“Cờ giải phóng” về với Huế giải phóng

15:13 18/02/2009
Ba mươi năm trước, cùng với lực lượng cách mạng, những người làm Báo Cờ Giải Phóng của Đảng bộ Thừa Thiên Huế sôi nổi chuẩn bị số báo đặc biệt và có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng quê hương. Tháng 10/1974, chúng tôi được tham gia hội nghị Tỉnh ủy mở rộng bàn về đẩy mạnh nhiệm vụ đánh kế hoạch bình định, mở rộng vùng giải phóng nông thôn đồng bằng, phối hợp có hiệu quả với các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Báo Cờ Giải Phóng ra số báo đặc biệt, nội dung phong phú, hình thức hấp dẫn để chuyển tải khí thế cách mạng miền Nam và trong tỉnh, đưa mệnh lệnh, lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Thừa Thiên Huế và các chính sách của Mặt trận đối với vùng giải phóng.

Phương tiện in ấn thủ công, nhà in Sông Hương lại ở xa tòa soạn một ngày đường rừng, phải qua nhiều dốc núi, khe suối và hố bom. Chuẩn bị nội dung xong giữa tháng 11/1974, tôi đem bài lên nhà in. Anh chị em công nhân nhà in xem đầu đề các bài báo, phấn khởi lắm. Tối đó, chúng tôi cùng họp với anh chị em bàn cách khắc phục khó khăn in số báo đặc biệt 3 màu, 8 trang, đúng về nội dung, đẹp về hình thức, khẩn trương về thời gian để báo kịp đi chiến dịch. Anh chị em phấn khởi hẳn lên, làm việc cả ngày, cả đêm dưới ánh đèn dầu hỏa ở bàn in, còn sắp chữ phải dùng lửa bọp bọp (một loại đuốc của cây thuộc họ tre ở rừng).

Trên đường từ nhà in Sông Hương ở bên thượng sông Giòng về cơ quan Tỉnh ủy hạ sông Giòng, chúng tôi gặp các đoàn nam nữ giải phóng quân đang tiến về phía trước với nét mặt rạng rỡ, khí thế, cùng cất lời ca giục giã.
“Em có nghe tiếng súng nơi tiền phương giục lòng
Miền tha thiết gọi, cả nước ta lên đường”.
Hơn 10 cái tết ở chiến trường, trải qua biết bao bom đạn, măng rau, sốt rừng, chúng tôi cảm thấy náo nức trong lòng về mùa xuân mới, hy vọng mùa xuân này sẽ “cắt dây võng” và được nằm giường giữa đồng bằng thanh bình, khe khẽ hát câu: “Bao năm kháng chiến trường kỳ, lòng vẫn mơ có ngày hôm nay”.
Báo in xong đã được chuyển về các trạm giao liên để đưa về căn cứ thành phố, các huyện, chuẩn bị theo các đội công tác đưa chủ trương, chính sách cách mạng về với dân, kể cả anh em trong hàng ngũ chính quyền, quân đội Sài Gòn.

Tết Ất Mão đã đến. Từ sau Hiệp định Pari, các cơ quan đã làm nhà ra giữa khoảng trống, không nép dưới bóng cây rừng như trước nữa. Bến nước cơ quan không còn ngụy trang mà chan hòa ánh nắng, những chiếc áo trắng phơi giữa ánh trời, sân bóng chuyền rộn rã đó đây... Chị nuôi các cơ quan thú vị dẹp bếp Hoàng Cầm mà “nổi lửa lên em” mênh mông khói tỏa... Chiều 29 Tết, anh Cu Tích, tay xách súng, vai mang gùi vào rừng sâu bắt được một con sơn dương và mang về hai giò phong lan hoa vàng rực rỡ. Anh chị em từ các nhà lá ùa ra khoảng sân rộng bên suối nói cười vui vẻ, nét mặt tươi tắn trong nắng chiếu hiếm hoi cuối đông.
Ăn Tết tất niên xong, tối 30 Tết, chúng tôi quây quần bên chiếc sạp được kết bằng những cây đùng đình, có bếp lửa hồng sưởi ấm để hái hoa dân chủ mùa xuân. Hoa dân chủ được gài lên hoa cây quýt rừng cắm trong thùng gỗ thịt hộp. Anh chị em thi nhau hái hoa, o Lợi “cây văn nghệ” cơ quan hái được câu mang nội dung: “Anh hay chị hãy ngâm một câu thơ ưng ý nhất”. O Lợi liền cất cao giọng như nói với rừng:
“Núi rừng ơi! Hãy nuôi bằng măng, bằng nấm
Mai mốt độc lập rồi, gạo trắng nước trong”.

