TRỊNH SƠN
Có những người, hiếm thôi, khi đã gặp tôi thầm ước giá như mình được gặp sớm hơn. Như một pho sách hay thường chậm ra đời.
Nhà văn Hồ Anh Thái - Ảnh: internet
Nói là chậm, vì khi sách ấy chưa ra đời thì chẳng ai biết nó sẽ khởi sinh ra làm sao, khởi sự thế nào và hoàn tất bao giờ. Không cứ ai cũng dễ gần, cũng như đâu phải pho sách hay nào cũng ngọt ngào trôi chảy vào dòng tâm tưởng độc giả. Có khi, phải vật lộn với từng cú huých của họ, thậm chí, chịu đựng chính sức chịu đựng của họ. Thấm. Và bất khả kháng, muốn hay không, không thể tách rời hai phần cuộc gặp gỡ giữa ánh mắt ta và chân dung họ.
Hai trường hợp đơn cử cho mơ ước mãnh liệt kỳ lạ của tôi, một là Alfred de Musset của thế kỷ XIX. Người kia, là Hồ Anh Thái bây giờ. Dấu gạch nối thời gian giữa tôi với hai tên tuổi xa vời này có vẻ khác nhau, nhưng sắc màu thì không phân biệt được. Tươi rói hạnh ngộ. Sắc nét luận lý. Và, đầm ấm tình người.
Chính tôi cũng không hiểu, căn nguyên nào khiến mình mê mẩn dòng thơ mẫn cảm, dường như yếu ớt nhưng chẳng bao giờ cong cớn, lắt lẻo, gãy đổ của chàng thi sĩ đa tình nước Pháp? Và, tại sao tôi có thể yêu được tiếng chuông bản nguyện thanh thanh vọng vào tâm tưởng từ một nhà văn vốn dĩ khoác áo công chức, hẳn là nghiêm ngắn và lịch lãm kiểu Bắc?
Ba cuộc gặp gỡ Hồ Anh Thái ưu ái dành cho tôi đều diễn ra trọn vẹn trong bầu trời của một nhà văn đã công thành danh toại với một người đọc vô danh ưa phản biện.
*
Cuộc thứ nhất, Cõi người rung chuông tận thế. Trước đó, tôi có chiêm ngưỡng ông từ một vài truyện ngắn in rải rác trên báo chí và trong tuyển tập nào đó. Hầu như, ấn tượng. Nhưng, chưa rõ cái ấn tượng nó hình thù ra làm sao. Ừ, thì triết lý nhân sinh. Gã đồ tể, chị quét rác còn có nhân sinh triết lý nữa cơ, huống chi một nhà văn. Ừ, thì hóm hỉnh, sắc bén. Chữ ra chữ, đặc biệt thứ ngôn ngữ ông dùng biêng biếc tiếng Việt, ngay cả những thuật ngữ rất Tây, rất Thiền cũng man mác hương vị truyền thống. Truyền thống đúng nghĩa. Một thứ truyền thống tự thân, không cân đai mũ mão phong vương chia đất. Rành mạch mà vẫn kỳ ảo. Diễm ảo thì đúng hơn. Từ những truyện viết nơi xứ người, Mỹ cho đến Ấn, Âu, Đông sang Tây. Tả dân Mỹ bằng ngữ nghĩa cứ như hai miền Nam Bắc nước Mỹ thời nội chiến. Nghĩa là, đấu tranh và hòa hoãn - hòa bình chứ không nhượng bộ. Hồ Anh Thái làm nên một diễn văn Gettysburg bằng tiếng Việt, về sự khẩn thiết giữ gìn và phát huy tiếng Việt.
Nhiều nhà phê bình đã lý giải, chỉ có thể là tư tưởng mới làm nên một Hồ Anh Thái vững chãi như vậy. Giữa cơn bão táp ngoại lai và tự hủy của tiếng Việt thời kỳ đổi mới rồi hội nhập. Nhân vật, dù là một cô gái Mỹ, một nhà văn Hàn hay một vị sư Nepal - họ phát ngôn tư tưởng Việt Nam, bằng tiếng Việt Nam, tự nhiên đến độ hồn nhiên, chớ hề ngượng ngạo. Tôi bỏ được mấy phần cái ba lô Tây An nam xuống sông Tô Lịch từ những bài học nghiêm cẩn của Hồ Anh Thái. Ông dạy tôi tự trọng với tiếng nước mình, khi ông đang ở phương trời xa xứ lạ, nói ngoại ngữ, đọc sách người, kể chuyện đời.
