Nghe nói Lê Quý Kỳ vừa in một quyển sách có bài "đánh" tập "Văn chương Cảm & Luận" của tôi, tôi chợt nhớ là cách đây hơn một năm mấy người quản lý ở mấy tờ báo và tạp chí trung ương và địa phương có cho tôi biết là họ nhận được bài viết của Lê Quý Kỳ, nhưng không in được vì văn hóa phê bình của họ không hợp với lối viết đánh đấm quy kết như vậy. Tôi có đề nghị họ cứ in, rồi tôi sẽ đọc, nếu thấy cần nói lại thì tôi sẽ viết bài nói lại. Nhưng rốt cuộc, không thấy báo nào, tạp chí nào in cả. Bây giờ nghe nói Lê Quý Kỳ đã in bài đó vào sách, tôi cũng muốn xem ý kiến của Lê Quý Kỳ về cuốn sách của mình như thế nào, cũng như tôi đã lắng nghe và đọc nhiều bài viết của những người khác về tập "Văn chương Cảm & Luận". Và cuối cùng tôi đã có trong tay quyển "Đường biên văn học" của Lê Quý Kỳ do NXB Văn Học ấn hành, "in xong và nộp lưu chiểu năm 2000", có in bài phê bình tập "Văn chương Cảm & Luận". Nếu cứ như người ta dùng chữ "đánh" đối với tôi, thì trong tập sách này, Lê Quý Kỳ (gọi tắt là LQK cho tiện) không chỉ "đánh" tôi mà còn "đánh" hàng loạt các nhà văn đồng nghiệp nổi tiếng như Phong Lê, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Hữu Sơn, Vương Trí Nhàn, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hà, Vĩnh Quang Lê, Thạch Quỳ, Đông La, Hoàng Như Mai, Ngô Thảo, Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thụy Kha... Rồi LQK "đánh" cả những người mà LQK gọi là thầy khi họ phê bình bài viết "Văn học thời đổi mới" của mình là "phủ định hoàn toàn bản lĩnh nền văn học cách mạng trong tiến trình đổi mới chung của đất nước" (Bùi Nguyễn). Đến nổi tiếng như học giả - nhà văn hóa Nguyễn Văn Huyên - cố bộ trưởng Bộ Giáo dục mấy chục năm liền mà LQK cũng không biết: "Nguyễn Văn Huyên là ai, thực lòng, chúng tôi chưa được hân hạnh diện kiến, cho dù chỉ là trên giấy" (tr.164).Táo tợn hơn, LQK còn "đánh" cả Immanuel Kant, là "một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của thế kỷ XVIII" tận bên Đức. Tôi thì không nghĩ là LQK "đánh đấm" gì, mà nếu có "đánh" thì LQK cũng chỉ đánh hơi, đánh mót mà thôi,chứ làm gì có đủ nội công nội lực mà đánh ai. Vả lại, làm phê bình văn học (đúng nghĩa) mà "đánh đấm" thì đâu còn là phê bình văn học. Hơn nữa, nếu bị "đánh", bị "đấm" mà chết cả văn lẫn người thì chả ai dám làm nhà văn. Tôi nghĩ LQK có "năng khiếu phê phán", nhưng có lẽ LQK ảo tưởng về "năng khiếu" của mình nên đã quá đà, vì thế mà khi LQK phê bình, người ta lại thấy LQK "đánh". Có thể IC của LQK chập mạch, hoặc như người ta thường nói là "IC có vấn đề". Tôi không muốn làm nhà phê bình để phán xét hay "sổ toẹt" toàn bộ quyển "Đường biên văn học" như kiểu LQK đã làm với nhiều quyển sách của đồng nghiệp. Tôi chỉ muốn chỉ ra cách nhìn đầy sai trái, hằn học và vu khống của LQK đối với tập "Văn