Lời thơ, tiếng hát nối nhau với những bài thơ: Trước giờ nổ súng, Việt Nam - Máu và Hoa và các bài ca Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Nổi lửa lên em, Cô gái mở đường, Mùa Xuân đến rồi... Phan Vui, giọng trầm trầm đơn ca “Lời Bác gọi”như thúc giục, nỗi niềm:
Như tiếng sấm vang dội
Như tiếng sấm vang rền.
Đây lời Bác gọi lời cha truyền con nối.
... Đây lời Bác gọi diệt giặc Mỹ, tiến lên!
Trong không khí vui vẻ ấm cúng và đầy đủ nhất của những cái tết “đời rừng”, anh chị em chạnh nhớ tới bạn bè đã hy sinh dũng cảm. Trường Sơn thiêng liêng, đất, trời ta cả chiến khu một lòng, bùi ngùi nhớ tới dốc núi, con khe, tiếng vượn hót, chim kêu và những bát rượu đoác, những bát “tà lục tà lạo” (thập cẩm) của những lần đi làm “tòi mòi” (khách) ở các bản với tình cảm của bà con dân tộc chân chất, hết lòng.

Đang vui vẻ và sâu lắng về mùa xuân mới và những mùa xuân đã qua, thì ánh đèn pin soi sáng gian nhà, anh Hoàng Lanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy đến chúc Tết Tuyên huấn làm cho anh em thêm vui vẽ. Đồng chí cần vụ đặt lên bàn đùng đình một thùng lương khô, 2 gói trà Ba Đình, 2 gói thuốc Điện Biên bao lục. Anh Hoàng Lanh vỗ vỗ tay thong thả nói:
“Chưa có Tết năm mô vui như tết năm ni, chưa có năm mô tình hình sáng sủa như năm 1975, Thường vụ khen Ban Tuyên huấn công tác tuyên truyền, báo chí, huấn học rất cố gắng. Thường vụ có chút quà cho các đồng chí. Đồng thời cũng nói với các đồng chí  báo ta phát hành sớm, nội dung có những vấn đề lộ bí mật, các đồng chí phải thu hồi nhanh, khi nào có lệnh Thường vụ sẽ phát hành”.
Có đồng chí đứng dậy:
“Thưa chú, chắc báo còn nằm ở các trạm đường dây vì lực lượng chưa về là báo chưa về. Mà khi anh em về được đồng bằng thì báo mang mệnh lệnh, chính sách về là kịp thời”.

Đồng chí Phó Bí thư phân tích:
“Mệnh lệnh, lời kêu gọi, chính sách là không lộ, vì nó không biết mình đánh khi mô, nhưng trong báo có thơ “Xuân năm nay con về với mẹ”, rồi “Cờ bay giữa Trường Tiền, Thượng Tứ”, rồi “Cờ giải phóng bay giữa Huế giải phóng” như vậy là lộ ý đồ của ta, địch đối phó rất nguy hiểm”.
Nghe anh Lanh nói như vậy, tôi rất lo vì làm báo ở chiến trường nếu có sơ hở thì địch khai thác, đánh phá phong trào. Anh Nguyễn Vạn - Bí thư Tỉnh ủy đã có lần la lên: “Cứ xã M đấu tranh chính trị, diệt ác ôn, hắn về đánh đập bắt bớ lung tung dưới Mỹ Thủy tề!”.

Anh Nguyễn Văn - Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy là cán bộ tiểu đoàn trong kháng chiến chống Pháp được bố trí ở lại miền Nam trong chống Mỹ. Anh từng là thủ trưởng ba mũi giáp công quân sự, chính trị, binh vận và làm Bí thư huyện ủy nhiều huyện trong tỉnh, là một cán bộ bám trụ kiên cường, có hồn thơ phong phú. Bài thơ “Bắn nữa đi anh” năm 1965 và nhiều bài thơ khác của anh đã cung cấp “nguồn ngâm nga” cho các chiến sĩ giải phóng quân. Số báo tết năm 1975 anh có bài thơ “Xuân sum họp” mà anh Lanh đã nói trên. Thanh Huyền, tác giả của bài thơ “Trước giờ nổ súng” được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta rất ưa thích, học thuộc và được “biểu diễn” trên các nẻo đường kháng chiến hoặc trong các thôn xóm vùng tạm chiến. Bài thơ “Cờ đỏ trên quê ta” của Thanh Huyền ra đời sau xuân 1968, số báo tết 1975 mới in, có đoạn:
Cờ đỏ đã về trên sông Hương, núi Ngự
Phấp phới giữa Trường Tiền
Và tung bay Thượng Tứ
Vẫy chào những người con
Của đất nước quang vinh.

