Bảng nhãn Vũ Duy Thanh & bài thơ thuận Hán nghịch Nôm "Xuân hứng"

15:53 16/03/2009
HẢI TRUNGVũ Duy Thanh (1811 - 1863) quê ở xã Kim Bồng, huyện An Khánh, tỉnh Ninh Bình là bảng nhãn đỗ đầu trong khoa thi Chế khoa Bác học Hoành tài năm Tự Đức thứ tư (1851). Người đương thời thường gọi ông là Bảng Bồng, hay là Trạng Bồng.

Thuở nhỏ, Vũ Duy Thanh đã có tiếng thông minh, sáng dạ. Tuổi thiếu niên đã biết làm thi phú, văn chương. Sau khi đỗ cử nhân, Vũ Duy Thanh tiếp tục thi Hội, nhưng lần đầu tiên dự kỳ thi này, ông đã bị đánh trượt. Năm Tự Đức thứ tư (1851), lần thứ hai, Vũ Duy Thanh vào Kinh đô Huế dự thí và trúng Ất Bảng (Phó Bảng). Cũng vào mùa hè năm này, vua Tự Đức cho mở Chế khoa Bác học Hoành tài (là khoa thi đặc biệt do vua tổ chức để tuyển chọn nhân tài, kỳ thi này được tổ chức bất thường, tuỳ theo hoàn cảnh, điều kiện, sự cần thiết mà mở khoa thi, không theo sự quy định về thời hạn như các kỳ thi Hội). Trong lần dự thi này, Vũ Duy Thanh được ban đỗ Đệ nhất giáp Cát sĩ Cập đệ Đệ nhị danh. Khoa thi Bác học Hoành tài này đích thân vua Tự Đức ra đề văn sách và chấm điểm.

Sau khi đỗ bảng nhãn, Vũ Duy Thanh được nhập hàm Hàn Lâm Viện Thị độc(1), sau làm việc tại Tập Hiền Viện(2), rồi được bổ làm Tư nghiệp(3) ở Quốc Tử Giám, sau đó lại được thăng bổ tiếp làm Tế tửu(4) Quốc Tử Giám.

Giai đoạn quan trường, Vũ Duy Thanh được xem là vị quan thanh liêm, giản dị. Là người gắn bó với sự nghiệp giáo dục, Vũ Duy Thanh đã nhìn thấy những bất hợp lý trong giáo dục và đào tạo đương thời, đó là cơ sở thực tế để ông đưa ra những quan điểm, những ý kiến tích cực về giáo dục.

Ông từng dâng sớ có những quan điểm về chỉnh đốn ngành giáo dục như muốn được thực tài phải khôi phục phép dạy của cổ nhân, Vũ Duy Thanh liệt ra tám mục: Cẩn trọng trong giáo dục từ các trường ở làng, xã; kén chọn tổng lý và tá lại; dựng xã thương; giữ nguyên phép dạy ở các trường phủ huyện; nghị đổi lại phép thi Hương; mở rộng phép dạy ở các trường thuộc về Quốc học; chọn thầy, chọn bạn cho các tôn sinh; sửa định lại việc ban phát kinh sách. Ngoài giáo dục, ông còn dâng sớ đề nghị triều đình cải cách công tác quốc phòng, kinh tế rất sâu sắc... Ngay cả khi lâm trọng bệnh, ông vẫn còn để lại một bài trần tình đề nghị triều đình chỉnh đốn nhiều mặt để đối phó với tình hình chính trị, xã hội bấy giờ, khi mà thực dân Pháp đã trực tiếp xâm phạm bờ cõi Việt Nam.

Những quan điểm thẳng thắn ấy đã tạo cho Vũ Duy Thanh những uy tín trong triều đình, người ta không chỉ nể ông là người học rộng, hiểu nhiều mà còn khâm phục ông về tư chất của một vị quan bộc trực thẳng thắn.

Ca ngợi tài năng và khí tiết của một người học rộng tài cao, các nho sĩ Ninh Bình đã làm một bài thơ tưởng niệm Vũ Duy Thanh như sau:
Bảng vàng bia đá bậc tam khôi,
Giấc mộng phù sinh luống ngậm ngùi.
Nền Hạnh mây mờ sao điểm tối,
Rừng Quỳnh nắng rọi đoá mai rơi.
Vài tờ chương sớ nghìn thu để,
Hai chữ châu phê chín bệ soi.
Trên chốn đô môn ngày vĩnh quyết,
Tình này cảnh ấy thuở nào nguôi.