chương Cảm & Luận" của tôi, ngõ hầu để bạn đọc có thể thấy rõ một kiểu "phê bình chập mạch" là điều có thật. (Tất nhiên là không chỉ "chập mạch" riêng với tôi, như đã nói ở trên). Bài viết của LQK về tập sách của tôi, có tên là: "Văn chương Cảm & Luận, một bước thụt lùi trong phê bình văn học" (tr.73 - 83). Với LQK, nói cuốn sách của tôi là "một bước thụt lùi" e còn hơi nhẹ, chưa đã, cho nên cuối bài viết LQK đã đẩy nó "thụt lùi" xa hơn nữa với kết luận danh thép: "nếu xem "Văn chương Cảm & Luận" là sự kiện văn học năm 98 thì đó là sự kiện thụt lùi, kéo phê bình văn học trở về thời kỳ trước cả Cách Mạng Tháng Tám" (tr.83). Ô hay, tôi đọc câu kết luận ấy mà cười mỉm với một chút lo ngại, là LQK đã "quá giận mất khôn". Cái sự "chập mạch" này đã làm cho LQK quên mất rằng, phê bình văn học trước Cách Mạng Tháng Tám có những thời kỳ vàng son với những cuộc bút chiến nảy lửa, dựng lên mốc son thế kỷ trong phê bình văn học ta với những tên tuổi lẫy lừng như Hải Triều, Hoài Thanh và nhiều thức giả khác. LQK vô tình hoặc không hiểu phê bình thời ấy nên đã hạ thấp cái mốc son đó xuống để đẩy tôi được sánh vai cùng họ? Như vậy là LQK định vất tôi xuống hố, hóa ra lại vất tôi lên cao quá những gì tôi có. Tôi "hổng dám đâu!" Suốt cả 10 trang bài viết của LQK có cả loạt những qui sai quái gở. Tôi rất ngại trích dẫn nhiều LQK lẫn trích dẫn của chính mình trong bài viết này, nhưng nếu không trích dẫn thì bạn đọc sẽ không biết được những "qui sai quái gở" ấy như thế nào. Thôi thì đành lòng vậy, LQK viết: "Hồ Phi Phục mới có một tập thơ vỏn vẹn 24 bài, mặc dù ông đã ngấp nghé tuổi về hưu. Vậy mà Nguyễn Trọng Tạo không bỏ sót một từ cao sang, sáng giá nào tâng bốc tác giả này. (...) Và cuối cùng Nguyễn Trọng Tạo đóng vai Đức Giáo Hoàng phong Thánh cho người mình mến mộ: Hồ - Phi - Phục - Thơ" (tr.75). Nói như vậy chẳng hóa ra LQK cấm khen thơ người cao tuổi mà họ chỉ "mới có một tập thơ" hay sao? Tôi nói để LQK rõ là, có khi chỉ cần 1 bài hoặc 1 câu thơ thôi, cũng đáng để cho người đời luận bàn dài dài rồi. Ở ta, tập thơ "Đầu súng trăng treo" của Chính Hữu cũng chỉ có "vỏn vẹn" 20 bài, nhưng nó đã làm cho nhà thơ và những người phẩm bình trở nên nổi tiếng đó thôi. Tập thơ "Sóng bãi ngang" của Hồ Phi Phục là một tập thơ có học, có văn hóa, có trí tuệ và cảm xúc, và có giọng điệu riêng. Tôi tin là LQK không hiểu được loại thơ sâu kín này. Nhưng không hiểu, không biết thì học hỏi để hiểu biết - (Không biết thì hỏi tự ti làm gì!), chứ sao lại nổi đóa bảo tôi "tâng bốc"? Là một người làm thơ, tôi trân trọng các giá trị thơ ca của mọi người. Thích thì khen (hoặc không khen), không thích thì chê (hoặc không chê) cũng chả sao. Đâu cứ phải chê thơ người này người khác thì mình mới có giá, mới là nhà phê bình có bản lĩnh? Và không phải ai