Và có một vế câu đối: “Cờ giải phóng theo đoàn quân giải phóng tung bay giữa đô thành giải phóng.
Sau tết, chúng tôi lại hành quân trên những con đường “xẻ dọc rọc ngang” rộng lớn để về giáp ranh chuẩn bị tiến về thành phố. Đợt I chiến dịch hoạt động từ 8/3, ta tiến công địch dồn dập, nhân dân nổi dậy, địch phản kích dữ dội nên Báo Cờ Giải Phóng chưa xuống được cơ sở. Chúng tôi báo cáo lãnh đạo xin ra số báo nội dung thông tin như số trước có thêm tin chiến thắng Buôn Ma Thuột, Quảng Trị và lời kêu gọi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong tỉnh của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế: Hãy chớp lấy thời cơ, tiến công nổi dậy mãnh liệt, giải phóng quê hương.

Tòa soạn Báo Cờ Giải Phóng lúc này có 4 anh em: Ngô Kha, Lê Huy, Minh Châu, họa sĩ Thanh Vệ, che tăng làm nhà “dã chiến” ở khu vực căn cứ huyện Hương Thủy. “Nhà” đủ mắc 4 chiếc võng và dưới 1 chiếc võng là một hầm cá nhân đề phòng bom, pháo của địch. Chúng tôi phân công nhau lo cho số báo 4 trang: họa sĩ Thanh Vệ khắc gỗ cờ giải phóng tung bay giữa thành phố và viết hàng bút “Đường ra phía trước”; Huy, Châu lo tin tức và lên market báo; tôi lo biên tập và sắp xếp nội dung. Ngày 13/2/1975, Lê Huy mang bản thảo lên nhà in Sông Hương, cách căn cứ Hương Thủy 2 trạm đường dây, thông thường phải đi 2 ngày, nhưng do quá quen hành quân đường rừng nên Huy đi từ 5 giờ sáng đến gần tối đã đến được nhà in.

Lửa tiến công và nổi dậy như bão táp, quân địch bị tiêu diệt và tháo chạy ngày 25/3/1975. Ngày 26/3 chúng tôi về đến Huế, lá cờ “nửa đỏ, nửa xanh” của cách mạng miền đã phần phật tung bay trên đỉnh Phu Văn Lâu, các đường phố rợp cờ chiến thắng. Chúng tôi sung sướng thấy khắp các bức tường thành, tường nhà dân đều có 2 số báo Cờ Giải Phóng Xuân 1975. Hai số báo cũng đã có mặt khắp 6 huyện đồng bằng và các quận miền núi mang tiếng nói của Đảng và Mặt trận kêu gọi nhân dân hòa hợp dân tộc đoàn kết xây dựng lại quê hương sau 30 năm chiến tranh. Ước mơ bao năm từ Trường Sơn đã trở thành sự thật “Cờ giải phóng trong đoàn quân giải phóng đã về giữa Huế giải phóng”.

NGÔ KHA
(nguồn: TCSH số 193 - 03 - 2005)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Tiếp theo Thánh Gióng, lại thêm một vị “Tứ Bất tử” nữa của người Việt Nam được dựng tượng. Đó là Đức Thánh Tản, hay Tản Viên Sơn Thánh, hay gọi một cách học trò là Sơn Tinh, gắn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh.

  • “Phải xem hành lang pháp lý cho văn hóa còn thiếu cái gì. Cái gì lỗi thời rồi cần đổi mới, cái gì mâu thuẫn cần điều chỉnh”, GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, nói tại hội thảo quốc gia Những giải pháp tổ chức triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người VN đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

  • Cả nước lại sắp bước vào mùa lễ hội Tết Ất Mùi 2015. “Đến hẹn lại lên”, những câu chuyện tiêu cực mùa lễ hội dường như vẫn là bài toán nan giải đối với các nhà quản lý.

  • Câu chuyện về văn hóa đọc không còn là đề tài mới mẻ nhưng vẫn luôn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Liệu rằng độc giả trẻ đã chọn được cho mình hướng đi đúng đắn?

  • Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp tổng kết năm của Cục Xuất bản chiều 24/12. Nguyên nhân của việc không đọc xuể sách phát hành là do thiếu nhân lực.

  • Cùng với yêu cầu ngày một cao đối với chất lượng bản dịch, việc nhận xét, hồi âm của độc giả cũng ngày càng nhiều hơn và trực tiếp hơn, tuy nhiên, trong số đó có những người đang làm việc “ném đá” thay vì “phê bình” một cách thiện chí – đó là ý kiến của BTV Phùng Hồng Minh về những tranh luận quanh bản dịch tiểu thuyết “Bên phía nhà Swann” của Marcel Proust.

