LÝ HOÀI THU
Thôn ca (1944) của Đoàn Văn Cừ là bức tranh thơ sống động về con người và cảnh vật của không gian văn hóa Sơn Nam - Bắc Bộ.
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ - Ảnh: internet
Cũng như Nguyễn Khuyến và Nguyễn Bính - hai nhà thơ đồng hương nổi tiếng, thơ Đoàn Văn Cừ in đậm dấu ấn đặc trưng của đời sống và thiên nhiên xứ Bắc: từ một ngôi Làng, Người làng, Đồng làng, Tục làng đến phiên Chợ làng vào xuân, lễ Tế thánh, Đêm trăng xanh; từ một căn Nhà tranh, một Xóm nhỏ đến một Ngôi đình, một con Đường về quê mẹ; từ Ngày mùa, Đám hội đến Đám cưới mùa xuân, Chơi xuân; từ một Bữa cơm quê đến Chợ Tết;… Rồi bình minh, nắng xuân, trăng hè, gió thu, đêm đông; rồi sáng, trưa, chiều, tối; rồi trâu, bò, gà, vịt, vv và vv… Có thể thấy, với Thôn ca, một lần nữa, cảnh và người vùng nam Bắc bộ đã được thị giác hóa bởi một lối viết đặc biệt nhạy cảm trước sắc màu, hình ảnh, một thứ thơ rất gần với hội họa, mang tính họa. Chính vì lẽ đó, trong Thi nhân Việt Nam, khi xếp Đoàn Văn Cừ vào nhóm thơ tả chân (gồm Nam Trân, Anh Thơ, Bàng Bá Lân,…), Hoài Thanh đã khẳng định: “Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ”.
Là một hồn thơ được nuôi dưỡng bằng những tình cảm hồn hậu, mộc mạc, ấm áp và chân tình ở chốn làng quê, thơ Đoàn Văn Cừ, do vậy, cũng mang nhiều nét trong trẻo, lành mạnh, tươi sáng và thấm đẫm bản sắc Việt. Đường viền không gian và thế giới nghệ thuật của tập thơ dường như chỉ được bao bọc bởi khuôn viên làng, một hình ảnh thân thuộc trong tâm thức người Việt - những cư dân của nền “văn minh lúa nước”:
Làng tôi: mươi chục nóc nhà tranh
Một ngọn chùa cao, một nóc đình
Một rặng tre già vươn chót vót
Một dòng sông trắng chảy vòng quanh…
Cứ thế làng tôi tháng lại năm
Sống bên ruộng lúa, cạnh ao đầm,
Đời như mặt nước ao tù lắng,
Gió lạ không hề thổi gợn tăm
(Làng)
Dễ nhận thấy ở đây sự giao thoa giữa Đoàn Văn Cừ với Nguyễn Khuyến - nhà thơ số một của làng cảnh Việt Nam - trong sự cảm nhận, chọn lựa và khắc họa những bức tranh quê đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ (vùng chiêm trũng): Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo/ Sóng biếc theo làn hơi gợn tí/ Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo (Thu điếu); Năm gian nhà cỏ thấp le te/ Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe/ Lưng dậu phất phơ màu khói nhạt/ Làn ao lóng lánh bóng trăng loe (Thu ẩm)… Việc thiếu vắng những hình ảnh núi cao, sông rộng, những “sơn thủy hữu tình”, non xanh nước biếc… cho thấy sự chi phối của những đặc điểm riêng trong mô hình cấu trúc không gian văn hóa vật thể, của hệ sinh thái môi trường, địa lý, đến cái nhìn nghệ thuật và đặc sắc thi pháp của nhà thơ. Không phải ngẫu nhiên mà những “điểm nhấn” trở đi trở lại khá nhiều trong thơ của cả hai ông là chiếc ao làng, cầu tre ruộng lúa, những gian nhà cỏ mái rạ vách bùn, những ngõ tối quanh co, cồn xanh bãi tía… Dĩ nhiên giữa hai người là một khoảng cách thời gian dài, là hai thế hệ thi nhân với sự khác biệt về tâm hồn và “cách biểu đạt tâm hồn”. Thơ Nguyễn Khuyến nhiều tâm sự, nỗi niềm nhưng trầm mặc và lắng đọng. Đoàn Văn Cừ là nhà thơ thuộc Phong trào thơ mới, trẻ tuổi và trẻ lòng. Những nét vẽ trong thơ ông giàu cảm xúc, truyền tải phong vị dân gian thuần khiết, hồn nhiên và tươi sáng. Mỗi bài thơ là một cuốn “phim mi-ni”, một bức tranh với nhiều gam màu nổi bật và đường nét sinh động về cảnh quê lẫn hồn quê đất Việt. Bài Chợ Tết mở đầu bằng những phác thảo viễn cảnh:
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết
Và dừng lại ở sự đặc tả những chi tiết tươi vui, ngộ nghĩnh:
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu…
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc ao the xanh…
Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết
Con gà trống mào thâm như cục tiết
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem…
Nhiều bài thơ khác trong Thôn ca như Trăng hè, Thu, Mùa xuân, Đám hội, Đám cưới mùa xuân, Đàn gà vịt, Đêm trăng xanh, Nét chấm phá,… đều được tạo dựng bởi sự xếp đặt sắc màu và lắp ghép hình ảnh. Song, tất cả dường như không theo một trật tự kết cấu hài hòa, chặt chẽ của thi pháp cổ điển mà có sự mở rộng kích thước theo nhịp điệu tâm trạng. Cùng được tắm gội trong bầu không khí của văn hóa Folklore nhưng nếu như Nguyễn Bính luôn có sự giằng co, phân thân giữa thôn dân và thị dân, sự “dan díu” giữa đô thành và làng mạc… và những bài thơ viết về: “Hội chèo làng Đặng”, “Hội làng”, “Quan trạng”, “Truyện cổ tích”… đều gắn với hai nhân vật trữ tình là “anh” và “em”, suy cho cùng nó vẫn là câu chuyện của tình yêu đôi lứa: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”/… Chờ mãi anh sang anh chẳng sang/ Thế mà hôm nọ hát bên làng/ Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn/ Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng/… Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay/ Hoa xoan đã nát dưới chân giày/ Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ/ Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày” (Mưa xuân); thì đời sống nội tâm của Đoàn Văn Cừ có phần nhẹ nhõm, hồn nhiên và tươi trẻ hơn. Nhiều bài thơ như một tự sự nhỏ, hướng đến tâm lý “cộng đồng” mà ít phần riêng tư, cá nhân. Ngay cả nụ cười dí dỏm ẩn giấu sau mấy câu thơ:
Trên bãi cỏ dưới trời xuân bát ngát
Một chị đang du ngửa tít trên không,
Cụ lý già dừng lại ngửa đầu trông
Mắt hấp háy nhìn qua đôi mục kỉnh
(Đám hội)
thì nó vẫn là cái nhìn ngây thơ, trong sáng, hòa quyện vào niềm vui tập thể trẻ trung, sôi động mà thanh thản. Cảnh vật và thiên nhiên trong thơ Đoàn Văn Cừ ít mang sắc thái “ngụ tình”. Có lẽ một phần do Thôn ca chưa có những bài thơ tình đúng nghĩa (Bài Lá thắm chỉ là sự gửi gắm xa xôi…). Thế giới nhân vật đám đông, già, trẻ, gái, trai… trong Thôn ca hiện lên mộc mạc, vô tư và tự nhiên gần gũi. Họ là con người của những cuộc vui, từ dáng điệu đến gương mặt, ánh mắt, nụ cười long lanh “ngũ sắc” đều gắn với không khí phấn chấn, tưng bừng của lễ hội. Đó thực sự là những bức tranh dân gian tươi tắn, nhiều màu, đầy sức sống; là sự biểu thị những hằng số văn hóa của một vùng đất đai, xứ sở ẩn chứa nhiều trầm tích.
Thơ Đoàn Văn Cừ thiên về bút pháp tả thực và hệ thống hình ảnh, chi tiết khá rườm rà trong thơ ông, vì vậy, mang đậm tính trực quan. Những phong tục tập quán lâu đời, những ký ức, hoài niệm tưởng đã lùi chìm vào dĩ vãng xa xăm, dưới ngòi bút miêu tả tỉ mỉ của ông trở nên cụ thể, sinh động, có hình, có nét:
Tết: bánh chưng xanh xếp chật nồi
Con vàng sợ pháo chạy cong đuôi
Cô nào đi lễ khăn vuông mới
Chiếc yếm đào trông đến đẹp tươi
(Làng)
Hoặc:
Nhà có con trai mới vấn danh,
Sang chơi nhà gái kết thân tình.
