Bây giờ là lúc...

17:06 29/12/2008
TRẦN HOÀI ANHBáo Văn nghệ trong lời giới thiệu những bài thơ mới nhất của Nguyễn Khoa Điềm số ngày 5/8/2006 cho biết: “Bây giờ ông đã trở về ngôi nhà của cha mẹ ông ở Huế. Tôi chưa bao giờ đến ngôi nhà ấy”. Còn tôi, người viết bài này đã có “cơ may” ở trọ tại ngôi nhà yên bình ấy trong những năm tám mươi của thế kỉ trước khi tôi đang là sinh viên ngữ văn Đại học Sư phạm Huế.

Mặc dù đã từng ở trọ nhà anh, từng trò chuyện với anh và giảng dạy thơ Nguyễn Khoa Điềm trong nhà trường nhưng chưa lần nào tôi nghĩ sẽ viết về thơ anh nhất là khi anh luôn thăng tiến trên con đường danh vọng. Nhưng đến lúc này, khi anh đã trở về với “ngôi nhà bình yên giữa cây cỏ, hoa lá”. Và khi đọc những bài thơ mới nhất của anh ở Văn nghệ (5/8/2006) và Tuổi trẻ (27/8/2006) tôi thấy như có gì thôi thúc trong lòng muốn viết một điều gì đó về thơ anh.
Quả thật, khác với giọng điệu thơ của Nguyễn Khoa Điềm trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước ở “Đất ngoại ô” (1973), “Mặt đường khát vọng” (1974), thơ anh đã có bước chuyển giọng điệu kể từ tập thơ “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” (1986) và “Thơ Nguyễn Khoa Điềm” (1990). Giọng điệu thơ anh ở các tập thơ này không còn là “giọng cao” của một thời “thơ ta ơi hãy cất cao tiếng hát” (Tố Hữu) khi anh và những thi sĩ cùng thời đều sống và chiến đấu thật trong sáng và lạc quan
“Ta đi bao năm gian khổ
Vẫn nghe hát dưới cội rừng”
                                           (Màu xanh lên đường)
Mà đã chuyển sang “giọng trầm” thấm đẫm nỗi niềm day dứt trước những biến sinh của đời sống, khiến anh nhiều khi cảm thấy xót xa.
“Những bài hát không ai hát nữa
Đã vỡ trên môi anh ngọn gió dịu dàng
................
Những con đường không ai trở lại
Đã xuyên qua anh những mạch máu âm thầm
.................
Những con người không ai gặp nữa
Đã đặt trên vai anh gánh nặng cuối cùng.”
                             (Những bài hát, con đường và con người)
Không đau xót sao được khi cuộc sống lúc bấy giờ là bao nỗi lo toan của chuyện cơm áo đời thường.
“Con chào đời
Không có mười hai bà mụ áo quần xanh đỏ ngồi bên
Mà hai mươi bốn khuôn dấu vuông tròn chứng nhận con
                                    trên đủ loại giấy tờ tem phiếu”
                                                           (Ngôi nhà có ngọn lửa ấm)
Cho đến những bài thơ đăng báo Văn nghệ và Tuổi trẻ hôm nay thì giọng thơ thế sự ấy đã được đẩy lên một cung bậc mới đầy chất triết lí nhân sinh. Có lẽ mọi con đường của thơ nói chung và của nhà thơ nói riêng suy cho cùng đều chảy về một biển. Đó là biển của cõi nhân gian, của những nghĩ suy về thân phận con người như nhà thơ Bùi Giáng đã suy ngẫm “Chúng ta là một hạt bụi giữa mịt mùng. Rủi ro là một hạt bụi biết đau khổ.(1)
Phải chăng những nghĩ suy của thi sĩ Bùi Giáng trên đây cũng là những suy nghiệm của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong những bài thơ của anh vừa công bố:
“Bây giờ là lúc có thể chia tay với
                                   điện thoại để bàn, cac vi-dit, nắm đấm mi-cro
Tự do lên mạng với đời sống, ăn ngủ với bụi đường
Một mình một ba lô và xe đạp
Bây giờ gió gọi anh đi
Mặt trời đánh nhịp về tám hướng
Từ giã cà vạt, giầy đen, lời trịnh trọng
Anh là một với cánh đồng, cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ.
Hò hát một mình, đọc những gì yêu thích,
                                                         ghi chép những gì cần ghi chép
Thế giới thật rộng, những ngã đường độ lượng”
                                                               (Bây giờ là lúc...)
Để rồi anh lại “định vị” cho mình, cũng là “định vị” cho thơ khi anh muốn “làm mới cuộc đời mình”, “Để là một người trong mọi người” sống gắn bó với cộng đồng, với làng xóm, quê hương. Đó là con đường trở về an nhiên nhất, sau những gì anh đã trải nghiệm trong cuộc sống. Tôi thật lòng chia sẻ với anh, một sự chia sẻ tri âm của người đọc với nhà thơ.