  • Hiện, khá nhiều kiệt tác của văn chương, triết học thế giới đã được dịch ra tiếng Việt với mục đích khai trí, “mở mắt”, dẫn bạn đọc vào biển kiến thức sâu rộng của nhân loại. Song, trước những bản dịch sai “từng xăngtimét”, bạn đọc không thể “nhắm mắt làm ngơ”…

  • Theo mấy nghiên cứu gần đây thì việc đọc sách văn học khiến cho người ta thông minh hơn, giàu tình cảm hơn, và văn minh hơn. Báo New York Times bèn đặt cho một số nhà văn và học giả câu hỏi: “Văn chương dạy chúng ta điều gì về tình yêu?”

  • Nghệ sỹ ăn mặc phản cảm, giá trị nghệ thuật bị xem nhẹ, thiếu văn hóa trong cách ứng xử... là những hiện tượng cho thấy văn hóa Việt đang biến đổi một cách nhanh chóng.

  • Nghề vẽ tranh trên kiếng ở Phú Tân (H.Châu Thành, Sóc Trăng) từng một thời nổi tiếng khắp Nam bộ nhưng giờ đây phải đối mặt với nguy cơ mai một.

  • L.T.S: “Muốn giao lưu văn hóa với bên ngoài tốt thì bản thân đất nước phải tốt”. Đó là nhận định xuyên suốt cuộc nói chuyện với phóng viên Tạp chí VHNA của Nhà xuất nhập khẩu văn hóa Hữu Ngọc. Khó mà ngờ được ở tuổi 97, ông vẫn giữ tác phong nhanh nhẹn, trí nhớ minh mẫn đến vậy. Bạn bè gọi ông là “cầu thủ ngoại hạng”, điều đó thật chính xác.

  • Những tư liệu quý chìm trong hỗn độn hiện vật xung quanh. Những bảng biểu số liệu nặng tính báo cáo... Chúng khiến triển lãm Hà Nội 60 năm xây dựng và phát triển (từ ngày 4 - 12.10 tại Bảo tàng Hà Nội nhân kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô) giống như một báo cáo thành tích khô cứng.

  • Biết bao tác giả có tác phẩm thơ, văn được sử dụng trong sách giáo khoa đã không được chi trả tiền tác quyền suốt hàng chục năm qua...

  • Họa sĩ Trần Lương vừa trở thành một trong hai nghệ sĩ, nhà hoạt động văn hóa nhận được Giải thưởng Lớn giải Hoàng tử Claus 2014 (cùng Abel Rodriguez từ Colombia). “Giải thưởng cho tôi thấy rõ là mình đang làm những công việc bình thường của một công dân bình thường có trách nhiệm” - nghệ sĩ chia sẻ.

  • Tồn tại mấy trăm năm qua, vấn đề i và y trong chính tả tiếng Việt đã được chính quyền thuộc địa Pháp đặt vấn đề cải cách từ đầu thế kỷ XX. Sau 30-4-1975 các cơ quan hữu quan như Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng có những quy định về vấn đề này, nhiều nhà nghiên cứu cả trong lẫn ngoài nước trước nay cũng đã tìm hiểu và có ý kiến, nhưng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

  • Nếu như ca trù, dân ca quan họ, hát xoan, đờn ca tài tử Nam Bộ, nhã nhạc cung đình Huế… của Việt Nam được quốc tế công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thì trong tài nguyên, cũng có tài nguyên phi vật thể- tài nguyên con người.

  • Dân tộc và Văn hóa dân tộc Việt Nam có trước rất xa ngày lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhà nước này đã được dựng nên, tồn tại và phát triển trên nền tảng văn hóa Dân tộc. Nhà nước này, như một lẽ tất yếu, có trách nhiệm bảo vệ, phát triển nền văn hóa dân tộc.

  • Thực tế lịch sử gần 70 năm qua đã khẳng định rằng Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả của hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ và là kết quả tất yếu từ công lao to lớn của Bác chuẩn bị cho việc tiến hành cuộc cách mạng giải phóng kể từ ngày Bác về nước.

  • Bắc Kạn có nhiều di tích lịch sử, với 12 di tích cấp quốc gia và 33 di tích cấp tỉnh. Trong thời gian qua, nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, việc trùng tu lẽ ra phải trân trọng lịch sử, thì những người thực hiện lại “hoành tráng hóa” di tích.

  • Người ta hay quan niệm tháng bảy âm lịch là tháng “cô hồn”, rằm tháng bảy là để “xá tội vong nhân”, toàn khái niệm thuộc về “thế giới khác”. Ai đi chùa thì được biết tháng bảy còn gọi là mùa Vu Lan.