Baudelaire và bài thơ “những con mèo”

09:10 24/11/2009
ĐÀO DUY HIỆP"Ngữ pháp, ngữ pháp khô khan chính nó, trở thành cái gì đó như một thuật phù thủy, gọi hồn; các từ sống lại, được cấp xương thịt, danh từ trong dáng vẻ tôn nghiêm bản thể của nó, tính từ, trang phục trong suốt khoác lên nó và nhuộm sắc cho nó một lớp tráng, còn động từ, thiên thần của vận động, mang lại cho câu sự động dao" (Baudelaire) (1)

Nhà thơ Pháp Charles Baudelaire - Ảnh: wikipedia.org






          Những con mèo

            1.Những tình lang nhiệt tâm và những nhà thông thái nghiêm trang
            2.Như nhau cùng yêu, vào mùa đời đã chín,
            3.Những con mèo, niềm kiêu hãnh của ngôi nhà, dịu hiền và mạnh mẽ,
            4.Chúng giống họ co ro và như họ ẩn cư.

            5.Là bạn hữu của tri thức và du khoái,
            6.Chúng kiếm tìm sự lặng yên và điều ghê hãi của tối tăm
            7.Âm phủ hẳn đã nhận chúng làm những con tuấn mã xe tang,
            8.Nếu chúng chịu nghiêng lòng tự tôn của mình vào nơi phục dịch.

            9.Trong mơ mòng chúng mang dáng điệu quý phái
            10.Của những con nhân sư vĩ đại duỗi dài tới thẳm sâu của những đơn côi,
            11.Như đang thiu ngủ trong một giấc mơ miên viễn;

            12.Lưng cật sung mãn của chúng tràn ngập những tia chớp diệu huyền,
            13.Cùng những vẩy vàng, như cát mịn,
            14.Nhấp nháy mơ hồ những vì sao đôi con ngươi thần bí của chúng.
                                                (Đ.D.H. dịch)

Baudelaire (1821 - 1867) là một thiên tài thơ nổi loạn. Tập thơ "Hoa Ác" của ông là "bình minh của cái đẹp toát ra từ đêm đen của cái ác". Các "khoảng trắng" đa âm, mơ hồ của tiểu thuyết "Bà Bovary" (1856) cùng với "một thế giới vỡ vụn", đứt đoạn của "Hoa Ác"  (1857) đã khiến từ nửa sau thế kỷ XIX trở đi văn chương Pháp rẽ sang một hướng mới - tính hiện đại (modernité). Thế gới thơ baudelairien thể hiện cái mâu thuẫn, cái lưỡng phân của con người hiện đại. Ngay cả trong những bài thơ tưởng như dễ đọc vẫn gây những ám gợi, liên tuwỏng xa xôi. "Những con mèo" nằm trong trường hợp như thế được sáng tạo từ Baudelaire "Nhà thơ của  những con mèo" - Poète des chats (Jacobson - Strauss).

Trong "Hoa Ác" có ba bài về mèo, hai bài có nhan đề ở số ít, riêng một bài ở số nhiều: Những con mèo mà chúng ta đang đề cập. Bài thơ đã được nhà thơ Vũ Đình Liên dịch trong tập "Thơ Baudelaire", Nxb Văn Học, năm 1995, trang 100. Trên Tạp chí Văn Học số 7/1997 cũng đã được MH và TBĐ dịch lại nhân giới thiệu lướt qua khá thành công những phần phù hợp với độc giả Việt Nam bài nghiên cứu tài năng của hai nhà cấu trúc học hàng đầu thế giới là R.Jacobson và L.Strauss về bài thơ này. Bài nghiên cứu rất tỉ mỉ về hiệp vần, danh từ, tính từ, động từ, dấu câu, cấu trúc ngữ pháp, các khổ thơ, không - thời gian, các hình ảnh tương ứng nhau, nhân vật (động vật/ phi động vật)... một cách rất thuyết phục, rất sâu. Jacobson và Strauss đã làm"nổ tung", "tháo rời" văn bản thơ Baudelaire qua 19 trang in chữ nhỏ để tìm ý nghĩa bài thơ của một thiên tài không hề là "tự phát" như chúng ta có thể thấy phần nào những phát biểu rất có ý thức về chức năng ngữ pháp, ngôn từ của Baudelaire ở phần đầu bài viết này.

