365 ngày văn nghệ

20:41 31/12/2018

2018 có lẽ là một năm “gặt hái” của văn nghệ Việt Nam trên trường quốc tế. Từ các cuộc thi nhan sắc, đến văn chương công chúng đều chứng kiến những giải thưởng gọi tên Việt Nam. Thậm chí, lĩnh vực xiếc vốn ít được nhắc tới thì anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp cũng tạo lập những kỷ lục quốc tế và liên tục được truyền thông quốc tế xướng tên…

Nhà văn Bảo Ninh nhận giải thưởng Văn học châu Á với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”.

Tỏa sáng văn chương Việt

Không hẹn mà gặp, cùng lúc văn đàn Việt Nam đón nhận nhiều tin vui, đó là nhiều giải thưởng văn chương đã gọi tên các nhà văn Việt Nam. Cụ thể, trung tuần tháng 11/2018, nhà văn Bảo Ninh nhận được Giải thưởng Văn học châu Á tại Hàn Quốc với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”. Trước đó, cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh đã được dịch sang tiếng Hàn bởi dịch giả Ha Jae Hong, phát hành bởi NXB Asia.

Giải thưởng Văn học châu Á (Asian Literature Award) nằm trong khuôn khổ Liên hoan Văn học châu Á do Trung tâm Văn hóa châu Á tại Hàn Quốc tổ chức. Đây là tổ chức trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hàn Quốc được thành lập từ năm 2015 nhằm trao đổi văn hóa, nghệ thuật quốc tế.

Trước đó, hôm 13/10, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư với tập truyện “Cánh đồng bất tận” (bản tiếng Đức) cũng chính thức được vinh danh với giải thưởng LiBeraturpreis 2018 của Đức, trong lễ trao giải tổ chức ở Hội chợ sách Frankfurt 2018. Literaturpreis là giải thưởng được thành lập 30 năm qua, dành cho các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latin, Thế giới Ả Rập và vùng Caribe.

Giải thưởng do Hội Văn hóa Kitprom và Hội sách Frankfurt phối hợp tổ chức, và thành viên ban giám khảo là các nhà văn, phê bình văn học Đức. Một số tác giả từng nhận được giải này như: Madeleide Thien (Cambodia), Laksmi Pamuntjak (Indonesia), Fariba Vafi (Iran)... Được biết, tập truyện “Cánh đồng bất tận” phát hành tại Đức vào tháng 7-2017, được nhóm dịch giả chuyển ngữ với tựa đề “Endlose Felder”.

Một tên tuổi khác của văn chương Việt cũng được gọi tên, đó là nhà văn Nguyễn Quang Thiều khi ông nhận Giải thưởng văn học Hàn Quốc Changwon KC international literary Prize (tạm dịch: Giải thưởng văn học quốc tế Hàn Quốc Changwon) năm 2018. Đây là giải thưởng được trao cho những nhà văn có độ tuổi 50 – 65 với những cống hiến, đóng góp sáng tạo văn học nghệ thuật không chỉ trong nước mà còn ngoài nước. Ngoài tác phẩm được dịch sang tiếng Hàn thì tác giả dự giải cũng phải có tác phẩm được dịch sang tiếng Anh.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được coi là một trong những người đầu tiên đưa văn học xứ sở Kim chi đến Việt Nam với việc giới thiệu 5 tác giả Hàn Quốc. Hiện nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Á-Phi, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội Nhà văn Việt Nam…

Được vinh danh tại các giải thưởng văn chương quốc tế là niềm đáng tự hào. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, giá như đó là những tác phẩm mới thì điều đó trở nên ý nghĩa hơn đối với văn chương Việt. Bởi lẽ, những “Nỗi buồn chiến tranh” hay “Cánh đồng bất tận” đều là những tác phẩm đã nổi tiếng, từng gặt hái những giải thưởng trong và ngoài nước. 