cũng dễ dàng thành "Đức Giáo Hoàng" và ai cũng dễ dàng được "phong Thánh" như LQK tưởng tượng ra. Nếu LQK chịu khó đọc lại vài dăm lần nữa đoạn văn của tôi viết về Hồ Phi Phục, chắc có thể hiểu được ý tôi nói: "Anh (Hồ Phi Phục) đã mở cho mình một lối riêng, giống như mỗi người thơ mở lối cho riêng mình. Chính vì điều đó mà tôi rất thú vị khi viết về Hồ - Phi - Phục - Thơ". Ví như, nếu tôi viết về LQK - Phê - Bình thì cũng chỉ là LQK - Phê - Bình mà thôi. Chẳng lẽ viết như thế mà lại gọi là "phong Thánh" sao? Cũng với cách "hiểu" lạ lùng đó, LQK cho rằng cái công thức "Câu thơ hay = cái hữu hình + động từ + cái vô hình" do tôi phát hiện ra (vì trước tôi chưa ai lập ra công thức này) là phủ nhận công thức ấy trước thời chống Mỹ với câu hỏi "Công thức nêu trên có phải đến các nhà thơ trẻ chống Mỹ mới có?". Quả thật là LQK quá lo xa, khi mình chưa có gì lót bụng lại lo cho tận bên Đức người ta đã ăn chưa. Vâng, ca dao xưa cũng đã có những câu nằm trong công thức ấy (Chim vàng mổ nắng bờ ao), nhưng ở đây tôi chỉ muốn nói, trong thơ Hữu Thỉnh thì mật độ khá dày. LQK thường hay bắt bẻ những cái người ta không nói. Lối "phê bình chập mạch" này quả là kỳ quặc thật. Tôi vẫn phải trích dẫn của tôi và của LQK để thấy rõ thêm "cách đọc mắt lác"trong khi tiếp xúc với văn bản, nếu không gọi là vu khống, xuyên tạc. Tôi viết: "Sau ngày giải phóng, được đọc những tác giả đồ sộ mà "phía bên kia" dịch, tôi có cảm giác nước ta lúc ấy mới được tiếp xúc với "nửa kia" của thế giới. Ta biết rõ cả hai phe, hơn hẳn những nước bưng bít khác". Đó là một sự thật lịch sử đối với văn học. Nhưng LQK lại vu khống, xuyên tạc là: "Anh thay mặt cả nước cảm ơn phía bên kia". Tôi viết: "Thơ "Việt Cộng" giàu hào khí hùng tráng, hừng hực một ngọn lửa chiến đấu mới, nhưng đơn điệu về phương pháp biểu hiện.Thơ "Sài Gòn" có vẻ "phức tạp" hơn, nhưng nhìn chung sự kiếm tìm vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn trong cái cũ ẩm mốc sướt mướt. Điều ấy thật dễ nhận thấy sau khi cuộc chiến tranh tàn khốc đã chấm dứt, chúng ta đọc lại nhau dưới con mắt chân tâm của người trong một nước nhằm gom nhặt lại những giá trị thơ ca còn óng ánh dưới tro than của cuộc chiến đã lụi tàn". LQK mỉa mai: "Anh đòi phải có sự công bằng giữa thơ Việt Cộng và thơ Sài Gòn". Nếu không có sự công bằng về giá trị thơ ca trong một dân tộc thì làm sao chúng ta in lại thơ "Sài Gòn" của Bùi Giáng như đã làm ở NXB Văn Học? Với "sự cố" bài thơ "Tản mạn thời tôi sống", tôi viết: "Còn tôi thì phải ngồi viết Thư Gửi Bộ Chính Trị dài 10 trang nhằm bảo vệ bài thơ của mình". LQK xuyên tạc: "Phải ngồi viết thư gửi Bộ chính trị vì đã trót dại dám Tản mạn thời tôi sống". Nếu không có "cách đọc mắt lác" thì làm sao LQK lại nhìn hai chữ "bảo vệ" thành ra "trót dại" được? Hay là