Ngay trong khổ thơ đầu, "Những con mèo" của Baudelaire đã mang hai đặc tính: "dịu hiền và mạnh", tương hợp với cách nhìn: "vừa dịu dàng vừa vờ vĩnh" trong biểu tượng. Tuy nhiên, sang khổ 2, chúng đã được nhà thơ nhân hóa: "Là bạn hữu của tri thức và du khoái" ứng đối trực tiếp với câu đầu tiên của khổ đầu tiên: tình lang và nhà thông thái. Là bạn hữu, trong nó hiển nhiên có cả sự nhiệt tâm của người tình và tính nghiêm trang của nhà thông thái. Ngay trong nội tại một sinh vật đã ẩn tàng hai đặc tính của người, nhất là đặc tính "tri thức" (science). Hai đặc tính này nếu không loại trừ nhau hoàn toàn cũng rất khó kết hợp một cách nhịp nhàng trong một con người, chúng mâu thuẫn nhau, "cái này giết chết cái kia". Song con mèo của Baudelaire do được thừa hưởng từ "mẫu gốc" "sức mạnh và sự khéo léo", tinh ranh, đã được "nâng cấp" lên ngang hàng người trong khi loại trừ những yếu tố linh thiêng, ma thuật.

Đặc biệt ở hai câu 7 và 8, mèo mang tính chất tôn giáo được giả định "phục dịch" nơi âm phủ, nhưng nó không canh gác cây cầu để vứt xác những linh hồn tội lỗi xuống nước âm phủ mà làm ngựa kéo xe tang. Hình ảnh mèo được "chắt" ra từ "mẫu gốc", nhưng đã được "huyền thoại hóa" đi từ thế chủ động sang thế bị động, bị cưỡng bức bằng lao động dẫu nơi đó (âm phủ) là linh thiêng, cao quý với vị trí, thân phận của nó. Nhưng do "lòng tự tôn" mà nó không chịu làm điều đó. Chúng ta nói: "Không trâu bắt mèo cày ruộng" nằm trong tư duy dân gian về cái phi lý, bần cùng, nói ngược và thấp thoáng sự hài hước, xót xa. Sau cùng, trong hai câu thơ trên đây, âm phủ đồng nghĩa cới cái chết, sự tối tăm, ảm đạm lại được đến ngay sau hàng loạt các hình ảnh về hoạt động của sự sống thực, nó đối lập với "ngôi nhà": hai thế giới mau thuẫn nhau thường thấy trong thơ Baudelaire. Ngay sau hình ảnh về âm phủ tối tăm lại đến sự chói chang của nắng thông qua ẩn dụ về con nhân sư, đầu đàn bà mình sư tử tượng trưng cho Mặt trời - một biến hình tiếp theo của mèo. Toàn bộ hai khổ thơ cuối cùng của bài xon-nê mang một không khí vừa thực vừa "siêu thực" (Jacobson-Strauss), vừa về con mèo ở khắp mọi nơi, vừa "thần bí" hơn bản thân nó rất nhiều. Tài thấu thị của nó, cuói cùng, nằm trong "đôi con ngươi thần bí" (prunelles mystiques).

