BỬU CHỈ
Đã từ lâu tôi vẫn nghĩ và tin rằng: quê hương của nghệ thuật là Tự Do, và nghệ thuật đích thực phải thoát thai từ những con người sáng tạo có đầy đủ quyền làm người, cùng tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội của họ; và lớn hơn nữa là đối với con người.
Họa sĩ Bửu Chỉ - Ảnh: internet
Nói đến sáng tạo là phải nói đến con người sáng tạo. Con người sáng tạo đích thực luôn luôn nuôi dưỡng ở bên trong mình một khát vọng không nguôi về cái Đẹp; vươn tới cái đẹp không ngừng. Cái đẹp hiểu theo nghĩa rộng của nó. Công việc của họ gắn liền với Iương tâm, và ý thức trách nhiệm của mình đối với cuộc đời. Nghĩa là phải tự thấy một sứ mệnh và chỉ với tự do họ mới hoàn thành được vai trò đó. Người nghệ sĩ sáng tạo trong tự do sẽ đạt đến trình độ ý thức trách nhiệm cao nhất. Không gì vô trách nhiệm hơn là "sáng tạo" bằng sự chỉ bảo, bằng sự suy nghĩ và rung cảm của kẻ khác. Dĩ nhiên, người nghệ sĩ sống trong một không gian và thời gian nào đó, sẽ phải chọn lựa cho mình một lý tưởng sống, một quan niệm đạo lý nào đó như một sự dấn thân. Nhưng tự do là điều cần yếu để cho mọi cống hiến trở nên có giá trị đích thực, chân thành, và chứa đựng đầy nỗi thiết tha phát xuất từ chính tấm lòng của mình. Vẫn biết rằng để có những tác phẩm hay đòi hỏi phải có tài năng nhưng tài năng không được giải phóng bằng tự do thì sẽ trở nên què quặt. Có thể có người sẽ cho rằng tự do sẽ mang lại những điều tốt đẹp nhưng đồng thời cũng có thể sẽ dẫn đến những hỗn loạn, những điều xấu. Tôi thì nghĩ khác, nếu ai lợi dụng tự do để gây những điều xấu, ngược lại với chân - thiện - mỹ, thì chính kẻ đó đã chống lại tự do và sẽ không còn tự do nữa khi chà đạp lên tự do của những người khác. Tôi quan niệm tự do là một trật - tự - linh - hoạt để mọi tài năng có thể phát triển đúng mức và đúng yêu cầu của thời đại. Không thể làm nghệ thuật mà lại khước từ tự do. Đó là một điều hiển nhiên.
Bây giờ, tôi thấy có không ít người làm nghệ thuật để bảo vệ uy thế và vị trí xã hội của mình, hơn là để bày tỏ tình yêu, niềm lo lắng, cách thức, và lòng ngưỡng mộ của mình đối với cuộc sống. Chủ nghĩa cơ hội sẽ tiêu diệt nghệ thuật và làm nghèo cuộc sống. Làm nghệ thuật thì không được cơ hội. Theo tôi nghĩ, nói cho cùng thì chính nghệ thuật góp phần tạo nên những nhịp thăng bằng trong đời sống nội tâm của xã hội. Do đó cái hướng biểu hiện nghệ thuật không phải nhất thiết khi nào cũng cùng chiều với những biến chuyển của xã hội.
![]() |
HS Bửu Chỉ tự họa |
Khởi đi từ nhận thức rằng: nghệ thuật chỉ có trong tự do, nên làm nghệ thuật đó là công việc của cá thể. Vì vậy, đòi hỏi sự trung thực và dũng cảm ở người sáng tạo. Điều quan trọng là người nghệ sĩ bằng chính mình đến với cuộc sống, tập thể, xã hội, chứ không phải tự làm cho mình biến dạng đi để tự đồng hóa với tập thể, với xã hội. Tự xóa mình là một hành động sống giả hình. Sống giả hình không phải là một thái độ nghệ thuật. Vả lại không thể có một nền nghệ thuật mà ở đấy mọi tác phẩm đều đồng dạng với nhau. Một xã hội nhân đạo, theo tôi là một xã hội mà ở đó mọi cá thể đều được quyền có một chân dung sống riêng của mình. Không thể nào có một xã hội người mà ở đấy mọi cá thể đều vô danh; hoặc chỉ được gọi bằng một tên. Thế giới nghệ thuật cũng vậy. Tôi vẫn tin rằng mỗi nghệ sĩ đích thực đều mang trong mình một quan niệm về trật tự, tôi gọi là Trật - Tự - Nội - Tâm. Chữ trật tự này phải được hiểu theo nghĩa rộng của nó là: Chân, Thiện, Mỹ ; và những giá trị khác... Bằng tác phẩm nghệ thuật, người nghệ sĩ xác lập trật - tự - nội - tâm của mình trước cuộc đời. Cuộc sống cũng sẽ có một trật tự riêng của nó. Qua sự đồng thanh tương ứng, qua sự đồng cảm, sự đối thoại, trật tự do nghệ thuật mang lại sẽ góp phần hoàn thiện trật tự của cuộc sống. Đó là động lực của văn hóa và văn minh.