LQK định đem hai chữ "trót dại" để làm quà tặng tôi? Xin cảm ơn, nhưng cũng xin chủ của "trót dại" mang về mà dùng làm của riêng mình. "Phê bình chập mạch" là loại phê bình "nhìn gà hóa cuốc" do từ cách đọc, do mặc cảm tội lỗi, mặc cảm dốt nát, hoặc do những cơn ác mộng vĩ cuồng trầm cảm mà thành. Khi đã không làm chủ được sự tỉnh táo cần có, nhà phê bình dễ mất bình tĩnh, dẫn tới sự thiếu khách quan, tạo ra cả những cuộc báo động giả và dựng lên cả những hiện trường giả để đánh lừa thiên hạ, nhưng lại luôn cho mình là đấng tối cao ban phát chân lý. Bệnh vĩ cuồng và bệnh trầm cảm là một đôi bạn chí cốt mà ngành tâm thần học đã chỉ ra. Nhưng người bệnh thường không tin mình có bệnh. Cũng như các nhà phê bình chập mạch làm sao có thể tin là mình chập mạch, IC có vấn đề? Có khi họ ngạo mạn lại tưởng người khác ngạo mạn. Tôi viết: "Một thời đằng đẵng, thơ ta được "tiêu chuẩn hóa" trên một phương pháp sáng tác duy nhất là phương pháp hiện thực XHCN, với mục đích duy nhất là phục vụ đám đông quần chúng công nông binh". Điều đó là có thật. Nhưng với kiểu "phê bình chập mạch", LQK dị ứng với từ "đám đông" mà tôi đã dùng đúng nghĩa một khái niệm về số nhiều, và có thể LQK cứ tưởng đấy là một thán từ ám chửi cả họ hàng gia tộc mình nên đã vội vàng lớn tiếng chửi trước: "Anh ngạo mạn gọi quần chúng công nông binh, những người từng làm nên lịch sử là đám đông. Không biết trong cái đám đông đó có hay không những người thân trong họ hàng, gia tộc anh" (tr.82). Nhưng nguy hại hơn là lối phê bình này thường tự cho mình cái quyền qui kết tội chính trị cho bất cứ người nào trái với "quan điểm chập mạch" của họ. Khi tôi viết về thời kỳ đổi mới: "Sự thức ngộ về chính trị, kinh tế và nghệ thuật hẳn đang tạo ra một nền tảng xã hội với những biến động từ thượng tầng đến hạ tầng, từ vĩ mô đến vỉ mô. Đấy là điều đáng mừng cho một thế giới phát triển mà các bộ phận tự điều chỉnh lẫn nhau chứ không phải cái này định ra tuyệt đối cho cái khác (như có thời đã từng nhầm lẫn)". Một nhận định thấm đẫm quan điểm duy vật khách quan, vậy mà LQK tự cho mình cái quyền cao giọng hạch sách tôi: "Các bộ phận nào tự điều chỉnh lẫn nhau, thưa anh? Chính trị, kinh tế và nghệ thuật chắc? Còn lâu mới có cái thứ tự điều chỉnh đó". Tôi biết chắc là không ai hiểu điều tôi nói ngớ ngẩn như LQK đã hiểu. Và LQK nhân danh cái gì mà dám lên giọng hạch sách như vậy? LQK cũng chỉ là LQK mà thôi. Nhưng cái sự "tôi đại diện cho tôi" của LQK đã quá đà, cả gan qui kết tôi đủ các loại tội: "Anh mơ hồ chính trị, hay anh tiếp tục theo chân kẻ khác,đòi cái thứ không bao giờ có, không ở nơi nào có, ấy là sự "bình đẳng" giữa văn nghệ và chính trị". LQK đã nhầm. Nếu tôi "mơ hồ chính trị" thì làm sao trong "Văn chương Cảm & Luận" tôi dám khẳng định rằng: "Tôi đánh giá cao