Các con mèo trong sáng tác của M.Aymé hoặc của Apollinaire không có "dáng vẻ" như thế. M.Aymé có tập truyện "Con mèo ú tim" Alphonse thông minh, nhạy cảm, đáng yêu, cả sự láu lỉnh, ranh mãnh, tập trung trong nó những ngụ ngôn về loài người. Tuy nhiên, có một chi tiết cầu mưa bằng cách gãi tai của mèo Alphonse lại gần gũi với phong tục của Cămpuchia nhốt mèo vào lồng, té nước (dù hình thức khác nhau vẫn cùng chung chức năng gọi mưa): từ trong sâu thẳm, mèo ở mọi nơi vẫn "gợi nhớ về trạng thái hỗn mang, nguyên thủy", nó liên quan đến hạn hán và thiên tai. (bản thân nó cũng ít tắm, sợ nước. "Meo meo meo rửa mặt như mèo/ Xấu xấu chẳng được mẹ yêu... là bài đồng dao hiện đại của trẻ em chúng ta). Như vậy, "nhân vật tích cực" của M.Aymé vẫn mang trong nó "tì vết" của cha ông chúng. Những tính cách "vờ vĩnh", "mơ màng", "quý phái", thiu ngủ"... ban ngày đã tự phủ nhận công lao bắt chuột về đêm của mèo và bị người đời cho là lười. Chả thế mà bố mẹ của hai bé gái, Delphine và Marinette (có lúc ngay chính cả các em) rất ghét Alphonse và có lần ông bố đã mang quẳng Alphonse ra sông cho chết đuối. Nhưng nhờ mưu mẹo của hai em và cả bầy gia súc mà Alphonse được cứu thoát... Hậu duệ cùng thế kỷ với con mèo "ngụ ngôn" có hậu này là "Chú mèo máy thông minh Đôrêmon" - "cơn sốt" yêu thương mỗi thứ sáu hằng tuần của các em nhỏ Việt Nam cách đây vài năm hẳn các bậc phụ huynh chúng ta còn nhớ. Con mèo cũng đã đi vào phim nhiêù tập theo kiểu "Hãy đợi đấy": Tom và Jerry - "ngụ ngôn" về sức mạnh ngu ngốc, mù quáng của mèo chả bao giờ thắng được sự ranh mãnh, láu lỉnh của chuột.

Trong tập thơ "Rượu", Apollinaire có một bài ngắn năm câu thể hiện ao ước của nhà thơ về ba điều: Tôi mong ước trong nhà:/ Một người vợ hiền thảo,/ Một con mèo lượn qua sách vở,/ Quanh năm có bạn bè/ Thiếu những điều đó làm sao tôi sống nổi" (3) Ba điều mà thực ra lại là bốn: Sách vở bị ẩn đi sau chủ từ mèo. Điều quan trọng nhất bị chìm đi, không có trong danh sách "trang trí" nội thất! Tát cả ba điều kia nếu không ồn ào thì cũng động đậy, riêng sách vở trung thành là im lặng, ẩn cư. Tuy nhiên, trở lại với những con mèo của hai người vừa nêu, chúng ta nhận thấy tính thuần chất ít ra là trên bề mặt văn bản mà không lấp lánh phát ra những ý tượng trưng hai mặt, mâu thuẫn như Những con mèo của Baudelaire. Điều đó xuất phát từ tính "nước đôi" vừa là cái này vừa là cái kia, vừa do nguồn gốc chung vừa nằm trong chủ ý riêng của nhà thơ về mèo. Tính cách người và những biến hình của mèo đã được Jacobson và Strauss phân tích rất sâu để cuối cùng đi đến kết luận: "đối với Baudelaire, hình ảnh mèo gắn bó chặt chẽ với hình ảnh người đàn bà..." (4) - có liên quan với các hình ảnh cụ thể trong hai bài thơ còn lại của tập. Tính cách ma thuật thay hình đổi dạng cũng như "lưng cật sung mãn" khơi gợi khả năng sinh sản cho thấy người đàn bà vừa tốt lành vừa độc hại, vừa là cái "siêu thời gian" vừa là cái thoáng qua để lại nỗi buồn chán bên cạnh sự khát khao lí tưởng, ngợi ca cuộc đời trong cái nhìn của Baudelaire. Hình ảnh người phụ nữ vừa âm u vừa tỏa sáng là một ám ảnh lớn, tuyệt vọng và khao khát vươn lên cái tuyệt đối của nhà thơ. Người đàn bà sẽ "rọi chiếu bóng tối lớn nhất và ánh sáng lớn nhất vào những giấc mộng của chúng ta".(5)