Đầu năm lễ tổ: con gà trống
Ngày tết mùng Năm: thúng đỗ xanh…
Chùa xóm làm ngay ở mé ngòi
Trong ba ngày Tết cũng gà xôi,
Cúng xong các cụ chia gà biếu:
Bốn cụ ngồi trên biếu bốn đùi
(Tục làng)
Những phạm trù thời gian: sáng, trưa, chiều, tối; những xuân, hè, thu, đông vốn trừu tượng, vô hình đã được Đoàn Văn Cừ hữu hình hóa bằng một làn khói, một màu mây, một vòm trời, một tia nắng, một cánh buồm, một hàng tre hút gió… Tuy nhiên, bên cạnh phương thức tạo lập thế giới nghệ thuật thơ bằng hệ thống hình ảnh thiên về “tả chân”, thi thoảng tư duy thơ Đoàn Văn Cừ đột ngột chuyển hóa vào những liên tưởng giàu sức gợi, mang đậm tính thơ và ý nghĩa khái quát:
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau
Đó là hai câu thơ thăng hoa từ vô số những chi tiết thực mang “dáng dấp văn xuôi” (kể và tả) của bài Chợ Tết. Những câu thơ được đánh giá là độc đáo bậc nhất của Đoàn Văn Cừ không chỉ ở sự mới lạ của trí tưởng tượng mà còn ở độ kết tinh, hóa thạch, ở khả năng thị giác hóa biểu tượng văn hóa tâm linh và dòng chảy thời gian - đời người. Ở một số bài thơ khác và từ một cấp độ khác, Đoàn Văn Cừ cũng tạo được những cái kết thúc khá ấn tượng cho bài thơ mà Hoài Thanh gọi đó là những câu thơ “khép lại một thế giới và mở ra một thế giới: khép lại một thế giới thực, mở ra một thế giới mộng” (Thi nhân Việt Nam):
Chỉ còn nghe văng vẳng tiếng chim xuân
Ca ánh ỏi trên cành xanh tắm nắng
(Đám cưới mùa xuân)
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ
(Chợ Tết)
Sao trời từng chiếc rơi thành lệ
Sương khói bên đồng ủ bóng mơ
(Trăng hè)
Cũng cần phải nhấn mạnh thêm, nhờ có kiểu kết đó, bài thơ chứa đựng nhiều tâm trạng, giàu sức biểu hiện hơn. Và sâu xa nữa là sự đồng điệu về tâm hồn, về những cung bậc cảm xúc giữa Đoàn Văn Cừ với những nhà thơ cùng thế hệ. Một thoáng bâng khuâng, man mác, phảng phất buồn… Có nghĩa là, mặc dầu vắng bóng những “chàng - nàng”, “tài tử - giai nhân”… nhưng trước sau Đoàn Văn Cừ vẫn là nhà thơ của trào lưu thơ ca lãng mạn và Thôn ca - tác phẩm đầu tay tạo nên tên tuổi - là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông.
Người phương Đông khẳng định: “Thi trung hữu họa”. Đó là sự đúc kết đặc tính của văn bản, là vẻ đẹp ngôn từ nghệ thuật thơ. Thôn ca của Đoàn Văn Cừ ngập tràn sắc màu (đỏ, vàng, tím, xanh, nâu, trắng, lam hồng, đỏ rực, xanh ngắt, xanh cánh trả, trắng phau phau…) và nhộn nhịp hình bóng con người (bà cụ lão, cụ lý già, thằng em bé, cô gái xứ quê, người cô dâu, “bọn” đô vật, anh bán pháo, bác lái trâu, chị sen, ông Đội…). Đó là một thứ ký hiệu riêng, một “kỹ thuật” viết coi trọng sự quan sát trực giác, một lối thơ “nói” bằng sắc màu, hình ảnh, tạo ấn tượng mạnh về thị giác và là một yếu tố nổi bật trong phong cách thơ Đoàn Văn Cừ.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày tập thơ ra đời, Thôn ca đã lưu giữ được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống cùng cái “nhịp nhàng” của đời sống dân quê thời xưa. Chính vì vậy, trên thi đàn dân tộc nửa đầu thế kỷ XX, Thôn ca có một vị trí không thể thay thế và nhà thơ Đoàn Văn Cừ vẫn mãi là một gương mặt khả ái, độc đáo của Phong trào thơ mới và rộng hơn là thơ Việt Nam hiện đại.
L.H.T
(SH303/05-14)
NGUYỄN TÚ
Nhân đọc bài "Sứ mệnh kẻ sĩ trước nghĩa Cần Vương'' đăng trong Tạp chí Sông Hương số 4, tháng bảy - tám 92, tôi xin có một ý kiến nhỏ gọi là góp phần tìm hiểu.
PHAN NGỌC
Nói đến văn hóa ở thời đại kỹ thuật là nói đến biện pháp kinh doanh văn hóa, đổi mới văn hóa để làm đất nước giàu có, phát triển.
DÃ LAN NGUYỄN ĐỨC DỤ
Câu hỏi trên đây, từ trước đến nay đã làm bận tâm không ít những người hằng quan tâm đến tương lai tiếng Việt, và mối bận tâm ấy đã được vài ba tác giả đề cập trên báo.