những tác phẩm văn nghệ, bởi nó làm phong phú tâm hồn. Một tác phẩm hay có thể làm rung động toàn thế giới, tạo ra sự rung cảm vượt lên trên các thành kiến giai cấp, dân tộc hay chế độ chính trị khác nhau giữa con người đồng loại". Điều đó ở quá xa tầm hiểu biết của LQK. Nếu LQK hiểu được điều đó thì câu chuyện bất đắc dĩ hôm nay giữa tôi và LQK đã không xảy ra. Để kết thúc bài viết chưa kết thúc này, tôi muốn nhắc lại "sự cố" bài phê bình sách tôi của LQK sau khi viết ra đã gửi tới nhiều tòa soạn báo nhưng không có báo nào in cả. Trong khi đó, không ít tờ báo đã đăng bài của những người khác viết về "Văn chương Cảm & Luận". Ngay trên tờ báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã đăng liền mấy bài viết khá dài với những ý kiến khá thống nhất về tập sách này: "Tập sách của Nguyễn Trọng Tạo là một tập sách nghiêm túc, ngay từ thái độ đầu tiên của tác giả đối với thơ" - (Có thể nào thơ bật gốc giữa hồn anh - Thanh Thảo - VN số 25-19.6.1999); Văn chương Cảm & Luận của Nguyễn Trọng Tạo là một cuốn sách mực thước, khoa học và thấm đẫm vị đắm say của một người thơ đã, đang và sẽ lấy thơ làm nghiệp chính của đời mình" (Văn chương Cảm & Luận - Trịnh Thanh Sơn - VN số 34 - 21.8.1999), v.v... Việc khen chê đối với một tác phẩm văn học là bình thường, nhưng sẽ không hề bình thường đối với người khen chê có sẵn bệnh nhiễu tâm loạn trí, mà điển hình là lối "phê bình chập mạch". Cái lối phê bình ấy làm nhiễu loạn, "xú uế" (chữ của LQK) môi trường văn học. Nói về lối phê bình gàn rở này, nhà thơ - nhà phê bình Viên Mai trong tập "Tùy Viên Thi Thoại" nổi tiếng đã kể một câu chuyện thú vị: "Nhiều người khen câu thơ: Xuân giang thủy noãn áp tiên tri (Sông xuân nước ấm vịt biết trước) của Tô Đông Pha là hay. Tây Hà gạt đi mà rằng: Sông xuân nước ấm chỉ có vịt biết, thế thì ngỗng không biết hay sao?". Rồi Viên Mai bàn: "Phê bình như thế thì thật là hồ đồ quá. Nếu theo cách ấy mà bàn thơ, thì 300 bài thơ ở Kinh Thi, câu nào cũng sai cả. Như câu "Tại hà chi châu" (ở trên bãi sông) thì các loại chim minh cưu, ban cưu cũng đều ở đó được, hà tất phải là chim thư cưu! Câu "Chỉ vu khâu ngu" (đậu ở góc đồi) thì các loại chim trắng, chim đen đều đậu được cả, hà tất phải nói chim vàng!". Thưa Viên Mai tiên sinh, đã mấy thế thế kỷ rồi mà bọn hồ đồ gàn rở Tây Hà vẫn còn, nhưng không chỉ hồ đồ gàn rở như Tây Hà xưa, mà lối phê bình của họ còn quái đản hơn nhiều - đấy là lối "phê bình chập mạch". Hà Nội, 2-8-2000 N.T.T (141/11-00) |
NGÔ TỰ LẬPTrong thời gian làm luận án ở École Normale Supérieure de Fontenay/ Saint Cloud , tôi được nghe một câu chuyện thú vị. Trong nhà giam nọ, đám tù khổ sai, sau mỗi ngày lao động như trâu ngựa dưới đòn roi của cai ngục, chỉ có một thú tiêu khiển là nghe một người trong bọn họ kể chuyện tiếu lâm.