Cõi người rung chuông tận thế đến sớm hơn nhiều, nhưng phải rất lâu tôi mới mon men đến gần. Hành tung của tác giả rành rành ra đấy, nhân vật lộ diện mồn một ra đấy, nhưng không phải qua tầm nhìn của một đôi mắt “đất sét”. Sain Pol Roux cho rằng: “Tạo hóa không cấm đoán ai muốn đi sâu vào những bí mật của nó vì tạo hóa chứa đầy những ‘khuyến cáo’ và ‘mật ước’ chỉ dành riêng cho những ai biết nhìn chúng ngoài đôi mắt bằng ‘đất sét’” (Sain Pol Roux, tác giả: Th. Briant). Nếu ai nói Hồ Anh Thái đang diễn tả Phật pháp là người đó chưa thực sự bước vào địa hạt “cõi người” đầy rung động tư tưởng, bĩ và trị bĩ mà nhà văn đã mở sẵn cửa đón nhận hết thảy kẻ nào muốn vào. Trong đó, nghệ thuật ảo diệu không bởi chi tiết, mà tinh túy chắt lọc từ tất cả chi tiết trình bày trên, trong và cả bên ngoài biên giới tác phẩm. Nghệ thuật không cơi nới, trái lại, mở toang thêm trăm phương ngàn hướng: nghệ thuật tự tâm, nghệ thuật diễn hành, nghệ thuật trì trí, nghệ thuật uyên nguyên… Tận thế, trong giới hạn nghĩ suy của tôi sau khi mò mẫm hỉ nộ ái ố trong từng tích tắc nhân vật và cốt truyện, là sự kiến tạo. Cỏ mọc mầm sau mưa. Hoa đào rơi trên máu kiếm. Hồ Anh Thái không nhận vai, nhưng đã và sẽ được người đời mặc định khi thì là samurai dũng mãnh can trường, lúc lại là thiền sư ung dung uyên áo.
Nghiên cứu Đông phương, nhưng dường như luận lý sách vở mềm mại theo nước theo gió Á châu không giữ nổi cả câu hỏi và câu trả lời Hồ Anh Thái đặt ra trong cõi người xúc xắc bĩ cực thới lai. Tôi có cảm giác, ông đã vẽ cây cầu nối hai bờ Đông Tây, tiếp bước và hoàn thiện công trình dang dở của những người đi trước.
Cây cầu ấy, bắc qua chén trà chát. Chát mà thơm, mà quyến rũ, mà thanh bạch - vượt át vị nồng cay tức tưởi của rượu mê.
Cõi người rung chuông tận thế, tích hợp đồng thời mâu thuẫn dữ dội lẫn dung hòa êm ái của Khổng, Lão, Mặc. Trước đó, trong cuộc lưu vong vô kỳ hạn, E. M. Remarque đã gắng kết nối Jesus, F. Nietzsche và S. Freud, nhưng có vẻ văn hào đã tự làm sụp đổ cấu trúc khát vọng (hy vọng và tuyệt vọng) của mình trong sự sụp đổ của nền văn minh Âu châu. Tôi tự tin nói theo giọng điệu của G. Gordon: Hãy để triết thuyết lụi tàn.
Cuộc gặp gỡ thứ hai, ở giữa. Trung tâm, không phải là thứ một mối quan hệ cần và đủ. Hoặc thiên bên này, hoặc vị bên kia. Dấu gạch nối chỉ là khoảng không, nếu mỗi đối tượng không hút (đẩy) đối phương bằng trường lực của chính mình.
Ảnh hưởng rõ rệt nhất của con người Hồ Anh Thái đến tôi, là sự mẫn cán và tinh thần trách nhiệm không tưởng tượng nổi. Ông công tác lúc nào? Ông nghiên cứu lúc nào? Ông sáng tác lúc nào? Vỏn vẹn hai mươi bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày, ông điều chỉnh, phân định ra sao để có thể trọn vẹn và hơn cả trọn vẹn - ngoài ra, còn thai nghén ít nhiều thời gian cho việc xã hội, cho gia đình, cho lớp trẻ, cho nhân tình thế thái?