Cũng như nhiều trí thức phong kiến khác trong lịch sử Việt Nam, ngoài những công việc quan trường thường nhật, ngoài những công việc chăm lo sự nghiệp giáo dục trong tư cách là một công bộc mẫn cán, chắc chắn Vũ Duy Thanh còn có những khoảng riêng tư để biên soạn trước tác, xướng hoạ thi phú. Vũ Duy Thanh có các tác phẩm văn học tiêu biểu như Bồng Châu Vũ tiên sinh thi văn, Trừng phủ thi tập...

Bài thơ Xuân hứng của ông là một minh chứng xác thực nhất. Đây là một bài thơ rất đặc biệt, phản ánh khá rõ sự tài tình của người sáng tác bởi lối chơi chữ đạt đến độ cao siêu, trác việt.
Bài Xuân Hứng được sáng tác theo thể thất ngôn bát cú (thuận nghịch độc: đọc xuôi và ngược). Điều đáng nói ở đây là chỉ một bài thơ nhưng dùng theo lối thuận nghịch độc, nhưng đọc xuôi là chữ Hán; đọc ngược lại là chữ Nôm, chữ Nôm ấy cũng là bản dịch của bài thơ chữ Hán (đọc xuôi).

Do vậy, chúng tôi tạm gọi bài thơ này là thuận Hán nghịch Nôm (hay là đi Hán về Nôm) trong ý nghĩa hình thức. Xin giới thiệu nguyên văn cả hai vòng đọc Hán và Nôm như sau:

- Đọc xuôi (chữ Hán):                             Phiên âm:
                                    XUÂN HỨNG
                                    Thi đàn tế liễu lộng hoa hài
                                    Khách bộ tuỳ sương ấn bích đài
                                    Kỳ cuộc đả phong thanh áp trận
                                    Tửu biều nghinh tuyết bạch hoà bôi
           
                                    Sơ liêm thấu nguyệt hương ly cúc
                                    Yến tịch lăng hoa vị át mai
                                    Phi phất thảo am đầu tĩnh điếm
                                    Ư tình cố ý thuộc quyên ai.

- Đọc ngược (chữ Nôm):                        Phiên âm:
                                    Ai quen thuộc ấy có tình ưa
                                    Đêm tĩnh đầu am thảo phất phơ
                                    Mai át mùi hoa lừng tiệc yến
                                    Cúc lìa hương nguyệt thấu rèm thưa

                                    Bôi hoà bạch tuyết nghiêng bầu rượu
                                    Trận áp thanh phong đánh cuộc cờ
                                    Rêu biếc in sương tuỳ bước khách
                                    Giày hoa lỏng lẻo tới đàn thơ.

                                                            (HỨNG XUÂN).

Bài Xuân hứng của Vũ Duy Thanh quả là diệu bút, tài tình vì nhiều lẽ, vừa là một bài thơ chữ Hán, vừa là bài thơ chữ Nôm, bài Nôm lại là bản dịch thơ của bài Hán, nhưng vẫn đảm bảo tất cả những quy định của một bài thất ngôn bát cú Đường luật, gồm nhiều yếu tố như vần, niêm, luật bằng trắc, đối ngẫu... Đây là một trường hợp chơi chữ hi hữu, phản ánh rõ cái tài chữ nghĩa của người xưa.

                 H.T
-------
(1) Viện hàm cao cấp trong Viện Hàn lâm, được dự vào việc giảng dạy và biên soạn sách vở ở Quốc Tử Giám, viện Tập Hiền...
(2) Một tổ chức giáo dục chuyên giảng sách kinh điển, chính trị... cho vua và các quan đầu triều, chế độ giảng dạy được tổ chức định kỳ trong mỗi tháng, có khai giảng và bế giảng theo thể thức triều nghi.
(3) Tư nghiệp tương đương Hiệu phó
(4) Tế tửu tương đương Hiệu trưởng

(167/01-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Trong lời Nhỏ to... cuối sách Thi nhân Việt   (1942), Hoài Thanh - Hoài Chân viết:  “Tôi đã đọc một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở. Nếu làm xong quyển sách này, mà không chê chán vì thơ, ấy là điều tôi rất mong mỏi”.

  • Gần đây, đọc một vài truyện ngắn trên tạp chí Sông Hương, tôi vô cùng cảm động. Trước số phận của các nhân vật, tôi muốn nói lên những suy nghĩ của mình và chỉ mong được coi đây là lời trò chuyện của người được "nhận và cho":

  • Ông Eđuar Điujacđen là một nhà thơ có tài và có thể nói là được hâm mộ trong số các nhà thơ thuộc thế hệ già - người vẫn giữ được tình cảm và sự khâm phục cuồng nhiệt của lớp trẻ, đã mở đầu một cuộc thảo luận về thơ.