Cũng trong dòng suy nghĩ như thế, tôi còn muốn nói một điều này: Làm nghệ thuật là người nghệ sĩ Sống. Sống là một quyền thiêng liêng của con người; điều này hiển nhiên. Do đó đừng bao giờ sợ rằng con người "sống sai"! Thật ra ai cũng mong ước về những cái tốt lành, những điều cao đẹp. Phải nói rằng: Hy vọng và thất vọng, buồn và vui, yêu và ghét, sùng kính và miệt thị, tin và không tin, bao dung và căm thù v.v... đều cần thiết và tốt cả khi tất cả điều ấy biểu hiện rằng con người còn đầy đủ tình cảm và còn khát sống. Do đó, nghệ thuật ngoài ý nghĩa là sự biểu hiện quan niệm về cái đẹp theo một góc cạnh, một bình diện nào đó; sự bày tỏ, lý giải, minh họa, tái tạo... không gian, thời gian sống của con người, nó trở thành một hệ thống đồ hình mà qua nó, và bên sau nó chúng ta tìm thấy chính hình ảnh con Người: Đời sau còn tiến lên được không là nhờ thấy, hiểu và kiểm tra lại được tất cả những gì đang phát triển trên bình diện nhân bản của xã hội chúng ta hôm nay. Nghệ thuật cho thấy tất cả điều ấy.
Nghệ thuật vì vậy, không thể là một thứ phó sản của các sinh hoạt kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học kỹ thuật... mà tất cả những điều kiện ấy qua nghệ thuật trở thành Vẻ Đẹp. Nói cách khác, nghệ thuật có một đời sống riêng, một thế giới riêng, mục đích riêng và giá trị riêng - Mục đích tự thân, giá trị tự thân - Người nghệ sĩ do đó đòi hỏi phải được sống trong thế giới của sự thật và được nuôi dưỡng bằng sự thật...
Nhìn lại thời sự văn nghệ của ta hiện nay, cửa vừa mới mở, cho dù mở muộn cũng đáng mừng. Và tôi mong rằng cửa sẽ chẳng bao giờ đóng lại, vì đóng thì chẳng lợi cho ai cả. Những vấn đề "Sau cởi trói" thì toàn là những vấn đề khó khăn hắc búa. Riêng tôi thấy có mấy vấn đề cần nói đến:
- Cần phải có một sự tự cải tổ tâm lý (tạm gọi như thế) của những người lãnh đạo văn nghệ và những người làm văn nghệ. Bởi trói buộc nhau đã lâu nên đã trở thành quán tính. Trói buộc nhau không phải bằng dây mà bằng quan niệm, nên đến khi "cởi trói" mới khó. Đối với những người bị trói nhưng có năng lực thì tôi tin có thể tự phục hồi dễ dàng. Những người tự trói, vì một thời họ đã tin rằng phải làm thế mới khỏi bị lạc loài ra khỏi thời đại, nghĩa là phải tự trói mới tồn tại. Chính những người này không bao giờ tin rằng cuộc đời có thể được thắp sáng, khởi đầu bằng những lương tri và lương tâm lẻ loi. Đối với những người này vấn đề sẽ trở thành khá nan giải. Còn đối với những người xưa nay quen tay trói, thì có thể do "quán tính" sẽ tiếp tục trói buộc nhau bằng chính quan niệm cởi trói.
- Xã hội loài người hiện tại là Xã hội có tổ chức. Xã hội ta cũng vậy. Do đó văn nghệ không thể phát triển tốt đẹp nếu không có một cơ chế tốt đẹp. Cơ chế này theo tôi phải được xây dựng trên một mẫu số chung về nghệ thuật. Đó là điểm gặp gỡ của sự nhìn nhận về chân lý nghệ thuật giữa những người lãnh đạo văn nghệ và người làm văn nghệ, chứ không phải là một sự áp đặt của một phía.
- Người ta hay đặt vấn đề làm thế nào để có đỉnh cao nghệ thuật. Theo tôi nghĩ thì hãy sống hết mình và làm việc hết mình. Trong một phút xuất hứng, xuất thần nào đó sẽ đạt đến đỉnh cao. Đừng bao giờ tự đặt trước mình những đỉnh cao trừu tượng để rồi leo trèo một cách mệt mỏi.
Nhưng trong bất kỳ tình huống nào, hoàn cảnh nào, muốn làm nghệ thuật thật sự thì phải bằng chính mình đến với cuộc đời.