“Tôi trở về thành phố tuổi thơ
Sau bảy trăm cột cây số mải miết
Mỗi sớm mai, cùng với mặt trời
Tôi đạp xe dọc bờ sông
Hút tâm trí đường bơi những con bống cát.”
                                                               (Định vị)
Thật vậy, không phải ai từng bước lên đỉnh cao danh vọng, đã từng ở trong vòng xoáy của chốn quan trường mà khi trở về lại thanh thản đến thế. Vì vậy, tôi hoài nghi sự thanh thản này khi mới chỉ đọc 3 bài thơ đầu của anh đăng trên Văn nghệ. Nhưng khi đọc tiếp 3 bài thơ của anh đăng trên Tuổi trẻ chỉ cách nhau có ba tuần và hầu hết các bài thơ đều được viết trong tháng 7/2006 thì tôi tin sự thanh thản của anh là có thật. Phải chăng, đây là một ứng xử văn hoá, một nhân cách sống, đã làm nên một hệ giá trị mới cho thơ anh. Bởi lẽ, dẫu đó là những bài thơ được viết ra trong tháng 7 như thời gian ghi ở cuối các bài thơ, nhưng chắc hẳn không ai ngây thơ tin rằng đó là những cảm xúc chợt đến mà là những nghĩ suy của một quá trình nghiệm sinh từ chính cuộc đời thi nhận. Chính cốt cách này đã tạo cho thơ anh một dáng đứng vững chãi, không phải là “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ” trong thơ của một thời đã qua mà đó là dáng đứng “vô tư” của “con bò gặm cỏ”
“Đứng đấy tự bao giờ, bên dòng sông cũ
Con bò gặm cỏ
Chậm rãi
Một ít bóng đêm và ít hạt bình minh
Từng miếng một, nhai và thở
Không nghe tiếng người, tiếng xe cộ lại qua
Bụi bặm một ngày kiếm sống
Nó nghe thấy vị ngọt trong cọng cỏ.”
                                                          (Cỏ Ngọt)
Có quá lời chăng khi tôi nghĩ rằng hình tượng “con bò gặm cỏ” ở bài thơ này đã hiển lộ cái chất “thiền”, chất “triết lí” vốn là một nét phong cách trong thơ anh nói như Vũ Quần Phương: “Nguyễn Khoa Điềm thể hiện rõ một khuynh hướng trí tuệ trong các dạng thức cảm xúc. Đây vốn là mặt mạnh của anh ngay ở tập thơ đầu”. (2) Hình tượng ấy đã trở thành một điểm sáng thẩm mĩ, một nỗi ám ảnh từ trong vô thức thường xuất hiện trong thơ anh thể hiện một chiều sâu tâm cảm xoáy vào tâm thức người đọc như ở bài thơ “Chiều Hương Giang” mà anh đã viết trước đây:
“Nhưng chiều nay con bò gặm cỏ
Bên giòng sông chưa biết chiều tan
Tôi với nó lặng im bè bạn
Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang”
Hình ảnh “Con bò gặm cỏ” rất đỗi bình thường hằng ngày ta vẫn thấy mà sao khi đọc thơ anh, tôi thấy lòng rưng rưng day dứt. Và tự nhiên có một mơ ước thành thực đến quái dị, không chỉ như anh làm bạn với con bò mà muốn mình được hóa thân thành “con bò gặm cỏ” vô tư, chậm rãi, không buồn nghe bất cứ xao động gì của đời sống ngoài kia, chỉ còn cảm nhận vị ngọt của cỏ.
Bởi vì:
“Giữa thế giới không nhiều may mắn
Ta học cách vừa lòng với mình
Chia sẻ sự bình tâm của cỏ”
                                                       (Hi vọng)
Ai có thể bình tâm trước đời sống có quá nhiều điều bất an!? Nhưng trong một không gian nào đó của cuộc sống, hay một thời gian nào đó của đời người nhiều khi chúng ta phải “học cách vừa lòng với mình”, học cách “bình tâm” nếu chúng ta không muốn mình bị loại ra khỏi “cuộc chơi” của “canh bạc” cuộc đời. Nhưng để giữ được là mình ta phải tự tạo sức đề kháng cho chính mình. Chính sức đề kháng này đã đưa anh trở về với tuổi thơ và cho anh niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống.
“Nhiều khi đá dạy ta mềm mỏng
Sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành
Nỗi buồn đánh thức hy vọng”
                                                      (Hy vọng)
Đồng thời nó cũng là một thứ thuốc thử trước những cám dỗ của lợi danh để những điều tốt đẹp trong tâm hồn anh được kết tủa, được toả sáng giúp anh gìn giữ nhân cách mình. Vì thế, anh luôn tự đối thoại với mình để làm một cuộc phản tỉnh, một sự phân thân nhưng không bao giờ đánh mất mình. Đó là điều đáng quí ở anh.
