhị của các nhà lãnh đạo Việt Nam với mong muốn tránh cho nhân dân mình, vốn đã trải qua bao đau thương trong suốt lịch sử dân tộc, lại phải gánh chịu những mất mát mới. Lịch sử Việt Nam đã không ít lần phải chứng kiến máu đổ: năm 1974, năm 1979, năm 1988...

Nhưng sợ hãi không đẩy lùi được hiểm họa. Nói như Đại tướng Lê Đức Anh: "Nếu SỢ thì mất. Mất chỗ mà người ta muốn chiếm. Không SỢ thì mình có cách đấu tranh để vừa giữ được chủ quyền, vừa giữ được hòa khí".

Cụ Bùi Thượng 73 tuổi, vô địch lặn nước sâu ở Lý Sơn, rất ý thức được điều ấy. "Gặp một con cá mập lớn, thì phải đối mặt với nó, nhìn trừng mắt vào nó. Có như thế thì nó mới không tấn công", cụ nói.

Có những thời điểm phải biết đối mặt. Đó là vấn đề sống còn. Đối mặt trước hết là nói thật, và chỉ nói sự thật.

Ở Bình Châu và Lý Sơn, tôi đã phỏng vấn những ngư dân ngày ngày phải mạo hiểm tính mạng khi ra khơi. Họ kể rằng họ đã đụng phải những đoàn tàu đánh cá Trung Quốc tới sát đảo, chỉ cách chừng 20 hải lý. Những đội đánh cá Trung Quốc tổ chức chặt chẽ, được sự yểm trợ của hải quân Trung Quốc. Còn ngư dân Việt Nam, họ đã ra khơi với cảm giác bất an. Và khi gặp họa, thì bị bắt, bị giam cầm, bị tịch thu cá mú và thiết bị, và những món nợ to lớn phải trả. Có người như ông Tiêu Viết Là, người xã Bình Châu, bốn lần bị Trung Quốc bắt giam.

Trợ cấp của nhà nước thì không thấm vào đâu. Phải bản lĩnh lắm mới dám tiếp tục đi khơi ra lộng trong tình hình như vậy!

Những người vợ góa của các ngư dân đã bị mất tích một cách bí hiểm ở khu vực Đá Bông Bay, một thứ "tam giác Bermuda " của Quần đảo Hoàng Sa, ngày nay sống đơn côi, cô độc, vì "vốn liếng" duy nhất của họ là người chồng. No đói là nhờ chồng.

Có chị thậm chí tiền không có để xây được một cái "mộ gió" cho chồng. Mùa mưa, không có tiền sửa lại mái dột trên căn nhà một gian trơ trọi. Tiền đâu cho con cái học thêm, mà việc học của con cái là tia hi vọng duy nhất cho phần đời còn lại của những góa phụ đau khổ đến tột cùng này.

Món tiền tượng trưng hai triệu đồng mà chính quyền cấp cho nơi này nơi khác không thay đổi được số phận của họ.

Phải lên tiếng, phải nói về họ!

Họ phải được hưởng một chương trình hỗ trợ chính thức của Nhà nước, một chương trình ưu tiên, và tối thiểu họ cũng phải được chu cấp đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm và thuốc men. Con cái của họ phải được đến trường và chăm sóc sức khỏe hoàn toàn miễn phí. Các cháu, các em phải được coi là nghĩa tử quốc gia. Bảo vệ các em và mẹ của các em là bảo vệ biển đảo, là bảo vệ đất nước một cách thiết thực và hữu hiệu nhất.

Trong bối cảnh ấy, không ai có quyền giảm nhẹ trách nhiệm của Trung Quốc. Hãy nói chuyện "tàu lạ" với ngư dân Trung Bộ, họ sẽ sửa ngay thành "tàu Trung Quốc". Đối với họ chẳng có gì là "lạ" cả!

Nhiều bạn Việt Nam đã nói với tôi: "Trung Quốc khôn ngoan lắm". Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thực là "khôn ngoan" hay không? Leo thang tranh chấp, Trung Quốc đang tạo điều kiện cho các nước ASEAN, mà lợi ích của họ ở Biển Đông bị đe dọa, xích lại gần nhau.

Họ mở ra một trận tuyến mới, nghĩa là phải găm ở đây những nguồn lực, phải chuyển hướng một phần đầu tư cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế vào một cuộc phiêu lưu tốn kém mà chắc chắn sẽ làm họ sa lầy.