Trong khi đó, nhìn vào đời sống văn chương trong nước năm 2018 vẫn khá bình lặng. Dù nhiều nhà văn vẫn đều đặn ra sách, thậm chí như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mới ra mắt tập “Cảm ơn người lớn” với số lượng kỷ lục 150.000 bản, song vẫn chưa thấy những tác phẩm đỉnh cao.

Ngay cả trong cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 6 vừa công bố giải thưởng cũng không tìm ra tác phẩm xứng đáng để trao giải nhất. Xin nhắc lại, đây là cuộc thi được phát động từ tháng 12/2015. Sau gần 3 năm, ban tổ chức đã nhận được 458 tác phẩm, với 347 truyện dài và 111 tập truyện ngắn. Trong đó không chỉ nhận được sự tham gia nhiệt tình từ rất nhiều tác giả trẻ trong nước, mà còn đón nhận lượng lớn tác phẩm dự thi gửi về từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Pháp, Úc, Tây Ban Nha...

365 ngày văn nghệ

Phim Việt tìm đường ra biển lớn

Ở lĩnh vực điện ảnh, năm 2018 cũng chứng kiến cuộc vật lộn để tìm kiếm lối đi ra với thế giới của nhiều nhà sản xuất, đạo diễn. Trong đó không thể không nhắc tới những bộ phim góp phần tôn vinh văn hóa Việt như “Song lang”, Cô Ba Sài Gòn”… 

Năm qua, bộ phim “Cô ba Sài Gòn” (Trần Bửu Lộc - Kay Nguyễn đạo diễn, Ngô Thanh Vân sản xuất)- từng gặt hái nhiều thành công trong nước như giải Cánh diều vàng hạng mục Phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất và giải thưởng của ban giám khảo tại LHP Việt Nam lần thứ 20- đã được Cục Điện ảnh chính thức lựa chọn trở thành đại diện duy nhất để tham gia tranh cử tại hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” tại Oscar lần thứ 91 của Viện Hàn lâm Khoa học Điện ảnh ở Mỹ.

Tiếp đó, bộ phim “Song lang” - dù doanh thu tại thị trường trong nước không như mong đợi nhưng đã có mặt ở LHP lớn nhất Châu Á - Tokyo International Film Fesstival lần thứ 31, diễn ra từ ngày 25/10 đến 3/11. Trong 10 ngày đến Tokyo và tham dự LHP quốc tế Tokyo, đạo diễn “Song lang” là Leon Quang Lê và các diễn viên trong đoàn phim đã có các buổi giao lưu trò chuyện với khán giả xem phim, tham dự các buổi gặp gỡ đồng nghiệp Nhật Bản, châu Á và quốc tế.

365 ngày văn nghệ

Cảnh trong phim “Song lang”.

Đặc biệt, niềm vui đã đến khi Liên Bỉnh Phát với vai Dũng Thiên lôi trong “Song lang” đã được trao giải Đá quý (Tokyo Gemstone) tại LHP quốc tế Tokyo. Chia sẻ với giới truyền thông, Liên Bỉnh Phát nói: “Tôi rất vui và vinh dự khi lần đầu tiên tham dự một liên hoan phim quốc tế lại được một giải thưởng cá nhân như vậy. Điều này tạo động lực rất lớn cho tôi tiếp tục theo đuổi sự nghiệp diễn viên”.  

Một phim khác cũng được ra rạp tại Mỹ đó là “Hai Phượng” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Theo đó, trong khuôn khổ American Film Market (Chợ phim tại Mỹ), Arclight Film - công ty đại diện của “Hai Phượng” tại Mỹ đã chính thức ký kết với Well Go USA Entertainment để bán bản quyền chiếu phim tại các hệ thống rạp chiếu ở Mỹ.