“Có khi giữa đêm chợt thức
Bồng bềnh ý nghĩ xót xa
Mình có thể, không thể?”
                                                 (Hy vọng)
Tôi nhớ một thiền sư đã nói đại ý: Sáng nay trước nghìn đạo quân không làm tôi sợ nhưng tối nay tôi sợ chính mình. Quả thật, cuộc đấu tranh với chính mình là cuộc đấu tranh gay go và khốc liệt nhất. Biết bao người đã không vượt qua chính mình đành “bị chấp nhận” hay “mặc nhiên chấp nhận” sự vong thân của mình để rồi họ đánh mất mình tự lúc nào mà chính họ cũng không nhận biết. Nguyễn Khoa Điềm thì khác, anh “chưa bị” đánh mất mình và cũng “không chịu” đánh mất mình vì không những anh luôn tự phản tỉnh mình mà còn biết cách tự giữ mình.
Cho dù:
“Không còn cách nào khác
Dù bị chặn hết mọi ngả về”
                                                         (Hi vọng 2)
Song anh:
“Vẫn hi vọng vào lòng tốt -
Lòng tốt của anh, lòng tốt mọi người
Để đứng cao hơn cái chết”.
                                                           (Hi vọng 2)
Như một chân lý vĩnh hằng, cuộc chiến đấu chống lại cái ác giữa cuộc đời này không hề đơn giản chút nào. Nhất là nhiều khi cái ác ấy lại được ngụy tạo bằng những danh từ hào nhoáng hoa mỹ. Nhưng tôi tin rằng dù ngụy tạo cách nào thì cái ác cuối cùng vẫn phải phơi bày chân tướng của nó. Thơ Nguyễn Khoa Điềm đã giúp chúng ta tin vào điều hằng cửu này. Đó là một tất yếu những không phải ai cũng ngộ ra mà nhiều khi họ đắm chìm trong bến mê ấy một cách “tự nhiên, nhi nhiên” để rồi đến cả niềm vui, nỗi buồn của họ cũng không bao giờ có thật. Họ biến mình trở thành một thứ robot, một thứ tắc kè hoa luôn đổi màu trước những biến sinh của đời sống. Và để tồn tại họ chấp nhận đánh mất mình, chấp nhận sống chung với các ác. Nhưng ở anh thì khác! Bằng tâm linh và sự thấu thị của một thi nhân, anh đã nhận thấy:
“Nỗi buồn thăm thẳm chỉ có anh biết được
Chỉ có anh đếm được bằng tay những đốt sống và
                                                            xương sườn của mình
Trước kết cục bụi bặm
Chỉ có anh
Trông mong sức mạnh của lòng tốt
Vốn lẻ loi
Vốn chua xót
Chỉ có lòng tốt
Dù anh đến cuối đời này
Để gặp hạnh phúc”
                                                (Hi vọng 2)
Niềm tin vào lòng tốt của con người ở Nguyễn Khoa Điềm không phải là một ngẫu hứng một thứ khẩu hiệu mà đó là một tuyên ngôn nghệ thuật, một quan niệm sống như chính lời “Tự bạch” của anh:
“Tôi nghĩ có ba yếu tố làm nên phẩm chất của văn chương,
đó là Lời - Hành động - Tấm lòng.
................
Có lời hay, có khát vọng hành động mạnh mẽ, nhưng thiếu đi tấm lòng nhân hậu, cao thượng thì vẫn chưa thể có văn hay.
Cho nên có sách nói thuỷ tổ là lời, có sách nói thuỷ tổ là hành động cũng nên có sách thuỷ tổ là tấm lòng.” (3)
Và cũng như anh, tôi tin rằng “chỉ có lòng tốt” mới giúp con người tìm thấy hạnh phúc, một thứ “của cải” không dễ gì tìm thấy giữa chốn nhân gian nầy. Riêng với Nguyễn Khoa Điềm tôi nghĩ anh sẽ có hạnh phúc trong những ngày còn lại của đời mình. Một hạnh phúc thật sự nhờ anh biết “vịn” vào lòng tốt và “vịn” vào những câu thơ để vui sống. Bởi nói như Cyprian Norwid, một nhà thơ Ba Lan “Thế giới nầy rốt cuộc còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: thi ca và lòng nhân ái... Không còn gì khác”.
Và tôi nghĩ Nguyễn Khoa Điềm đã nhận ra chân giá trị mà nhà thơ Ba Lan kia đã nói. Cho nên, anh đã trở về với thơ như trở về ngôi nhà “hữu thể của mình”. Đó là ngôi nhà của “Mẹ và Thơ”. Cuộc trở về sau một thời gian “xa mặt” nhưng chẳng “cách lòng”. Vì thế, anh vẫn hiệu hữu cùng với nàng thơ. Thơ anh vẫn tươi trẻ, vẫn sung túc, vẫn còn nguyên sự chiêm nghiệm như ngày nào trong lòng người đọc. Bởi anh là người luôn biết sống:
“Hãy lộn ngược da anh
Và ghi lên đó mật khẩu
Không lùi bước!”
                                            (Bây giờ là lúc....)
  Quảng Ngãi, 27-8-2006
T.H.A