Lá thư đầu tiên, chỉ là cầu may. Đã gởi hàng trăm tiếng động vào thế giới nhà văn, những con người tưởng chừng nhạy cảm hơn cả, bặt thiệp hơn cả, minh mẫn hơn cả - đặc tính của nghệ sĩ vẫn gắn liền với những mỹ từ như thế. Nhưng, hầu như tôi chỉ nghe tiếng vọng lại của chính mình từ vách đá vô cảm. Đá thế hệ, đá đa đề, đá lợi lộc, đá bè cánh… Trong ngày, tôi nhận được hồi âm của nhà văn Hồ Anh Thái. Và cứ thế. Có ngày, thư đi tin lại nhiều lần.
Cặn kẽ và tỉ mỉ. Thẳng thắn và bộc trực. Ông dạy cho tôi cách làm văn. Kiêu hãnh của một gã nhà thơ múa lửa với ngôn ngữ của tôi như quả bóng nổ dưới sức nóng mặt trời. Ông dạy tôi bằng bài học của tâm. Tâm nhà văn. Tâm nhà báo. Tâm phê bình. Tâm biên tập. Tâm tác giả và tâm độc giả.
Sửa một câu một chữ, ông đều tô đỏ nguyên văn và giải thích tại sao nên sửa và phải sửa? Sửa thế nào? Sửa làm sao cho văn chương ấy vẫn theo giọng điệu của đứa học trò biết sai chứ không phải giọng điệu lão luyện của một bậc thầy. Chợt nhớ, có vị biên tập nọ, bài thơ bảy nhân tám năm mươi sáu chữ của cộng tác viên thì sửa mất năm mươi chữ. Khi in ra, tác giả chỉ còn cái tên mà không thể nhận ra tác phẩm mặc quần áo mới của ai nữa.
Thi thoảng, gặp bức ảnh đẹp, bài viết hay, bản nhạc tuyệt - ông gởi cho tôi. Có lẽ không chỉ gởi cho mình tôi, mà còn cho nhiều người khác. Những điều tốt tươi qua mắt mình, ông không định độc quyền chiếm lấy và giữ lấy, muốn chia sẻ với hết thảy những ai có thể chia sẻ.
Những ngày không thư, tôi đoán ông đang ở trên đỉnh núi nào đó, trong vùng thôn quê hẻo lánh nào đó. Tắt điện thoại, internet và mọi thứ sóng nhân tạo. Chỉ còn lại sóng tự nhiên: sợi dây liên kết giữa tâm hồn con người với trời đất. Chữ sẽ đến, nghĩa sẽ đến như ánh sáng thuở hồng hoang. Không ám thị, không lấm láp tô vẽ. Một tác phẩm mới ra đời. Trong tận cùng nỗi cô đơn nghĩa đen, để đi đến tận cùng sự ấm áp và văn minh cõi người nghĩa bóng. Sáng tạo. Vâng, “sáng tạo trong cô đơn” đã trở nên một thuật ngữ máy móc và giả tạo được lặp lại, lạm dụng quá nhiều. Bạn không thể cô đơn, dù chỉ ở một mình với ghen tuông, uất ức, tỵ hiềm, than thở, mặc cảm, buồn vui ế ẩm. Bạn chỉ có thể cô đơn trong thức ngộ. Trên nền tuyết trắng, một mầm cỏ xanh um lên. Lẻ loi, đơn độc nhưng bền bỉ và mãnh liệt. Đó chính là sáng tạo. Thế giới sáng tạo bạn và bạn sáng tạo thế giới. Bạn sáng tạo chính bạn. Cuộc sáng tạo ấy là tác phẩm.
Chàng thanh niên thất tình “con sáo mái sặc sỡ” George Sand đếm nỗi cô đơn theo từng viên gạch lát hè phố Paris hoa lệ, làm nên ánh tình thơ để đời. Hồ Anh Thái đếm nỗi cô đơn trên số đếm làng mạc, xứ sở, đỉnh núi, con người ông trải qua từng ngày. Đức Phật, nàng Savitri và tôi - có lẽ đã ra đời trong cõi hoang sơ dịu dàng và nồng nàn như thế. Âm lọc âm, ảnh chọn ảnh. Lão nhà văn Hàn Quốc ngủ gật trước cử tọa như thế.
Truyện ngắn Tựa vào gốc anh đào mà ngủ, Hồ Anh Thái kể chuyện một nhà văn lão thành xứ kim chi, “không bao giờ nhận lời tiếp xúc với độc giả”, “khi người đọc phá vỡ quy ước của riêng ông, người đọc xuất hiện hữu hình, ấy là khi nhà văn thất vọng”, có câu thoại: “Cuộc đổ bộ của ta chỉ dừng ở chân núi, còn con, cuộc đổ bộ của con là phải ở trên kia, trên đỉnh núi ấy”. Tôi tin, Hồ Anh Thái cũng đang lặp lại sự ngủ ấy, cuộc đổ bộ ấy với chính mình và thế hệ tiếp nối.