HỒ THẾ HÀTrần Vàng Sao là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thơ anh là tiếng nói giàu nhiệt huyết, xuất phát từ đáy lòng, hướng đến mọi người bằng giọng điệu giãi bày, tâm tình, chia sẻ. Anh sáng tác không nhiều, nhưng mỗi tác phẩm của anh để lại dấu ấn thi pháp độc đáo, đặc biệt ở việc xây dựng tứ thơ và kiến trúc bài thơ, ở hình ảnh và sức liên tưởng bất ngờ.
NGUYỄN HUỆ CHI Trần Thanh Mại (1908-1965) là một nhà văn xứ Huế, một tên tuổi trong giới nghiên cứu, phê bình và sáng tác từ trước Cách mạng tháng Tám. Những cuốn sách ông viết rải rác trong vòng 30 năm như Tuy Lý vương, Hàn Mạc Tử, Trông giòng sông Vị, Tú Xương con người và nhà thơ... đã từng gây được ấn tượng lúc mới ra đời và đến nay vẫn còn nhiều phần giá trị. Những phát hiện của ông về Hồ Xuân Hương, Miên Thẩm đã từng gây xôn xao một thời mà sự tiếp nối của người sau cũng chưa thể nói là đã vượt qua.
ĐẶNG TIẾNTừ điển Nghệ Thuật Hát Bội Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Lộc chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, ấn hành năm 1998, gồm non 700 trang khổ lớn 15x23cm, in đẹp, bìa cứng tổng hợp đầy đủ kiến thức về ngành ca kịch hát bội, còn gọi là hát bộ, hay tuồng, hay tuồng cổ.
THÁI DOÃN HIỂUGiữa ngổn ngang những dữ kiện, con số, tiền nong, ngành Ngân hàng Việt vẫn hào hiệp tặng cho thi đàn ra một hồn thơ tinh tế: Nguyễn Ngọc Oánh.Trong thi sĩ Nguyễn Ngọc Oánh có hai con người: một trẻ và một già!
NGÔ ĐỨC TIẾNNăm 1989, báo Văn nghệ tổ chức cuộc thi thơ kéo dài trong 2 năm, tôi có gửi 5 bài thơ dự thi. Thơ gửi đi rồi, chưa mong được giải, chỉ mong được in báo Văn nghệ một vài bài vì trước đó tôi cũng đã nhiều lần gửi báo Văn nghệ nhưng chỉ được in một bài thơ “Giọng Nghệ”.
TRẦN THÁI HỌC(Nhân đọc Sông Hương phê bình và đối thoại - Nxb văn hoá thông tin - 2003)
MAI BÁ ẤNNgoài sáng tác, hơn mười năm trở lại đây, Thanh Thảo còn xuất hiện với tư cách là một người viết tiểu luận - phê bình được bạn đọc rất chú ý bởi giọng văn sắc sảo với những phát hiện độc đáo, mới mẻ. Nhìn chung, phong cách viết tiểu luận-phê bình của Thanh Thảo khá nhất quán nhằm mục đích tìm ra cái hay cái độc đáo của tác phẩm văn học mà không ồn ào tranh luận, không nặng nề về lý thuyết nhưng có độ bền về tính triết lý.
NGUYỄN DƯƠNG CÔNPhê bình văn học là một hình thái vận động của đời sống văn hóa văn học. Nó không phải là một thể loại văn học. Nó gắn bó huyết mạch tất yếu với vận động sáng tạo - hưởng thụ văn học.
HƯƠNG GIANG - PHẠM PHÚ PHONGLịch sử nói chung phán xét những gì đã qua, nhưng lịch sử nghệ thuật thì phán xét những gì còn lại. (Thái Bá Vân)
VÕ TẤN CƯỜNGCon đường của thi ca và cái nhìn của nhà thơ thời hiện đại đang hướng tới tầm cao mới và cả chiều sâu thẳm bí ẩn của vô ngã ẩn khuất dưới bao biến động dữ dội của những thể chế chính trị, giáo lý và các phát minh khoa học kỹ thuật.