(nguồn: TCSH số 212 - 10 - 2006)

 



-----------
(1) Bùi Giáng, nhân đọc “Rừng Phong” (Vũ Hoàng Chương), Văn số 150 ra ngày 15/3/1970, tr 47).
(2) Vũ Quần Phương “
Ngôi nhà có ngọn lửa ấm”, Tác phẩm văn học số 4 tháng 1-2-1988, trang 216).
(3) Nhà văn Việt Thế kỷ XX (tập 2) Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1999, trang 178-179).

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN VĂN HÙNG

    VĂN HỌC VIỆT NAM 30 NĂM ĐỔI MỚI (1986 - 2016)

  • LGT: Bài viết tóm tắt những yếu tố và tiến trình tạo thành thơ Tân hình thức Việt, qua sự đối chiếu giữa các thang giá trị, thơ Việt và thơ Anh Mỹ. Vì vậy, tuy không thể tránh những từ chuyên môn về luật tắc thơ, nhưng chúng tôi cố gắng viết rõ ràng từng chi tiết, để người đọc dễ nắm bắt. Thơ Tân hình thức Việt đơn giản, dễ hiểu, nhờ sự tham khảo những nguồn thơ khó, điều này cũng tự nhiên, như Pop Art (bình dân) phản ứng lại hội họa Trừu tượng Biểu hiện (cao cấp). “Nghĩ về cách làm thơ”, cần đọc chậm rãi, trầm tư, và nhiều lần, nếu người đọc thật sự muốn tìm hiểu dòng thơ này.

  • ĐẶNG ANH ĐÀO

    Có thể nói rằng Những thiên đường mù là một câu chuyện dệt bằng những mảnh ký ức trên nền hiện tại.

  • NGUYỄN VĂN THUẤN

    Diễn ngôn tâm thần phân lập (discours schizophrénique) là thuật ngữ do hai triết gia và nhà nghiên cứu văn học người Pháp là G.Deleuze và F.Guattari đề xuất trong công trình viết năm 1972, Chủ nghĩa tư bản và bệnh tâm thần phân lập: Chống Oedipe (Capitalisme et Schizophrénie I. L’Anti-Œdipe).

  • ĐỖ QUYÊN   

    “Hãy đánh chết nó đi, nhà phê bình văn học - cái thằng khốn!”
                                                (J.W. Goethe)

  • Từ năm 1972 cho tới nay đã có nhiều học giả, qua tập Yên thiều bút lục mới sưu tầm và vài nguồn tư liệu khác, đưa ra nhận định: Câu đối “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” là của tri phủ Ngải Tuấn Mỹ người Hoa tặng phó sứ Nguyễn Tư Giản khi sứ bộ Việt Nam ghé lại địa phương này chứ không phải của Cao Bá Quát.