Người nào dám nghĩ rằng mình, thân xác và tâm hồn, chỉ là một cái khuôn, một cái vỏ, một con búp bê rỗng ruột? Để rót đời vào. Để làm đầy chính mình. Nội tâm nhà văn là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ thứ ba. Ông gặp lại ông.
Không Diễn, không Sắp đặt, Không hơn gì nhau câu nói, Buông bỏ. “Bàn tay ta nắm được bao nhiêu chiếc lá, thì chỉ bấy nhiêu là đủ cho mình”. “Cái gì cần thiết mà đến một lúc nào đó cũng chẳng giữ được nguyên lành, hãy ý thức được quy luật và hãy buông. Người mà ta yêu mến, một ngày nào đó cũng ra đi, ta chẳng giữ được, hãy biết trước như vậy mà thanh thản, không níu giữ khóc lóc”.
Đi và cứ đi, hành trình của Sách mang theo. Một cuộc “tự thú”, bắt đầu bằng thế giới chân dung nhà văn bạn bè góc cạnh, sắc nét từ bên trong chứ không hề xanh đỏ tím vàng cầu vồng mạo nhận. Họ trở thành nhân vật của tôi - mỗi chân dung là một tấm gương, hơn hết, muốn hay không, tác giả soi mình vào. Dậy lên hương thơm của tấm gương, nếu có. Chứ không vẽ vời, không nặn tượng. Chân dung văn học là thể loại khó. Trước tiên, đối tượng có thật chứ không phải một nhân vật hư cấu thế nào cũng được. Nhưng, cứ kể lể xoành xoạch thì thôi văn vẻ gì nữa, đem máy ảnh tới mà chụp cái rẹt cho xong. Hồ Anh Thái ít viết chân dung văn học, nhưng ông là một trong số ít tác giả viết hay trong thể loại hương hoa này.
Chân dung của chính mình, là chân dung khó viết nhất. Cần sự can đảm, tự trọng và kiêu hãnh. Cần va chạm dữ dội và lắng đọng tuyệt đối. Cần ràng buộc với mọi hoàn cảnh phải có và cắt đứt, kể cả mối liên hệ cuối cùng. “May quá, mình đã qua tuổi sợ bóng tối và sợ ma” (Sợ độ cao). Thể loại tiểu luận và tản văn, ông gặp lại ông rõ rệt nhất. Ông không kể cho ai nghe cuộc gặp gỡ đầy thịnh nộ giấu sau vẻ giễu cợt, hóm hỉnh ấy. Tôi chỉ khéo tưởng tượng.
*
Tôi vẫn còn ước mình có duyên gặp Hồ Anh Thái sớm hơn. Tác giả Lời bộc bạch của đứa con thời đại, cũng thế. Cho đến nay, ông và tôi chưa bao giờ chạm mặt. Có lẽ, hình hài tai mắt mũi miệng chỉ cần thiết cho những người xem nó là tất cả.
Núi Dinh, Bà Rịa 20-25/11/2013
T.S
(SH302/04-14)
Họ tên: Dương Thị Khánh
Năm sinh: 1944
Quê quán: Thừa Thiên Huế
Hiện ở: 71 đường 3 tháng 2, thành phố Đà Lạt
HỒ LIỄU
Trần Thị NgH [bút danh khác là Thọ Diên] tên thật là Trần Thị Nguyệt Hồng, sinh 18/4/1949 tại An Xuyên, Cà Mau. Năm mười tuổi bắt đầu đọc thơ. Bắt đầu viết văn từ năm 1968.
LTS: Nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của thi sĩ Bùi Giáng (17/12/1926 - 7/10/1998), sáng 14/9 tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học, thu hút 25 tham luận của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và khoảng 400 người đến dự.
CHINGHIZ AIMATỐP
Dưới đây cuộc trao đổi ý kiến giữa Irina Risina, phóng viên báo Litêraturnaia Gazeta với nhà văn Ch. Aimatốp ít lâu sau Đại hội lần thứ 8 của các nhà văn Liên Xô.
BÙI VIỆT THẮNG
(Đọc Thuyền trăng - Tập thơ của Hồ Thế Hà, Nxb. Văn học, 2013)
TRẦN THÙY MAI
Tôi biết chị Võ Ngọc Lan từ khi còn làm việc ở Nxb. Thuận Hóa, lúc đó tôi được giao biên tập cuốn Niệm khúc cho mưa Huế của chị.