B.C
(SH29/02-88)
PHẠM TẤN XUÂN CAO
Sự phát triển của nghệ thuật là sự phát triển của sự trừu tượng, và sự phát triển của sự trừu tượng là sự di chuyển vào trong một thứ ngôn ngữ vô hình.
(Ian Wilson)
LÊ TỪ HIỂN
NGUYỄN HUY THIỆP
Khi gặp nhiều nhà văn ở ta, tôi thường ngạc nhiên trước thái độ khinh bạc của họ với lý luận phê bình văn học. Tôi không thích thái độ khinh bạc ấy, mặc dù thái độ ấy của họ có thể giải thích được.
VÕ CÔNG LIÊM
Giữa vô thức của thiền và vô thức của khoa phân tâm triết học, hẳn có những điểm khác biệt rõ rệt. Bởi Thiền Phật giáo (Zen Buddhism) mang nặng tính chất vô thức (unconscious) nhưng thực chất là hữu thức.
TIMOTHY STEELE
Năm 1930, một nhà báo hỏi Mahatma Gandhi rằng ông nghĩ gì về văn minh cận đại, nhà lãnh đạo tinh thần, triết gia chính trị vĩ đại này trả lời, “Đấy là một ý kiến hay.”
TRƯƠNG ĐĂNG DUNG
PTS NGUYỄN NGỌC THIỆN
Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị (năm 1987) đã nêu lên những tư tưởng cơ bản cực kỳ quan trọng về bản chất của văn học, đặc thù của sáng tạo và tiếp nhận văn học... nhằm “đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”.
ĐỖ ĐỨC HIỂU
“Đọc văn chương” là một khoa học. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cần có nhiều cách ứng xử trước tác phẩm văn chương.
ĐỖ LAI THÚY
"Thế hệ nhà văn sau 75” thường được dùng như một (cụm) từ - chìa khóa để mở vào nghiên cứu các nhà văn, rộng ra cả văn học, từ sau 1975 đến.
VĂN THÀNH LÊ
Tôi đến với văn chương vô cùng hồn nhiên. Như mọi đứa trẻ quê quen leo đồi lội ruộng, chơi đủ trò trên đồng dưới bãi, tôi còn bày đặt ngẩn ngơ chế những câu có vần có vè cho lũ bạn mục đồng cùng đọc lên chọc lỗ nhĩ chơi.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Mở đầu bài viết này, chúng tôi xin nói đến hai sự kiện văn học diễn ra gần đây.
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Chúng ta có thể nghĩ, hiểu và làm văn học theo cách riêng mà mỗi cá nhân có thể tạo lập và mục đích cuối cùng là phụng hiến cho nền văn học với những giá trị phổ quát.
NGUYỄN HOÀNG ANH THƯ
Cho đến năm 2013, tôi mới bắt đầu chính thức cầm bút. Tôi miệt mài viết trong 3 năm liền, giống như một cuộc chơi càng viết càng đam mê, có lúc cảm chừng như không đủ thời gian còn lại để viết tất cả những gì mình muốn, song hành cả thơ và truyện ngắn với lối sử dụng bút pháp đa dạng, khi tả thực, khi tượng trưng, lúc huyền ảo, thơ cũng như truyện.
TRU SA
Tôi chưa từng nghĩ rằng sẽ theo văn chương. Trước đây là thế và bây giờ vẫn vậy, những gì tôi làm chỉ là viết xuống giấy những thứ sinh sôi trong cơ thể mình.
TRẦN BĂNG KHUÊ
Với văn chương, tôi không biết phải nói về nó như thế nào, về việc bén duyên, hay hoàn cảnh thôi thúc tôi đến với nó. Những ý niệm này, có đôi lần tôi đã lẩn thẩn nghĩ đến, thỉnh thoảng băn khoăn một chút, rồi thì mọi sự dường như diễn tiến theo một cách nào đó tôi cũng không nắm bắt được nữa. Tự nhiên nhi nhiên vậy.
Như thường lệ, vào số báo đầu năm mới, Sông Hương giới thiệu đến quý bạn đọc những tiếng nói của các cây bút trẻ. Đó là những tiếng nói đầy nhiệt huyết trong khu vườn sáng tạo. Những tiếng nói ấy chứa đựng trong mình biết bao khát vọng cất tiếng, khát vọng cách tân để đưa nghệ thuật làm tròn bổn phận của nó: Làm ra cái mới.
TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT
Sau đổi mới, năm 1986, Việt Nam tăng tốc mở rộng kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến cho môi trường bị biến đổi.
NGUYỄN QUANG HUY
Truyện Nôm bác học đã và đang được quan tâm soi chiếu từ nhiều hướng, nhiều phương pháp. Trong quá trình quan sát và khảo tả, phân tích đối tượng này, chúng tôi thấy có sự lặp lại đáng chú ý hiện tượng thân phận con người.