Well Go USA là hãng phát hành nội dung hàng đầu, bao gồm các phim hành động, thể loại độc lập tốt nhất từ Mỹ và khắp thế giới như: Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, châu Á và châu Âu. Việc đưa phim Việt vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ cũng giúp cho bạn bè quốc tế biết nhiều hơn về bối cảnh tại Việt Nam sử dụng trong việc sản xuất phim điện ảnh, và làm nổi bật về tinh thần, sự mạnh mẽ của hình tượng người phụ nữ Việt Nam. Với tên tiếng Anh là “Furie”, Hai Phượng được kỳ vọng sẽ khẳng định được vị thế và chất lượng của phim Việt đương đại trước đông đảo bạn bè quốc tế. 

Theo nhà sản xuất, diễn viên Ngô Thanh Vân, khán giả quốc tế cũng say mê, cũng yêu thích những giá trị văn hóa Việt như chính người Việt vậy. Bởi đó là chiếc cầu nối quá khứ với thực tại, nối những điều bình dị nhất với những điều tinh tế nhất. Và hơn hết, điện ảnh cũng là con đường ngắn nhất để giới thiệu bản sắc dân tộc với bạn bè thế giới.

365 ngày văn nghệ

Tranh lụa “Mẹ con” của họa sĩ Nguyễn Thụ.

Mảng màu sáng tối

Nếu văn chương, điện ảnh chứng kiến những cuộc chinh phục thì mỹ thuật Việt chứng kiến những cuộc trở về của nhiều tác phẩm hội họa của các họa sĩ danh tiếng. Đó là cuộc trở về của gần 500 tác phẩm hội họa của một số họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam đã được Tập đoàn Thái Bình Dương mua từ nhà sưu tập nước ngoài để đưa về trưng bày tại Việt Nam.

Trong đó có một số tác phẩm thuộc hai bộ tứ “Trí - Lân - Vân - Cẩn” và “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái”, và của một số họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Trọng Hợp, Dương Hướng Minh, Mai Văn Hiến, Mai Văn Nam, Tôn Đức Lượng, Văn Giáo, Văn Bình, Nguyễn Văn Thiện, Phan Thông, Thái Hà, Quang Phòng… và các họa sĩ kháng chiến như Nguyễn Thụ, Mai Long…

Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như: “Phong cảnh”, “Trừu tượng” của Nguyễn Gia Trí; “Tiên cưỡi Rồng”, “Điệu múa cổ” của Nguyễn Tư Nghiêm, “Chân dung Kiều Chinh” của Dương Bích Liên, “Chùa Thầy” của Nguyễn Sáng, “Chân dung Lâm cà phê” của Bùi Xuân Phái, “Tình Mẫu tử” của Lê Phổ, “Phong cảnh mưa” của Nguyễn Thụ…  

Bên cạnh đó, lần đầu tiên, những bức tranh quý của họa sĩ Lê Thị Lựu  cũng đã chính thức “hồi cố hương” khiến giới mỹ thuật đặc biệt quan tâm. Không chỉ là nữ họa sĩ xuất sắc của Trường Mỹ thuật Đông Dương, là nữ họa sĩ đầu tiên của mỹ thuật Việt Nam đương đại, họa sĩ Lê Thị Lựu còn có nhiều công lao trong việc giảng dạy hội họa, đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị cho di sản mỹ thuật Việt Nam. Từ Pháp, 29 tác phẩm của bà đã trở về cố hương, theo di nguyện của gia đình. 

Tuy nhiên, mỹ thuật Việt Nam 2018 cũng vẫn chứng kiến một câu chuyện “đen tối” làm xấu xí hình ảnh của hội họa. Đó là nạn tranh giả vẫn hoành hành. Câu chuyện một bức tranh bị tố là tranh giả xuất hiện ở phiên đấu giá số 15 của nhà đấu giá Chọn hồi tháng 7 đã dấy lên nghi ngại về vấn đề thẩm định mỹ thuật. Điều này cho thấy không chỉ hoạt động như một thế giới ngầm, tranh giả đã công khai trên sàn đấu giá. Vì thế, có ý kiến cho rằng, sàn đấu giá đang là “cửa sáng” cho tranh giả không phải là không có những lý do.