Đã qua rồi cái thời mà họ có thể ngang nhiên chiếm đoạt Hoàng Sa, ngang nhiên đánh chìm tàu tiếp vận của Việt Nam tại Bãi Gạc Ma. Trung Quốc đang phát triển mạnh, song chính sự phát triển ấy đang khoét sâu những mâu thuẫn nội tại, khuếch đại những bất bình đẳng xã hội. Không cần phải là nhà tiên tri cũng thấy được rằng khó khăn của Bắc Kinh đang còn trước mặt, chứ không phải đã ở sau lưng. Và đến lúc đó, họ sẽ phải trả lời.

Còn một bài học lịch sử nữa mà nhà cầm quyền Trung Quốc muốn quên - như thế không "khôn ngoan" tí nào. Đó là: về lâu dài, không thể làm nên điều gì khi họ đi ngược lại ý chí của các dân tộc khác, bởi vì sức mạnh thực sự nằm trong nhân dân, chứ không nằm trong họng súng, trong số lượng vũ khí.

Ở Lý Sơn, tôi có dịp tham dự một nghi thức rất có ý nghĩa, nói lên ý chí của người dân hải đảo: Khi một ngư dân mất tích vì bão biển hay vì lí do bí ẩn nào đó, gia đình nào có khả năng xây mộ và mời thầy cúng, thì tổ chức một cái lễ rất độc đáo, có lẽ có một không hai, để gọi hồn người đã khuất về nhập vào một hình nhân nặn bằng đất sét được phù phép. Hình nhân được an táng trong một cái mộ gọi là "mộ gió", để thân nhân có thể tới cúng viếng. Mê tín chăng? Có thế. Nhưng không chỉ có thế. Tôi nghĩ việc này có một ý nghĩa sâu sắc: phong tục mấy trăm năm này nói lên ý chí của những người sống, kiên quyết giành lại từ biển cả, từ kẻ địch cái gì quý nhất, mang về cho gia đình, cho đất nước. Đó là thông điệp rất rõ ràng gửi tới kẻ xâm lược: "Dù các người làm gì đi nữa, chúng tôi vẫn gắn bó với những người đi biển, gắn bó với biển, với nền văn hiến này, với đất nước này. Những điều ấy, không ai, không sức mạnh nào, có thể chiếm đoạt được".

                                                Theo André Menras Hồ Cương Quyết - TuanVietnam.net














Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Chú trọng phát triển văn hóa đọc tại vùng nông thôn, miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, văn hoá đọc ở trẻ em nói riêng sẽ không thể phát triển rộng lớn nếu hệ thống phát hành sách chỉ tập trung ở thành phố và trẻ em nông thôn, miền núi vẫn còn “đói sách”.

  • Hoạt động đấu giá nghệ thuật ở Việt Nam mới đang ở buổi bình minh. Buổi đấu giá nghệ thuật chính thức đầu tiên được tổ chức cách đây chưa đầy hai năm bởi Công ty Cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt tại Hà Nội hồi tháng 5/2016.

  • Nhiều biểu hiện cho thấy nhận thức của xã hội đối với sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Người dân chưa hình thành ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ; chủ sở hữu chưa chủ động thực hiện việc bảo vệ quyền và tài sản của mình mà vẫn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại.

  • Tăng mức giảm giá sách lên tới 80% và không hạn chế số lượng ngày được giảm giá trong năm là những kiến nghị mà Hội Xuất bản VN vừa gửi lên Bộ Công thương.

  • Trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, lễ hội nói chung và lễ hội dân gian nói riêng là những sản phẩm tinh thần đặc biệt, đáp ứng nhu cầu văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, bên cạnh những hiệu quả, những năm qua việc tổ chức và hoạt động lễ hội bộc lộ không ít những tồn tại, bất cập.

  • Cho rằng lễ Vu lan dần trở nên vững bền, sâu sắc hơn trong văn hóa Việt, tuy nhiên nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ trao đổi với Tiền Phong rằng cần xem lại nếu các nghi lễ đó quá trọng hình thức, tổ chức tràn lan theo phong trào.

  • Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017 vừa chính thức bế mạc bằng lễ trao giải, tại Thanh Hóa. Theo đó, BTC đã trao 23 HCV, 20 HCB và 2 giải diễn viên trẻ triển vọng là Dương Thị Mai Linh (Nhà hát Chèo Nam Định), Nguyễn Đoàn Thiên Sinh (Nhà hát Chèo Ninh Bình).

  • Bản quyền, quyền tác giả, thẩm định thật giả đối với tác phẩm nghệ thuật… lại là vấn đề nóng trong dư luận những ngày qua.

  • “Đã qua rồi cái thời ca sĩ phải lệ thuộc quá nhiều vào ngoại hình và kể cả danh xưng. Nhiều giọng ca nổi tiếng, trụ được lại đến giờ ở ta, thử hỏi mấy ai mạnh về sắc vóc. Cuối cùng thì thời gian vẫn luôn đưa ra câu trả lời công tâm nhất cho những chân giá trị” - NSƯT Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long chia sẻ, trước đêm nhạc “Danh ca Việt Nam” tôn vinh 4 giọng ca nam thuộc 4 dòng nhạc (diễn ra tối 16.7, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội).

  • Theo một số chuyên gia văn hóa, cần xem xét lễ hội chọi trâu dưới nhiều góc độ: văn hóa, du lịch, kinh tế... để có cách ứng xử hợp lý.

  • Hơn 90% người đến tham dự buổi nói chuyện “Chế ngự khủng hoảng tuổi thành niên” là thanh niên. Theo Ths Tâm lý học Nguyễn Lan Anh: đó là tín hiệu đáng mừng!

  • Việt Nam có nguồn lực văn hóa dồi dào, với các di sản vật thể và phi vật thể đa dạng. Nếu có chính sách hợp lý, chúng ta có thể đưa văn hóa trở thành động lực cho sự phát triển hài hòa và bền vững.

  • "Chúng ta được hứa hẹn về một xã hội hoàn hảo, nhưng rồi chỉ nhận lại những trò chơi khăm, tin tức giả và một sự sụp đổ rõ ràng của sự lịch thiệp." Đó là một trong những nhận định thú vị được nêu ra tại bài viết của cây bút Josh Quittner, Giám đốc biên tập của trang tin Flipboard.

  • Suốt hơn 2 tháng qua, chuyện cấp phép biểu diễn ca khúc là đề tài nóng của công luận. Đặc biệt hơn sau sự việc Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) mới đây cập nhật danh sách hơn 300 bài hát thuộc diện được phổ biến rộng rãi, trong đó có nhiều ca khúc cách mạng đã thành giai điệu nằm lòng của nhiều thế hệ khán giả, thì câu chuyện quản lý cấp phép đã làm “nóng” cả hành lang nghị trường.

  • Việc làm của Cục Nghệ thuật biểu diễn tạo ra bức xúc không đáng, làm tổn thương dư luận - đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng nhận định.

  • HẠ NGUYÊN

    Câu chuyện dưới đây không hề là của trí tưởng tượng của bất kỳ cây bút hậu hiện đại nào bởi vì nó có thực.

  • Cộng đồng mạng đang dấy lên làn sóng tranh luận về văn hóa thưởng thức nghệ thuật - giải trí của khán giả, khi gần đây liên tục nhiều nghệ sĩ bị ném đồ vật lên sân khấu trong lúc đang biểu diễn.

  • Thời gian qua, vụ việc nữ sinh Phương Anh, học sinh trường THPT Phan Bội Châu (TP. Vinh, Nghệ An) tố cáo giám thị chép bài đưa cho thí sinh trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

  • Cơ quan nọ mời một tiến sĩ đến nói chuyện với cán bộ, công chức, viên chức nhằm góp phần nâng cao nghiêp vụ. Đó là người nổi tiếng trong một lĩnh vực, được rất nhiều nơi mời lên lớp, diễn thuyết.

  • Băn khoăn quanh việc 5 ca khúc sáng tác trước 1975 bị cấm lưu hành còn chưa có hồi kết, thì vừa mới đây dư luận lại thêm một lần ngạc nhiên đến… không tin nổi vì ca khúc “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lâu nay chưa được cấp phép phổ biến. Sự ngạc nhiên ấy hoàn toàn có cơ sở bởi ca khúc này hiện đang được sử dụng trong chương trình SGK môn Âm nhạc lớp 9 - bậc THCS. Và khi dư luận ồn ào thì ca khúc lại được cấp phép biểu diễn.