HUỲNH THẠCH HÀ
Mau lẹ, hung hãn, đáng sợ, quyến rũ, có lẽ là những từ thường dùng khi nói về loài hổ. Hổ còn có nhiều tên gọi khác như cọp, ông Ba mươi, ông vằn, chúa sơn lâm…
VŨ NHƯ QUỲNH
Tác phong, đạo đức, nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức cảm hóa, lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân. Tầm nhìn chiến lược của Người vô cùng to lớn, đặc biệt đối với ngành Y tế trong giai đoạn hiện nay, là tuyến đầu đang trực tiếp chiến đấu với đại dịch Covid-19.
(Phỏng vấn nhà nghiên cứu phê bình văn học HOÀNG NGỌC HIẾN)
PHẠM PHÚ PHONG
Thi pháp là mỹ học của nghệ thuật ngôn từ, hay nói đúng hơn là cái đẹp của nghệ thuật văn chương. Nghĩa là toàn bộ những yếu tố cấu thành hệ thống nghệ thuật của một hiện tượng văn học.
PHẠM PHÚ UYÊN CHÂU
Giai đoạn 1900 - 1945 là giai đoạn có “một thời đại mới trong thi ca” xuất hiện. Cùng với Sài Gòn và Hà Nội, xứ Huế ở thời điểm này trở thành một trong ba trung tâm báo chí, xuất bản của cả nước, nên không thể đứng ngoài hoặc không chịu tác động chi phối bởi những âm vang thời đại.
LÊ QUANG THÁI
Không hẳn nghĩa Cần Vương phát sinh từ khi kinh thành Huế thất thủ sau ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (5-7-1885). Sở dĩ người ta thường quen gọi phong trào chống Pháp từ khi vua Hàm Nghi xuất bôn và xuống chiếu kêu gọi toàn dân chiến đấu chống thực dân xâm lược từ năm 1885 - 1888 là phong trào Cần Vương, bởi lẽ vua Hàm Nghi là linh hồn của cuộc kháng chiến trong thời cao điểm chống Pháp.
PHAN HỨA THỤY
Sau Đào Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh là một tác giả lớn của xứ Đàng Trong vào thế kỷ XVIII, không những thế, Nguyễn Cư Trinh còn là một nhà hoạt động chính trị, quân sự có tài đã có những đóng góp cho lịch sử dân tộc.
NGUYỄN KHOA ĐIỀM
(Giới thiệu, dịch thơ)
Miên Triện có tự là Quân Công, hiệu Ước Đình, là nhà thơ, nhà soạn tuồng tên tuổi của nước ta vào cuối thế kỷ XIX.
PHẠM PHÚ PHONG
(Nhân đọc “Thơ vua & Suy ngẫm” của Nguyễn Phước Hải Trung)
Một bộ óc thông minh có giá trị hơn một bộ óc chứa đầy chữ
(Montaigne)
VÕ XUÂN TRANG
Dạy tiếng Việt cho học sinh bản ngữ nên dạy cái gì? Câu hỏi này đặt ra tưởng như thừa lại hết sức cần thiết và cho đến nay các nhà ngôn ngữ học cũng như các nhà giáo dục học văn chưa trả lời được một cách rõ ràng và dứt khoát.
MAURICE BLANCHOT
Những Nhân ngư: dường như họ thực sự hát, nhưng theo một cách dang dở, cái cách mà chỉ cho một dấu hiệu về nơi những nguồn gốc thực sự và hạnh phúc thực sự của bài ca mở ra.
ANDREW HAAS
Khi virus corona mới xuất hiện, tôi bắt đầu dạy tác phẩm Phaedo của Plato [đối thoại nổi tiếng của ông bàn về sự bất tử của linh hồn - ND].
PHÙNG TẤN ĐÔNG
Nhà báo, học giả Lê Dư, còn có tên Lê Đăng Dư, Lê Kính (1884 - 1967)(1), hiệu Sở Cuồng (người Cuồng nước Sở), sinh quán tại làng Nông Sơn (nay thuộc xã Điện Thọ) huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
TRẦN ĐÌNH HƯỢU
Chúng ta đều đã biết sự thay đổi đột ngột trong cách đánh giá Tự Lực văn đoàn.
YẾN THANH
Dân tộc học (Ethnologie) là một địa hạt kén người nghiên cứu, bởi bước chân vào đó nếu muốn có kết quả đáng tin cậy, đôi khi phải đánh đổi cả đời người, cả nghiệp bút, chứ không thể “ăn xổi ở thì” với những dự án ngắn hạn.