Bàn về bạn

09:21 17/04/2009
LƯƠNG THỰC THULTS: Lương Thực Thu, sinh năm 1903 tại Bắc Kinh, thời nhỏ học ở trường Thanh Hoa. Năm 1923 du học tại Mỹ. Năm 1926 về nước, lần lượt dạy học ở trường Đại học Đông Nam, Đại học Thanh Đảo, Đại học Bắc Kinh, và Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Năm 1949 sang ở Đài Loan, chủ yếu giảng dạy ở Đại học Sư phạm Đài Loan. Năm 1966 nghỉ hưu, năm 1987 ốm chết tại Đài Bắc.

Tác phẩm của ông gồm hơn mười tập tản văn, như NHÃ XÁ TIỂU PHẨM, THU THẤT TẠP VĂN, HOÀ VIÊN MỘNG ỨC, NHÃ XÁ ĐÀM THỰC... Ông còn là Nhà phê bình văn học với những tác phẩm: LÃNG MẠN VÀ CỔ ĐIỂN, KỶ LUẬT CỦA VĂN HỌC, CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN VÀ BABBIT.IRVING . Ông còn phiên dịch SẾCH PIA TOÀN TẬP sang tiếng Trung Quốc.

Bạn bè xếp thứ cuối cùng của Ngũ Luân (Năm mối quan hệ: Vua tôi, cha con, anh em, chồng vợ và bạn bè, ND), thật ra bạn bè là mối quan hệ rất quan trọng. Điều gọi là hữu nghị, thực tế là mối quan hệ tốt đẹp giữa con người và con người, trong đó bao gồm nhiều đức tính đẹp như thông cảm, tán thưởng, tin cậy, chấp nhận, hy sinh...Nếu lấy hữu nghị làm nền tảng thì các mối quan hệ khác như bố con vợ chồng anh em, đều có thể xây dựng một cách trọn vẹn. Đương nhiên bố con anh em là quan hệ vĩnh cửu không thể lựa chọn, vợ chồng tuy có khoảng trống lựa chọn, nhưng một khi đã kết hợp, thì lấy không bao giờ ly tán làm nguyên tắc, còn bạn bè thì có đoàn tụ, có chia ly. Nhưng nói thẳng ra, bố con vợ chồng anh em đều là quan hệ bạn bè, chỉ hơi khác về hình thức tính chất mà thôi, nói một cách nghiêm chỉnh, phàm những ai có điều kiện của một người bạn tốt, người vợ tốt, người anh tốt, người em tốt và ngược lại cũng thế.

Các bậc thánh hiền ngày xưa của chúng ta luôn luôn hết sức chú trọng tình bạn. Trong “luận ngữ” có rất nhiều câu nói về tình bạn. Ở phương Tây cũng như vậy, Marcus Tullius Cicero của La Mã có một bài nổi tiếng “Bàn về hữu nghị”, Michel Eyquem de Montaigne của Pháp, Roger Bacon của Anh, Ralph Waldo Emerson của Mỹ, đều có những bài viết bàn về hữu nghị. Tôi cảm thấy các nhà văn cận đại hình như không chịu tốn nhiều bút mực về đề tài này. Đây liệu có phải là tượng trưng tình
hữu nghị của thế hệ thứ ba thứ tư đã suy tàn? Tôi không dám nói.