PHONG ĐIỆPXã hội hoá giải thưởng - và chuyện kiếm tiền “nuôi thơ” thời bão giá
CHÂU MINH HÙNGLối viết chỉ là Tự do trong một khoảnh khắc. Nhưng đó là một trong những khoảnh khắc có ý nghĩa nhất của Lịch sử, bởi Lịch sử luôn luôn và trước hết là một lựa chọn và những giới hạn của lựa chọn ấy. (R. Barthes, Độ không của lối viết)
TRẦN THIỆN KHANHTích nhân/ dĩ thừa/ hoàng hạc khứThử địa/ không dư/ Hoàng Hạc lâuHoàng hạc/ nhất khứ/ bất phục phảnBạch vân/ thiên tải/ không du du…
PHẠM THỊ THÚY VINHThơ Lâm Thị Mỹ Dạ rất giàu hình ảnh. Thế giới hình ảnh trong thơ chị vừa đậm sắc màu hiện thực, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống vừa mang tính biểu tượng cao. Điều đó đã thể hiện tài năng và sự khéo léo của nhà thơ, nhằm làm cho những bài thơ của mình không chỉ dừng lại ở những lời thuyết lí khô khan, trừu tượng. Thế giời hình ảnh bao giờ cũng gợi ra trong trí tưởng tượng của người đọc nhiều liên tưởng bất ngờ và thú vị, làm cho lời thơ thêm mượt mà, trong sáng.
NGUYỄN DƯƠNG CÔN (Tiếp Sông Hương số 11-2008)Bản thể con người chỉ cấu trúc bằng cảm giác và những gì là biến tướng khả dĩ của cảm giác mà không từ bỏ cấu trúc thiên định bao gồm kết cấu thực và kết cấu ảo của cảm giác. Nếu hình dung kết cấu thực là trạng thái mô phỏng thế giới, nghĩa là cái quan hệ hấp dẫn giữa xung động thần kinh não bộ con người với xung động tiếp nhận thế giới, thì chúng ta hình dung được kết cấu ảo chỉ là sản phẩm thuần tuý do xung động nội tại của thần kinh não bộ con người.
NGUYỄN ĐỨC TÙNGPhân tâm học ra đời trong ánh bình minh của thế kỷ hai mươi. Ảnh hưởng của nó đối với sáng tạo và phê bình văn học khởi đi từ cuốn “Diễn dịch các giấc mơ” của Freud và được nối dài sau đó bởi nhiều công trình của các tác giả khác nhau.
CAO HUY THUẦNToàn cầu hóa đang là một xu thế, một hiện tượng rộng lớn bao trùm khắp thế giới, không chỉ về kinh tế mà cả trong lĩnh vực văn hóa và đời sống. Toàn cầu hóa và chống toàn cầu hóa đã trở thành vấn đề thời sự của thế giới. Trong bối cảnh đó, yêu cầu gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một đòi hỏi cấp thiết, có tính sống còn của mỗi dân tộc khi phải đối mặt với xu thế toàn cầu hóa, đặc biệt là trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa.Sông Hương xin giới thiệu một phần bài viết của Cao Huy Thuần như một góc nhìn thú vị về những vấn đề gai góc của thời đại.
NGUYỄN VĂN DÂN(*)LTS: Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ 2 của Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra 2 ngày 4 và 5 tháng 10 năm 2006 đã khép lại nhưng âm vang của nó vẫn còn “đồng hiện” theo 2 cực... buồn vui, cao thấp. Song, dù sao nó cũng đã phản ánh đúng thực trạng, đúng “nội tình” của đời sống văn học nước nhà.
PHẠM PHÚ PHONGMấy chục năm qua, người đọc biết ông qua những kịch bản thơ, những bài thơ viết về tình bạn, tình yêu; về những cuộc chia tay lên đường ra trận; về đất và người Hà Nội đầy khí thế hoành tráng của tâm thế sử thi; nhưng cũng có khi bí hiểm, mang tâm trạng thế sự buồn cháy lòng của một người sống âm thầm, đơn độc, ít được người khác hiểu mình.