  • Việc mở rộng phong trào giải phóng tư tưởng trên văn đàn thời kỳ mới, lãnh vực phê bình và lý luận văn nghệ đã xuất hiện cục diện vô cùng sống động.

  • "Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động" (Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trường ĐHTH TP.HCM, 1995, trang 19).

  • Phê bình văn học là giải minh cho văn chương. Văn chương hay hoặc dở, giản đơn hay phức tạp, nó được thiết lập trên thi pháp này hay thi pháp khác, thể loại này hay thể loại khác, thời này hay thời khác v.v... đều phải được làm sáng tỏ bằng những lập luận khoa học chứ không phải bằng cảm tính của người phê bình.

  • LTS: Sau khi Sông Hương đăng bài “Khủng hoảng ngay trong nhận thức và niềm tin đi tìm lối thoát cuộc khủng hoảng văn học” của nhà văn Nguyễn Dương Côn, chúng tôi nhận được ý kiến “phản biện” của 2 nhà văn Phương Lựu và Trần Thanh Đạm.

  • LTS: Có nhiều cách hiểu về câu thơ trên. Y kiến của cụ Thanh Huy - Cử nhân Văn khoa Việt Hán, sinh 1916 tại Huế, cũng là một ý có thể tham khảo đối với những ai quan tâm Truyện Kiều, để hiểu thêm và đi đến kết luận về cách tính thước tấc của người xưa.
    SH

  • Từ thơ ca truyền thống đến Thơ mới là một sự đột phá vĩ đại trong quan điểm thẩm mỹ của thơ ca. Chính sự cách tân trong quan niệm về cái đẹp này đã làm một "cú hích" quan trọng cho tiến trình phát triển của thơ ca Việt . Nó đã giúp thơ ca dân tộc nhanh chóng phát triển theo con đường hiện đại hóa. Và từ đây, thơ ca Việt có thể hội nhập vào thơ ca nhân loại.

  • Trong truyền thống thơ ca Nhật Bản, thơ haiku giữ một vị trí rất quan trọng. Nó là một viên ngọc quý giá và là một phần tài sản tinh thần trong kho tàng văn học Nhật Bản.

  • (Trao đổi với nhà lý luận Nguyễn Dương Côn)

  • "Thượng đế dằn vặt tôi suốt đời" (Đôxtôiepxki)

  • Mười năm thơ thập thững vào kinh tế thị trường cũng là mười năm những nhà thơ Việt phải cõng Thơ leo núi.

  • Từ lâu, người ta đã nói đến cuộc tổng khủng hoảng của văn học trên quy mô toàn thế giới.

  • Bàn luận về những vấn đề văn học mới, phạm trù văn học mới, tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam ở thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định giá trị và sự đóng góp của văn học hợp pháp, văn học cách mạng trong nửa đầu thế kỉ. Với cái nhìn bao quát và biện chứng theo dòng thời gian, chúng ta nhận rõ công lao góp phần mở đầu hiện đại hoá và phát triển văn học theo qui luật tiến hoá của lịch sử Việt của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

  • Khi sử dụng một khái niệm cơ bản, nhất là khái niệm cơ bản chưa được mọi người hiểu một cách thống nhất, người ta thường giới thuyết nó.

  • Tô Hoài, trong hơn 60 năm viết, thuộc số người hiếm hoi có khả năng thâm nhập rất nhanh và rất sâu vào những vùng đất mới. Đây là kết quả sự hô ứng, sự hội nhập đến từ hai phía: phía chuẩn bị chủ quan của người viết và phía yêu cầu khách quan của công chúng, của cách mạng.

  • Sóng đôi (bài tỉ, sắp hàng ngang nhau) là phép tu từ cổ xưa trong đó các bộ phận giống nhau của câu được lặp lại trong câu hay đoạn văn, thơ, làm cho cấu trúc lời văn được chỉnh tề, rõ rệt, nhất quán, đồng thời do sự lặp lại mà tạo thành nhịp điệu mạnh mẽ, như thác nước từ trên cao đổ xuống, hình thành khí thế của lời văn lời thơ.

  • LTS: Trên Sông Hương số tháng 10 - 2007, chúng tôi đã giới thiệu về công trình “La littérature en péril” (Nền văn chương đang lâm nguy) củaTzvetan Todorov - nhà triết học, mỹ học và nhà lý luận văn học nổi tiếng của Pháp.