Cái gọi là “Kết bạn cắt cổ” thời xa xưa, nói ý nghĩa cao xa quá, con người phi thường mới mong đạt được. Như Damon và Pythias, Đavid và Jonathan, e rằng cũng chỉ là những lời nói hay trong truyền thuyết mà thôi. Cho dù hạ thấp tiêu chuẩn hữu nghị xuống chút ít, thì cũng rất hiếm được gọi là bạn bè chân chính. Thử nghĩ, nếu có chuyện tiền bạc qua tay, thì bạn bè ai tin cậy liệu có được mấy người? Trong khi anh đau yếu hoạn nạn, hoặc long đong vấp váp, liệu có mấy người bạn chịu đến nhà thăm hỏi, thậm chí cưu mang, đem than đến cho anh sưởi ấm trong mùa đông giá rét? Khi anh đi công tác xa, liệu có mấy người chịu chăm nom cô vợ yếu đuối của anh, mà không chăm nom quá đáng? Lại xin hỏi, liệu có mấy ai xưa nay ăn mận trả đào, không làm những điều trái lương tâm, duy trì được lâu dài, không bị rơi rụng? Bạn từ lúc để chỏm, nếu không có quan hệ lợi hại đặc biệt để gắn bó, thì sau vài năm có lẽ dễ trở thành người dưng. Benjamin Franklin, nhà khoa học Mỹ nói: “Có ba người bạn trung thực tin cậy, đó là vợ già, chó già và khoản tiền mặt”. Điều kỳ diệu là cả ba người bạn ấy đều không phải bạn. Aristotle còn nói thẳng thừng hơn: “Hỡi các bạn của ta, trên thế giới chẳng làm gì có bạn”. Những câu nói này gần như bất mãn chán đời, thực tế trên đời vẫn còn có bạn, nhưng tuy không cần xách đèn lồng đi tìm, song chẳng khác nào đãi cát lấy vàng, mà còn phải luyện trong thời gian dài. Một khi đã đúc thành hữu nghị thật sự, sẽ bền như vàng đá, không bao giờ phai nhạt.

Đại thể, vật họp theo loài, người chia theo bầy, tính khí hợp nhau, mới có thể tốt với nhau mãi. Kết bạn cũng coi trọng môn đương hậu đối, cho dù không khắt khe như trong cửu phẩm, đương nhiên cũng có đường ranh giới. “Đồng học thiếu niên đa bất tiện, Ngũ Lăng Cầu Mạ tự khinh phì”, ngoài chuyện” Tự khinh phì”, còn có thể không liếc mắt nhìn lên lông mày bạn cũ ngày xưa hay sao? Hán Quang Vũ cho phép Nghiêm Tử Lăng đè đùi lên bụng mình, cố nhiên là độ lượng rộng lòng, nhưng Nghiêm Tử Lăng vẫn kiên quyết về ở ẩn tại núi Phú Xuân, là rất biết tiến lùi, được lòng người. Chu Hồng Vũ viết thư cho bạn nói:” Chu Nguyên Chương đã làm Hoàng đế, Chu Nguyên Chương vẫn là Chu Nguyên Chương...”. Cho dù lời nói rất hay, nhưng chứng kiến việc giết hại công thần sau này của ông ta, cũng không khỏi khiến ai nấy rùng mình sởn tóc gáy. Thân thể và trái tim con người vốn cấu tạo như nhau, nhưng một khi bước vào con đường quan lại, có thể sẽ sẩy ra đột biến. Khổng tử nói, vô hữu bất như kỷ giả, tôi nghĩ, một là chỉ trình độ học vấn, hai là chỉ nói không được kết bạn với người xấu hơn mình, không nói nhất định đòi chúng ta leo cao, hữu nghị đòi hỏi cả hai bên tạo dựng, nếu hai bên đều muốn kết bạn với người tốt hơn mình, thì sẽ vĩnh viễn không kết được bạn.