  • PHẠM TẤN XUÂN CAO

    Tính khả hữu từ sự xuất hiện của đối tượng trong các chiểu sự là hình thái của đối tượng.(1) (Wittgenstein, Tractatus, 2.0141)  
    Khi một điều gì đó trở nên đúng trong hư cấu thì ở đó không còn sự phân biệt khác nhau về mặt hữu thể học và nhận thức luận.”(2) (Gregory Currie) 

  • PHAN TRỌNG HOÀNG LINH

    Hài hước: cơn say của tính tương đối nhân thế, niềm vui thú kỳ lạ nảy sinh từ niềm tin chắc rằng chẳng có sự tin chắc nào cả. (Milan Kundera)

  • NGUYỄN THANH TÂM

    Đạo đức (ethic, morality), luân lý (moral), theo Edgar Morin, hai khái niệm này không tách rời nhau, đôi khi chồng lấn và có thể sử dụng bất cứ từ nào(1).

  • NGUYỄN QUANG HUY

    - Để tìm hiểu không gian xã hội của những người sản xuất văn hóa, cần phải tư duy theo mô hình quan hệ.
    - Sự việc, hiện tượng bản thân nó không quan trọng, mà chính quan hệ giữa chúng mới có ý nghĩa.
                            (Pierre Bourdieu)

  • KHẾ IÊM

    Viết hy vọng có thể giúp người đọc tự đánh giá thơ, theo đúng tiêu chuẩn của dòng thơ này, và những nhà thơ Tân hình thức Việt, trong việc thực hành, có thể điều chỉnh những sáng tác của mình, đi xa hơn, và làm nổi bật sự khác biệt giữa các thể loại thơ, tự do và vần điệu.

  • PHẠM THỊ HOÀI

    Tôi không nói tới việc viết văn thuần túy vì mục đích kiếm sống, dù đấy là điều rất đáng bàn, và hơn nữa, sự nghèo túng của những người cầm bút ở xứ sở này đã trở thành truyền thống; cũng không nói đến việc viết văn để kiếm chác một vài thứ khác ít đáng bàn hơn, như danh vị hay thứ đặc quyền xã hội nào đó.

  • LỮ PHƯƠNG

    Sau khi Sông Hương 36, 1989 xuất hiện, cũng đã xuất hiện một số bài báo phản ứng, trong đó có hai bài nhắc đến bài viết của tôi (1) - bài ký tên Trần Phú Lộc: “Ðôi lời nhân đọc Sông Hương số 36”, Văn nghệ số 21, 27-5-1989 và bài ký tên Văn Nguyên: “Báo động thật hay giả”, Nhân dân 20.5.1989.

  • MAI ANH TUẤN

    Cụm từ “văn chương Nguyễn Huy Thiệp” không chỉ được tạo ra bởi và thuộc về giai đoạn văn học Đổi mới (1986) mà giờ đây, rộng rãi và phức tạp hơn rất nhiều, đã có mặt trong nhiều nghiên cứu Việt Nam (Việt học) đương đại, từ văn hóa văn chương đến chính trị - xã hội.

  • ĐỖ ĐỨC HIỂU

    14 tháng bảy 1789, nhân dân Pari chiếm và phá ngục Bastille, biểu trưng của chế độ phong kiến đã tồn tại ở Pháp hàng chục thế kỷ. Nó là một "đại hồng thủy" cuốn sạch một thế giới cũ và mở đầu một thế giới mới ở Pháp, ở Châu Âu và vang dội trên toàn thế giới.

  • TRẦN HOÀI ANH

    1.
    Nói đến triết học phương Tây, không thể không nói đến chủ nghĩa hiện sinh, một trào lưu tư tưởng chủ yếu trong trào lưu chủ nghĩa nhân bản phi duy lý của triết học phương Tây hiện đại.

  • JOSEPH EPSTEIN

    Có một số thứ ở đó sự tầm thường là không thể được dung thứ: thơ, nhạc, họa, hùng biện.
                                    (La Bruyère).

  • LÊ THÀNH NGHỊ

    Văn học nghệ thuật có sứ mệnh phản ảnh sự thật cuộc sống qua đó rút ra bài học ý nghĩa đối với con người. Nguyên lý này không có gì mới mẻ. Lịch sử văn học nghệ thuật cũng chứng minh rằng, gắn bó với hiện thực, phản ảnh chân thực hiện thực là thước đo giá trị của tác phẩm. Điều này cũng không còn xa lạ với mọi người.