YẾN THANH
“Năm nào đó, hình như tôi đã trồng ở đây một cây ưu tình, cây đã ra hoa lẫn vào màu xanh ngõ vắng, và đã dẫn tôi đến một miền trắng xóa như một giấc mơ đổ vỡ bên trời.”
(Ngõ Huế - Hạ Nguyên)
TRUNG SƠN
100 NĂM NGÀY SINH BÁC SĨ NGUYỄN KHẮC VIỆN (1913 - 2013)
Các tạp chí văn nghệ ở các địa phương trong những năm qua đã đóng góp rất nhiều vào dòng chảy văn học Việt Nam. Đó là nơi góp sức hình thành tên tuổi của nhiều tác giả, tác phẩm từ các địa phương trước khi soi vào gương mặt chung của nền văn học nước nhà, là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa văn nghệ của mỗi vùng đất, là nơi khởi thủy của những khuynh hướng sáng tạo mới...
NINH GIANG THU CÚC
Tôi đọc Tim Tím Huế của Bùi Kim Chi bằng tâm trạng, và tâm cảm mình là một kẻ đang được dự phần trong cuộc hành hương về vùng trời hạnh phúc, về thiên đường của tuổi măng tơ, về lứa tuổi mà ai đó đã rất tự hào và trân quý khi họ viết.
NINH GIANG THU CÚC
Tôi đọc Tim Tím Huế của Bùi Kim Chi bằng tâm trạng, và tâm cảm mình là một kẻ đang được dự phần trong cuộc hành hương về vùng trời hạnh phúc, về thiên đường của tuổi măng tơ, về lứa tuổi mà ai đó đã rất tự hào và trân quý khi họ viết.
THÁI KIM LAN
Đầu năm 1999, nhà Văn hóa Thế giới ở Berlin gửi xuống Muenchen cho tôi ngót chục bài thơ, nhờ chuyển ngữ sang tiếng Đức cho tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Berlin vào cuối tháng 3 năm ấy. Như thường lệ không đắn đo, tôi sốt sắng nhận lời.
LÊ MINH PHONG
Đừng đặt tên cho họ…
Có thể họ còn vô vàn những cuộc phiêu lưu khác nữa.
(Robbe - Grillet)
PHAN TRẦN THANH TÚ
“Chính anh là người đã nhẫn tâm với bản thân mình khi tôn thờ chỉ có một điều duy nhất” (Đoản khúc số 97)
KỶ NIỆM 123 NĂM NGÀY SINH CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
TRẦN HIẾU ĐỨC
HOÀNG HƯƠNG TRANG
Chữ Quốc Ngữ (Q.N) viết theo dạng 24 chữ cái ABC xuất xứ từ các Thầy Dòng truyền giáo Tây Phương mang vào nước ta, cho đến nay gọi là được phổ biến trên dưới trăm năm, gói gọn vào thế kỷ 20.
THỤY KHỞI
Lần hồi qua những trang thơ Lê Vĩnh Thái mới thấy chất liệu thơ từ Ký ức xanh (2004), Ngày không nhớ (2010) cho đến nay Trôi cùng đám cỏ rẽ(*) (2012) hẳn là sự hối hả của dòng chảy ký ức miệt mài băng qua những ghềnh thác thời gian, mà ở độ tuổi của anh có thể bị ăn mòn.
Hoàng Minh Tường
Nhà văn, nhà báo Lê Khắc Hoan xuất hiện và gây ấn tượng trên văn đàn khá sớm: Năm 1959, khi đang là giáo viên trường Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, Lê Khắc Hoan đã có truyện ngắn đầu tay Đôi rắn thần trong hang Pa Kham đoạt giải Khuyến khích báo Thống Nhất (Nguyễn Quang Sáng giải Nhất với truyện ngắn Ông Năm Hạng).
LÊ HUỲNH LÂM
Khi thơ như một tấm gương phản chiếu tâm hồn của tác giả, phản ánh nhận thức của người sáng tạo với cuộc sống quanh mình, chiếc bóng trong tấm gương ấy là một phần của sự thật. Đôi khi sự thật cũng chưa được diễn đạt trọn vẹn bằng ngôn ngữ của nhà thơ.
HOÀNG ANH
(Bài viết này, là nén hương lòng tôi thắp dâng lên linh hồn của anh Đơn Phương thân quý!)