Hình như
Oscar Wilde, nhà văn Anh đã từng nói: “Không thể có hữu nghị tồn tại giữa một nam và một nữ”. Nói chung điều này đúng, bởi vì giữa nam và nữ, nếu có hữu nghị sâu nặng, thì tình hữu nghị ấy dễ biến chất, nếu không phải tâm đầu ý hợp, thì lại không coi là hữu nghị, tốt quá sẽ lốp, khó nắm bắt được giới hạn này. Bạn vong niên thì lại được. Di Hoành chưa đầy hai mươi tuổi, Khổng Dung tuổi đã năm mươi kết bạn với nhau. Những ví dụ thế này có ghi trong sách. Nhưng hầu như chỉ giới hạn trong đồng tính, mà theo tôi, sự hình thành của tình bạn vong niên vốn dựa vào mức gần gũi lẫn nhau của niềm hứng thú và tài năng đức độ, tán thưởng lẫn nhau, nhưng bên lớn tuổi ít nhiều cũng tỏ ra phần nào chín chắn. Tỏ ra già cỗi thâm trầm, khiến người ta trông vào mà sợ, khôn ngoan láu lỉnh, thì người ta rái, nhé tránh. Những người độc thân dễ kết bạn, bởi vì tình bạn của họ không có chỗ gửi gắm, trong cảnh phiêu bạt lẻ loi, rất cần một đối tượng dễ dãi bày nỗi lòng, nhưng đến khi anh ta có gia đình vợ con, có kẻ hầu người hạ thì nỗi lòng đã khác.

“Quân tử chi giao đạm như thủy” (tình bạn của bậc Quân tử nhạt như nước), bởi vì nhạt, cho nên mới không ngán, mới lâu dài. “Dữ bằng hữu giao, cửu nhi kính chi” (chơi với bạn bè, lâu bền mà vẫn kính trọng), kính tức là giữ khoảng cách, hay nói cách khác là phòng quá ư thân mật. Nhưng “Hạp nhi kính chi” (Cặp kè gần gũi mà vẫn kính trọng) là rất khó. Điều phải chú ý nhất là không được chi quá thu trong tình bạn, phải luôn giữ có chừng mực. Mark Twain nói: “Tình hữu nghị thiêng liêng, mang tính chất ngọt ngào, ổn định, trung thực, lâu dài như vậy, có thể giữ suốt đời nếu không há mồm vay tiền bạn”. Đây đúng là lời nói khẳng khái. Bạn bè vốn thông cảm về chuyện tiền nong, nhưng đây là việc hết sức tế nhị! Chuyện khó quên nhất trên đời là khoản tiền cho vay, ta thường nhận xét chuyện xúi quẩy nhất không gì hơn là trả tiền, một khi đã dính đến tiền, thì ân oán rất khó thanh toán rõ ràng, biết bao nhiêu tình bạn đều đã bị bức tường này chặn lại trong khi đang phát triển!.

Khuyên nhủ vẫn là điều cần phải làm trong tình bạn, nhưng nói ra đâu có dễ. Trong môi trường danh lợi, cùng một duộc xấu xa, ngay đến chính mình cũng khó làm rõ đúng sai, còn hơi sức đâu khuyên nhũ người khác? Mà phía đối phương, thì lại hay đắng miệng, trung ngôn nghịch nhĩ, có ai lại muốn để người ta vạch ra cái xấu của mình? Khuyên nhủ không thể làm trước mặt người thứ ba để giữ thể diện cho bạn, không thể làm khi tâm tư bạn đang rối bời để tránh lửa đổ thêm dầu. Khổng tử nói: “Trung cáo nhi thiện đạo chi, bất khả tắc chỉ” (Lời khuyên chân tình và thiện chí mà không nghe thì thôi). Tôi thường cho rằng, khuyên điều thiện, ngăn điều lỗi là tác dụng tiêu cực của tình hữu nghị. Niềm vui của hữu nghị là tích cực. Chỉ có Thần Tiên và dã thú mới thích cô độc, con người cần có bạn bè. "Giả dụ một người lên trời một mình, nhìn thấy cảnh quan bao la hùng vĩ của vũ trụ và cảnh đẹp của các chòm sao, anh ta vẫn không cảm thấy vui, anh ta cần phải tìm một người để kể lại cảnh lạ đã nhìn thấy mới vui được”. Cùng hưởng niềm vui, so với cùng chịu hoạn nạn càng nên là điều thú vị trong tình bạn bình thường.