Mối quan hệ giữa ý dục (hữu thức hoặc vô thức) với trí năng được Schopenhauer ví như thằng mù khỏe mạnh cõng thằng què sáng mắt: Không phải bao giờ người chủ trí năng cũng sai khiến được và bắt được kẻ nô lệ ý dục phải tuân lệnh mình. Điều đó đã được Esope (VI-V tr. C.N) của Hi Lạp biểu đạt trong một hình ảnh tuyệt vời: Con mèo biến thành người đàn bà ngồi đoan trang ở góc phản cho đến khi con chuột chạy qua, lại trở lại nguyên hình mèo. Thiên tài thơ của Baudelaire đã được "đúc" ra từ những "mẫu gốc" biểu tượng và ngụ ngôn, có thực và siêu thực thật xa xưa như thế. Một mặt, Baudelaire đã cho chúng ta "hình ảnh mèo gắn bó chặt chẽ với hình ảnh người đàn bà", mặt khác, thật sâu xa, phải chăng đó cũng chính là bản năng vô thức "dịu hiền và mạnh mẽ", "Bản năng gốc", vẫn luôn luôn thức ngủ "đoan trang" trong mỗi chúng ta làm động lực cho sáng tạo, sự sống, tình yêu... Với "Những người khốn khổ", Victor Hugo đã từng tha thiết: "Trong đời chỉ có một điều ấy thôi : là yêu nhau".

Những ngày mùa đông Mậu Dần, 1998
Đ.D.H
(126/08-99)


---------------------------------------------
(1). Roman Jacobson, Questions de poétique. Ed. du Seuil, Paris, 1973. Tr.420.
(2).
Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới. NXB. Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du, 1997. Mục từ Mèo.
(3). Apollinaire,
Alcools, Gallimard, 1986.
(4). Roman Jacobson, S.đ.d. Tr.418.
(5).
Lịch sử văn học Pháp thế kỷ XIX, (Đặng Thị Hạnh - Baudelaire) Nxb. Ngoại văn, Hà Nội, 1990, Tr.302.





 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN THỊ NGỌC LAN (Đọc tập thơ Ngược xuôi thế sự, Nxb Văn học, 2011)

  • THÁI KIM LAN Tưởng niệm Cố Hoà Thượng Thích Thiện Châu Vừa qua tôi lục giấy tờ cũ, tình cờ thấy một trang giấy có thủ bút của Thầy Thích Thiện Châu (cố Hoà Thượng Thích Thiện Châu), một bài thơ. Cảm động quá. Bài thơ này Thầy viết sau khi khoá Thiền mùa hè năm 1990 chấm dứt và là lần cuối cùng Thầy sang giảng khoá Thiền tại Muenchen.

  • THI THOẠI        Nhân 90 năm ngày mất Phan Kế Bính (1921– 2011) Phan Kế Bính hiệu là Bưu Văn, bút danh Liên Hồ Tử, người làng Thụy Khuê (làng Bưởi), huyện Hoàng Long, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội, thọ 46 tuổi (1875 - 1921).

  • MIÊN DI Không tìm thấy, và cũng đừng nên tìm ở tập thơ này một điều gì đã từng được nhiều người đồng vọng trước đây. Nó là những mảnh tiểu tự sự, những cái nhìn cô lẻ, biệt dị từ đáy thân phận và đôi khi tàn nhẫn.

  • HOÀNG DIỆP LẠC (Đọc tập “Thơ tự chọn” của Nguyên Quân, Nhà xuất bản Văn học, 8-2011)

  • ĐOÀN ÁNH DƯƠNG“Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đương có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”…

  • NGUYỄN TRỌNG ĐỨC (Cảm nhận về tập thơ "Những kỷ niệm tưởng tượng")SHO - Lâu nay, người ta biết đến Trương Đăng Dung với tư cách là một nhà nghiên cứu lí luận văn học. Nhưng gần đây, sự xuất hiện của tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng làm xôn xao văn đàn Việt Nam đã khiến đông đảo bạn đọc không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra rằng: bên cạnh một Trương Đăng Dung lí luận còn có một Trương Đăng Dung thơ.