Trước vấn nạn này, cuối năm 2018 người ta cũng chứng kiến động thái Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) ra mắt Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Với một đội ngũ gồm các họa sĩ, nhà nghiên cứu uy tín như họa sĩ Lương Xuân Đoàn, họa sĩ Thành Chương, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, nhà điêu khắc Vương Học Báo, nhà điêu khắc Lê Lạng Lương, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh… kết hợp với sự tham gia của nhiều chuyên gia và hệ thống máy móc hiện đại từ Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), Trung tâm này ra đời với hi vọng chấm dứt tình trạng thật- giả lẫn lộn khiến cho uy tín của thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Theo Mai Hoàng - Đại Đoàn Kết

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Khi được hỏi lý do nào thôi thúc bà hoàn thành cuốn tiểu thuyết dã sử về Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, nhà văn Lê Phương Liên tâm sự rằng: “Tôi hăng hái ngồi bên bàn phím, viết đêm viết ngày như là nhập đồng, như là có một nguồn lực siêu nhiên nào thôi thúc”.

  • Tình yêu quê hương, tình yêu gia đình, những khám phá thú vị trong cuộc sống xa xứ là điểm chung trong hai tác phẩm “Bốn mùa hoang vu xứ kiwi” và “3,1kg hạnh phúc” của hai tác giả trẻ Trần Băng Khuê và Mai Thanh Nga cho bạn đọc thấy được phong vị của những vùng đất khác nhau cũng như cuộc sống của những người Việt trẻ xa xứ.

  • Sức viết của nhà thơ ngoài lục thập Đinh Ngọc Diệp (sinh năm 1956) có dấu hiệu mạnh lên khi trước thềm xuân mới, ông ra mắt tập “Hành trình 6” (NXB Hội Nhà văn).

  • Sau giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam, mới đây, đạo diễn Xuân Phượng tiếp tục nhận thêm giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn TPHCM cho hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… (NXB Văn hóa - Văn nghệ). Tác phẩm đã phần nào khắc họa chân dung của tầng lớp trí thức Việt Nam trong 2 giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

  • “Duyên” - tôi biết đến tác giả Nguyên Phong từ cuốn sách Đường mây qua xứ tuyết . Tôi cũng đọc qua về tiểu sử, con đường sự nghiệp của ông. Thật đáng để ngưỡng mộ!

  • Nhà thơ, nhà báo Vương Tâm vừa ra mắt tuyển “Thơ chọn Vương Tâm” (NXB Hội Nhà văn), với 180 bài thơ và một số bức tranh minh họa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

  • Nhắc tới nhà văn Nguyễn Văn Thọ, bạn văn thường nhớ tới tiểu thuyết “Quyên”; các tập truyện ngắn: “Gió lạnh”, “Vàng xưa”, “Hương mĩ nhân”, “Vườn mộng”; các tập bút ký và tản văn: “Đào ở xứ người”, “Đầu ngọn sóng”… Ông còn sáng tác thơ, vẽ và viết kịch bản phim…  Nhớ về thời hoa niên nhiều ước vọng, ánh mắt ông lấp lánh niềm vui.

  • “Sống mãi trên quê hương anh hùng” (NXB Quân đội nhân dân, 2021) là cuốn sách được viết theo thể loại truyện ký, về cuộc đời của một người anh hùng đã cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Kim Vang - hình ảnh đại diện cho một thế hệ thanh niên lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, sẵn sàng hy sinh không tiếc tuổi thanh xuân, xương máu của mình cho hòa bình, thống nhất của dân tộc...

  • Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là tác phẩm quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc. Đến nay, mặc dù đã được phổ biến rộng rãi, nhưng không phải mọi cắt nghĩa về nó đã thật thấu đáo, thuyết phục.

  • Nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà nghiên cứu lý luận văn học Việt Nam trong nhiều thập niên qua là giới thiệu, nghiên cứu, tổng thuật các hệ thống lý thuyết để vận dụng vào nghiên cứu thực tiễn văn học.

  • Với 17 truyện ngắn gọn gàng, tập truyện ngắn “Gió thổi trước hiên nhà” vừa được NXB Văn học ấn hành, mở ra một thế giới ngổn ngang, đa tạp của cuộc sống đời thường từ miền quê đến phố thị với đủ mọi cung bậc cảm xúc, những cảnh đời buồn vui, đặc biệt là những thân phận đàn bà nhọc nhằn, cay đắng.

  • Nhãn sách Văn sử tinh hoa thuộc Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam (Tri Thức Trẻ Books) vừa phát hành cuốn "Phong vị xuân xưa - Ngày xuân xem sách biết việc cổ kim". Tác phẩm được sưu tầm, tuyển chọn từ nhiều cuốn sách, báo, tạp chí trong giai đoạn từ 1920 đến khoảng 1945.

  • Mấy năm gần đây, nhiều danh tác Việt đã được phát hành lại, mang đến cho độc giả hiện đại cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn các ấn phẩm có tuổi đời trên dưới một thế kỷ. Không đơn thuần là “bình mới rượu cũ”, nỗ lực này còn mang tính gợi mở, góp phần định vị, thúc đẩy đa dạng chiều kích văn chương.

  • “Bốn nhà văn nhà số 4”, NXB Hội Nhà văn, của nhà phê bình Ngô Thảo dày dặn, chia làm bốn phần, tập hợp 35 bài viết của tác giả về bốn nhân vật văn chương nổi tiếng mà sự nghiệp gắn liền với ngôi nhà số 4 phố Lý Nam Đế - tạp chí Văn nghệ quân đội. Đó là Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu và Thu Bồn.

  • Truyện ngắn đối với những tác giả trẻ, mới viết văn, nhiều người tự khám phá mình, bao giờ cũng qua một thử thách. Dương Hương - một tác giả trẻ vừa cho ra mắt tập truyện ngắn  “Giá của đàn bà” với nhiều cảm xúc mới mẻ. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà văn Trung Trung Đỉnh về tập truyện ngắn , của tác giả Dương Hương, do Liên Việt ấn hành.

  • Cầm trên tay cuốn “Thời xuân sắc” của nhà văn Huệ Ninh (NXB Thế giới, 2020) - hồi ký của một người phụ nữ bình thường, tôi thật sự xúc động và còn thấy tiếc, tự hỏi sao sách không dày hơn nữa.

  • “Nấp” trong nhà báo Trần Nhật Minh với vẻ ngoài “đồ sộ, quánh màu nước thời gian”, là trái tim thi sĩ nhiều rung động. Cho nên, có lẽ đã lần lữa mãi, thì cũng phải đến ngày tâm hồn chật căng, buộc phải tỏa lan hương chất mà tháng năm cuộc đời mình đã trầm tích.

  • “Hừng Đông” viết về “đêm trước” của cách mạng Việt Nam, giai đoạn trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Trong bối cảnh ấy, nhà văn không chạy theo sự kiện, biến cố, mà hướng tới con người cụ thể với tư cách một nhân vật văn học - chiến sĩ Cộng sản Phan Đăng Lưu.

  • “Lắng đọng và suy nghĩ” (NXB KH&KT, 2020) cái tên sách khiêm tốn của Tạ Quang Ngọc trở nên cuốn hút tôi. Và sự chắt lọc trí tuệ, cũng như chân thành cảm xúc, chân thành tự bạch trong cuốn sách này đã không chỉ khiến tôi cảm phục tác giả, mở mang tri thức, mà còn nâng thêm cho mình bản lĩnh, bồi đắp tình yêu con người, tình yêu đối với quê hương đất nước và sự nghiệp cách mạng.