VŨ CÔNG HOAN dịch
(201/11-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • INRASARA1. Lạm phát thơ, ra ngõ gặp nhà thơ, người người làm thơ nhà nhà làm thơ, thơ nhiều nhưng nhà thơ không có bao nhiêu… Đã thấy khắp nơi mọi người kêu như thế, từ hơn chục năm qua(1). Kêu, và bắt chước nhau kêu. Kêu, như thể một phát âm rỗng, vô nghĩa, hết cả sức nặng. Từ đó tạo thành thói quen kêu, nhàm và nhảm.

  • TÔ NHUẬN VỸ(Nhân hội thảo con đường văn học Việt Nam vào Hoa Kỳ tổ chức tại Hà Nội từ 31/5 đến 3/6)

  • KHÁNH PHƯƠNGMột năm, trong tiến trình văn học, thường không có ý nghĩa đặc biệt nếu không nén chặt các sự kiện nghề nghiệp quan trọng, mà không phải năm nào cũng có được duyên may đó.

  • (Tường thuật từ Hội thảo “Thơ đến từ đâu” ở Tạp chí Sông Hương)

  • LÊ XUÂN VIỆTHơn bảy năm qua, kể từ ngày Bình Trị Thiên hợp nhất tỉnh. Trong thời gian ấy, hiện thực cách mạng đã diễn ra trên mảnh đất anh hùng này thật sôi động, lớn lao. Văn xuôi Bình Trị Thiên đã góp phần cùng với các loại hình văn học nghệ thuật khác phản ánh hiện thực đó, tạo nên món ăn tinh thần quý giá động viên, cổ vũ nhân dân xây dựng cuộc sống mới. Để thấy rõ hơn diện mạo của văn xuôi, chúng ta thử nhìn lại sự phát triển của nó.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGCó một người bạn cùng nghề, cùng lứa, một nhà văn viết truyện ngắn mà tên tuổi không xa lạ lắm đối với bạn đọc, có lần đã tâm sự với tôi như thế nầy: “Tôi không bao giờ muốn viết bút ký. Dẫu có những cái nó là thực đến một trăm phần trăm, nó là ký rõ ràng, thì tôi vẫn cứ uốn nắn nó lại đôi chút để thành truyện ngắn”.

  • NGUYỄN THỊ KIM TIẾNTiểu thuyết lịch sử là một loại hình tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử. Khác với các xu hướng tiểu thuyết khác ở đối tượng và cách tiếp cận hiện thực đời sống, tiểu thuyết lịch sử đã đưa đến một cách lý giải con người dựa trên cơ sở vừa lấy lịch sử làm “đinh treo” vừa tận dụng kết hợp những đặc trưng thuộc về thể loại tiểu thuyết, mang lại một kiểu tư duy văn học trong tiểu thuyết lịch sử nói riêng nhiều phương diện mới mẻ.

  • HOÀNG THỊ QUỲNH ANHTrương Đăng Dung dạo vườn thơ khi mới ngoài 20 tuổi, lúc đang còn là một sinh viên du học ở nước ngoài. Năm 1978, ông đã trình làng bài thơ “Âm hưởng mùa hè” trên báo Văn nghệ. Nhưng rồi công việc nghiên cứu và dịch thuật văn học khiến ông neo thơ vào lòng, ấp ủ bấy lâu nay.

  • TRẦN ĐÌNH SỬ“Cốt truyện” là thuật ngữ quen dùng trong nghiên cứu văn học Việt Nam, chỉ một đặc điểm của tác phẩm tự sự có từ lâu đời, được dịch từ tiếng Nga siuzhet, tiếng Anh plot, tiếng Pháp sujet.

  • ĐỖ LAI THÚY1. Ở ta không biết tự bao giờ, trong số đông, đã hình thành một hệ giá trị: lý luận là nhất, nghiên cứu thứ hai, còn phê bình thì đứng đội bảng. Bởi thế mở nghiệp bằng phê bình và dựng nghiệp bằng nghiên cứu là đại lộ quen thuộc của nhiều người.