  • ĐÀO ĐỨC TUẤN Lang thang giữa hè Huế nồng nã. Bỗng nhận tin của Minh Tự: thêm một cuốn sách của Nguyễn Xuân Hoàng vừa được bạn bè góp in. Đầy đặn  360 trang sách với chân dung “người buồn trước tuổi” đằm đặm trên bìa đen trắng.

  • Vào lúc 14 giờ 25 phút ngày 13 tháng 7 năm 2011 (nhằm ngày 13 tháng 6 năm Tân Mão), nhà thơ Văn Hữu Tứ, hội viên Hội Nhà văn TT. Huế đã qua đời sau một thời gian lâm trọng bệnh. Từ đây, trong mái nhà anh gần hồ Tịnh Tâm, trên các con đường của Thành phố Huế cũng như những nơi anh thường lui tới, tác giả của các tập thơ “Bên dòng thời gian”, “Tôi yêu cuộc đời đến chết” vĩnh viễn vắng mặt.

  • LÊ HUỲNH LÂM (Đọc tập thơ “Năm mặt đặt tên”, Nxb Thuận Hóa, tháng 5-2011)

  • KHÁNH PHƯƠNG Nguyễn Đặng Mừng đến với nghề viết một cách tự nhiên, mà cũng thầm lặng như cách người ta theo đuổi một lý tưởng. Ông vốn là học trò lớp ban C (ban văn chương) những khóa gần cuối cùng của trường Trung học Nguyễn Hoàng, trường công lập duy nhất và cũng danh tiếng nhất tỉnh Quảng Trị trước 1975.

  • …Thuộc dòng dõi Do Thái Đông Âu, Frederick Feirstein sinh ngày 2 tháng Giêng năm 1940 tại New York City, thân phụ và thân mẫu ông có tên là Arnold và Nettie Feirstein…

  • L.T.S: Nhà thơ Xuân Hoàng sinh năm 1925 tại Đồng Hới, Bình Trị Thiên. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Nguyên là quyền Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, thuở nhỏ ông học ở Huế rồi dạy học ở Đồng Hới một thời gian trước khi thoát ly tham gia cách mạng.

  • Anh không thấy thời gian trôi thời gian ở trong máu, không lời ẩn mình trong khóe mắt làn môi trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời về kiếp người ngắn ngủi.(T.Đ.D)

  • HOÀNG THỤY ANH Phan Ngọc đã từng nói: Thơ vốn dĩ có cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải xúc cảm và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này.

  • TRẦN THIỆN KHANH (Nhân đọc Phim đôi - tình tự chậm, Nxb. Thanh niên 2010)

  • LGT: Tuệ Nguyên, một nhà thơ trẻ dám dấn thân để lục tìm chất men sáng tạo ở những vùng đất mới với khát vọng cứu rỗi sự nhàm chán trong thi ca. Trong chuyến xuyên Việt, anh đã ghé thăm tạp chí Sông Hương. Phóng viên Lê Minh Phong đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ trẻ này.

  • KHÁNH PHƯƠNG Lê Vĩnh Tài tự chẩn căn bệnh của thơ tình Việt Nam là “sến”, nghĩa là đa sầu đa cảm và khuôn sáo, bị bó buộc trong những lối biểu hiện nhất định. Rất nhanh chóng, anh đưa được lối cảm thức đương đại vào thơ tình, cái ngẫu nhiên, vu vơ, ít dằn vặt và không lộ ra chủ ý, dòng cảm xúc ẩn kín sau những sự vật tình cờ và cả những suy lý.

  • HỒ THIÊN LONGBạn đọc TCSH thường thấy xuất hiện trên tạp chí, và một số báo văn nghệ khác một số tên tuổi như về văn xuôi có: Lê Công Doanh, Phùng Tấn Đông, Châu Toàn Hiền, Nguyễn Minh Vũ, Trần Thị Huyền Trang, Phạm Phú Phong, Trần Thùy Mai…