  • NGUYỄN DƯƠNG CÔNThể loại tiểu thuyết đã ra đời và có lịch sử vận động khá lâu dài. Ít nhất, ở châu Âu, thể loại này đã có từ gần năm thế kỷ.

  • CHƯƠNG THÂUNói về sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc, chúng ta dễ dàng ghi nhận những thành tích của giáo dân, đặc biệt của các nhân sĩ trí thức, anh hùng liệt sĩ “kính Chúa yêu nước”.

  • Viện sĩ A-lếch-xan-đơ Đa-ni-lô-vích A- lếch- xan- đrốp là một nhà toán học lỗi lạc, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khi ông mới 24 tuổi, sau đó nhiều năm giữ cương vị hiệu trưởng trường Đại học tổng hợp Lê- nin- grát. Ngoài toán học ra, ông còn quan tâm tới nhiều lãnh vực khoa học khác như đạo đức học, triết học, khoa học... Viện sĩ ưa thích làm thơ, và điều đặc biệt thú vị là ở tuổi 70, ông đã leo lên tới một trong những đỉnh núi của dải Thiên Sơn hùng vĩ... Sau đây là cuộc trao đổi giữa viện sĩ và phóng viên tờ “Nước Nga Xô viết”

  • LGT: Sau hơn chục năm nghiên cứu kết hợp với nhiều chuyến điền dã, ông Lê Quang Thái đã ghi chép lại Vè thất thủ Kinh đô (kể cả dị bản) trên cơ sở chú giải tỉ mỉ và cặn kẽ nhằm mở ra cho độc giả một cái nhìn bao quát về bối cảnh Kinh đô Huế ngày thất thủ và những năm tháng kế tục.Trân trọng tâm huyết và công lao của tác giả, Sông Hương xin giới thiệu tới bạn đọc một chương khá quan trọng trong công trình kể trên của ông Lê Quang Thái, hiện công tác tại Trung tâm Liễu quán Huế.S.H

  • LƯU KHÁNH THƠ“Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường... Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO(Nhân đọc một bài viết của Lê Quý Kỳ)

  • HÀ VĂN LƯỠNG 1. Trên hành trình của văn học Việt Nam hiện đại mà nói rộng ra là văn học Việt Nam thế kỉ XX, bên cạnh việc phát huy và giữ gìn bản sắc và những truyền thống văn hóa dân tộc thì nhu cầu giao lưu, tiếp thu văn học nước ngoài, đặc biệt là văn học phương Tây để góp phần hiện đại hóa nền văn học dân tộc trở thành một nhu cầu cần thiết.

  • NGUYỄN KHẮC THẠCHVấn đề bản sắc địa phương trên tạp chí văn nghệ tỉnh nhà chúng ta đã có dịp bàn bạc, trao đổi nhưng chưa ngã ngũ. Có lẽ trong trường lực báo chí, tờ văn nghệ vẫn là chỗ nhạy cảm nhất về phương diện văn hóa. Hẳn nhiên, trong địa hạt ấy, tờ văn nghệ cũng là nơi khả kiến nhất về phương diện nghệ thuật. Câu hỏi đặt ra ở đây là bản sắc địa phương của tờ báo được xét theo phương diện nào? văn hóa hay nghệ thuật?

  • THANH THẢOCâu trả lời có vẻ đơn giản: văn học là... văn học. Nhưng trả lời như thế chính là đặt tiếp một câu hỏi, và lại một câu hỏi nữa, mà câu trả lời đâu như còn thấp thoáng ở phía trước.

  • TRẦN THỊ THANHĐặng Huy Trứ là một trong những gương mặt nổi trội của các nhà trí thức lớn Việt Nam ở thế kỉ XIX. Tài năng và trí tuệ tuyệt vời đã hội tụ trong con người ông.